Việt Nam sẵn sàng đối thoại thẳng thắn với Mỹ
© Ảnh : Portal of the Ministry of Agriculture Министр Ле Минь Хоан на встрече и с новым послом США Марком Кнаппером
Đăng ký
Mỹ là thị trường lớn nhất cho xuất khẩu nông sản Việt Nam. Người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định, Việt Nam sẵn sàng đối thoại cởi mở, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giải quyết hiệu quả các vụ kiện thương mại với Hoa Kỳ.
Đặc biệt, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã mời Đại sứ Mỹ Marc Evans Knapper nếu có dịp đi thăm, nếm thử mật ong Việt Nam để thấy được uy tín và chất lượng sản phẩm trong bối cảnh Washington áp thuế chống bán phá giá với mặt hàng này.
Việt Nam sẵn sàng đối thoại với Mỹ về các vụ kiện thương mại
Chiều 13/4, theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã có buổi tiếp và làm việc với Đại sứ Hoa Kỳ Marc Evans Knapper.
Tại cuộc gặp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan nêu rõ, Việt Nam luôn sẵn sàng xúc tiến, thúc đẩy các trương trình hợp tác để tháo gỡ các khó khăn trong giao thương nông sản giữa hai quốc gia trong thời gian tới.
Theo người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, trong số 11,9 tỷ USD xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Hoa Kỳ trong năm 2021, riêng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tới thị trường Hoa Kỳ đạt gần 8,8 tỷ USD, tăng 22,4% so với năm 2020.
Tiếp đó là thủy sản xuất sang Hoa Kỳ đạt trên 2,05 tỷ USD, tăng 26,2% so với năm 2020.
Một sự kiện khá thời sự được Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhắc đến là mới đây Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) áp mức thuế chống phá giá chỉ xấp xỉ 60% đối với sản phẩm mật ong Việt Nam, so với con số dự kiến trước đây mà DOC đưa ra là 400%, đã thấp hơn 7 lần, như Sputnik cập nhật đến bạn đọc trước đó.
Đối với vụ việc này, hôm 12/4, DOC quyết định mức thuế chống bán phá giá cho các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong Việt Nam ở mức 58,74% - 61,27% thay vì mức 410,93% - 413,99% trong kết luận sơ bộ trước đó.
Bình luận về mức thuế này, mức thuế này, Bộ Công Thương Việt Nam hoan nghênh việc Bộ Thương mại Mỹ đã lắng nghe ý kiến các bên và đã điều chỉnh một phần phương pháp tính toán.
“Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho rằng kết quả này vẫn chưa phản ánh đúng thực tế tình hình sản xuất, xuất khẩu mật ong của Việt Nam”, Bộ Công Thương bày tỏ.
© Ảnh : Portal of the Ministry of Agriculture Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại buổi tiếp và làm việc với tân Đại sứ Hoa Kỳ Marc Knapper
Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại buổi tiếp và làm việc với tân Đại sứ Hoa Kỳ Marc Knapper
Nêu ý kiến về mức thuế, ông Lê Minh Hoan cho rằng, để đạt được kết quả này, cùng với sự nỗ lực cung cấp hồ sơ chứng minh không bán phá giá từ phía Việt Nam, còn có sự hỗ trợ rất lớn từ Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam.
"Điều này có thể giúp người nuôi ong Việt Nam phát triển và mở rộng thị trường mật ong Việt Nam tại Hoa Kỳ”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Đích thân ông Lê Minh Hoan đã chia sẻ với Đại sứ Marc Knapper những điều tâm huyết và mời cả Đại sứ Hoa Kỳ nếu có dịp đi thăm các cơ sở sản xuất mật ong ở Việt Nam để hiểu thêm về sản phẩm này.
Năm 2020 - 2021, Bộ Thương mại Mỹ cũng khởi xướng Điều tra 301 về chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm gỗ dán cứng của Việt Nam.
Đến tháng 10/2021, Bộ Trưởng Nông nghiệp Việt Nam cũng đã tiến hành ký thỏa thuận với Trưởng đại diện thương mại (USTR) của Chính phủ Hoa Kỳ về kiểm soát khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp.
Theo ông Lê Minh Hoan, việc ký Thỏa thuận thể hiện tinh thần thiện chí và hợp tác của 2 bên, là cơ sở để Chính phủ Hoa Kỳ khép lại vụ điều tra theo hướng không gây bất lợi cho việc xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào thị trường Mỹ.
Điều này cũng góp phần nâng cao uy tín của ngành gỗ Việt Nam, làm nền tảng cho phát triển lâm nghiệp bền vững, phục vụ lợi ích cho người dân và doanh nghiệp hai nước.
Tìm giải pháp cho nông sản tươi Việt Nam sang Mỹ
Trao đổi với Đại sứ Mỹ, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam nêu rõ, Hoa Kỳ là thị trường tiêu dùng trái cây rất lớn.
Hiện nay, phía Mỹ đã cho phép nhập khẩu 7 loại quả tươi từ Việt Nam như thanh long, vú sữa, chôm chôm, xoài…
Tuy nhiêm kim ngạch xuất khẩu trái cây tươi của Việt Nam sang Hoa Kỳ vẫn còn thấp dù những sản phẩm này được người tiêu dùng châu Mỹ hết sức ưa chuộng.
Ngoài ra, hiện nay, các mặt hàng nông sản xuất khẩu sang Hoa Kỳ vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với các nông sản tươi.
Điều này là vì, theo quy định của Mỹ, các mặt hàng nông sản tươi trước khi xuất khẩu sang nước này cần phải qua khâu chiếu xạ.
Trong khi, hiện nay, tại Việt Nam mới chỉ có 2 kho chiếu xạ, thiếu cơ sở vật chất có thể dẫn đến ách tắc hàng hóa khi xuất khẩu số lượng lớn.
Mặt khác, đối với một số mặt hàng tươi, đơn cử như vải, nhãn, thanh long, hay xoài, việc chiếu xạ cao có thể khiến quả nhanh bị nẫu, giảm chất lượng sản phẩm, khi xuất khẩu sang Mỹ, từ đó, khó có thể cạnh tranh với hoa quả nhập khẩu từ các nước lân cận trong khu vực châu Mỹ.
Phát triển nền nông nghiệp hiện đại
Đại sứ Hoa Kỳ Marc E. Knapper khẳng định với Bộ trưởng Lê Minh Hoan rằng, đồ gỗ nội thất và mặt hàng thủy sản sản xuất tại Việt Nam đang rất được người tiêu dùng Hoa Kỳ ưa chuộng, tin tưởng.
Ông Knapper cũng lưu ý, riêng đối với nhóm hàng trái cây và các thực phẩm khác, nông sản Việt Nam sang Hoa Kỳ hiện chủ yếu phục vụ cho người gốc Việt và gốc Á, đa số các sản phẩm bán ra là sản phẩm khô.
Hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam mới khai thác được thị trường người gốc Á – điều này gây ra một số hạn chế nhất định.
Trong khi đó, tỷ lệ người gốc Á ở Mỹ không cao, còn thị trường người Hoa Kỳ bản đại và người Mỹ gốc Latin vẫn chưa được các doanh nghiệp Việt Nam khai thác triệt để, nên dư địa cho tăng trưởng xuất khẩu nông sản Việt Nam vào Hoa Kỳ còn rất lớn.
Đồng thời, dịch bệnh Covid-19 cũng đã khiến người tiêu dùng Hoa Kỳ thay đổi thói quen tiêu dùng ăn uống.
Đại sứ Knapper nêu rõ, hiện nay, người Mỹ đang ưa chuộng hàng đông lạnh, có thể bảo quản được lâu, tiện dụng. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam có thể đẩy mạnh các mặt hàng có thể bảo quản lâu, chế biến sẵn.
© Ảnh : Portal of the Ministry of Agriculture Bộ trưởng Lê Minh Hoan tiếp đón và làm việc với tân Đại sứ Hoa Kỳ Marc Knapper
Bộ trưởng Lê Minh Hoan tiếp đón và làm việc với tân Đại sứ Hoa Kỳ Marc Knapper
Đại sứ Marc Knapper khẳng định, Mỹ mong muốn trở thành một trong những đối tác hàng đầu do Việt Nam lựa chọn.
“Nông sản Mỹ có thể góp phần đảm bảo an ninh lương thực và cung cấp nguồn cung dồi dào cho thị trường Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam đã cung cấp những sản phẩm rất đa dạng cho người tiêu dùng Hoa Kỳ”, nhà ngoại giao nêu rõ.
Nhất trí với ông Marc Evans Knapper, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói Việt Nam muốn trở thành quốc gia có trách nhiệm đối với an ninh lương thực và môi trường toàn cầu.
Do đó, Bộ NN&PTNT mong muốn được thông qua Đại sứ quan tâm hỗ trợ các nguồn lực về tài chính và kỹ thuật thông qua các sáng kiến và hành động cụ thể để Việt Nam có thể tăng cường năng lực và thực hiện thành công các dự án hợp tác với Hoa Kỳ trong các lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với thế giới.
Bên cạnh đó, các nông sản Hoa Kỳ xuất khẩu sang Việt Nam có thứ hạng cao nên hai bên sẽ tiếp tục làm việc để giữ được sự thông suốt trong giao thương và hy vọng phía Hoa Kỳ sẽ mở cửa thị trường cho trái bưởi của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề nghị Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam các dự án về công nghệ bảo quản để đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, từ đó có thể tiếp cận sâu rộng hơn đến thị trường Hoa Kỳ.
Đối với vấn đề này, Đại sứ Marc E. Knapper bày tỏ sự đồng thuận với đề nghị của Bộ trưởng Lê Minh Hoan.
Theo ông Knapper, nâng cao chất lượng nông sản không chỉ tốt cho Việt Nam mà còn đem lại lại ích cho thị trường Mỹ cũng như chính người dân Hoa Kỳ.
Trong khi đó, về trái bưởi Việt Nam, cả hai bên đều đang rất gần đến kết quả, người tiêu dùng Mỹ sẽ rất vui nếu được sử dụng sản phẩm đặc biệt này của Việt Nam.
"Hoa Kỳ đánh giá rất cao các cam kết mạnh mẽ của Việt Nam với mục tiêu có phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam đã tích cực tham gia các sáng kiến của Hoa Kỳ về bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính", Đại sứ Marc E. Knapper bày tỏ.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đề cập đến vấn đề khắc phục thẻ vàng IUU của thuỷ sản Việt Nam.
Đại sứ Marc Knapper cho biết đây là vấn đề Hoa Kỳ muốn hợp tác để cung cấp cho Chính phủ Việt Nam các công cụ, phương pháp để khắc phục vấn đề này vì việc chịu thẻ vàng IUU không chỉ ảnh hưởng đến thương mại mà còn là vấn đề môi trường.
Ngoài ra, Bộ trưởng và Đại sứ cũng thống nhất về việc đẩy mạnh hợp tác để có thể cho ra đời được vaccine về Dịch tả lợn châu Phi.
Mỹ là thị trường lớn nhất cho xuất khẩu nông sản Việt Nam
Mỹ đã trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất của nông lâm thủy sản Việt Nam, với kim ngạch lên đến 11,9 tỷ USD trong năm 2021, chiếm 27,5% thị phần trong tổng giá trị hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam.
Trong 3 tháng đầu năm nay 2022, xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Hoa Kỳ đạt tới 3,5 tỷ USD, chiếm 27,1% trong tổng xuất khẩu ngành nông nghiệp quý đầu năm. Trong đó kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 68,2% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam tại thị trường này.
Ngoài ra, hai bên còn rất nhiều dư địa tăng trưởng trong thời gian tới nếu hai nước tháo gỡ được các rào cản thương mại và mở rộng thị trường.
Tại cuộc gặp, Đại sứ Marc Knapper nêu rõ, trong những vấn đề liên quan đến nông nghiệp Mỹ sẵn sàng hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính, chuyên môn, nhân sự để trở thành đối tác trong ứng phó biến đổi khí hậu của Việt Nam.
“Hiện nay, hai nước đã có những hợp tác rất tuyệt vời cùng nhau trong nông nghiệp, trong đó có việc bảo vệ nguồn lợi sông ở Đồng bằng sông Cửu Long”, Đại sứ Knapper tái khẳng định.
Tại cuộc gặp, người đứng đầu Bộ Nông nghiệp Việt Nam tin tưởng, mối quan hệ hợp tác đang phát triển hết sức tốt đẹp giữa Việt Nam – Hoa Kỳ sẽ tiếp tục được thúc đẩy, mang lại lợi ích hơn nữa cho cả 2 quốc gia, cho quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước nói chung và trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng.
Ông Lê Minh Hoan khẳng định, Bộ NN&PTNT luôn coi trọng quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ, với những kết quả tích cực đã đạt được trong nhiều năm qua về các vấn đề như Kế hoạch hành động hướng đến cán cân thương mại hài hòa và bền vững giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong khuôn khổ TIFA, chống khai thác IUU và thực thi pháp luật trên biển, các sáng kiến bảo vệ môi trường, giảm phát thải.
“Hoa Kỳ tự hào về những nỗ lực không ngừng của Việt Nam, để đạt vị trí thứ 8 trong số các thị trường xuất khẩu nông sản sang Mỹ và Hoa Kỳ cũng mong muốn trở thành một trong những đối tác hàng đầu mà Việt Nam lựa chọn”, Đại sứ Mỹ nhắc lại rằng bởi ông có niềm tin về chất lượng sản phẩm của Mỹ trên thị trường Việt Nam.