‘Mệnh lệnh’ của Thủ tướng với PVN: “Không để thiếu năng lượng” và “bảo đảm bí mật”

© Ảnh : Dương Văn Giang - TTXVNThủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 11.09.2022
Đăng ký
Ngày 11/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam/PVN).
Đây là cuộc làm việc quan trọng của người đứng đầu Chính phủ nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai một số dự án trọng điểm, xử lý những khó khăn, vướng mắc của PVN, trong đó có việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Chỉ đạo tại cuộc làm việc, Thủ tướng yêu cầu PVN trong mọi tình huống không được để thiếu năng lượng cho xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, chủ động hơn trong sản xuất trang thiết bị phục vụ hoạt động của Tập đoàn, bảo đảm bí mật, an ninh kinh tế theo quy định.

Cuộc làm việc quan trọng của Thủ tướng với PVN

Cuộc làm việc được tổ chức trực tiếp tại Trụ sở chính của PVN tại Hà Nội kết nối trực tuyến với 13 điểm cầu các đơn vị đầu mối của Petrovietnam trên toàn quốc, các công trình dầu khí, giàn khai thác ngoài khơi biển Việt Nam và đáng chú ý, có cả đơn vị tại Liên bang Nga thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.
Báo cáo với lãnh đạo Chính phủ, Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng cho biết, nhờ phương châm hành động “quản trị biến động, đón đầu xu hướng, kết nối nguồn lực, phát huy công nghệ, thúc đẩy đầu tư, phát triển bền vững”, Petrovietnam tiếp tục khẳng định vai trò trong nền kinh tế Việt Nam, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh kinh tế, an ninh chủ quyền quốc gia và đóng góp quan trọng cho Ngân sách Nhà nước.
© Ảnh : Dương Văn Giang - TTXVNThủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 11.09.2022
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam
Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng cho hay, hoạt động sản xuất, kinh doanh 8 tháng đầu năm của Tập đoàn tiếp tục được duy trì ổn định. Công tác quản trị sản lượng khai thác đã được áp dụng đồng bộ, hiệu quả, kịp thời các giải pháp, biện pháp kỹ thuật gia tăng sản lượng, duy trì nhịp độ khai thác với hệ số thời gian cao với kết quả trong 8 tháng đầu năm 2022, khai thác dầu, khí vượt kế hoạch (khai thác dầu 7,31 triệu tấn, vượt 23%; sản xuất đạm đạt 1,217 triệu tấn, vượt 10%; sản xuất xăng dầu đạt đạt 4,56 triệu tấn, vượt 8%, không gồm Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn), đáp ứng được nhu cầu trong nước).
Tổng doanh thu đạt 627.000 tỷ đồng, vượt 12% kế hoạch cả năm, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2021; nộp ngân sách Nhà nước đạt đạt 90.600 tỷ đồng, vượt 40% kế hoạch năm, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất 8 tháng đầu năm 2022 đạt 57.500 tỷ đồng, vượt 2,3 lần kế hoạch năm, tăng 84% so với cùng kỳ năm 2021.
PVN tập trung phát triển các lĩnh vực kinh doanh chính bao gồm: Tìm kiếm - Thăm dò - Khai thác dầu khí, Công nghiệp Khí, Công nghiệp Điện, Chế biến - tồn trữ và phân phối sản phẩm dầu khí, Dịch vụ dầu khí, trong đó lĩnh vực Tìm kiếm - Thăm dò - Khai thác dầu khí là cốt lõi; giữ vững vị trí là nhà cung cấp khí hàng đầu của Việt Nam; đẩy mạnh phát triển hóa dầu, chế biến sâu các sản phẩm khí và dịch vụ dầu khí chất lượng cao. Theo báo cáo, ngoài các kết quả tích cực đã đạt, PVN vẫn còn những khó khăn, vướng mắc trong thời gian dài như một số cơ chế, chính sách chưa phù hợp với thực tế hoạt động; cơ chế phân cấp cho Tập đoàn chưa đủ hiệu quả; các dự án Dầu khí còn nhiều vướng mắc; tồn đọng tài chính chưa được xử lý.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng có kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung vào 3 nhóm nội dung gồm: Chiến lược phát triển, tổ chức bộ máy của Tập đoàn đến năm 2035, định hướng đến 2045; cơ chế, giải pháp cho các dự án đầu tư cụ thể của Tập đoàn như Chuỗi dự án khí - điện Lô B - Ô Môn, Dự án điện Long Phú 1, Dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Dự án Tổ hợp Lọc hóa dầu và Kho dự trữ Quốc gia Dầu thô, sản phẩm xăng dầu Long Sơn Vũng Tàu, nhóm đề xuất liên quan đến tiêu thụ tài nguyên khí trong thời gian tới.

Thủ tướng: Cần đánh giá tình hình năng lượng thế giới

Phát biểu kết luận tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá trong thời gian qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam dù đã trải qua “những thăng trầm và đột phá” nhưng nhìn chung, thành tựu và kết quả nhiều hơn là hạn chế, bất cập.
Lãnh đạo Chính phủ đề cập đến một số kinh nghiệm quan trọng đối với PVN như đầu tiên là càng trong khó khăn, thách thức, nhiệm vụ càng nặng nề càng phải đoàn kết - dám nghĩ, dám làm - vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Tiếp đó, phải nắm chắc tình hình, bám sát thực tiễn. Thứ ba, “con người là nhân tố quyết định” nên phải xây dựng, chăm lo và phát triển đội ngũ cán bộ các cấp là nhiệm vụ hàng đầu. Thứ tư, khen thưởng, động viên, xử lý kịp thời, đúng người, đúng việc những cá nhân, tập thể có thành tích và sai phạm. Thứ năm, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa nội lực và ngoại lực, trong đó nội lực (gồm con người, cơ chế, chính sách, các tài sản được giao…) là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; ngoại lực (như nguồn vốn, khoa học, công nghệ, kinh nghiệm quản lý, đào tạo nhân lực…). Thủ tướng cũng đề cập đến việc chủ động phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân trong việc điều hành hoạt động kinh doanh sản xuất tại PVN.
© Ảnh : Dương Văn Giang - TTXVNThủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 11.09.2022
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam
Theo Thủ tướng, dự báo sắp tới tình hình thế giới, khu vực và trong nước sẽ tiếp tục có thời cơ, thuận lợi đan xen khó khăn, thách thức “nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi”, nhất là với ngành dầu khí trong bối cảnh thị trường năng lượng thế giới có nhiều biến động. Do đó, Thủ tướng nêu rõ, tại buổi làm việc này, cần đánh giá tình hình năng lượng thế giới, vai trò, sứ mệnh của ngành phải làm gì cho sự phát triển đất nước.
Thủ tướng nhắc lại quan điểm tư tưởng chỉ đạo là kết hợp hài hòa, hợp lý hiệu quả giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, an ninh kinh tế và trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy đối ngoại, hội nhập.
“Phát triển nhanh nhưng bền vững, hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa nghiên cứu, thăm dò, khai thác dầu khí và chế biến, sản xuất các mặt hàng xăng dầu, hóa chất, xơ sợi”, cổng thông tin Chính phủ dẫn quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định.

“Không để thiếu năng lượng” và “bảo đảm bí mật”

Tại cuộc làm việc, người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, mục tiêu và nhiệm vụ quan trọng nhất là PVN không được để thiếu năng lượng, nhất là xăng dầu, theo đúng tinh thần "năng lượng cho phát triển".
“Hiện Tập đoàn đang đáp ứng 75% nhu cầu xăng dầu trong nước”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc.
Nhiệm vụ thứ hai, theo Thủ tướng - xây dựng PVN là tập đoàn kinh tế lớn mạnh, hiệu quả, là doanh nghiệp chủ lực trong bảo vệ an ninh năng lượng quốc gia, góp phần đắc lực, hiệu quả cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trong đó chú trọng đổi mới công nghệ, nhất là công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, đa dạng hóa chuỗi cung ứng trong sản xuất và kinh doanh, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu coi trọng công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Cùng với đó, phải quyết tâm, tập trung giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn đọng nhiều năm.

“Vì càng để kéo dài càng lãng phí và càng khó khăn”, Thủ tướng lưu ý và dẫn chứng, vừa qua, một số vấn đề liên quan Nhiệt điện Thái Bình 2, Nhiệt điện Sông Hậu 1 đã được giải quyết có hiệu quả, hiện các cơ quan, đơn vị liên quan đang tiếp tục giải quyết những vấn đề liên quan một số dự án khác.

Đối với việc sửa đổi Luật Dầu khí, Thủ tướng cho rằng, cần xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách cho phù hợp sứ mệnh, nhiệm vụ bảo đảm năng lượng quốc gia của PVN, phù hợp với điều kiện đất nước và tình hình cụ thể.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất - Sputnik Việt Nam, 1920, 11.07.2022
«Có mơ cũng không thấy», kết quả kinh doanh ‘khó tin’ của lọc dầu Dung Quất
Nhấn mạnh Petrovietnam là “doanh nghiệp quan trọng của quốc gia” Thủ tướng yêu cầu PVN đầu tư phải có trọng điểm, không dàn trải, manh mún. Kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa thăm dò, khai thác dầu khí với bảo vệ lợi ích quốc gia, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, nhất là trên biển.
“Chủ động hơn trong sản xuất các trang thiết bị phục vụ hoạt động của Tập đoàn. Bảo đảm bí mật, an ninh kinh tế theo quy định của pháp luật”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu quan điểm.
Theo người đứng đầu Chính phủ, trong tình hình biến động, nhiệm vụ nặng nề, khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, năng lực lực có hạn, trình độ chưa cao, yêu cầu cao, tiến độ kịp thời, phải lựa chọn công việc trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, bảo đảm hiệu quả và điều kiện để tiếp tục làm việc khác.
“Tập đoàn đã quyết tâm rồi phải quyết tâm cao hơn nữa, đã nỗ lực rồi phải nỗ lực hơn nữa, đã cố gắng rồi phải cố gắng hơn nữa”, Thủ tướng nhắc nhở việc đổi mới tư duy trong cơ cấu lại sản xuất kinh doanh, phát triển ngành công nghiệp năng lượng, trong đó có năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Yêu cầu PVN đẩy mạnh hợp tác quốc tế, Thủ tướng lưu ý nguyên tắc “kiên trì” nhưng cũng phải “sáng tạo, linh hoạt”. Lãnh đạo Chính phủ đề nghị các bộ ngành phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với nhau và với PVN trong xử lý công việc, cá nhân Thủ tướng “luôn sát cánh, lắng nghe, ủng hộ để Tập đoàn phát triển”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng giao các các cơ quan khẩn trương tổ chức thẩm định về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất theo quy định của pháp luật, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trong tháng 9/2022.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала