Hà Nội mùa này phố cũng như sông
10:52 30.05.2022 (Đã cập nhật: 14:56 30.05.2022)
© Ảnh : Hoàng Trung Hiếu - TTXVNMưa lớn gây ngập úng nhiều tuyến phố ở Thủ đô
© Ảnh : Hoàng Trung Hiếu - TTXVN
Đăng ký
HÀ NỘI (Sputnik) - Việc Hà Nội liên tục lụt cao trong những ngày mưa lớn phản ánh năng lực thoát nước còn nhiều thiếu sót của thủ đô.
Theo phản ánh của Zing về cuộc sống của người dân trong khu tập thể nhà chị Hoàng Thanh ngày 29/5 sau trận mưa lớn gây ngập lụt diện rộng tại thủ đô. Chị Thanh cho biết đây là lần thứ 2 gia đình chị phải đi "tát nước" chỉ trong vòng một tháng qua. Trước đó là khi trận mưa lớn xảy ra hôm 22-23/5, mọi người đều nơm nớp lo sợ khi nước dâng đến gần bậu cửa.
Khu tập thể nhà chị Thanh nằm trong con ngõ nhỏ ở đường Nguyễn Chí Thanh (Đống Đa, Hà Nội). Cứ khi mưa lớn ập xuống, như một thói quen, các nhà dân ở tầng một phải đồng loạt kê đồ đạc lên cao và chắn ván ngoài cửa để hạn chế nước. May mắn thay, vì đã có kinh nghiệm, các hộ dân chủ động kê đồ điện lạnh, điện tử lên cao cũng tránh được tương đối thiệt hại.
"Ngập nhiều lần nên mọi người cũng quen và chủ động, có người đem cả tấm chắn to để chặn trước ngõ, ngăn ôtô đi vào tạo sóng làm nước tràn vào nhà nhiều hơn. Một số hộ dọn dẹp xong vẫn kê ván chặn cửa, đề phòng mưa lớn tiếp trong đêm", chị Thanh chia sẻ kinh nghiệm.
Sau khoảng một giờ kể từ khi mưa dứt, nước mới rút hết trong nhà và ngoài ngõ. Người dân lại vất vả lau dọn nhà cửa, đồ đạc. Còn bùn đất đọng lại, mọi người sẽ dọn dẹp tiếp vào sáng hôm sau.
© Ảnh : Hoàng Trung HiếuMưa lớn gây ngập úng nhiều tuyến phố ở Thủ đô
Mưa lớn gây ngập úng nhiều tuyến phố ở Thủ đô
© Ảnh : Hoàng Trung Hiếu
Trong khi đó, nhiều người dân lại có trải nghiệm tồi tệ khi di chuyển trên đường trong trận mưa chiều 29/5. Đa phần đều rất "sốc" khi chứng kiến cảnh "đường biến thành sông", nước ngập ngang người. Mọi người đều chọn giải pháp tắt máy, dắt xe qua dòng nước nặng trịch, vừa đi vừa lo xe hỏng, người ngã.
Theo ông Trịnh Ngọc Sơn, Phó giám đốc Công ty TNHH Thoát nước Hà Nội, trận mưa ngày 29/5 vừa qua vượt quá công suất thiết kế của hệ thống thoát nước trong nội đô.
Hiện nay, hệ thống chỉ đáp ứng được năng lực tiêu thoát với lượng mưa 310 mm trong 2 ngày. Trong khi, nhiều điểm mưa ở Hà Nội vừa qua lên tới 180 mm chỉ trong vòng 2 giờ. Mưa lớn trút xuống trong thời gian ngắn vượt gấp đôi năng lực thiết kế hệ thống thoát nước của thành phố.
© Ảnh : Nguyễn Mạnh Khánh - TTXVNMưa lớn gây ngập úng nhiều tuyến phố ở Thủ đô
Mưa lớn gây ngập úng nhiều tuyến phố ở Thủ đô
© Ảnh : Nguyễn Mạnh Khánh - TTXVN
Điều này dẫn tới việc 35 điểm ngập úng trong thành phố sau trận mưa chiều qua bao gồm các điểm tập trung gần lưu vực sông Tô Lịch ở địa bàn các quận Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, Cầu Giấy và một số địa bàn thuộc lưu vực sông Nhuệ (quận Nam Từ Liêm), lưu vực Long Biên.
"Lưu vực sông Tô Lịch được đầu tư bởi dự án thoát nước giai đoạn 1 và 2 nên có thể chịu được trận mưa 310 mm trong 2 ngày. Còn lại những lưu vực khác phụ thuộc rất lớn vào hệ thống tự chảy của sông Nhuệ và sông Cầu Bây, hệ thống thoát nước đô thị và hệ thống nông nghiệp thủy lợi nên không tránh khỏi việc thoát kém", ông Sơn nói.
Bên cạnh đó, một số trạm bơm tiêu chính như Liên Mạc, Yên Nghĩa hoàn thành nhưng chưa phát huy hiệu quả do hệ thống kênh dẫn, kênh xả chưa đồng bộ. Còn trạm bơm Gia Thượng, Cự Khối chưa được cải tạo, nạo vét ảnh hưởng đến tiêu thoát nước trong hệ thống.
Hiện, Hà Nội còn 6 điểm không giảm úng ngập là ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, ngã năm Đường Thành - Bát Đàn - Phùng Hưng, đường Cao Bá Quát, đường Nguyễn Khuyến, đường Trường Chinh và đại lộ Thăng Long.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, một số điểm ngập úng dai dẳng do thi công các dự án giao thông, hạ tầng gây ảnh hưởng đến khả năng tiêu úng.
Nhận định về tình trạng ngập lụt tại Hà Nội, GS Nguyễn Văn Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho rằng thành phố cần đánh giá lại khả năng tiêu thoát của hệ thống thoát nước khi xảy ra mưa cường độ lớn.
"Cần nhiều giải pháp tổng thể để giải quyết bài toán ngập úng đô thị, trong đó có việc vận hành hồ điều tiết, trồng cây xanh, khơi thông lòng sông và nâng cao năng lực tiêu thoát bằng cách đẩy nhanh tiến độ các dự án thoát nước đang bị đình trệ", vị chuyên nêu quan điểm với Zing.