Ông Lưu Bình Nhưỡng chỉ ra điểm bất thường trong bản án của ông Trương Quốc Cường
20:41 23.05.2022 (Đã cập nhật: 20:44 23.05.2022)
© Ảnh : TTXVN - An Văn ĐăngXét xử vụ buôn bán thuốc giả: Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường bị tuyên phạt 4 năm tù
© Ảnh : TTXVN - An Văn Đăng
Đăng ký
Liên quan vụ án buôn bán thuốc giả Health 2000, xuất hiện dư luận cho rằng, việc cựu Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường chỉ lĩnh mức án 4 năm tù vì “ăn năn hối cải” còn nhẹ hơn so với kẻ trộm gà. Ông Cường lại chỉ ăn năn và nhận tội vào phút chót, nên việc xem xét giảm án là chưa hợp lý.
Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, buôn bán thuốc giả là tội ác, bản thân bản án còn nhiều băn khoăn, cần xem xét lại. Hành vi phạm tội của cựu thứ trưởng Trương Quốc Cường là đặc biệt nghiêm trọng và không hề có tình tiết đặc biệt nào nào để giảm án nhiều như thế.
Ông Trương Quốc Cường lĩnh 4 năm tù vì “ăn năn hối cải”
Liên quan vụ buôn bán thuốc giả nhãn mác Health 2000, sau 7 ngày xét xử và nghị án, chiều ngày 19/5, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường 4 năm về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, theo Điều 285 Bộ luật Hình sự 1999.
Trước đó, ông Cường bị đề nghị từ 7-8 năm tù, giảm 3 năm so với đề nghị trước đó của Viện Kiểm sát. Trong quá trình xét xử, cựu thứ trưởng Cường chỉ thừa nhận trách nhiệm là người đứng đầu.
Tuy nhiên, đến cuối phần tranh luận, ông Cường bất ngờ nói “xin nhận nốt trách nhiệm” như cáo trạng truy tố.
Thái độ của cựu Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường được VKS đánh giá là thành khẩn, ăn năn nên đề nghị HĐXX tuyên mức án thấp hơn so với đề nghị trước đó của Viện Kiểm sát.
Liên quan đến vụ án này, các bị cáo Lê Đình Thanh, cựu cán bộ hải quan TP HCM bị tuyên phạt 2 năm tù và Nguyễn Việt Hùng, cựu Cục phó Quản lý Dược 3 năm tù về cùng tội danh nêu trên.
HĐXX cũng tuyên phạt Nguyễn Thị Thu Thủy và Phạm Hồng Châu, là cựu cán bộ Cục Quản lý Dược cùng mức án 4 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Các bị cáo Nguyễn Minh Hùng, cựu chủ tịch HĐQT VN Pharma bị tuyên 18 năm tù, tổng hợp với bản án cũ buộc bị cáo phải chấp hành tổng hình phạt 30 năm tù.
Bị cáo Võ Mạnh Cường, cựu Giám đốc công ty H&C nhận 20 năm tù, tổng hợp với bản án trước đó, bị cáo này chịu 30 năm tù về tội “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh”.
Còn lại 7 bị cáo khác là cựu lãnh đạo, nhân viên thuộc Công ty VN Pharma nhận các mức án từ 2 - 30 năm tù về tội danh nêu trên.
Về trách nhiệm dân sự, tòa buộc các bị cáo Nguyễn Minh Hùng với nhóm bị cáo chịu liên đới bồi thường 31 tỷ đồng khắc phục hậu quả. Cấm đảm nhận các chức vụ liên quan đến lĩnh vực Dược sau khi chấp hành xong án phạt.
Hội đồng xét xử xác định, nhóm cán bộ tại Cục Quản lý dược và Hải quan đã thiếu trách nhiệm hoặc vi phạm quy định, để nhóm bị cáo thuộc Công ty VN Pharma buôn bán 7 loại thuốc chữa ung thư giả nhãn mác Health 2000.
Có hơn 800.000 hộp thuốc tổng trị giá hơn 1.2 triệu USD được nhập (tương đương 26 tỷ đồng) nhưng được nâng khống thành hơn 2,5 triệu USD (tương đương 54 tỷ đồng). Ngoài ra, hơn 600.000 hộp thuốc giả sau đó được bán cho các doanh nghiệp, bệnh viện… giúp các bị cáo thu lợi bất chính hơn 31 tỷ đồng.
“Đặc biệt nguy hiểm”
Theo HĐXX, hành vi phạm tội của các bị cáo trong vụ án này “đặc biệt nguy hiểm” cho xã hội vì hàng hóa đưa vào Việt Nam bán chưa rõ nguồn gốc là thuốc chữa bệnh cho con người, đây là loại hàng đặc biệt do Nhà nước quản lý.
“Hành vi phạm tội của các bị cáo có sự câu kết chặt chẽ, gây dư luận bất bình, làm giảm uy tín của tổ chức Đảng, đặc biệt là uy tín của ngành y tế”, HĐXX nhấn mạnh.
Tòa cho biết có nhiều cá nhân liên quan trong vụ án này nhưng chưa được khởi tố, HĐXX sẽ tiếp tục kiến nghị điều tra. Do đó, việc tòa không đề cập những người này không phải là thiếu sót, cũng không phải là bỏ lọt tội phạm.
Bên cạnh đó, trong vụ án này, cựu Thứ trưởng Trương Quốc Cường bị xác định khi phạm tội là Cục trưởng Quản lý dược, đã thực hiện không đúng, không đầy đủ trách nhiệm được giao, thiếu giám sát dẫn đến việc có 6 trong 7 loại thuốc giả nhãn mác Health 2000 giá trị hơn 148 tỷ đồng được nhập khẩu, tiêu thụ.
Ngoài ra, dù nhận được thông tin về số thuốc không đủ điều kiện được cấp phép nhưng bị cáo không quyết liệt, không chỉ đạo thu hồi, dẫn đến hậu quả số thuốc không rõ nguồn gốc được dùng cho người bệnh.
Riêng đối với bị cáo Trương Quốc Cường, HĐXX cho biết đã cân nhắc đến thái độ ăn năn hối cải của bị cáo, cân nhắc đến quá trình công tác bị cáo được nhiều huân huy chương, hiện bị cáo đang phải điều trị bệnh và đã tác động để gia đình khắc phục một phần hậu quả.
Đối với các bị cáo tham gia với vai trò giúp sức, làm theo sự chỉ đạo chủ yếu của lãnh đạo, HĐXX cho rằng, những người này cần được áp dụng mức án để có sự tương xứng so với tính chất mức độ và hậu quả gây ra.
Ông Lưu Bình Nhưỡng nêu điều kỳ lạ trong bản án của ông Trương Quốc Cường
Sau phiên tòa, xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến mức án được tuyên cho cựu Thứ trưởng Bộ Y tế.
Có người còn ví von, mức án dành cho ông Cường “còn nhẹ hơn so với những kẻ ăn trộm gà”.
Về vấn đề này, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Uỷ Ban Thường vụ Quốc hội nêu quan điểm, sau phiên tòa, cử tri và dư luận rất băn khoăn về bản án dành cho cựu Thứ trưởng Bộ Y tế.
“Cử tri hỏi tôi phải chăng có sự ưu ái hay có uẩn khúc bên trong. Bởi, tòa án cũng đã xác định, các bị cáo có sự cấu kết chặt chẽ, hành vi gây dư luận bất bình, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách chăm sóc sức khỏe của Nhà nước với Nhân dân, làm giảm uy tín của ngành y tế”, ông Lưu Bình Nhưỡng bày tỏ.
Ngoài ra, theo ông Nhưỡng, vụ án này đã làm mất rất nhiều thời gian của các cơ quan tố tụng để điều tra, truy tố, xét xử… Tuy nhiên, bản án lại tuyên “rất bất ngờ”.
Về việc VKS đề nghị mức án từ 7-8 năm tù nhưng sau đó đề nghị lại với mức thấp hơn rất nhiều chỉ 4 năm tù, diễn tiến này có hợp lý hay không, trao đổi với Pháp luật TP.HCM, Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Uỷ Ban Thường vụ Quốc hội cho biết, cá nhân ông thấy ban đầu ông Cường chỉ nhận trách nhiệm người đứng đầu chứ không nhận trách nhiệm đối với cáo buộc “không chỉ đạo đình chỉ lưu hành thuốc giả”, gây nên hậu quả rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, đến ngày xét xử tiếp theo thì bất ngờ ông Cường “xin nhận nốt trách nhiệm” theo cáo buộc của VKS. Với tình tiết này, ông Cường từ bị đề nghị 7-8 năm tù đã được đề nghị giảm xuống gần một nửa, còn từ 4-5 năm tù. Bởi theo đại diện VKS, bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải.
“Điều kỳ lạ là HĐXX lại chấp nhận việc đề nghị giảm án, trong khi ông Cường không có tình tiết nào đặc biệt để giảm án. Dư luận cử tri và bản thân tôi thấy bản án này chưa đủ răn đe cho tội phạm liên quan đến thuốc giả”, ông Lưu Bình Nhưỡng chỉ rõ.
Đến phút chót mới nhận tội
Khi đem ra so sánh mức án với các bị cáo khác như Nguyễn Minh Hùng (mức án tới 18 năm tù), trong khi cựu Thứ trưởng Trương Quốc Cường, người cho phép bị cáo Hùng nhập khẩu thuốc, lại chỉ nhận mức án 4 năm tù, ông Lưu Bình Nhưỡng nêu ý kiến, Tòa cho rằng các bị cáo gây ra hậu quả rất nghiêm trọng, cấu kết chặt chẽ với nhau để gây án.
Qua đó cho thấy, ông Cường khi đó là Cục trưởng Cục Quản lý dược phải chịu trách nhiệm chính khi cấp phép lô thuốc ung thư giả hơn 830 ngàn hộp. Trong đó, có hơn 600 ngàn hộp đã bán trót lọt ra thị trường thì “hậu quả vô cùng khủng khiếp”, chưa thể định lượng được bao nhiêu bệnh nhân đã bị ảnh hưởng bởi thuốc giả.
“Hành vi phạm tội của cựu thứ trưởng Cường là đặc biệt nghiêm trọng và không hề có tình tiết đặc biệt nào nào để giảm án nhiều như thế. Nếu ông Cường không cấp phép để tạo điều kiện cho lô thuốc giả lưu hành thì đã không gây ra hậu quả. Và như vậy phải xem xét một mức án có tính răn đe chứ không thể giảm án”, ông Cường nói.
Cụ thể, pháp luật quy định việc xem xét giảm nhẹ hình phạt khi bị can, bị cáo lập công chuộc tội khai ra kẻ chủ mưu, cầm đầu hay đồng phạm… Ở đây, ông Cường chỉ đến phút chót trước khi nói lời sau cùng mới nhận tội theo toàn bộ cáo trạng mà VKS đã truy tố.
“Như vậy, việc đề nghị giảm án đã gây sự băn khoăn, bức xúc trong dư luận, cử tri cả nước. Tôi đã nhận rất nhiều tin nhắn, điện thoại phản ứng về bản án đối với ông Cường”, ông Lưu Bình Nhưỡng nêu rõ.
“Buôn bán thuốc giả là tội ác”
Theo quan điểm của ông Lưu Bình Nhưỡng, xét về hậu quả của việc cấp phép cho thuốc giả do ông Cường đã gây ra là không thể đo đếm được.
Ông Nhưỡng nhấn mạnh, tại phiên tòa, ông Cường vẫn đổ lỗi do cơ sở vật chất thiếu thốn, cán bộ làm việc trong điều kiện quá tải nên việc quản lý điều hành chưa chặt chẽ là cách nói không thành khẩn, đổ lỗi.
Bản thân ông Lưu Bình Nhưỡng đánh giá, bản án trên vẫn còn nhiều điều băn khoăn, cần xem xét lại về tính chất, mức độ, hậu quả mà hành vi của cựu thứ trưởng Cường đã gây ra để tuyên bản án phù hợp với pháp luật, bảo đảm tính răn đe cho loại tội phạm này.
Nhấn mạnh quan điểm buôn bán thuốc giả là tội ác, nó làm người dân mất niềm tin vào cơ quan bảo vệ chăm sóc sức khỏe, nó đi ngược lại đường lối chủ trương của Đảng, Nhà nước, ông Nhưỡng khẳng định, Đảng và Nhà nước không bao giờ dung túng, chấp nhận cho tội phạm này hoành hành để gây hại cho người dân, làm suy giảm niềm tin của nhân dân.
“Tôi xin chia sẻ với nỗi đau của những gia đình có người thân bị ung thư uống phải thuốc trị ung thư giả. Tôi cũng tin lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo xử lý nghiêm bất kỳ ai có hành vi xâm hại đến sức khỏe của nhân dân, trục lợi bất chính trên nỗi đau của người bệnh”, ông Lưu Bình Nhưỡng bày tỏ.