Việt Nam: Từ bên chiến thắng trong thương chiến Mỹ - Trung đến HUB mới của thế giới
© Ảnh : Vũ Hữu Sinh - TTXVNBình Dương đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư vào các khu công nghiệp
© Ảnh : Vũ Hữu Sinh - TTXVN
Đăng ký
Việt Nam từng được coi là “bên chiến thắng” trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và hiện đang được đánh giá như “ngôi sao sáng” trong chuỗi cung ứng toàn cầu với tham vọng khẳng định vị thế một HUB (trung tâm) về công nghiệp chế biến - chế tạo mới của thế giới.
Thực tế, hiện có rất nhiều chỉ dấu cho thấy, Việt Nam nắm những cơ hội “vàng” đón dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài quy mô lớn đặc biệt là FDI rời Trung Quốc.
Vốn FDI rời Trung Quốc đến Việt Nam ngày càng tăng
Như Sputnik đưa tin, truyền thông thế giới đặc biệt quan tâm đến việc gã khổng lồ công nghệ Mỹ - Apple có kế hoạch sản xuất đồng hồ thông minh Apple Watch và máy tính MacBook tại Việt Nam lần đầu tiên.
Tiếp đó, thông tin tập đoàn Khoa học Kỹ thuật Hồng Hải Foxconn đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc thuê lại 50,5 ha đất tại khu công nghiệp (KCN) Quang Châu, tỉnh Bắc Giang do Công ty KCN Sài Gòn – Bắc Giang làm chủ đầu tư củng cố thêm niềm tin về việc Apple sẽ đem dây chuyền sản xuất MacBook, Apple Watch về Việt Nam. Như Sputnik đề cập trước đó, Foxconn dự kiến sẽ đầu tư vào dự án nhà máy mới này với tổng mức đầu tư khoảng hơn 300 triệu USD sử dụng hơn 30.000 lao động địa phương sau khi đã cam kết đầu tư hơn 270 triệu USD hồi năm ngoái.
Báo chí quốc tế đánh giá đây là “bước tiến có lợi”, “thắng lợi mới” khẳng định vị thế và uy tín cũng như sức hấp dẫn của Việt Nam trong cuộc đua đón làn sóng chuyển dịch FDI toàn cầu. Thực tế, từ vài năm trở lại đây, Việt Nam được đánh giá là “bên chiến thắng” trong thương chiến Mỹ - Trung, đồng thời, tiếp tục được hưởng lợi từ việc các tập đoàn đa quốc gia đều đang tìm cách cân bằng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng như giảm phụ thuộc vào Bắc Kinh thông qua chính sách mở rộng cứ điểm sản xuất.
Đại dịch Covid-19 cùng các chính sách chống dịch hà khắc của chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình càng thôi thúc những gã khổng lồ công nghệ thế giới đẩy nhanh tiến trình rời bớt dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc để khỏi “bỏ hết trứng vào một giỏ”. Thực tế, dữ liệu từ Hội nghị Liên Hiệp Quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) cho thấy, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã thúc đẩy dòng vốn FDI ở Trung Quốc dịch chuyển đến ASEAN tăng lên đáng kể đạt tới 16,1 tỷ USD vào năm 2020, chiếm 10,5% tổng dòng FDI chảy ra khỏi Trung Quốc. Đáng chú ý, dòng vốn FDI từ Trung Quốc đến Việt Nam cũng tăng từ mức trung bình 1,4 tỷ USD trong giai đoạn 2018 - 2019, lên 1,9 tỷ USD vào năm 2020. Số liệu của UNCTAD công bố tháng 10 năm 2021 cũng cho thấy, xu hướng FDI đến Việt Nam tăng trưởng mạnh, nếu năm 2015, dòng vốn FDI dịch chuyển từ Trung Quốc đến Việt Nam chỉ khoảng 560 triệu USD, thì đến năm 2020, mức vốn tăng lên gấp hơn ba lần đạt 1,876 tỷ USD. Điều này cho thấy sức hấp dẫn đáng kể của thị trường Việt Nam.
Việt Nam như một HUB ngành công nghiệp chế biến - chế tạo
Đánh giá về xu hướng tích cực này, chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhận định, hiện tượng một số tập đoàn công nghệ lớn trong ngành điện tử, bao gồm cả Samsung, Apple, Foxconn, Xiaomi…đã và đang có xu hướng chuyển dịch sang Việt Nam không phải hoàn toàn mới nhưng ngày càng cho thấy sức hút của đất nước.
“Trong khoảng 10 năm trở lại đây, người ta đã nhìn nhận Việt Nam như một HUB (trung tâm) của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Đến Việt Nam là đến được với ngành công nghiệp điện tử thế giới hay muốn đến với thế giới thì cần cân nhắc đến Việt Nam”, TS. Võ Trí Thành chia sẻ.
Theo ông, điều này được tạo động lực bởi ở Việt Nam hiện đã quy tụ đầy đủ các ông lớn trong ngành công nghiệp sản xuất smartphone như: Samsung, Xiaomi hay các công ty sản xuất, lắp ráp linh kiện cho Apple từ Foxconn, Luxshare, Goertek… Theo ông Thành chia sẻ với Doanh nghiệp và Kinh doanh cho hay, sự chuyển dịch từ các nước khác, đặc biệt là từ Trung Quốc với chiến lược đầu tư Trung Quốc + 1 và nhiều yếu tố như đại dịch COVID-19, chiến tranh thương mại và những biến động địa chính trị, địa kinh tế trên toàn cầu “khiến Việt Nam nổi lên như một điểm đến về đầu tư FDI”.
TS. Võ Trí Thành phân tích nguyên nhân thành công của Việt Nam và cho rằng, quốc gia Đông Nam Á này đạt được thành tựu trên là do hai nguyên nhân chính. Thứ nhất là bức tranh kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng tốt và thứ hai là sự quyết tâm, nỗ lực cải cách của cả hệ thống chính trị đặc biệt là cải cách thể chế để hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cùng với việc mở cửa thực sự qua rất nhiều hiệp định thương mại tự do.
“Như vậy, đứng về mặt chính sách, Việt Nam vẫn đã, đang và sẽ là một HUB trong thu hút FDI về công nghiệp chế biến, chế tạo”, TS. Võ Trí Thành khẳng định.
Vì sao FDI liên tục đổ về Việt Nam?
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu gần đây tại một diễn đàn đã cho biết, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội đón “đại bàng”, đón các làn sóng đầu tư mới.
Đánh giá cao xu hướng hàng loạt đối tác hàng đầu của Apple như Foxconn, Luxshare, Goertek không ngừng mở rộng gia tăng đầu tư tại Việt Nam, đem nhiều dây chuyền sản xuất lắp ráp các linh kiện nổi bật của Apple đến Việt Nam, lãnh đạo Cục Đầu tư nước Ngoài cũng nhận định, có rất nhiều nguyên nhân khiến Việt Nam đang có cơ hội đón sóng FDI lớn.
Ông Tuấn phân tích, việc Việt Nam kiểm soát tốt dịch Covid-19, có các lợi thế về nhân lực và thị trường nội địa, sự quyết tâm trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương hay gần đây, Việt Nam quyết tâm đầu tư lớn cho hệ thống hạ tầng, đặc biệt là các dự án quy mô lớn trong lĩnh vực giao thông, cũng được cho là một điểm cộng rất lớn để dòng vốn FDI đổ về.
Như đã biết, trong cuộc gặp với lãnh đạo cấp cao Việt Nam, Tổng Giám đốc Tập đoàn Samsung Điện tử (Hàn Quốc) Roh Tae-moon khẳng định, Samsung có kế hoạch tiếp tục đầu tư thêm 3,3 tỷ USD vào Việt Nam trong năm nay. Trong đó, hơn 2 tỷ USD đã được cam kết đầu tư vào các dự án Samsung Electro-Mechanics Việt Nam tại Thái Nguyên và Samsung Complex HCMC - SEHC. Phần còn lại sẽ sớm được công bố trong những tháng cuối năm. Samsung cũng chuẩn bị sản xuất thử nghiệm lưới bóng chip bán dẫn và hướng dến sản xuất đại trà ở nhà máy Thái Nguyên từ giữa năm 2023.
Theo các chuyên gia, thực tế, không phải ngẫu nhiên mà dòng vốn FDI có chất lượng cao ngày càng đổ về Việt Nam nhiều hơn.
Theo TS. Võ Trí Thành, bên cạnh các lợi thế từ trước như kinh tế - chính trị ổn định, nỗ lực cải cách thể chế còn có 2 điểm khác nữa làm nên lợi thế của Việt Nam. Chuyên gia phân tích, nếu nói về Trung Quốc + 1 thì bên cạnh Việt Nam có rất nhiều đối thủ cạnh tranh, như vậy, không chỉ cần hoàn thiện mình mà còn phải cạnh tranh với các quốc gia khác.
“Như vậy, nếu muốn thu hút các FDI có chất lượng thì bản thân của chúng ta phải đặt đầu bài cho các nhà đầu tư về hiệu quả, tính lan toả dự án”, chuyên gia lưu ý.
Theo ông Thành, dự án không chỉ giải quyết về lao động, lợi thế xuất khẩu bằng ưu đãi thuế từ các FTA, mà còn phải là tính lan toả, công nghệ, thay đổi kỹ năng quản trị. Từ đó, chọn lọc ra các dự án mang lại hiệu quả cũng như có khả năng lan toả tới các doanh nghiệp trong nước về công nghệ, kỹ năng, đặc biệt là ngành công nghiệp phụ trợ.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, dòng vốn FDI chất lượng cao cũng đòi hỏi Việt Nam phải cam kết về phát triển bền vững, đầu vào phải “xanh”, năng lượng xanh. TS. Võ Trí Thành đánh giá đây là điểm rất quan trọng bên cạnh môi trường số cho doanh nghiệp phải thật hiện đại, đồng bộ.
“Ngôi sao đang lên”
Phát biểu tại diễn đàn khu công nghiệp Việt Nam 2022 diễn ra ngày 12/8 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho hay, trong những năm gần đây, trung bình hàng năm, vốn FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm khoảng 35 - 40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước.
Theo ông Phương, nếu tính riêng trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, vốn FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm 70 - 80% tổng vốn đăng ký cả nước. Khu công nghiệp, khu kinh tế là khu vực trọng điểm thu hút các nguồn vốn đầu tư dự án lớn trong và ngoài nước, hiện là điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu như: Samsung, Canon, LG, Sumitomo, Foxconn, VSIP.
Đến nay, theo đại diện Bộ KH&ĐT, các khu công nghiệp, khu kinh tế đã thu hút được hơn 10.000 dự án trong nước và gần 11.000 dự án có vốn FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký tương ứng khoảng 340 tỷ USD, trong đó, tổng vốn đầu tư FDI là khoảng 230 tỷ USD.
Như Sputnik cũng đã thông tin, Ngân hàng HSBC khi đánh giá về những thành công của Việt Nam trong phục hồi và đón vốn FDI đã cho rằng, Việt Nam “tiếp tục tỏa sáng” trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Báo cáo được HSBC công bố trước đó (hồi 6/2022), Ngân hàng này khẳng định Việt Nam đã chuyển đổi thành công thành trung tâm sản xuất mới nổi của toàn cầu.
Để dẫn chứng, HSBC chỉ rõ, những năm qua, Việt Nam đã tiến lên trong chuỗi giá trị, trở thành trung tâm sản xuất chính cho các sản phẩm điện tử trong 2 thập niên gần đây. Xuất khẩu hàng điện tử đã đạt mức cao kỷ lục 100 tỷ USD trong năm 2021, chiếm hơn 30% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam, trong khi vào 20 năm trước, tỷ trọng này chỉ chiếm 5%.
HSBC cho rằng, tham vọng công nghệ của Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc trở thành trung tâm sản xuất cấp thấp. Chiến lược thu hút FDI cạnh tranh và những điều kiện vĩ mô cơ bản lành mạnh của Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút nguồn FDI chất lượng, yếu tố chính giúp nền kinh tế tiến lên trong chuỗi giá trị toàn cầu.
“Việt Nam đã chuyển mình thành một ngôi sao đang lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu, chiếm được thị phần toàn cầu đáng kể trong nhiều lĩnh vực, bao gồm dệt may, giày dép và điện tử tiêu dùng”, HSBC nhấn mạnh.