Bộ Công an truy tìm nữ streamer Milona Nguyễn Thị Thanh Loan xúc phạm lãnh đạo Việt Nam
© Ảnh : YouTube/LOAN MilonaMột khung hình từ luồng của blogger Việt Nam LOAN Milona
© Ảnh : YouTube/LOAN Milona
Đăng ký
Cục An ninh mạng (A05) Bộ Công an đang truy tìm nữ streamer Milona (Nguyễn Thị Thanh Loan, 26 tuổi, quê Thái Bình) để điều tra về hành vi có phát ngôn xúc phạm lãnh đạo cấp cao Việt Nam trên mạng.
Liên quan đến việc Bộ Công an tìm nữ streamer nổi tiếng trong cộng đồng game Liên minh Huyền thoại Việt Nam xúc phạm lãnh đạo Việt Nam, luật sư nêu những khả năng streamer Milona có thể bị xem xét, xử lý tuỳ vào từng trường hợp cụ thể.
Cục An ninh mạng tìm nữ streamer xúc phạm lãnh đạo Việt Nam
Ngày 26/8, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao(A05), Bộ Công an đang phối hợp với các đơn vị chức năng truy tìm nữ streamer Nguyễn Thị Thanh Loan (tức Milona, sinh năm 1996, quê Thái Bình) để điều tra về hành vi phát ngôn xúc phạm một lãnh đạo cấp cao đất nước trên mạng xã hội.
“Đơn vị đã nắm được vụ việc và đang xác minh, điều tra, xử lý theo chức năng nhiệm vụ”, - đại diện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an cho biết.
Như Sputnik thông tin, trước sự việc streamer nổi tiếng Milona Nguyễn Thị Thanh Loan có hành vi lời nói bôi nhọ và xúc phạm danh dự lãnh đạo cấp cao Việt Nam, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cũng đã vào cuộc xác minh vụ việc theo trình tự của pháp luật.
Thông tin từ Sở TT&TT Hà Nội nhấn mạnh, quy trình xác minh phải thận trọng, chính xác, đúng pháp luật cả nội dung và trình tự thủ tục.
“Chúng tôi đã giao cơ quan chức năng tham mưu, xử lý theo đúng quy định pháp luật, hiện chưa có kết luận cuối cùng”, - phía Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho hay.
Trước đó, mạng xã hội lan truyền clip, nội dung liên quan đến việc một nữ streamer (người phát sóng trực tiếp cho người xem thông qua nền tảng mạng xã hội) có những lời lẽ xúc phạm lãnh đạo cấp cao của nhà nước.
Cụ thể, Nguyễn Thị Thanh Loan, sở hữu tài khoản Milona, trong buổi livestream trên nền tảng Facebook Gaming đã lấy một lãnh đạo cấp cao của Việt Nam ra làm ví dụ và có những lời nói không chuẩn mực, thô tục, thiếu giáo dục khi có người hâm mộ bình luận khiếm nhã về những người hói.
Video chính hiện đã được bị gỡ khỏi trang hoạt động chính thức, nhưng những nội dung phát ngôn đã được nhiều người ghi lại, lan truyền trên mạng xã hội.
Không chỉ lan truyền đoạn clip có phát ngôn của nữ streamer Nguyễn Thị Thanh Loan, mà trên nhiều nền tảng, cộng đồng mạng còn bày tỏ thái độ phản ứng gay gắt, bình luận cho rằng, lời nói của nữ streamer là thiếu suy nghĩ, phản cảm, đồng thời đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử nghiêm để làm gương về việc phát ngôn trên mạng xã hội, cũng như xúc phạm người khác.
Nữ streamer có thể bị xử phạt ra sao?
Thông tin về hướng xử lý đối với hành vi của nữ streamer khi “vạ miệng” xúc phạm lãnh đạo cấp cao Việt Nam, Zing dẫn quan điểm của luật sư Hoàng Trọng Giáp, Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa nhận định, Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 quy định danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
“Như vậy, cá nhân có quyền được bảo vệ về danh dự, nhân phẩm, mọi hành vi xâm phạm tới danh dự, uy tín cá nhân là vi phạm pháp luật và sẽ bị áp dụng chế tài xử lý theo quy định của pháp luật”, - luật sư lưu ý.
Chuyên gia pháp lý khẳng định, theo thông tin hiện có, nữ streamer có lời lẽ không chuẩn mực và xúc phạm tới lãnh đạo cấp cao của Nhà nước. Như vậy, cơ quan chức năng sẽ xác minh tính xác thực của những nội dung được đăng tải trên mạng, xác định mức độ nghiêm trọng của hành vi (nếu vi phạm) và áp dụng chế tài phù hợp.
Luật sư Hoàng Trọng Giáp nhấn mạnh, dưới góc độ hành chính, tùy thuộc tính chất của hành vi vi phạm, streamer M. (Milona) có thể bị áp dụng chế tài quy định tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng và giao dịch điện tử.
Phân tích cụ thể, luật sư cho biết, tại điểm a, khoản 1, Điều 101 Nghị định này quy định người có hành vi Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị xử phạt 10-20 triệu đồng.
“Trường hợp hành vi nghiêm trọng, đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự, người vi phạm có thể bị xử lý về tội Làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015”, - luật sư nói.
Ông Giáp lưu ý, để cấu thành tội phạm hình sự, hành vi cần bao gồm đầy đủ những yếu tố cấu thành. Cụ thể, về chủ thể, người thực hiện hành vi là người có năng lực trách nhiệm hình sự và có khả năng nhận thức khi thực hiện hành vi của mình.
Trong khi đó, về khách thể, hành vi này được thực hiện bằng lời nói hoặc hành động, xâm phạm, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhân phẩm, danh dự của người khác.
Về chủ quan, người thực hiện hành vi với lỗi cố ý, cố tình thực hiện hành vi nhằm làm nhục người khác với nhiều động cơ khác nhau như để trả thù hay thỏa mãn các mục đích cá nhân khác.
Về khách quan, hành vi này xúc phạm nghiêm trọng tới danh dự, nhân phẩm người khác và có thể được thể hiện bằng lời nói (sỉ nhục, thóa mạ, chửi bới một cách thô bỉ, tục tĩu...) hoặc hành động (lột trần, nhổ nước bọt vào mặt, ném cà chua, trứng thối... vào nạn nhân trước đám đông để bêu riếu).
“Đặc trưng của tội này là thường diễn ra công khai, trực tiếp và trước nhiều người”, - Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa cho biết.
Theo ông Giáp, tội phạm được coi là hoàn thành từ khi người phạm tội có lời nói hoặc hành động xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự người khác. Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm của tội danh này.
“Trường hợp bị xử lý hình sự, M. có thể bị áp dụng tình tiết định khung sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội theo khoản 2, Điều 155 với khung hình phạt 3 tháng đến 2 năm tù”, - chuyên gia nêu quan điểm.
Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, nếu người phạm tội nếu thuộc khoản 1, Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu bị hại có yêu cầu khởi tố.
Nữ streamer Milona Nguyễn Thị Thanh Loan là ai?
Theo thông tin được truyền thông và cộng đồng game chia sẻ, Milona hay Loan Milona tên thật là Nguyễn Thị Thanh Loan, sinh năm 1996 tại Thái Bình.
Milona là một nữ streamer, Youtuber và TikToker hoạt động rất tích cực trong cộng đồng game Liên minh Huyền thoại tại Việt Nam.
Với ngoại hình xinh đẹp và thu hút, hoạt động tích cực, Milona Nguyễn Thị Thanh Loan luôn hút được một lượng lớn fan xem riêng xoay quanh những chủ đề về game.
Trước khi dính vào vụ xúc phạm lãnh đạo cấp cao Việt Nam, nữ streamer Milona đã sở hữu Fanpage hơn 200.000 lượt theo dõi cùng group fan cứng hơn 40.000 thành viên, chủ yếu là từ các hội nhóm, cộng đồng game online.