Việt Nam làm rất tốt chiến lược “ngoại giao mềm” xung quanh vấn đề Biển Đông
17:28 15.06.2022 (Đã cập nhật: 17:34 15.06.2022)
© Ảnh : Báo Thế giới & Việt NamTiếp đón các nước tham dự nhân dịp kỷ niệm 40 năm phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển UNCLOS tại New York
© Ảnh : Báo Thế giới & Việt Nam
Đăng ký
Việt Nam được ủng hộ và đánh giá rất cao về lập trường nhất quán trong vấn đề giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình dựa trên cơ sở Hiến chương LHQ và Công ước quốc tế về Luật Biển (UNCLOS).
Đại diện Phái đoàn Việt Nam, Đại sứ Đặng Hoàng Giang cũng mong muốn trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang đứng trước nhiều thách thức chung về biển, đại dương, Nhóm bạn bè sẽ tiếp tục phát triển, đóng góp hơn nữa vào các nỗ lực chung của quốc tế nhằm ứng phó với các thách thức đó.
Thiện chí của Việt Nam
Thông tin từ Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc (LHQ) cho hay, ngày 14/6 ở New York đã diễn ra buổi chiêu đãi dành cho các nước thành viên Nhóm bạn bè Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thông qua UNCLOS.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, buổi lễ diễn ra đúng vào dịp một năm ngày thành lập Nhóm (30/6/2021-2022), cùng thời gian tổ chức Hội nghị lần thứ 32 các nước thành viên UNCLOS.
Đại diện gồm Trưởng phái đoàn 12 nước sáng lập Nhóm; bà Vanessa Frazier, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Malta, Chủ tịch Hội nghị UNCLOS lần thứ 32; ông Miguel Soares, Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách các vấn đề pháp lý kiêm Cố vấn pháp lý của LHQ; ông Vladimir Jares, Trưởng Văn phòng các vấn đề về đại dương và luật biển đều góp mặt tại buổi chiêu đãi này.
Ngoài ra, cùng tham gia hoạt động này còn có sự tham gia đông đảo của nhiều Đại sứ, Trưởng đoàn các nước tham gia SPLOS 32 và gần 100 đại diện, các chuyên gia về luật biển của các nước thành viên Nhóm bạn bè.
Tiệc chiêu đãi nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thông qua UNCLOS và một năm ngày thành lập Nhóm (30/6/2021-2022) cho thấy sự quan tâm, thái độ nghiêm túc và thiện chí của Việt Nam.
Nhóm bạn bè của UNCLOS
Như đã biết, nhóm bạn bè là một hình thức phối hợp không chính thức, linh hoạt, nhằm tăng cường hợp tác giữa một số nước có cùng quan tâm về một vấn đề cụ thể để thúc đẩy các mục tiêu chung.
Ở đây là quan ngại về các hành vi vi phạm Công ước quốc tế về Luật Biển xung quanh tình hình Biển Đông mà Việt Nam cũng là nước có tuyên bố chủ quyền tại khu vực này.
Theo Bộ Ngoại giao, Nhóm bạn bè UNCLOS là nhóm đầu tiên Việt Nam khởi xướng, đồng chủ trì vận động thành lập (cùng Đức) và tham gia nhóm nòng cốt (bao gồm 12 nước là Argentina, Canada, Đan Mạch, Đức, Jamaica, Kenya, Hà Lan, New Zealand, Oman, Senegal, Nam Phi và Việt Nam) chịu trách nhiệm điều phối các hoạt động của Nhóm.
Đến nay, tham gia Nhóm bạn bè của UNCLOS có 115 nước, đại diện cho tất cả các khu vực địa lý, bao gồm 5 nước ủy viên thường trực HĐBA LHQ, nhiều nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương như Indonesia, Philippines, Brunei, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Sri Lanka, Australia, New Zealand và các khu vực khác.
Tham dự khuôn khổ liên kết này, các nước thành viên Nhóm đã có nhiều hoạt động đa dạng trong thời gian qua, như tổ chức các hội thảo, tọa đàm về vai trò của UNCLOS sau 40 năm được thông qua, tình hình hoạt động của Cơ quan quyền lực đáy đại dương (một trong các cơ chế được thành lập theo UNCLOS).
Đồng thời, 12 nước đồng sáng lập Nhóm đã có phát biểu chung tại phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng LHQ tháng 4/2022 kỷ niệm 40 năm Công ước, trong đó nhấn mạnh những giá trị phổ quát, lâu dài của UNCLOS, tầm quan trọng của việc tuân thủ và thực hiện đầy đủ Công ước, giải quyết hòa bình các tranh chấp, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, cùng giải quyết các thách thức chung về biển, đại dương.
Tranh thủ sự ủng hộ “Hiến pháp của đại dương”
Theo Bộ Ngoại giao, trong trao đổi trước và trong buổi chiêu đãi, đại diện nhiều nước đã hoan nghênh sáng kiến của Việt Nam cũng như 12 nước đồng sáng lập Nhóm, cho rằng buổi lễ có ý nghĩa tích cực, diễn ra trong thời gian Hội nghị UNCLOS 32, góp phần đề ra cam kết của đông đảo các nước thành viên LHQ, các nước thành viên UNCLOS đối với Công ước.
Phát biểu chào mừng, thay mặt cho 12 nước sáng lập Nhóm, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ vui mừng cho hay, trong một năm qua, dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, Nhóm vẫn duy trì hoạt động đều đặn dưới các hình thức đa dạng, ý nghĩa.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang cũng bày tỏ lời cảm ơn tới tất cả 115 nước thành viên đã luôn ủng hộ và tham gia tích cực vào hoạt động chung, khẳng định sự tham gia đó thể hiện cam kết chung của các nước đối với mục đích thành lập của Nhóm là đề cao UNCLOS là Công ước thường được coi là “Hiến pháp của đại dương”.
Cũng tại sự kiện này, Đại sứ Việt Nam Đặng Hoàng Giang bày tỏ mong muốn trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang đứng trước nhiều thách thức chung về biển, đại dương, Nhóm bạn bè sẽ tiếp tục phát triển, đóng góp hơn nữa vào các nỗ lực chung của quốc tế nhằm ứng phó với các thách thức đó.
Phát biểu tại tiệc chiêu đãi, bà Vanessa Frazier, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Malta, Chủ tịch Hội nghị UNCLOS 32 cho rằng, việc ủng hộ và cam kết mạnh mẽ đối với UNCLOS sẽ giúp các quốc gia, trong đó có Malta, nâng cao uy tín quốc tế, mở rộng sự tham gia của các nước.
“UNCLOS là văn kiện toàn diện, điều chỉnh tất cả các hoạt động trên biển và đại dương”, bà Frazier nhấn mạnh và cho rằng, với số lượng thành viên rộng lớn đến từ tất cả các nhóm khu vực của mình, Nhóm bạn bè UNCLOS sẽ tạo ra một diễn đàn cởi mở, thân thiện để các nước cùng trao đổi các vấn đề về biển và đại dương, qua đó đóng góp chung vào việc thực hiện đầy đủ UNCLOS, trong đó có công việc của các Hội nghị SPLOS.
Trong khi đó, Phó Tổng thư ký LHQ Miguel Soares nhận xét, UNCLOS là một bước phát triển quan trọng của luật pháp quốc tế, được sự ủng hộ hết sức rộng rãi của các nước thành viên Liên Hợp Quốc và qua đó đã trở thành luật tập quán quốc tế, tạo khuôn khổ cho các hoạt động về biển, trong đó có phát triển bền vững các vùng biển, thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững thứ 14 về biển.
Cũng nhân dịp này, ông Miguel Soares hoan nghênh những hoạt động tích cực của Nhóm trong thời gian qua và kỳ vọng Nhóm sẽ phát huy hơn nữa vai trò của mình tại các diễn đàn thảo luận các vấn đề liên quan đến biển và đại dương, với nhiều hoạt động, cơ chế quốc tế diễn ra trong năm nay.
Việt Nam làm rất tốt chiến lược “ngoại giao mềm”
Liên quan đến Biển Đông, như Sputnik thông tin trước đó, các nước như Mỹ, Đức, Nhật Bản, Australia Philippines và Việt Nam đều bày tỏ quan ngại về các yêu sách chủ quyền hoặc các vùng biển có phạm vi quá rộng và trái pháp luật tại Biển Đông, các sự cố, hành vi cản trở hoạt động khai thác dầu khí bình thường của các nước, bao gồm sử dụng tầu hải cảnh nhằm cưỡng chế.
Đại diện các nước nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm quyền tự do hàng hải trên Biển Đông, các yêu sách về các vùng biển cần phải được xác lập phù hợp với UNCLOS, các bên liên quan có nghĩa vụ giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế phù hợp với UNCLOS, trong đó có các cơ chế tài phán, bảo đảm các quy định, chính sách nội bộ quốc gia phải phù hợp với UNCLOS, đồng thời tôn trọng phán quyết của Tòa án trọng tài thường trực (PCA) tại La Haye về vấn đề Biển Đông năm 2016.
Việt Nam, trong các tuyên bố chính thức, cũng khẳng định lập trường nhất quán là mọi tranh chấp phải được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực.
Việt Nam cũng kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, không quân sự hóa hoặc tiến hành các hoạt động làm phức tạp tình hình, gia tăng tranh chấp, ảnh hưởng đến an toàn, an ninh hàng hải và hàng không tại Biển Đông, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực.
Hà Nội cũng đề nghị các bên có chung tranh chấp thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn thiện Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) có nội dung thực chất và có hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.
Có thể thấy, cộng đồng và dư luận quốc tế đánh giá rất cao quan điểm nhất quán của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông – trong đó ưu tiên duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không; bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, giải quyết bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), tiếp tục nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.
Việt Nam đang làm rất tốt xung quanh vấn đề Biển Đông với đường lối ngoại giao mềm dẻo, tranh thủ sự ủng hộ tối đa của các nước nhằm duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực dường như chưa bao giờ lặng sóng ngầm này.