Việt Nam: PVN đề xuất xây Tổ hợp Lọc hóa dầu và Kho dự trữ dầu quốc gia 19 tỷ USD
© Ảnh : Trần Huy Hùng - TTXVNThu ngân sách nhà nước từ dầu thô 7 tháng ước đạt 43 nghìn tỷ đồng
© Ảnh : Trần Huy Hùng - TTXVN
Đăng ký
Nếu Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN/Petrovietnam) ‘được bật đèn xanh’, Việt Nam sẽ có Tổ hợp Lọc hóa dầu và Kho dự trữ dầu quốc gia quy mô 19 tỷ đô la tại Long Sơn, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Theo PVN, năng lực sản xuất các sản phẩm xăng dầu của Việt Nam còn thấp hơn nhiều so với nhu cầu tiêu thụ, hàng năm, Việt Nam vẫn phải chi hàng tỷ USD để nhập khẩu các sản phẩm lọc hóa dầu, phục vụ nhu cầu trong nước, trong khi các nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất khó đảm bảo công suất đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.
Tự chủ nguồn cung xăng dầu là vấn đề cấp bách
Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam vừa có đề xuất trình Chính phủ cơ hội đầu tư Tổ hợp lọc hóa dầu và Kho dự trữ quốc gia dầu thô, sản phẩm xăng dầu tại Khu công nghiệp dầu khí Long Sơn.
Trước đó, như Sputnik đã đưa tin, tại cuộc làm việc với lãnh đạo PVN về an ninh năng lượng hôm 16/3/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu, bất luận trong hoàn cảnh nào Việt Nam đều phải đảm bảo an ninh năng lượng.
“Chúng ta đang xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ để góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Vì vậy, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải bảo đảm độc lập, tự chủ và cân đối về năng lượng, không phụ thuộc vào bên ngoài, phải có kịch bản cho các vấn đề tình thế, đột xuất, bất ngờ”, người đứng đầu Chính phủ nêu rõ.
Trong khi đó, hồi tháng ba năm nay, khi trả lời trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã đề cập đến việc Việt Nam phải làm chủ nguồn xăng dầu trong nước.
Theo Phó Thủ tướng, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, đây là một trong những mặt hàng có tác động rất lớn tới các chỉ tiêu về kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều quy định để quản lý mặt hàng xăng dầu. Các công cụ pháp lý đủ điều kiện để quản lý chặt chẽ, ổn định, đảm bảo cung ứng xăng dầu cho sản xuất, đời sống.
“Tuy nhiên, mặt hàng xăng dầu chúng ta chưa tự chủ được mà phụ thuộc vào nhập khẩu nhiều”, Phó Thủ tướng thừa nhận.
Ông Thành nhắc lại, hiện nay, Việt Nam hiện mới có 2 nhà máy lọc hóa dầu là nhà máy Bình Sơn (cung ứng 35% - 7 triệu tấn xăng dầu/năm) đưa vào sản xuất từ năm 2009 và Nhà máy Nghi Sơn đưa vào sản xuất từ năm 2018.
Tuy nhiên, đại diện Chính phủ nêu rõ, cả hai nhà máy đạt được khoảng 13 triệu tấn xăng dầu/năm trong khi đó nhu cầu cỡ 20 – 21 triệu tấn/năm. Như vậy, khi xăng dầu thế giới tăng thì xăng dầu trong nước tăng theo. Một vấn đề quan trọng nữa, theo Phó Thủ tướng là bản thân nguồn dầu thô cho các nhà máy vẫn phải nhập khẩu.
“Dầu thô của nước ta chưa đáp ứng được yêu cầu”, ông Lê Văn Thành cho biết.
Về định hướng lâu dài, Phó Thủ tướng khẳng định, tinh thần dứt khoát phải làm chủ sản xuất xăng dầu trong nước và theo quy hoạch sẽ có nhà máy lọc dầu có quy mô sản xuất 10 triệu m3 tại Vũng Tàu. Theo ông Thành, PVN đã triển khai, cố gắng trong 10 tháng sẽ xong thủ tục đầu tư. Nếu có thêm 10 triệu, cộng 13 triệu hiện nay chúng ta có 23 triệu tấn, đủ nhu cầu trong nước. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẽ tăng thêm khoan dầu, khai thác dầu thô khi hiện mới đáp ứng 50% dầu thô phục vụ sản xuất xăng dầu.
Dù là xây dựng thêm nhà máy lọc dầu hay triển khai kế hoạch xây dựng Tổ hợp Lọc hóa dầu và Kho dự trữ dầu quốc gia quy mô 19 tỷ đô la tại Long Sơn, Bà Rịa – Vũng Tàu, có thể thấy, Việt Nam đang ý thức rất rõ ràng việc cần làm chủ và đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước, giảm thiểu tối đa mọi biến động gây đứt gãy nguồn cung hay tăng giá xăng dầu kéo theo nguy cơ lạm phát, giá cả hàng hóa gia tăng và đảm bảo an ninh năng lượng trong bất kỳ tình huống nào.
“Những cái khó” của các nhà máy lọc dầu Việt Nam
Theo giải trình của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam nêu rõ, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của thị trường trong nước năm 2020 là 18 triệu tấn và sẽ đạt khoảng 25 triệu tấn vào năm 2025.
Đến năm 2030, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu được dự báo vào khoảng 33 triệu tấn và tiếp tục tăng trong thời gian tiếp theo. Trong khi đó, nguồn cung xăng dầu trong nước hiện tại, bao gồm Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) và các nhà máy chế biến condensate là khoảng 12,2 triệu tấn và dự kiến tăng lên khoảng 13,5 triệu tấn sau khi mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Như vậy, khả năng sản xuất trong nước hiện nay chỉ đáp ứng được khoảng 70% cho nhu cầu sản phẩm xăng dầu ở thời điểm hiện nay và giảm xuống chỉ còn 40% vào năm 2030 và 20% vào năm 2045.
“Khi đó Việt Nam sẽ thiếu hụt lượng lớn sản phẩm xăng dầu, ước tính 19,5 triệu tấn vào năm 2030, khoảng 25 triệu tấn vào năm 2035 và lên tới 49 triệu tấn vào năm 2045”, theo PVN.
Đồng thời, dự trữ xăng dầu trong nước của Việt Nam hiện nay mới đáp ứng được chưa tới 10 ngày tiêu dùng, nên phụ thuộc vào sự ổn định sản xuất và cung cấp xăng dầu từ nguồn nhập khẩu. Chưa kể mặt hàng xăng dầu, sản phẩm hóa dầu có tính đặc thù nên cần có thời gian đặt hàng trước.
Riêng đối với hóa dầu, năm 2020, mức tiêu thụ sản phẩm hóa dầu chính và phổ biến trong nước là 9,2 triệu tấn, dự báo sẽ tăng lên 11,9 triệu tấn vào năm 2025 và tới năm 2045 là 32,9 triệu tấn.
Đáng chú ý, theo báo Đầu tư dẫn thông tin giải trình của PVN cho thấy, Việt Nam hiện có hai nhà máy lọc hóa dầu là Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vận hành ổn định với công suất 5,8 triệu tấn xăng dầu/năm; 150.000 tấn PP/năm. Tuy nhiên, nhà máy lọc dầu của Việt Nam khó có khả năng mở rộng, thay đổi công nghệ mới.
Trong khi đó Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) mới đưa vào vận hành từ năm 2018, nhưng không ổn định và chịu sự ảnh hưởng lớn cũng như quyết định bởi các nhà đầu tư nước ngoài với công suất 6,5 triệu tấn xăng dầu/năm, 340.000 tấn PP/năm (các đối tác Kuwait và Nhật Bản – như Sputnik đề cập trước đó).
Đối với Tổ hợp hóa dầu miền Nam 100% vốn do Tập đoàn SCG (Thái Lan) đầu tư thì mới sắp đi vào hoạt động. Nhà máy hóa dầu của Hyosung dự kiến đưa vào vận hành năm 2022-2023 với sản phẩm PP là 0,96 triệu tấn và PE là 0,95 triệu tấn/năm.
“Năng lực sản xuất các sản phẩm xăng dầu của Việt Nam còn thấp hơn nhiều so với nhu cầu tiêu thụ, hàng năm, Việt Nam vẫn phải chi hàng tỷ USD để nhập khẩu các sản phẩm lọc hóa dầu, phục vụ nhu cầu trong nước”, PVN lưu ý.
Việt Nam cần đầu tư tổ hợp lọc hóa dầu và kho dầu dự trữ
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết, trong tình hình địa chính trị có nhiều biến động phức tạp, giá cả leo thang, vận hành của Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn không ổn định như thời gian qua, khả năng dự trữ xăng dầu trong nước còn nhiều hạn chế, nên PVN thấy rằng, đầu tư một tổ hợp lọc hóa dầu công nghệ tiên tiến hiện đại sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Petrovietnam và Việt Nam.
Trên cơ sở đã phân tích, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho rằng, việc xây dựng Tổ hợp Lọc hóa dầu và Kho dự trữ dầu thô, sản phẩm xăng dầu tiếp theo của Việt Nam tại khu vực miền Nam là “hoàn toàn hợp lý và tối ưu”.
PVN cũng cho biết, dự kiến Tổ hợp Lọc hóa dầu và Kho dự trữ dầu thô sẽ sử dụng tối đa nguồn nguyên liệu dầu thô, khí và condensate của Việt Nam.
“Nguyên liệu dầu thô thiếu hụt sẽ nhập khẩu từ Trung Đông, Mỹ, tùy thuộc vào quy mô công suất tổ hợp”, PVN thông tin.
Quy mô 19 tỷ USD
Ngoài ra, theo PVN, Tổ hợp cũng được chia làm 2 phần là Dự án Lọc hóa dầu và Dự án kho dự trữ quốc gia dầu thô, sản phẩm xăng dầu.
Trong đó, Dự án lọc hóa dầu có giai đoạn 1 với công suất 12-13 triệu tấn dầu thô/năm; 0,66 triệu tấn/năm condensate, LPG và Ethane. Sản phẩm của nhà máy sẽ là 7-9 triệu tấn xăng dầu và 2-3 triệu tấn hóa dầu/năm cung ứng cho thị trường trong nước.
Vào giai đoạn 2 của Dự án lọc hóa dầu sẽ đầu tư bổ sung, chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo hướng tăng sản phẩm hóa dầu lên thêm 3-5 triệu tấn xăng dầu và 5,5-7,5 triệu tấn hóa dầu/năm.
Riêng đối với Dự án kho dự trữ quốc gia dầu thô, sản phẩm xăng dầu sẽ có quy mô 1 triệu tấn dầu thô và 500.000 m3 sản phẩm xăng dầu/năm.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng dự kiến thời điểm đủ điều kiện hồ sơ để đề nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư là tháng 1/2023.
Tiếp đó là lập Báo cáo nghiên cứu khả thi từ tháng 6-12/2023 và tới quý I/2024 sẽ có phê duyệt quyết định đầu tư.
Nếu được “bật đèn xanh”, tiếp đó, PVN sẽ tiến hành lựa chọn nhà thầu EPC và xây dựng trong thời gian từ tháng 1/2024 đến tháng 12/2027.
Về tổng mức đầu tư cho Tổ hợp Lọc hóa dầu và Kho dự trữ dầu quốc gia mà PVN đề xuất xây dựng tại Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu), tập đoàn này cho biết, sẽ nằm trong khoảng 19 tỷ đô la. Theo đó, khái toán sơ bộ tổng mức đầu tư của cả Tổ hợp trong giai đoạn 1 từ 12,5 - 13,5 tỷ USD và giai đoạn 2 là 4,5 - 4,8 tỷ USD.