Mỹ nói về “sự trỗi dậy” của Việt Nam
19:54 21.04.2022 (Đã cập nhật: 20:12 21.04.2022)
© AFP 2023 / Hoang Dinh NamQuốc kỳ của Hoa Kỳ và Việt Nam.
© AFP 2023 / Hoang Dinh Nam
Đăng ký
Ở Mỹ đang bàn về tình thế hiện tại của Việt Nam cũng như phương cách để Hà Nội và Washington có thể xích gần hơn nữa.
Theo Viện Hòa bình Hoa Kỳ (USIP), sau chiến tranh, Việt Nam đang dần trỗi dậy như một cường quốc mới nổi, một trung tâm địa chính trị quan trọng ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Vị thế của Hà Nội đối với Washington ngày càng thay đổi.
Từng là cựu thù bên kia chiến tuyến, nay là bạn, là đối tác, liệu Mỹ và Việt Nam có thể xóa bỏ những vướng mắc, bất đồng còn tồn tại trong quan hệ song phương để tiến xa thêm một bước nữa – nâng cấp quan hệ Hà Nội – Washington lên tầm chiến lược?
Sự trỗi dậy của Việt Nam
Viện Hòa bình Hoa Kỳ (USIP) vừa phân tích về tình thế hiện tại của Việt Nam.
Gần 50 năm kể từ khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc và hơn một phần tư thế kỷ kể từ khi bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, Việt Nam đang dần trỗi dậy như một cường quốc mới nổi ở trung tâm khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và là đối tác ngày càng quan trọng của Hoa Kỳ.
“Từng là một trong những quốc gia nghèo và cô lập nhất thế giới, Việt Nam hiện là một quốc gia có thu nhập trung bình với dân số trẻ, năng động và một tương lai đầy hứa hẹn”, USIP khẳng định.
Kể từ khi gia nhập ASEAN năm 1997, Việt Nam đã đóng một vai trò quan trọng trong ngoại giao và phát triển của khu vực.
Chính sách đối ngoại của Việt Nam hướng tới việc trở thành một “người bạn và đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế”.
Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và các nước khác.
Hoa Kỳ và Việt Nam đã xác lập “mối quan hệ đối tác toàn diện” vào năm 2013, mang tính chiến lược trên mọi phương diện, bao gồm hợp tác về các vấn đề kinh tế, an ninh, giáo dục, văn hóa và “di sản chiến tranh”.
Chính sách hợp tác đa phương của Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị, bất chấp những thách thức về an ninh hàng hải ở Biển Đông và các vấn đề trong việc quản lý sông Mekong.
Về chính trị, Việt Nam là một quốc gia được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Quân đội Nhân dân Việt Nam có ảnh hưởng đáng kể trong hệ thống chính trị hiện nay. Quyền tự do ngôn luận và bày tỏ chính kiến được bảo đảm trong hiến pháp.
Dù đánh giá nhân quyền vẫn là một vấn đề gây tranh cãi trong mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Tuy nhiên, USIP nhấn mạnh, những đời Tổng thống trước đây của Mỹ như Barack Obama và Donald Trump đều đảm bảo với các nhà lãnh đạo Việt Nam rằng Hoa Kỳ tôn trọng hệ thống chính trị khác biệt của Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam được cộng đồng quốc tế công nhận vì đã xử lý tốt đại dịch Covid-19 trong giai đoạn đầu.
Mặc dù những làn sóng sau đó khó kiểm soát hơn, nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.
“Những thách thức trong tương lai đối với đất nước nằm ở việc đi tìm câu trả lời cho câu hỏi, làm thế nào để tiếp tục tự do hóa kinh tế và mở cửa xã hội trong khi duy trì sự ổn định chính trị và thể chế Nhà nước”, USIP nhận xét.
Đại sứ Knapper: Mỹ muốn nâng cấp quan hệ với Việt Nam
Mỹ đã rất nhiều lần cả trực tiếp và gián tiếp bày tỏ mong muốn nâng cấp quan hệ với Việt Nam, dù có thể, Bắc Kinh sẽ không thích điều này.
Chiều 20/4, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper đã có cuộc gặp gỡ báo giới đầu nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam.
Tại buổi làm việc, ông Knapper bày tỏ niềm vui vì khi quay trở lại Việt Nam, khẳng định Việt Nam nói chung và TP. Hà Nội nói riêng đã có những thay đổi mạnh mẽ.
© Ảnh : Social page of U.S. Embassy in HanoiBuổi họp báo của Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper ở Hà Nội
Buổi họp báo của Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper ở Hà Nội
© Ảnh : Social page of U.S. Embassy in Hanoi
Theo ông Knapper, thời gian vừa qua, mối quan hệ Việt – Mỹ đã phát triển trên mọi lĩnh vực, bao gồm kinh tế, thương mại, giao lưu nhân dân, văn hoá.
Mối quan hệ này sẽ tiếp tục được thúc đẩy trong tương lai. Chính ông cũng không hình dung được những kết quả quan hệ này khi còn công tác tại Việt Nam 15 năm trước.
Giải quyết các vấn đề sau chiến tranh là một nền tảng để củng cố mối quan hệ hai nước. Các hoạt động đã và đang được thực hiện là khử độc dioxin, rà phá bom mìn, vật liệu nổ, tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh ở cả phía Mỹ và Việt Nam, xây dựng niềm tin, hoà giải để tiến về tương lai.
Theo ông, kết quả mối quan hệ hiện nay có sự đóng góp rất lớn từ sự tận tuỵ, thiện chí của hàng trăm ngàn người ở cả 2 nước trong gần 3 thập niên vừa qua.
“Được hưởng lợi từ thành quả của những người tiền nhiệm, những thế hệ trước, tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác, lòng tin giữa hai nước, đó là nhiệm vụ quan trọng”, Đại sứ Marc Knapper khẳng định.
Tại buổi làm việc, ông Knapper cho biết trong nhiệm kỳ này, ông ưu tiên đến việc nâng cấp quan hệ của hai nước từ quan hệ đối tác toàn diện lên quan hệ đối tác chiến lược.
Vị Đại sứ Mỹ cho hay ông đã trao đổi với các đại diện Chính phủ, các địa phương, doanh nghiệp… nhằm nâng cấp quan hệ hai nước theo hướng này.
Theo ông, vấn đề này không chỉ là ưu tiên cá nhân của Đại sứ mà là ưu tiên của cả Chính quyền Mỹ. Trong chuyến thăm đến Việt Nam năm 2021, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã nhấn mạnh mong muốn tăng cường quan hệ hai nước.
Đại sứ Knapper cho rằng, thời cơ nâng cấp quan hệ hai nước đã chín muồi. Đến nay, đã gần 10 năm trôi qua kể từ khi hai nước xác lập mối quan hệ đối tác toàn diện. Việc nâng cấp quan hệ sẽ mở ra cơ hội làm sâu sắc hơn, mở rộng hợp tác giữa hai bên: tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực, chính trị - an ninh, kinh tế, năng lượng…
“Nếu đây không phải là quan hệ đối tác chiến lược thì tôi không biết như thế nào mới là chiến lược”, Đại sứ Knapper tuyên bố trong cuộc họp báo.
Trước câu hỏi của phóng viên liệu hai nước có thể nâng cấp quan hệ trong năm 2023, ông Knapper cho biết bản thân ông không thể đưa ra thời điểm cụ thể do điều này còn phụ thuộc các quá trình trao đổi, làm việc giữa hai bên. Tuy nhiên, ông mong muốn điều này có thể trở thành hiện thực càng sớm càng tốt.
“Chỉ có bầu trời là giới hạn trong quan hệ hai nước. Việt Nam và Mỹ có thể làm được rất nhiều điều cùng nhau nếu được trao cơ hội này”, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam tin tưởng.
Phản ứng của Việt Nam
Như Sputnik đã thông tin, trước đề nghị nâng cấp quan hệ của ông Knapper, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng hôm nay cho biết, mối quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ đã phát triển tốt đẹp trong thời gian qua.
Theo bà Hằng, sau 27 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hai nước đã đạt được bước tiến dài trên cơ sở cùng có lợi, tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị lẫn nhau.
Từ nền tảng đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định, Việt Nam mong muốn và sẵn sàng hợp tác với chính quyền Tổng thống Joe Biden thúc đẩy quan hệ 2 nước đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, vì hòa bình, ổn định hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới cũng như vì lợi ích của 2 nước và nhân dân 2 nước.
Bà Hằng cũng cho biết, hiện Việt Nam đang chuẩn bị cho chuyến công du của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ.
“Nhận lời của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ, thăm và làm việc tại Mỹ và Liên Hiệp Quốc”, người phát ngôn thông tin.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam dự kiến sẽ thăm và làm việc tại Hoa Kỳ, gặp gỡ lãnh đạo cấp cao chính quyền Biden – Harris và Liên Hiệp Quốc.
“Công tác chuẩn bị hội nghị diễn ra theo đúng trình tự và thủ tục của ASEAN”, người phát ngôn nhấn mạnh và bổ sung thêm rằng, cả ASEAN và Hoa Kỳ đều mong muốn sự kiện này sẽ diễn ra thành công tốt đẹp.
Tại họp báo hôm nay, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho hay, Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ - ASEAN, được tổ chức nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ hai bên, sẽ diễn ra vào ngày 12 đến 13 tháng 5 tại thủ đô Washington, Hoa Kỳ.
Có thể khẳng định, trong bối cảnh tình hình thế giới biến chuyển nhanh chóng như hiện nay, đặc biệt là cạnh tranh địa chính trị giữa các cường quốc ngày càng gay gắt, càng phải trân quý quá trình hơn ¼ thế kỷ bình thường hóa và vun đắp quan hệ tốt đẹp giữa Hà Nội và Washington.
Quan hệ Việt-Mỹ là một trong những mẫu điển hình của sự thăng trầm từ “đối đầu thù địch” đến “đối tác toàn diện” mang tính chu kỳ của 2 thập niên lịch sử.
Theo quan điểm của PGS.TS Đinh Ngọc Hoa và TS Vũ Đức Cường, Học viện Chính trị Công an nhân dân, địa vị của Việt Nam trong chiến lược của Mỹ ngày càng nổi bật.
Mỹ quan tâm sâu đến tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại và an ninh với Việt Nam. Đồng thời, muốn kiểm soát, khắc phục tình trạng thiếu tin tưởng cũng như những bất đồng giữa hai nước.
“Với đồng thuận cao của Chính phủ và nhân dân 2 nước, cùng nhau khép lại quá khứ, hướng đến tương lai, quan hệ Việt-Mỹ được kỳ vọng sẽ phát triển nhanh hơn, toàn diện hơn vượt tầm Đối tác toàn diện”, các chuyên gia Việt Nam tin tưởng.