Lối thoát nào cho Đạm Hà Bắc sau chuyến thăm của Thủ tướng Chính?

© Ảnh : Dương Văn Giang - TTXVNThủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc - Sputnik Việt Nam, 1920, 13.08.2022
Đăng ký
Đạm Hà Bắc ‘nợ chồng nợ’ – một trong 12 dự án thua lỗ ngành Công Thương của Việt Nam sau khi đối mặt với thua lỗ yếu kém trong nhiều năm hiện đang cần một “lối thoát” – một cuộc cải tổ tái cơ cấu để giữ thương hiệu Đạm Hà Bắc.
Đây cũng chính là mục đích chuyến kiểm tra thực tế, làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Công ty cổ phần phân đạm và hóa chất Hà Bắc (thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) ở tỉnh Bắc Giang sáng ngày 12 tháng 8.

Đạm Hà Bắc từng được Thanh tra Chính phủ kết luận gì?

Đạm Hà Bắc là một trong 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương và từng được Thanh tra Chính phủ kết luận sai phạm và dấu hiệu hình sự trong việc cải tạo, mở rộng nhà máy.
Đồng thời, Thanh tra Chính phủ từ năm 2020 cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật đối với những vi phạm có dấu hiệu hình sự tại Dự án đầu tư cải tạo, mở rộng Nhà máy phân đạm Hà Bắc gồm “Vi phạm trong tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu tư vấn lập dự án; thiếu trách nhiệm trong việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh dự án”.
Đáng chú ý, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Đạm Hà Bắc đã có vi phạm khi bổ sung liên danh nhà thầu WEC-CECO trái quy định (WEC-CECO thiếu các hồ sơ, tài liệu quan trọng làm căn cứ xác định tổng mức đầu tư...), nhưng Đạm Hà Bắc vẫn nghiệm thu và thanh toán cho nhà thầu đủ số tiền theo hợp đồng đã ký.
© Dương Văn Giang - TTXVNThủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc - Sputnik Việt Nam, 1920, 13.08.2022
Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc
Việc này khiến Đạm Hà Bắc không chọn được nhà thầu EPC và làm phát sinh chi phí. Cụ thể, tổng mức đầu tư của dự án là hơn 568 triệu USD, trong đó tỷ lệ vốn tự có của Đạm Hà Bắc chỉ chiếm hơn 17% tổng mức đầu tư, số còn lại là vốn vay chiếm hơn 82%, dẫn đến chi phí lãi vay lớn, thua lỗ kéo dài. Năm 2009, dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư. Đạm Hà Bắc dù không đủ điều kiện, năng lực nhưng vẫn tự lập dự án điều chỉnh và được Tổng công ty Hóa chất (nay là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) thẩm định, phê duyệt.
Việc điều chỉnh tổng mức đầu tư ở thời điểm này tuy không thay đổi về quy mô, công suất, những nội dung về chi phí thiết bị không được làm rõ nhưng vẫn được Tổng Công ty Hoá chất thẩm định, phê duyệt điều chỉnh lên mức hơn 568 triệu USD, tăng trên 176 triệu USD (tăng 44,9%).
“Việc điều chỉnh này là thiếu căn cứ, cơ sở, không đúng quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng. Tổng mức đầu tư dự án tăng làm tăng chi phí đầu tư, tăng chi phí lãi vay, tăng chi phí sản xuất kinh doanh là một trong nguyên nhân chính dẫn đến dự án thua lỗ”, Thanh tra Chính phủ lưu ý.
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao, quyết liệt việc xử lý các công việc tồn đọng, kéo dài, nhất là những dự án yếu kém. Tính đến nay, đã xử lý 5/12 dự án yếu kém của ngành Công Thương, còn lại 7 dự án cần tiếp tục xử lý, trong đó có dự án Đạm Hà Bắc.

Vì sao Đạm Hà Bắc thua lỗ?

Sáng 13/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đi thăm Bắc Giang, kiểm tra, khảo sát thực địa và làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan về phương án tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc.
Trước khi làm việc với lãnh đạo Công ty Đạm Hà Bắc để có cơ sở thực tế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác dành thời gian kiểm tra dây chuyền số 1 của nhà máy.
Vì dây chuyền số 1 của Nhà máy được xây dựng từ những năm 1960 nên công nghệ lạc hậu, công suất thấp. Đặc biệt, hiện nay nhiều hạng mục, thiết bị đã xuống cấp, nhiều thiết bị không còn hoạt động. Do đó, việc đầu tư nâng cấp nhà máy Đạm Hà Bắc là cần thiết.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác cũng thăm dây chuyền số 2 của Nhà máy mới được đầu tư và đi vào hoạt động từ năm 2015, có công suất 500 ngàn tấn/năm. Đáng chú ý, dù đã đi vào hoạt động được 7 năm, tuy nhiên, một số hạng mục phụ trợ vẫn dở dang chưa nghiệm thu do phía nhà thầu rút khỏi dự án về nước. Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt quan tâm vấn đề xử lý môi trường trong quá trình thăm nhà máy, do đây là nhà máy hoạt động trong lĩnh vực hóa chất, nếu không xử lý tốt, rất dễ gây ô nhiễm môi trường.
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho biết, từ khi được mở rộng, nâng công suất, nhà máy Đạm Hà Bắc luôn duy trì công suất ổn định. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2015-2020 lỗ lũy kế lên tới hơn 4.760 tỷ đồng. Riêng năm 2021, Công ty sản xuất đạt 92% công suất với 473 nghìn tấn đạm ure, doanh thu 4.498 tỷ đồng, lần đầu tiên lãi hơn 6 tỷ đồng sau nhiều năm thua lỗ. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng sản phẩm quy đổi ra ure của Công ty đạt hơn 236 ngàn tấn, tổng doanh thu đạt gần 3.600 tỷ đồng, ước lãi 1.347 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước lỗ 409 tỷ đồng), theo Vinachem. Bên cạnh đó, vấn đề đáng lo hiện tại là dù sản xuất ổn định nhưng hiện Đạm Hà Bắc đang gánh khoản nợ lớn và thường xuyên phát sinh do lãi suất, phạt trả chậm...do dự án mở rộng, nâng công suất Nhà máy Đạm Hà Bắc là một trong 12 dự án thua lỗ, yếu kém của ngành Công Thương.
Đại diện các Bộ, ngành cho rằng, những yếu kém xảy ra tại dự án mở rộng, nâng công suất nhà máy Đạm Hà Bắc là do công tác xây dựng đề án chưa sát thực tế, không đánh giá được việc cơ cấu vốn, trả nợ, lãi suất vay khiến chi phí tài chính rất lớn đã đẩy dự án vào cảnh khó khăn. Đồng thời, sau khi dự án đi vào hoạt động, giá nguyên nhiên liệu tăng cao gấp hơn 2 lần so với trước đó, trong khi giá phân lại giảm. Để khắc phục, Đạm Hà Bắc cần được tái cơ cấu tài chính. Theo đó, cần khoanh nợ, điều chỉnh lãi suất, kéo dài thời hạn vay, dừng tính lãi phạt (do không trả đúng hạn) dẫn đến lãi chồng lãi. Bên cạnh đó, tranh chấp hợp đồng tổng thầu EPC với nhà thầu chưa được giải quyết dứt điểm.
Đến cuối năm 2021, Đạm Hà Bắc đã trả nợ 2.323 tỷ đồng và hơn 104 triệu USD, nhưng vẫn còn nợ hơn 6,4 nghìn tỷ đồng (vay gốc hơn 3 nghìn tỷ đồng, nợ lãi hơn 3.300 tỷ đồng) và hơn 112 triệu USD. Trước đó, ngày 1/4 vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đã làm việc tại Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc về tái cơ cấu doanh nghiệp, xử lý tình trạng thua lỗ.
“Khoản lỗ lũy kế trong 5 năm 2015-2020 của Công ty vẫn còn rất lớn, lên tới 4.760 tỷ đồng. Nếu không có biện pháp tái cơ cấu tài chính cho doanh nghiệp thì Công ty khó có thể lãi bền vững”, báo cáo tại cuộc họp nêu.

“Nợ chồng nợ”

Thực tế, dự án mở rộng, nâng công suất Nhà máy Đạm Hà Bắc đã đi vào hoạt động 7 năm qua nhưng chưa hiệu quả, nhất là tình trạng “nợ chồng nợ”.
Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, những hạn chế của dự án do nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chính, do những vi phạm trong quá trình phê duyệt, thẩm định, quyết định đầu tư, khiến tổng mức đầu tư lớn, không phù hợp ở thời điểm đó, khiến suất đầu tư, chi phí đầu vào cao, giá thành cao, khả năng cạnh tranh thấp khi thị trường biến động, dẫn tới không hiệu quả, chậm trả nợ, nợ chồng nợ.
Lãnh đạo Chính phủ cũng nêu rõ một số vấn đề nổi lên mà Đàm Hà Bắc cần giải quyết như tranh chấp hợp đồng EPC, vướng mắc, khó khăn về tài chính, chi phí đầu vào cao nên sức cạnh tranh thấp, sản phẩm khó tiêu thụ. Thủ tướng Chính cũng đề cập vấn đề môi trường phức tạp, nghiêm trọng cả về chất thải rắn, nước thải, khí thải, nhiều thiết bị hỏng hóc, xuống cấp, rỉ sét; quan điểm xử lý và sự phối hợp của các bộ, ngành, cơ quan liên quan chưa chặt chẽ, thiếu hiệu quả.
“Công ty chưa có quyết tâm đổi mới, cải cách hoạt động vì một nhà máy xanh, sạch, đẹp, hoạt động đúng quy trình vận hành, sự liên hệ vận hành giữa hai nhà máy có nhiều điểm bất cập, không đồng bộ”, Thủ tướng chỉ rõ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính điện đàm với Phó Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế - Sputnik Việt Nam, 1920, 29.06.2022
Sự can thiệp cần thiết của Chính phủ Thủ tướng Phạm Minh Chính để cứu lấy ngành y tế

“Lối thoát” cho Đạm Hà Bắc vì nền kinh tế độc lập tự chủ

Để giải quyết tình trạng ngổn ngang, khó khăn, vướng mắc ở nhà máy Đạm Hà Bắc, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải nâng cao trách nhiệm.
Điều mà Thủ tướng Chính nói đến chính là "tính chiến đấu" với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao để tìm lối thoát đưa Đạm Hà Bắc thoát lua lỗ, yếu kém, phát triển bền vững, ổn định. Thủ tướng Phạm Minh Chính phân tích, đơn cử, nếu thấy nước thải, rác thải, khí thải trong nhà máy như vậy thì cơ quan chức năng phải kiểm tra, khuyến cáo, tiến hành các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật, chứ không thể để yên, gây ảnh hưởng đến môi trường.
Lãnh đạo Chính phủ cũng giao Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, rút kinh nghiệm từ các dự án yếu kém đã được xử lý, hoàn thiện đề án xử lý dự án theo kết luận của Bộ Chính trị, các chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, bảo đảm phù hợp, khả thi, hiệu quả; đưa các phương án cụ thể và đánh giá tác động của từng phương án; hoàn thành đề án trong tháng 8/2022. Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ yêu cầu giữ lại nhà máy nhưng quyết tâm phải “tái cơ cấu lại” với các giải pháp như cải tiến quy trình sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, đa dạng hoá sản phẩm….
“Phải quyết tâm giữ lại Nhà máy, một thương hiệu lớn, nơi có bề dày truyền thống này. Phải đưa nhà máy cạnh tranh tốt hơn, phát triển ổn định, bền vững, xanh, sạch”, Thủ tướng khẳng định và nêu cơ sở của phương án này là dự án đã quyết toán một phần lớn, nhà máy đã vận hành và có thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước.
Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường và tỉnh Bắc Giang vào cuộc để nhà máy khẩn trương nhanh chóng khắc phục các vấn đề về môi trường để bảo đảm an toàn cho công nhân trong nhà máy và người dân trong khu vực. Ngoài ra, Thủ tướng lưu ý, nhà máy có 1.300 người động, hàng nghìn hộ dân cũng có sinh kế liên quan tới nhà máy. Do đó, cần nâng cao năng suất lao động, bảo đảm việc làm và thu nhập hợp lý cho người công nhân.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu giải quyết dứt điểm những vấn đề bất cập trong liên hệ vận hành giữa nhà máy cũ và nhà máy mới, nếu cần thiết thì gìn giữ những di tích, kỷ vật của nhà máy cũ một cách phù hợp. Đối với Bắc Giang và các bộ, ngành, Thủ tướng yêu cầu phải có sự phối hợp, giải quyết các vướng mắc theo thẩm quyền của tỉnh, việc tranh tra, kiểm tra, xử lý các vấn đề theo tinh thần rõ tới đâu làm tới đó.
Nhấn mạnh Đạm Hà Bắc là nhà máy có truyền thống lịch sử lâu đời, góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời kỳ chiến tranh, do đó, theo Thủ tướng việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc của nhà máy còn góp phần phát triển ngành công nghiệp hóa chất, cung cấp sản phẩm phục vụ phát triển nền nông nghiệp và nhiều ngành khác, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và tiếp tục xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ của Việt Nam.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала