Làm sao để graffiti không còn bị mang tiếng?
© AFP 2023 / Lou BenoistGraffiti trên toa tàu. Lưu trữ.
© AFP 2023 / Lou Benoist
Đăng ký
HÀ NỘI (Sputnik) - Chủ đề Graffiti lại “hot" trở lại sau sự việc tàu metro ở TP.HCM bị bôi bẩn vài ngày qua. Song, không thể phủ nhận, đâu đó có những tác phẩm graffiti hay tranh tường lại khiến bộ mặt thành phố trở nên đẹp hơn khi được thực hiện đúng chỗ và mang tính nghệ thuật.
Trước đó, năm 2017, tàu metro Cát Linh – Hà Đông ở Hà Nội cũng từng bị vẽ bậy với hình thức tương tự toa tàu metro tại depot Long Bình (TP Thủ Đức, TP.HCM) vừa qua.
“Tôi cho rằng các bạn chơi graffiti ở TP.HCM sẽ không phải là tác giả của sự việc mới đây”, anh Đỗ Thế Thành (31 tuổi), nghệ sĩ graffiti tại Hà Nội, trao đổi với Zing.
Anh Thành từng hợp tác với Công an Hà Nội trong công tác điều tra thủ phạm vẽ bậy lên tàu Cát Linh – Hà Đông.
“Nhìn vào nét vẽ thì có thể đây là khách du lịch hay người nước ngoài nào đó đã vẽ lên tàu”, anh Thành phán đoán và cho rằng những nét vẽ trên tàu metro ở TP.HCM có khả năng cao do người nước ngoài vẽ, tương tự trường hợp ở Hà Nội.
"Theo nghệ sĩ này, cộng đồng graffiti ở Việt Nam thì hiểu luật pháp, biết việc vẽ bất hợp pháp ở nơi công cộng sẽ bị xử phạt, nhất là tại công trình trọng điểm như tàu metro ở TP.HCM. “Không anh em nào muốn bị phạt”, anh nói.
Theo thuật ngữ của giới graffiti, các hình vẽ bậy trên toa tàu metro gọi là bomb, nghĩa là để lại dấu ấn của mình tại một nơi nào đó và không được sự cho phép của người khác. Người thực hiện gọi là bomber.Đây được coi là một hoạt động vẽ bất hợp pháp.
“Graffiti được thực hiện hợp pháp sẽ góp phần tạo ra các tác phẩm tốt, khiến người khác có cái nhìn thiện cảm. Vẽ graffiti bất hợp pháp tại khu vực công cộng thì ngược lại. Nó là ranh giới lựa chọn của người nghệ sĩ graffiti”, nghệ sĩ Đỗ Thế Thành khẳng định.
Nghệ sĩ Lưu Đoàn Duy Linh (nghệ danh Daes) có kinh nghiệm hơn 8 năm trong giới graffiti, cho biết những nghệ sĩ như anh thường phải đi ‘xin tường’ để vẽ, để yên tâm thể hiện tác phẩm chỉn chu chứ không phải vội vàng, nguệch ngoạc.
Theo đó, các nghệ sĩ sẽ mang tác phẩm phác thảo đến nhà dân, xin chủ nhân vẽ lên tường với mục đích trang trí cho đẹp. Tuy nhiên có nhiều lần xin được, nhưng cũng không ít lần bị từ chối.
Không thể phủ nhận tính nghệ thuật của graffiti.
Tháng 12/2021, 3 dãy nhà trong khu chung cư 1A - 1B Nguyễn Đình Chiểu (phường Đa Kao, quận 1) được thay đổi diện mạo bằng các bức tranh tường khổng lồ.
“Người dân mong muốn sơn lại tường từ nhiều năm nay, nhưng kinh phí của chính quyền hỗ trợ lẫn quyên góp từ cư dân vẫn không đủ. Thấy 3 bức tường bong tróc sơn được cải tạo, tôi và các cư dân hy vọng toàn bộ khu chung cư cũng được tân trang”, cư dân tên Hồng Thủy nói.
Chia sẻ với Zing, một số cư dân cho rằng chỉ cần tác phẩm phù hợp thuần phong mỹ tục, được duyệt kỹ nội dung và nhìn bắt mắt thì đã đẹp rồi, không cần tranh vẽ đầu tư quá nhiều.
Graffiti nói riêng và vẽ tranh tường đã có mặt nhiều năm ở TP.HCM. Tuy nhiên, môn nghệ thuật đường phố này vẫn bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các hành vi bôi bẩn khiến công chúng có cái nhìn khắt khe hơn với graffiti.
“Nhiều người nghe đến graffiti là nghĩ đến vẽ linh tinh lên tường, làm mất mỹ quan đô thị. Tôi mong có thêm những buổi triển lãm, cuộc thi, không gian vẽ được cấp phép và truyền thông bài bản, để mọi người có thể biết đến rộng rãi và có cái nhìn bớt khắt khe hơn về môn nghệ thuật này”, nghệ sĩ Lưu Đoàn Duy Linh bày tỏ.