Việt Nam không “bó tay” và “sẽ đi ngược vòng xoáy của thế giới”
© Ảnh : Dương Văn Giang - TTXVNThủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về ổn định nền kinh tế vĩ mô
© Ảnh : Dương Văn Giang - TTXVN
Đăng ký
Việt Nam đang phục hồi rất tốt. Đại diện IMF nhắc lại Việt Nam là quốc gia duy nhất mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế điều chỉnh nâng dự báo tăng trưởng. Ngân hàng Thế giới cũng khẳng định tốc độ phục hồi kinh tế của Việt Nam thực sự rất ấn tượng.
GS. Hoàng Văn Cường từ Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh, Việt Nam sẽ thể hiện rõ mình đang đi ngược với vòng xoáy kinh tế thế giới. TS. Trương Văn Phước cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục giữ ổn định tỷ giá, và giá trị đồng tiền quốc gia. VND không thể mất giá trị.
Ngày 12/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế Việt Nam trong tình hình hiện nay.
Thủ tướng: “Việt Nam không bó tay”
Mở đầu hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, tình hình địa chính trị thế giới một tháng qua nhiều thay đổi, biến động nhanh, phức tạp. Xung đột Nga - Ukraina chưa có dấu hiệu kết thúc. Ông lưu ý, các yếu tố này ảnh hưởng trước mắt và lâu dài tới kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam.
“Trong bối cảnh khó khăn này, Việt Nam không bó tay, ngồi chờ, không khuất phục, mà chủ động tìm hướng đi trong thế bị động, tìm sự ổn định trong chuyển đổi, xáo trộn... để đảm bảo giữ vững các mục tiêu kinh tế vĩ mô và phát triển”, người đứng đầu Chính phủ tuyên bố.
Thủ tướng Chính cho biết, Việt Nam vẫn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thị trường vốn, thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, thúc đẩy tăng trưởng. Ông cũng dự báo rong quý III, nếu không có thay đổi lớn thì dự kiến tăng trưởng GDP sẽ đạt hơn 7%. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm như thu NSNN đáp ứng nhu cầu chi - thu NSNN ước đạt 85,6% dự toán, tăng 19,4%; xuất nhập khẩu 8 tháng đạt gần 500 tỷ USD, tăng 15,5%, xuất siêu gần 4 tỷ USD…
Thủ tướng cũng lưu ý, nền kinh tế Việt Nam quy mô khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu có hạn nên một tác động nhỏ bên ngoài cũng có ảnh hưởng tới trong nước. Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Một số giải pháp, chính sách có độ trễ trong triển khai. Thị trường trái phiếu, chứng khoán, bất động sản tiềm ẩn rủi ro, vừa qua, đã tổ chức nhiều hội nghị về các thị trường này để điều tiết phù hợp và không siết chặt một cách bất hợp lý. Do đó, ông đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá tình hình thế giới, khu vực và Việt Nam, từ đó đề ra giải pháp phù hợp.
IMF: “Việt Nam đang phục hồi rất tốt”
Phát biểu tại hội nghị chiều nay, ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện Văn phòng Đại diện Quỹ tiền tệ quốc tế tại Việt Nam (IMF) khẳng định Việt Nam đang phục hồi rất tốt và là quốc gia duy nhất tại châu Á được IMF tăng dự báo tăng trưởng GDP.
Theo ông Francois Painchaud, chiến thắng Covid-19, chính sách phòng dịch khôn ngoan, ổn định tình hình tài chính, ngân hàng kinh tế là những công việc khó nhưng Việt Nam đã làm rất tốt. Trong bối cảnh thế giới phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế và rủi ro lạm phát, nhưng Việt Nam đang phục hồi rất tốt, việc gỡ bỏ các hạn chế liên quan tới COVID-19, các nỗ lực bao phủ vaccine, các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả, dẫn tới sự phục hồi của các lĩnh vực như du lịch.
“Tháng 7, chúng tôi đã tăng dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên. Đây là quốc gia duy nhất tại châu Á và khu vực ASEAN mà chúng tôi tăng dự báo tăng trưởng. Năm 2023, chúng tôi giảm dự báo xuống còn 6,7% do mức tăng cao của năm 2022, nhưng vẫn là mức rất cao so với các khu vực khác và so với các nước khác, đặc biệt là các nước trong khu vực châu Á”, đại diện IMF khẳng định.
Ông Francois Painchaud cũng cho biết, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam được kiểm soát rất tốt liên quan tới dịch vụ, giao thông, giá xăng dầu và tỷ giá được giữ ổn định.
“Ngân hàng Nhà nước đã có những nỗ lực để kéo giảm lạm phát, giữ ổn định vĩ mô. Các điều kiện tài chính cũng được điều hành chặt chẽ”, đại diện IMF nhấn mạnh, Việt Nam đều đang làm rất tốt các chính sách.
IMF khuyến nghị các chính sách tiền tệ của Việt Nam “cần phải cẩn trọng”, duy trì chính sách tiền tệ phải thắt chặt, trao đổi kỹ lưỡng, hành động nhất quán.
“Ngân hàng Nhà nước đang cố gắng ổn định tỷ giá để giúp sản xuất trong nước, điều này phù hợp với chính sách tiền tệ”, tuy nhiên, theo đại diện IMF, nếu nâng trần tín dụng sẽ ảnh hưởng tới tỷ giávì tỷ giá Việt Nam đang thấp hơn nước khác.
Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục xử lý vấn đề nợ xấu, các rủi ro tiềm tàng. Tăng trưởng tín dụng ở Việt Nam đang tăng khá nhanh và GDP tăng rất cao, Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường hệ thống ngân hàng để phát triển thị trường vốn. Tăng trưởng tín dụng ở Việt Nam hiện nay đã tăng lên, GDP Việt Nam tăng cao, là 1 trong 20% nước có tỷ lệ tăng GDP. Việt Nam vẫn còn thấp hơn nước khác liên quan vấn đề vốn, các nghiên cứu cho thấy vấn đề vốn và tăng trưởng GDP có thể tăng rủi ro khu vực. IMF cho rằng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần tiếp tục tăng cường quản lý hệ thống ngân hàng với những chính sách cẩn trọng để phát triển thị trường vốn bền vững.
“Đồng Việt Nam không tăng giá thì thôi”
Cũng trao đổi về chính sách tiền tệ, TS Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, đến nay có thể tin tưởng Việt Nam có thể đạt mức tăng GDP trên 6,5%, thậm chí 7%; lạm phát có thể kiểm soát được, tuy nhiên, cần giữ ổn định tỷ giá và giá trị đồng tiền quốc gia.
Theo ông Phước, chắc chắn là ngày 21/9 này Mỹ tiếp tục tăng lãi suất. Việc tăng lãi suất suy cho cùng phục vụ cho việc tăng tỉ giá.
“Tôi có ý kiến riêng như này Việt Nam cần tiếp tục kiên định sự ổn định của tỷ giá. Nếu không cho đồng Việt Nam tăng giá thì thôi chứ không để cho đồng Việt Nam giảm giá”, TS. Phước khuyến nghị.
Theo ông, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam kiểm soát được ở mức 3,6% so với đầu năm bắt nguồn từ hai kinh nghiệm là quản lý giá rất tốt và quản lý lãi suất. Đặc biệt là sự đóng góp rất thầm lặng của chính sách tỉ giá của Ngân hàng Nhà nước. Việc ổn định tỷ giá cũng ngăn ngừa sự tác động của lạm phát trên thế giới tới Việt Nam.
Đối với việc cung ứng tiền và chính sách tiền tệ, TS. Trương Văn Phước cho rằng, ở Việt Nam cung ứng tiền thể hiện qua room tín dụng, là kênh gần chủ chủ yếu cung ứng vốn cho nền kinh tế. Vừa rồi việc Ngân hàng Nhà nước thông báo bổ sung tăng trưởng tín dụng, theo ông, động thái này là rất thích hợp. Tuy nhiên, cần theo dõi chặt chẽ để có lộ trình trong tương lai chúng ta bỏ room tín dụng. Ngoài ra, cần tạo ra thanh khoản của thị trường thông qua nhiệm vụ bơm rút tiền thông qua buôn bán ngoại tệ cũng như các công cụ của thị trưởng mở để tạo mặt bằng lãi suất ổn định.
© Ảnh : Dương Văn Giang - TTXVNThủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về ổn định nền kinh tế vĩ mô
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về ổn định nền kinh tế vĩ mô
© Ảnh : Dương Văn Giang - TTXVN
Vấn đề tiếp theo là sự phối hợp về chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Ông Phước lưu ý, không chỉ ở Việt Nam mà ở bất kỳ quốc gia nào sự xung đột của chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ gần như rất là phổ biến.
“Cấu trúc tài chính của thị trường Việt Nam là nguyên nhân chính tạo sự xung đột ngày càng gay gắt hơn. Có thể nói chính sách tiền tệ là định hướng của dòng chảy tín dụng thời gian vừa qua, cũng đã giúp cho yếu tố lạm phát thấp xuống”, chuyên gia lưu ý.
Do đó, ông Phước khuyến nghị, chính sách tiền tệ thời gian tới cần phải định hướng dòng chảy tín dụng qua các hệ số rủi ro. Việc xác định room tín dụng cho các ngân hàng cần dựa vào cơ cấu tín dụng và các hệ số rủi ro. Về chính sách tài khoá, thị trường trái phiếu còn hạn chế, ông đề nghị thí điểm cơ chế trái phiếu gắn với tài sản đảm bảo, tránh tình trạng trái phiếu phát hành ra không có tài sản đảm bảo gây nên rủi ro khi hoàn trả.
Theo GS Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân đánh giá chính sách tiền tệ của Việt Nam “chắc tay” nhưng cần thực hiện đúng chính sách điều hành tiền tệ linh hoạt, không phải thắt chặt. Vì vậy cần bổ sung các công cụ để kiểm soát tăng trưởng tín dụng. Theo ông Cường, từ nay đến cuối năm, áp lực về lạm phát không phải lớn, nhưng lớn nhất có lẽ là áp lực về kiểm soát tỷ giá, ông Cường đồng tình với ý kiến là không nên phá vỡ tỷ giá đồng tiền Việt Nam.
“Tức là phải kiên định giữ tỷ giá nhưng không có nghĩa là cứng nhắc mà phải linh hoạt với thị trường”, chuyên gia nói.
“Việt Nam sẽ đi ngược vòng xoáy của thế giới”
Theo GS. Hoàng Văn Cường, nhìn lại thành tựu kinh tế 8 tháng qua, đây là kết quả hết sức ngoạn mục.
“Chúng ta không nghĩ được rằng cuối năm 2021 và thời điểm này chúng ta có những kết quả này. Điều này cũng dự báo một điều có lẽ năm nay Việt Nam sẽ thể hiện rõ mình đang đi ngược với vòng xoáy của kinh tế thế giới”, Hiệu Phó Đại học Kinh tế Quốc dân nói.
Ông khẳng định, này không phải ngẫu nhiên mà đây là một kết quả tất nhiên của việc chúng ta điều hành kinh tế, kiên định trong ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện nhiều biện pháp điều hành linh hoạt, gần như "nghệ thuật" điều hành. Đồng thời Chính phủ đã thể hiện sự lắng nghe, cầu thị đối với tất cả các cơ quan, tổ chức, nhà khoa học và đặc biệt là tạo được niềm tin với người dân, doanh nghiệp nên chúng ta thu hút FDI, các nhà đầu tư quốc tế, lượng đầu tư lớn.
TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia tin mục tiêu tăng trưởng 7,5% năm nay chắc chắn sẽ thành công nhưng năm tới sẽ như thế nào khi dựa trên nền tăng trưởng cao của năm 2022 và 2023 được thế giới coi là “mùa đông kinh tế”. Do đó, phải chuẩn bị sẵn kịch bản cho cả năm sau.
Phát biểu tại Hội nghị, đại diện Ngân hàng Thế giới đánh giá, Việt Nam phục hồi hết sức ấn tượng, nhanh chóng. Cụ thể, theo ông Andrea Coppola, Kinh tế trưởng WB tại Việt Nam, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới, với chiều hướng tăng trưởng, lạm phát, tác động của cuộc xung đột Nga – Ukraina, WB cho rằng, sự tăng trưởng của các đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam cũng sẽ chậm hơn. Trong khi đó, lạm phát có chiều hướng tăng ở nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới. Do sự đứt gãy của chuỗi cung ứng thì các nguồn cung ứng về năng lượng cũng có gián đoạn, khủng hoảng.
“Nếu chúng ta nhìn bối cảnh của Việt Nam thì chúng ta thấy nền kinh tế phục hồi rất nhanh chóng và rất ấn tượng”, ông Andrea Coppola khẳng định và tin tưởng rằng, tăng trưởng của nền kinh tế trong quý II, quý III rất tốt.
Sự phát triển của ngành công nghiệp cũng đã có tăng trưởng vượt bậc.
Về các thách thức trong thời gian tới, đại diện WB cho rằng, các nhà điều hành kinh tế của Việt Nam cần điều hành, cân đối giữa chính sách để phục hồi nền kinh tế và có thể kiểm soát lạm phát đang ngày càng gia tăng và có những yếu tố bất ổn trong nền kinh tế,phải đối phó với sự thay đổi của cả nền kinh tế thế giới.
Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam (ADB) nhận xét, Việt Nam đã có sự tự cường rất cao để đảm bảo được cân đối cho nền kinh tế. Nhu cầu thị trường trong nước cũng đang được tăng lên, những kênh tiêu dùng cũng được tăng cường, bán lẻ đang cao.
Ông Jeffries khuyến nghị, để có thể duy trì được sự tăng trưởng nhanh, đảm bảo sự phục hồi, cần tăng cường cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là ứng dụng khoa học công nghệ cũng như chuyển đổi số.
“Việt Nam cần tăng cường tính minh bạch, tạo sự công bằng giữa các chủ thể của nền kinh tế, giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước, cũng như cộng đồng doanh nghiệp”, đại diện ADB nêu khuyến nghị với các nhà làm chính sách tại Việt Nam để kinh tế bật tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.