Từ lương ông Phạm Nhật Vượng ở Vingroup, tỷ phú Việt nhận thù lao ra sao?

© Sputnik / Vladimir TrefilovTiền giấy đô la Mỹ
Tiền giấy đô la Mỹ - Sputnik Việt Nam, 1920, 03.09.2022
Đăng ký
‘Soi’ lương của các tỷ phú Việt - những người giàu nhất Việt Nam như ông chủ Vingroup Phạm Nhật Vượng, bà chủ Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo, ‘vua thép’ Trần Đình Long, sếp Techcombank Hồ Hùng Anh, ông chủ Masan Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Novaland Bùi Thành Nhơn.
Ngoài tỷ phú Phạm Nhật Vượng, trên thực tế, báo cáo tài chính của nhiều doanh nghiệp hàng đầu trong nước cho thấy, nhiều tỷ phú Việt, lãnh đạo các tập đoàn lớn đều chỉ nhận thù lao 0 đồng hoặc mang tính tượng trưng “1 USD”.

Ông Phạm Nhật Vượng nhận lương như thế nào ở Vingroup?

Những ngày qua, thông tin về lương, mức thù lao của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup, người giàu nhất Việt Nam vẫn tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận.
Như Sputnik đã đưa tin, tại Báo cáo tài chính soát xét sáu tháng đầu năm của Vingroup (mã chứng khoán VIC) và Vinhomes mới công bố gần đây, tập đoàn tư nhân hàng đầu Việt Nam cho biết đã chi trả thù lao cho HĐQT và ban tổng giám đốc lần lượt 24,1 tỷ đồng và 24,8 tỷ đồng.
Tuy nhiên, điều đáng nói là cá nhân ông Phạm Nhật Vượng và nhiều thành viên HĐQT không nhận thù lao hay mức thù lao là 0 đồng. Tại báo cáo 6 tháng đầu năm 2022, ngoài tỷ phú Vượng nhận lương "0 đồng" còn có bà Nguyễn Diệu Linh, Phó Chủ tịch và thành viên HĐQT, ông Yoo Ji-han, người vừa trở thành thành viên HĐQT độc lập tại doanh nghiệp này.
Trước đó, báo cáo soát xét cũng cho thấy ông Phạm Nhật Vượng không nhận thù lao trong sáu tháng đầu năm 2021.
Như đã biết, Hội đồng quản trị của Vingroup hiện có 9 thành viên. Trong đó có một Chủ tịch, 4 Phó Chủ tịch, 4 thành viên HĐQT độc lập. Báo cáo của Vingroup cũng cho thấy, một số cá nhân còn lại nhận thù lao từ mức 517 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng tuỳ cương vị, chức vụ.
Một cá nhân đáng chú ý nữa đó là vợ của chủ tịch Vingroup ông Phạm Nhật Vượng – bà Phạm Thu Hương và Phó chủ tịch HĐQT Phạm Thúy Hằng (em gái bà Hương) nhận lương cao nhất là xấp xỉ 1 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thực tế, mức thu nhập này khá khiêm tốn so với khối tài sản của các lãnh đạo tập đoàn Vingroup. Tính cộng chi phí thù lao chi trả cho các thành viên của HĐQT của Vingroup trong sáu tháng đầu năm chỉ hơn 4,5 tỷ đồng.
Đồng thời, tiền lương cho ban Tổng giám đốc Vingroup trong sáu tháng đầu năm cũng giảm nhẹ 7% còn 19,6 tỷ đồng. Mức lương đáng chú ý trong số các lãnh đạo của Vingroup là của Tổng giám đốc Nguyễn Việt Quang (gần 6,2 tỷ đồng, tăng 9%).
Đối với Vinhomes, ngoài ông Phạm Nhật Vượng, một thành viên HĐQT khác cũng không nhận thù lao là ông Asish Jaiprakask Shastry. Bảy thành viên còn lại nhận từ 458 triệu đồng tới 1,4 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2022, tương ứng con số tổng là gần 4,8 tỷ đồng.
Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM  - Sputnik Việt Nam, 1920, 07.08.2022
Tài sản giảm mạnh, vợ chồng tỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn dẫn đầu top 10 sàn chứng khoán Việt

Nhiều tỷ phú Việt nhận thù lao “0 đồng”

Dư luận tất nhiên rất quan tâm đến mức lương, thù lao của các tỷ phú Việt, những người giàu nhất Việt Nam. Tuy nhiên, khi tìm hiểu sâu mới thấy, thực tế, ngoài tỷ phú Phạm Nhật Vượng, một số tỷ phú Việt khác cũng không nhận thù lao.
Trên thế giới, việc chủ tịch, tổng giám đốc, ông chủ lãnh đạo các tập đoàn lớn không nhận thù lao hoặc nhận mức lương tượng trưng 1 USD không phải điều lạ. Không chỉ giới kinh doanh, nhìn vào cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump có thể thấy rất rõ điều này nếu coi Mỹ là một “đại tập đoàn”. Lúc tại vị, Trump tuyên bố chỉ nhận lương tổng thống tượng trưng 1 USD/1 năm.
Ngoài Trump, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Facebook - Mark Zuckerberg, ông chủ kiêm CEO Tesla, Elon Musk, đồng sáng lập Google - Larry Page và Sergey Brin, hay nhà đồng sáng lập Apple Steve Jobs đều là những lãnh đạo doanh nghiệp lớn hàng đầu thế giới không nhận lương hoặc chỉ nhận tượng trưng mức 1 đô la Mỹ kim.
Theo giới phân tích, thực chất, lương hay thù lao chỉ là một phần trong tổng gói thu nhập mà các doanh nhân/nhà đầu tư/chủ doanh nghiệp có thể sẽ nhận được.
Chủ yếu dựa trên kết quả kinh doanh hoặc các điều khoản riêng trong hợp đồng, các Chủ tịch tập đoàn, CEO, lãnh đạo doanh nghiệp còn nhận thu nhập từ quyền chọn mua cổ phiếu, cổ phần thưởng hoặc các khoản thưởng liên quan đến mục tiêu về hoạt động kinh doanh của công ty.
Do đó, việc trên báo cáo chỉ nhận thù lao tượng trưng nhưng thực tế họ nhận về hàng trăm triệu USD từ các khoản thưởng cổ phần còn do chênh lệch về thuế thu nhập là có thật, chưa kể, nhiều doanh nghiệp là do chính họ xây dựng nên.
Tại Việt Nam, thực tế này cũng không phải ngoại lệ. Ngoài tỷ phú Phạm Nhật Vượng của Vingroup, nhiều tỷ phú Việt khác cũng được cho là không nhận lương hay thù lao chỉ bằng ‘0 đồng’ tuỳ vào điều kiện tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.
Chẳng hạn, ‘vua nước mắm Việt’ - tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan (mã MSN) cũng không nhận thù lao.
Báo cáo tài chính kiểm toán của Masan cho biết, doanh nghiệp này đã chi gần 106 tỷ đồng trả thù lao cho các thành viên quản lý chủ chốt trong 6 tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên, các thành viên Hội đồng quản trị tập đoàn không nhận thù lao. Theo thông tin trên VnExpress, việc không nhận thù lao với các thành viên HĐQT Masan đã diễn ra từ năm 2020 đến nay.
Bên cạnh hai tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Nguyễn Đăng Quang, “vua thép” Trần Đình Long cũng là doanh nhân không nhận thù lao. Cụ thể, báo cáo của Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) cho biết, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT và các thành viên không nhận thù lao trong nửa đầu năm 2022. Trong khi đó, cùng kỳ năm ngoái, khoản chi các nhân sự HĐQT là hơn 17 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các khoản chi lương và thưởng cho các lãnh đạo của Hòa Phát trong 6 tháng đầu năm giảm mạnh, chỉ còn hơn 5 tỷ đồng, bằng một phần tư cùng kỳ, chủ yếu cho các thành viên ban giám đốc của doanh nghiệp kinh doanh thép hàng đầu Việt Nam này.
Cần lưu ý rằng, nửa đầu năm 2022 là một giai đoạn khó khăn cho Hòa Phát nói riêng và ngành thép Việt nói chung. Báo cáo quý 2/2022 cho thấy, Hòa Phát chỉ lãi hơn 4.000 tỷ, giảm mạnh so với mức 9.700 tỷ của cùng kỳ 2021.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Hòa Phát đạt 82.118 tỷ đồng doanh thu và 12.229 tỷ lợi nhuận sau thuế, giảm 27% so với cùng giai đoạn năm trước. Kết quả kinh doanh, lợi nhuận cũng được phản ánh qua đà giảm của giá cổ phiếu HPG cũng như nhóm ngành thép.
Từ đầu năm 2022, thép là một trong những nhóm bị điều chỉnh mạnh nhất từ mức tăng đỉnh đến sự sụt giảm vô cùng đột ngột. Riêng cổ phiếu HPG của tỷ phú Trần Đình Long đã giảm gần 35%, khiến tài sản của Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long hiện còn 2 tỷ USD, giảm 1,2 tỷ USD so với số liệu Forbes công bố trước đó. Mức giảm là rõ rệt.

Thù lao của lãnh đạo Vietjet, Novaland, Techcombank

Với giá trị tài sản 2,9 tỷ USD, Chủ tịch Nova Group Bùi Thành Nhơn lần đầu xuất hiện trong danh sách tỷ phú thế giới năm 2022 do Forbes công bố. Tại Novaland, quỹ lương và các phúc lợi khác cho các thành viên lãnh đạo chủ chốt trong nửa đầu năm nay ghi nhận hơn 10,4 tỷ đồng, giảm hơn 10% so với năm trước. Ngoài ông Bùi Thành Nhơn giữ chức Chủ tịch, Hội đồng quản trị Novaland còn các thành viên khác là Chủ tịch Bùi Xuân Huy, bà Hoàng Thu Châu, ông Phạm Tiến Vân và bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh.
Tại Vietjet, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, nữ tỷ phú tự thân và duy nhất của Việt Nam và các thành viên Hội đồng quản trị, ban giám đốc nhận tổng thu nhập 12,7 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2022.
Xe ô тô điện VinFast VF 5 tại Trung tâm Hội nghị Las Vegas, Mỹ - Sputnik Việt Nam, 1920, 15.07.2022
Vì sao VinFast của tỷ phú Vượng dừng kinh doanh xe xăng sớm hơn dự kiến?
Trong khi đó, ở Techcombank, báo cáo tài chính kiểm toán cho biết, ngân hàng này đã chi ra hơn 210 tỷ đồng trả thù lao cho nhân sự lãnh đạo. Riêng tỷ phú Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank và các thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát nhận về gần 19 tỷ đồng.
Việc các doanh nghiệp thuyết minh thù lao của các thành viên HĐQT và lương Tổng Giám đốc thay vì để mức tổng cộng có thể là do quy định từ 1/1/2022, phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với công ty đại chúng không đưa nội dung thù lao từng thành viên HĐQT, tiền lương Tổng Giám đốc (Giám đốc) và người quản lý khác thành mục riêng trong báo cáo tài chính hàng năm của doanh nghiệp và báo cáo đại hội cổ đông tại các cuộc họp thường niên.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала