Giá vàng SJC Việt Nam chênh lệch cao với thế giới, tiền vào túi ai?
Đăng ký
“Chênh lệch giá vàng SJC và ngoài SJC vào túi ai?”. Việt Nam đang nghiêm túc nghiên cứu các “vũ khí quản lý” nhằm chống vàng hóa, đô lá hóa nền kinh tế.
Giá vàng Việt Nam chênh lệch với thế giới rất cao, tuy nhiên, Tổng Giám đốc Công ty Vàng SJC “kể khổ” vì được chọn là thương hiệu vàng quốc gia của Việt Nam và khẳng định không thao túng, lợi ích nhóm, hay làm giá.
Chênh lệch giá vàng ở Việt Nam: SJC “kể khổ” và phủ nhận làm giá vàng
Tại cuộc họp với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước mới đây, lần đầu tiên lãnh đạo Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) lên tiếng “kể khổ” vì được chọn làm thương hiệu vàng quốc gia và đáp trả những chỉ trích xung quanh biến động giá vàng, chênh lệch giá vàng Việt Nam với thế giới hàng chục triệu đồng…
Tại cuộc họp được chủ trì bởi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, bà Lê Thúy Hằng, Tổng giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC cho biết, từ năm 2012, thương hiệu SJC được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước lựa chọn là thương hiệu vàng quốc gia. Cũng kể từ đó mà việc sản xuất vàng miếng được Ngân hàng Nhà nước quản lý rất chặt chẽ trong tất cả các khâu của quy trình, bắt đầu từ cân đo sản phẩm, kiểm tra series, đốt nấu và dập ra vàng miếng.
“SJC là đơn vị đã được chọn là thương hiệu quốc gia, nên luôn luôn tuân thủ đúng các quy định của Ngân hàng Nhà nước. Giá để gia công các miếng vàng chỉ là 140.000 đồng cho một lượng”, bà Hằng khẳng định.
Đối với vấn đề chênh lệch giá vàng của Việt Nam với thế giới quá cao, bà Hằng nêu rõ, Công ty SJC hoàn toàn không có lợi. Theo bà Thúy Hằng, công ty hoàn toàn tuân thủ theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
“Trong 10 năm qua, SJC không được dập một miếng vàng nào từ nguyên liệu”, bà Hằng cho hay.
Từ khi giao thương hiệu vàng, SJC mất hoàn toàn các lợi thế về kinh doanh và khi Nghị định được ban hành, lợi nhuận ròng của SJC giảm, từ hơn 300 tỷ đồng - gần 400 tỷ đồng/năm tới giờ chỉ đạt 74-80 tỷ lãi ròng.
“Như vậy, Công ty chỉ hoàn thành kế hoạch doanh số và lợi nhuận của UBND giao để có quỹ lương cho người lao động”, lãnh đạo SJC bày tỏ.
Lý giải về việc giá vàng trên thị trường, bà Hằng tuyên bố “SJC không phải người thao túng hay làm giá”. Bởi giá vàng do cung - cầu của thị trường quyết định. Tất cả các đơn vị kinh doanh vàng đều hiểu không có đơn vị nào thao túng giá vàng. Lãnh đạo SJC nhấn mạnh, việc đầu tiên khi lấy giá vàng là tham chiếu giá vàng thế giới, sau đó theo cung - cầu thực tế của thị trường, quyết định ra giá vàng.
“Không đơn vị nào có thể tự chủ động định giá trên thị trường”, bà Lê Thúy Hằng nói đi nói lại.
Cùng với đó, bà Lê Thúy Hằng cũng cho biết, số lượng vàng trên thị trường còn rất ít, bởi có những năm, những thời điểm, giá nguyên liệu và giá vàng SJC thấp hơn hoặc bằng, các thương hiệu trong nước nấu vàng miếng của SJC để sản xuất nhẫn và nữ trang. Đặc biệt, năm 2019, thị trường vàng xuất đi nước ngoài rất nhiều, cho nên lượng vàng SJC trên thị trường hiện nay còn rất ít. Lãnh đạo SJC lý giải cụ thể ở đây là vì guồn cung hiện tại không có trong khi nhu cầu thị trường có, do vậy tạo ra độ chênh về giá so với vàng thế giới. Theo bà Lê Thúy Hằng, vàng miếng SJC vẫn thể hiện được chất lượng, uy tín của mình và được khách hàng lựa chọn.
“Nếu thời gian tới cho các thương hiệu khác cùng dập vàng miếng thì cũng là một điều tốt. Công ty nào uy tín, chất lượng thì được thị trường và người dân lựa chọn”, bà Hằng nói.
Chênh lệch giá vàng vào túi ai?
Phát biểu tại cuộc họp, các doanh nghiệp kinh doanh vàng trong nước cũng nhấn mạnh chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cũng như chênh lệch giữa vàng miếng SJC và các loại vàng miếng khác là phù hợp.
Tại cuộc họp, thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đánh giá cao các ý kiến phân tích, đánh giá về quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24, bà cũng đồng tình cho rằng, chênh lệch giá vàng Việt Nam và thế giới là “phù hợp”. Theo đó, sự chênh lệch là do chênh lệch giá nguyên liệu nhập khẩu và nguồn cung hạn chế. Từ năm 2014 đến nay, Ngân hàng Nhà nước không đưa thêm vàng ra thị trường, nên vàng miếng SJC trong lưu thông thậm chí còn được chuyển hóa sang vàng nguyên liệu để phục vụ sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Các loại vàng trang sức mỹ nghệ này còn được đem xuất khẩu.
Ngoài ra, do nguồn cung bị giảm, giá vàng thế giới tăng cao, các doanh nghiệp phải phòng thủ, dự trữ vàng do không biết giá vàng thế giới biến động như nào. Việc mua nguyên liệu giá cao thì sẽ phải bán cao hơn.
Đối với “câu hỏi chênh lệch giá SJC và ngoài SJC vào túi ai?”, các doanh nghiệp vàng khẳng định, chênh lệch giá vàng không rơi vào doanh nghiệp nào. Nếu người dân lựa chọn SJC thì mua giá cao hơn và khi bán sẽ bán giá cao hơn. Ngoài ra, không một doanh nghiệp nào có thể thao túng vàng SJC để có thể chênh lệch lên đến mấy triệu như vậy. Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, ngoài ra, không một doanh nghiệp nào có thể thao túng vàng SJC để có thể hưởng chênh lệch lên đến mấy triệu đồng như vậy.
“Vấn đề này các cơ quan quản lý đã có thanh tra, kiểm tra”, bà Hồng nhấn mạnh.
Doanh nghiệp vàng chưa muốn sửa Nghị định 24
Phát biểu tại cuộc họp với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, ông Tạ Quang Đôn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, kinh doanh vàng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nằm trong danh mục của Luật Đầu tư.
Theo đó, các giấy phép, sản xuất vàng miếng, xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu Luật cũng đã quy định là “lĩnh vực độc quyền nhà nước”. Do đó, muốn sửa các ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì phải liên quan đến Luật, quy trình làm Luật lại không do Ngân hàng Nhà nước quyết có sửa hay không. Tuy nhiên, về Nghị định 24, hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng, Nghị định này chưa gánh hết vai trò và tính lịch sử.
Theo bà Lê Thúy Hằng của SJC, Nghị định 24 vẫn có tác dụng lớn trong ổn ổn định thị trường vàng và ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng quan điểm, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Công ty Vàng Bạc Đá quý Doji, đại diện cho TP Bank cho rằng, hơn 10 năm qua, nếu Ngân hàng Nhà nước không thực hiện Nghị định 24 đối với vàng miếng như trên thì vàng sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế, thị trường vàng không chỉ tác động đối với người dân mà còn gây phản ứng dây chuyền cho nền kinh tế.
Ông Phú phân tích, Nghị định 24 đến giờ vẫn hết vai trò lịch sử. Tác động của Nghị định 24 không chỉ thuần túy đối với thị trường vàng miếng, với các hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh vàng và ngân hàng, mà còn tạo ra hành lang pháp lý tương đối chuẩn trong lĩnh vực sản xuất vàng trang sức. Đối với vàng miếng SJC, trên phương diện kinh doanh, không có doanh nghiệp nào muốn giá vàng tăng quá cao, rất rủi ro vì người dân sẽ bán lại.
“Các doanh nghiệp, các ngân hàng đều mong muốn giá vàng ở trạng thái tương đối bình ổn, bảo đảm hoạt động kinh doanh an toàn, lượng vàng cung ra trên thị trường nằm trong khả năng kiểm soát được”, ông Phú chia sẻ.
Theo Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tập đoàn Vàng Bạc Đá quý Doji, trong 10 năm, Nghị định 24 phát huy hiệu quả “vô cùng tốt”, đến giờ thị trường vàng thật sự trật tự nên mong muốn Ngân hàng Nhà nước xem xét thật kỹ vấn đề thay đổi, sửa đổi Nghị định 24 để tất cả nằm trong khả năng kiểm soát.
Chống vàng hóa, đô la hóa kinh tế
Theo ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ Trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho hay, Nghị định 24 ra đời giúp chống vàng hóa nèn kinh tế.
Việc thực hiện Nghị định 24 giúp một lượng lớn vàng vật chất đã được chuyển hóa thành nguồn lực để đầu tư vào nền kinh tế. Vì vậy, việc sửa Nghị định 24 phải đánh giá rất kỹ lưỡng, vì đây là “vũ khí” quản lý hiệu quả.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay, các ý kiến đều đánh giá Nghị định 24 rất thành công, đem lại sự ổn định thị trường vàng, và góp phần hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước ổn định thị trường vàng, ngoại hối hơn 10 năm qua, do đó, chúng ta không phải lo ngại về sự biến động thị trường vàng và tác động đến thị trường ngoại tệ. Thành công của Nghị định là loại bỏ rủi ro giá vàng ra khỏi hoạt động của các tổ chức tín dụng. Đồng thời, giúp thị trường vàng trang sức mỹ nghệ được hình thành, tạo dựng.
Theo bà Hồng, vàng trang sức, mỹ nghệ cũng là hàng hóa, có tiềm năng phát triển, đem lại nguồn thu cho đất nước, nhưng vấn đề khó khăn là vàng nguyên liệu. Với đề nghị nhập khẩu vàng nguyên liệu của doanh nghiệp, Thống đốc cho biết, vì mục tiêu chính sách tiền tệ theo từng thời kỳ, Ngân hàng Nhà nước quyết định cấp phép, nhập khẩu vàng miếng. Về việc này, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các doanh nghiệp để phân tích, đánh giá mục tiêu điều hành trong tổng thể chính sách vĩ mô để tham mưu đề xuất làm sao vừa thúc đẩy thị trường vàng trang sức mỹ nghệ, vừa hạn chế rủi ro đển kinh tế vĩ mô.
“Việc sửa đổi Nghị định 24 cần đánh giá kỹ lưỡng, xem xét kỹ các ý kiến, cần có sự tham gia của nhiều bên liên quan và có sự động thuận trong xã hội”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng lưu ý.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước lý giải thêm phải kiểm soát việc sản xuất, cung ứng vàng miếng là do có những giai đoạn người dân có xu hướng đầu cơ vàng miếng. Nghị định 24 đã làm giảm bớt tình trạng đầu cơ này.
“Để hạn chế vàng hóa, đô la hóa nền kinh tế, chúng ta cần hướng tới phát triển một thị trường lành mạnh và hạn chế đầu cơ vàng. Cùng với đó, việc khuyến khích thị trường vàng trang sức mỹ nghệ như một ngành sản xuất hàng hóa, có cạnh tranh lành mạnh cũng là một vấn đề cần nghiên cứu kỹ”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng kết luận.