Liệu Việt Nam có soán ngôi vị của Trung Quốc?

© Ảnh : TTXVN - Vũ Hữu SinhCông ty TNHH Durian ở xã Vật Lại, huyện Ba Vì chuyên sản xuất hàng may mặc xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Đông Âu
Công ty TNHH Durian ở xã Vật Lại, huyện Ba Vì chuyên sản xuất hàng may mặc xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Đông Âu - Sputnik Việt Nam, 1920, 19.07.2022
Đăng ký
Gần đây, trên báo chí xuất hiện dự đoán rằng chẳng mấy chốc Việt Nam có thể soán ngôi giành lấy danh hiệu «công xưởng thế giới» vốn do Trung Quốc nắm giữ nhiều năm. Có căn cứ cho những kết luận như vậy, mà lại là khá nặng ký.
Ngày càng nhiều doanh nghiệp, kể cả những tập đoàn khổng lồ toàn cầu hay những công ty nhỏ hơn, đang dời chuyển hoạt động sản xuất của họ ra khỏi Trung Quốc, và dòng vốn đầu tư nước ngoài đang tăng. Việt Nam tích cực đa dạng hóa thị trường, tham gia nhiều hiệp định đa phương và song phương về tự do thương mại. Cuộc chiến chống coronavirus thành công góp phần nhanh chóng phục hồi kinh tế, Việt Nam đang vươn lên toả sáng trong tất cả các bảng xếp hạng thế giới.

Con đường nhọc nhằn tới ngôi vị «công xưởng thế giới»

Cội nguồn của xu thế này đã được các chuyên gia phân tích: tình hình chính trị - xã hội trong nước ổn định, lực lượng lao động trẻ, được đào tạo, giá công rẻ, luật đầu tư hấp dẫn, gần Trung Quốc, tham gia nhiều hiệp định thương mại quốc tế, v.v. Việt Nam hóa ra là một trong những nước hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, do ngay trong năm đầu tiên đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã tăng 70%, còn khối lượng đơn hàng chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam chiếm đến 7,9% GDP cả nước.
Nhưng sau khi nêu giả định rằng Việt Nam có thể thay thế Trung Quốc đảm trách vai trò «công xưởng của thế giới», các ấn phẩm cũng chỉ ra những khó khăn lớn trên con đường này. Vướng mắc đầu tiên là chiều kích của đất nước. Dân số Việt Nam hiện là xấp xỉ 100 triệu, còn người Trung Quốc đông hơn thế 14,5 lần. Do đó, CHND Trung Hoa có nguồn nhân lực lớn gấp nhiều lần, kể cả lực lượng với trình độ chuyên môn cao mà ở Việt Nam đang thiếu. Các chuyên gia cũng lưu ý những khó khăn của Việt Nam về địa bàn trống để bố trí sản xuất, tình trạng kém phát triển của cơ sở hạ tầng: mạng lưới đường sắt và đường bộ, các sân bay và cảng biển, kho bãi và sàn tập kết đầu cuối. Chính phủ Việt Nam đang huy động nỗ lực để loại bỏ những «điểm tắc nghẽn» này. Quan tâm lớn được dành cho khâu cải tiến hệ thống giáo dục phù hợp với yêu cầu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đất nước đang tích cực phát triển cơ sở hạ tầng, phân bổ hơn 5% GDP cho mục đích này và đang vượt các nước ASEAN lớn hơn và giàu hơn về chỉ số then chốt.
May trang phục xuất khẩu ở Công ty Cổ phần thương mại May Việt Thành, Khu công nghiệp Giao Long, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre - Sputnik Việt Nam, 1920, 08.07.2022
Vượt Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Lào

Việt Nam cách cái bẫy hai bước

Chuyên gia nổi tiếng GS-TSKH Vladimir Mazyrin đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Trung Quốc và Á châu hiện đại (Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga) nhận xét:

«Nhưng Việt Nam sẽ không bao giờ thế chỗ Trung Quốc trong nền kinh tế thế giới. Hai nền kinh tế này không thể sánh ngang về tầm vóc. Năm 2021, theo dữ liệu của IMF, GDP của Việt Nam là 368 tỷ USD, của Trung Quốc là gần 16.863 tỷ USD. Trong tháng Sáu 2022, hàng Việt Nam xuất khẩu trị giá 32,65 tỷ USD còn Trung Quốc – nhiều hơn gấp chục lần, 331,3 tỷ USD. Không nên quên rằng việc rút sản xuất ra khỏi Trung Quốc sang Việt Nam đã bắt đầu ngay từ trước khi bùng ra cuộc thương chiến Mỹ-Trung và xuất phát điểm là đã tăng tiền công và siết chặt yêu cầu về môi trường ở Trung Quốc, hệ quả là đẩy tăng cao những chi phí sản xuất. Bây giờ Việt Nam cũng phải đối mặt với cùng vấn đề tương tự. Theo nhãn quan của tôi, Việt Nam đang cách không xa bẫy thu nhập trung bình. Tôi cho rằng năm 2030 là giới hạn khi Việt Nam còn được hưởng lợi thế so so với Trung Quốc dưới dạng nhân công lao động giá rẻ. Bởi trong Văn kiện Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII đã đặt ra trước nền kinh tế quốc dân những mục tiêu đầy kỳ vọng: đến năm 2045, Việt Nam cần bước vào nhóm các nước có thu nhập bình quân cao trên đầu người. Mà như thế đồng nghĩa với việc giá thành sản xuất ở Việt Nam sẽ tăng, và các tập đoàn liên lục địa, các công ty đa quốc gia sẽ buộc phải tìm đến những nước rẻ hơn».

Thêm nữa, cũng đừng quên rằng Việt Nam đang bị đe dọa bởi những biện pháp trừng phạt tương tự như Hoa Kỳ đã áp dụng với Trung Quốc. Bởi nếu năm 2017 thặng dư thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ là 32 tỷ USD, thì đến năm 2021, chỉ số này đã tăng gần gấp ba, lên tới 91 tỷ USD. Về chỉ số này, Việt Nam đã ở vị trí thứ ba sau Trung Quốc và Mexico, và thực tế đó khó có thể làm chính quyền Hoa Kỳ hài lòng, - chuyên gia nêu ý kiến.
Cờ quốc gia Trung Quốc và Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 05.07.2022
Trung Quốc đừng xem thường Việt Nam

Đại dương đe dọa các doanh nghiệp Việt Nam

GS-TSKH Vladimir Mazyrin không tán đồng với ý kiến ​​về việc Việt Nam thiếu địa bàn trống để tạo điều kiện bố trí các cơ sở sản xuất mới. Chuyên gia cho rằng bản thân cuộc sống sẽ buộc người Việt Nam khai thác không chỉ các khu vực châu thổ sông, mà cả các vùng đồi núi. Bởi Việt Nam là một trong những quốc gia có khả năng hứng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do mực nước biển dâng cao, và những vùng rộng lớn ở phía nam đất nước, là nơi tập trung dân cư và là địa điểm bố trí các cơ sở công nghiệp mạnh, theo dự báo lại sẽ là vùng bị ngập lụt.
Chuyên gia đánh giá:

«Việt Nam đối mặt với viễn cảnh phải di chuyển hàng triệu người và cơ sở sản xuất đến địa điểm mới vào năm 2050, giống như Liên Xô từng dời chuyển các xí nghiệp sang miền đông vào thời kỳ đầu Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại. Tương ứng, sẽ cần phải tìm kiếm và chuẩn bị địa bàn mới cho công việc này. Tôi nghĩ sẽ giải quyết được ổn thoả các vấn đề với tạo lập cơ sở hạ tầng cần thiết và đào tạo các chuyên gia có trình độ cao».

Hiển nhiên, Việt Nam sẽ không thay thế Trung Quốc. Nhưng nếu đất nước đạt thành công phát triển nền sản xuất của mình với công nghệ sạch và tiên tiến, bộ máy quản lý hiện đại, giá trị gia tăng cao, kết nối với các ngành công nghiệp thế giới và chuỗi cung ứng toàn cầu thì Việt Nam có thể giành được vị trí quan trọng then chốt trong nền kinh tế thế giới. Và đối với Nga, đất nước gắn kết với Việt Nam bằng quan hệ hữu nghị và hiệp định thương mại tự do, thực tế phát triển hợp tác toàn diện với Việt Nam sẽ có ý nghĩa và tác dụng lợi ích rất quan trọng, - chuyên gia Vladimir Mazyrin vững tin như vậy.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала