IMF: Tình hình thế giới ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam
© AP Photo / Jose Luis MaganaIMF
© AP Photo / Jose Luis Magana
Đăng ký
Ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam, đã có những phân tích về vấn đề ổn định tài chính ở Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và triển vọng kinh tế năm 2022.
Các đánh giá của đại diện IMF được công bố tại buổi công bố ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2021 của Đại học Kinh tế quốc dân hôm qua 25/4.
Nỗi lo lạm phát
Nhận xét về tình hình chung của thế giới, ảnh hưởng chủ đạo từ biến chủng Omicron, đại diện IMF cho biết, trong khi nhiều quốc gia bao gồm Việt Nam đã coi Covid-19 như một bệnh đặc hữu thì ở Trung Quốc, nhiều biện pháp chống dịch vẫn còn rất nghiêm khắc và nặng nề.
Điều này có ảnh hưởng lớn tới Việt Nam vì Trung Quốc là một thị trường xuất khẩu lớn, và cũng là thị trường nhập khẩu nguyên phụ liệu trung gian cho quá trình sản xuất ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraina dẫn tới rủi ro lạm phát, việc hàng hóa, lương thực, nguyên liệu tăng giá. Do đó, lạm phát ở nhiều quốc gia chứng kiến xu hướng tăng nhanh vì “bão giá” hàng hóa cũng như dịch Covid-19 làm ảnh hưởng tới nguồn cung cho phục hồi kinh tế.
Do đó, IMF đánh giá hệ lụy của tăng giá có thể sẽ kéo dài đến 2023. Lạm phát ở cả các nền kinh tế phát triển và đang phát triển sẽ càng tăng cao hơn so với mức dự báo của IMF.
Ông Painchaud nhấn mạnh rằng, ở các nền kinh tế phát triển như Mỹ hay châu Âu, lạm phát tăng cao chóng mặt, ở mức cao nhất trong 40 năm trở lại đây.
Đồng thời, đây cũng là 2 lý do chính mà gần đây IMF đã hạ dự báo tăng trưởng của thế giới cũng như nhiều quốc gia khác, trong đó có Việt Nam so với bản dự báo vào tháng 1/2022 đã công bố.
Trước đó, Đoàn cán bộ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) do bà Era Dabla-Norris dẫn đầu cũng đánh giá, triển vọng trong thời gian tới của Việt Nam có nhiều rủi ro đáng kể.
“Các rủi ro tăng trưởng thiên về hướng làm giảm tăng trưởng trong khi các rủi ro lạm phát thiên về hướng làm tăng lạm phát. Các rủi ro cận kề ngay trước mắt bao gồm sự gia tăng căng thẳng địa chính trị và suy giảm tăng trưởng ở Trung Quốc. Các rủi ro khác là sự thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu và những diễn biến trên thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
IMF đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam 2022
Như đã biết, Việt Nam đã chính thức mở cửa trở lại với độ phủ vaccine rất cao và các chính sách phục hồi kinh tế nhanh chóng, kịp thời.
Chuyên gia Painchaud đánh giá cao các biện pháp hỗ trợ phục hồi tính đến thời điểm hiện tại.
“Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng Việt Nam đã có những thành công trong việc ổn định tài khóa, kinh tế đối ngoại và thị trường tài chính”, đại diện IMF khẳng định.
Phân tích về thị trường lao động Việt Nam, IMF đánh giá nhóm lao động trẻ và nhóm lao động không có kỹ năng là 2 nhóm đang chịu nhiều thiệt thòi nhất.
Theo đó, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng trong khi lực lượng lao động lại có sự suy giảm so với thời gian trước.
Theo ông Painchaud, các hộ gia đình cũng như doanh nghiệp vừa và nhỏ bị ảnh hưởng rất mạnh từ Covid-19 nhưng các doanh nghiệp lớn hơn vẫn có khả năng phục hồi. Chuyên gia của IMF đánh giá điều này có thể dẫn tới sự gia tăng sự bất bình đẳng giữa các nhóm.
Bàn về sự ảnh hưởng xung đột Nga - Ukraina tới Việt Nam, ông Painchaud nhận định, thông qua nhiều kênh khác nhau, cuộc xung đột này ảnh hưởng tới Việt Nam bao gồm tăng giá cả hàng hóa, tăng lạm phát, hoạt động kết nối thương mại tài chính, giảm nhu cầu từ khu vực đối ngoại và sự đứt gãy chuỗi cung ứng.
Theo Trưởng Đại diện IMF tại Việt Nam, những yếu tố này có thể tác động xấu tới nền kinh tế.
Với những cơ sở phân tích này, IMF đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam là 6% năm 2022 và 7,2% năm 2023.
Tỷ lệ lạm phát năm 2022 của Việt Nam được dự báo sẽ đạt mức 3,9%, rất gần với mục tiêu kiểm soát được đặt ra trước đó là 4%.
Tại thông cáo báo chí hôm 21/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định, các hỗ trợ chính sách và một chiến dịch triển khai tiêm chủng ấn tượng đã thúc đẩy chuyển hướng chiến lược sang sống chung với Covid sẽ giúp Việt Nam đạt mức tăng trưởng 6% trong năm 2022.
Đánh giá này được đưa ra sau chuyến làm việc của Đoàn cán bộ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) do bà Era Dabla-Norris làm trưởng đoàn trong khuôn khổ đợt tham vấn Điều khoản IV năm 2022 với Việt Nam từ ngày 4 đến ngày 20/4/2022 vừa qua.
“Tiến trình phục hồi được dự báo sẽ mạnh lên nhờ Chương trình Phục hồi và Phát triển Kinh tế Xã hội được thông qua gần đây. Kinh tế được dự báo tăng trưởng ở mức 6% trong năm 2022 và 7,2% trong năm 2023. Cuộc xung đột ở Ukraina được dự báo sẽ có tác động vừa phải đến tốc độ phục hồi và lạm phát”, bà Norris nói.
Mặc dù giá cả hàng hoá nguyên liệu thô đang tăng lên, lạm phát cho đến nay vẫn được kiểm soát và được dự báo vẫn nằm dưới mục tiêu 4% mà các cơ quan chức năng đề ra. Tuy nhiên, điều này, theo IMF, cũng phần nào cho thấy các hoạt động kinh tế còn cầm chừng tại Việt Nam.
IMF khuyến nghị chính sách gì với Việt Nam?
IMF khuyến nghị, trong ngắn hạn, việc thiết lập chính sách phải nhanh chóng và linh hoạt. Chính sách tài khóa cần được hỗ trợ để điều phối cho sự chuyển đổi của nền kinh tế.
“Hiện tại chính sách tiền tệ đang thể hiện khả năng hỗ trợ nhất định tuy nhiên bị giới hạn trong tương lai, rõ ràng Ngân hàn Nhà nước Việt Nam cần thắt chặt hơn chính sách tiền tệ so với mục tiêu ban đầu”, ông Painchaud bày tỏ.
Do đó, theo chuyên gia của IMF, chính sách tài khoá phải đi đầu, kết hợp với chính sách tiền tệ trong việc hỗ trợ các hộ gia đình, doanh nghiệp trong tương lai.
Về trung hạn, IMF khuyến nghị nên xây dựng lại vùng đệm tài khóa và huy động doanh thu, tăng cường an sinh xã hội, tăng cường tính linh hoạt của chính sách tiền tệ và tăng khả năng phục hồi của hệ thống ngân hàng.
Báo cáo trước đó hôm 21/4 của IMF cũng nêu, việc xây dựng chính sách của Việt Nam nên nhanh chóng, quy mô và cơ cấu gói hỗ trợ chính sách nên được điều chỉnh linh hoạt theo tốc độ phục hồi.
“Chính sách tài khoá nên đóng vai trò chủ đạo trong hỗ trợ chính sách, đặc biệt trong trường hợp các rủi ro làm suy giảm tăng trưởng trở thành hiện thực, vì dư địa cho việc tiếp tục nới lỏng tiền tệ là rất hạn chế trong bối cảnh các rủi ro lạm phát đang gia tăng”, IMF nhận xét.
Kinh tế Việt Nam đối diện với nhiều rủi ro
Tại Hội thảo khoa học quốc gia để đánh giá kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng năm 2022 ngày 25/4 do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp cùng Ban Kinh tế Trung ương, Ủy Ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức, GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đánh giá, năm 2021 chứng kiến những khó khăn và thách thức chưa từng có của nền kinh tế.
Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hơn với tốc độ lây lan rất nhanh; nhiều tỉnh, thành phố lớn phải giãn cách xã hội. Điều này ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và tính mạng của người dân, tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế và mọi mặt của đời sống xã hội.
“Kinh tế Việt Nam đang đối diện với nhiều rủi ro bất ổn vĩ mô và bất ổn tài chính, khiến cho quá trình ứng phó với đại dịch và hồi phục kinh tế trở nên khó khăn”, chuyên gia lưu ý.
Vì vậy, theo lãnh đạo ĐH Kinh tế Quốc dân, việc đánh giá tổng quan kinh tế năm 2021 cũng như thực trạng những bất ổn vĩ mô và bất ổn tài chính là cơ sở quan trọng để đưa ra các khuyến nghị chính sách góp phần hỗ trợ nền kinh tế vượt qua đại dịch, phục hồi và phát triển.
Trong khi đó, đánh giá tổng quan về kinh tế Việt Nam năm 2021, PGS. TS Tô Trung Thành, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cũng cho rằng, tăng trưởng kinh tế năm 2021 suy giảm mạnh ở mức 2,58%, thấp nhất trong vòng 2 thập kỷ gần đây. Nguyên nhân chủ yếu từ cú sốc suy thoái nặng nề trong Quý III với sự lan rộng của biến chủng Delta, đã gần như vô hiệu hoá các nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh của Chính phủ.
Bên cạnh đó, các chính sách phản ứng còn chưa hiệu quả, thiếu nhất quán giữa các địa phương; nhiều khu vực kinh tế trọng điểm của cả nước đã bị phong toả trong thời gian dài.
© Depositphotos.com / Nguyenkhanhvukhoa@gmail.comToàn cảnh thành phố Hồ Chí Minh lúc hoàng hôn
Toàn cảnh thành phố Hồ Chí Minh lúc hoàng hôn
© Depositphotos.com / Nguyenkhanhvukhoa@gmail.com
Tỷ lệ tổng đầu tư xã hội/GDP đạt 34,43%, gần như không đổi so với mức của các năm gần đây. Động lực tăng trưởng chính trong nền kinh tế là vốn đầu tư và tín dụng vẫn được duy trì nhưng hiệu quả suy giảm.
Tuy nhiên, đổi mới sáng tạo và kinh tế số - những động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế đã có dấu hiệu khởi sắc. Việt Nam xếp thứ 44/132 quốc gia, dẫn đầu các nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp, trong Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu.
Nhận định về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2022, theo các chuyên gia, với tình hình dịch bệnh mới và được thúc đẩy bởi gói hỗ trợ phục hồi kinh tế mới, tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt được mục tiêu 6-6,5%.
Tuy nhiên, những rủi ro bất ổn vẫn còn hiện hữu do đại dịch có diễn biến phức tạp, bất ổn chính trị thế giới leo thang cùng giá dầu tăng mạnh, tăng trưởng “nóng” trên thị trường bất động sản và chứng khoán như đã thấy thời gian qua.
Về giải pháp, các chuyên gia kinh tế khuyến nghị, các chính sách của Chính phủ cần tập trung hướng đến làm thế nào để hồi phục và phát triển nền kinh tế một cách bền vững trong bối cảnh “sống chung với Covid-19”.
Trong đó, chính sách tài khoá phải được coi là chính sách hỗ trợ quan trọng nhất. Cụ thể, Chính phủ có thể gia tăng hỗ trợ tài khoá mạnh mẽ hơn (lên khoảng 5-6% GDP) trong bối cảnh đặc biệt hiện nay để hỗ trợ nền kinh tế trong ít nhất 2-3 năm tới.
Đồng thời, chính sách hỗ trợ tín dụng nên hướng đến cả các doanh nghiệp ít bị ảnh hưởng do đại dịch nhưng có tác động tích cực đến các ngành, các lĩnh vực khác để thúc đẩy sản xuất của cả thị trường.
Chính sách lãi suất nên tập trung vào việc cắt giảm lãi suất cho vay hơn là lãi suất huy động…
Đặc biệt, theo ý kiến các chuyên gia, cần chú trọng hướng chuyển các dòng vốn tín dụng vào khu vực sản xuất và nền kinh tế thực, kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng “nóng” ở các thị trường tài sản.
Về vấn đề an sinh xã hội, các gói an sinh xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng cần được tiếp tục duy trì, mở rộng đối tượng thụ hưởng và chú trọng tới nhóm lao động thuộc khu vực phi chính thức, vốn chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch.