Quy mô GDP Việt Nam tiến lên mốc 400 tỷ USD, có cần “bẻ lái” chính sách FDI?
© Ảnh : Dương Văn Giang - TTXVNThủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài
© Ảnh : Dương Văn Giang - TTXVN
Đăng ký
Sau hơn 35 năm thực hiện chính sách Đổi mới với 3 trụ cột - xóa quan liêu bao cấp; thực hiện đa sở hữu; hội nhập - Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, quy mô GDP tăng từ chưa tới 4 tỷ USD lên khoảng 400 tỷ USD trong năm 2022.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, các nhà đầu tư nước ngoài có vai trò đóng góp rất lớn vào thành tựu kinh tế của Việt Nam. Chính phủ sẽ tạo điều kiện hết mình để doanh nghiệp FDI mở rộng đầu tư, sản xuất kinh doanh với tinh thần “các bên cùng thắng”.
FDI là bộ phận hợp thành nền kinh tế Việt Nam
Ngày 18/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với chủ đề "Vượt qua thử thách, nắm bắt cơ hội, hợp tác phát triển". Hội nghị được tổ chức tại trụ sở Chính phủ, kết nối trực tuyến tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong 8 tháng đầu năm, nhiều nước trên thế giới đối mặt tình trạng lạm phát leo thang, tăng trưởng giảm thấp. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn kiểm soát tốt lạm phát và duy trì tăng trưởng cao, đảm bảo kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn. Dự kiến, tăng trưởng GDP quý III sẽ cao hơn quý II, trong khi tăng trưởng chung cả năm có thể đạt 7%.
Chia sẻ với đại diện các doanh nghiệp FDI, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, kết quả tích cực này có vai trò đóng góp rất lớn của các nhà đầu tư nước ngoài. Thời gian qua, nhiều tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp lớn đã chú trọng đầu tư vào Việt Nam.
“Việt Nam coi khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế. Thành công của các nhà đầu tư cũng là thành công của Việt Nam”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Sau 8 tháng, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam ước đạt 12,8 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ 2021. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 8 tháng trong 5 năm qua.
Trước thành công này, một lần nữa, Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn nhất quán chính sách, giải pháp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì mặt bằng tỷ giá, lãi suất hợp lý.
“Việt Nam tìm kiếm ổn định trong bất định, giữ chủ động trong thế bị động, nhất quán trong bối cảnh chuyển đổi và xáo trộn”, lãnh đạo Chính phủ bày tỏ.
Việt Nam là điểm đến ưa thích của các nhà đầu tư Nhật Bản
Tại hội nghị, ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội, cho biết, dòng vốn đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam tăng hơn 59% vào năm ngoái và trên 45% năm nay. Đáng chú ý, kết quả khảo sát của JETRO năm 2021 cho thấy, 55% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đang có kế hoạch mở rộng hoạt động.
Trong khi đó, một cuộc khảo sát khác của JETRO được thực hiện với hơn 1.700 "công ty mẹ" tại Nhật Bản cũng cho thấy Việt Nam đứng thứ 2 trong số các nước doanh nghiệp Nhật muốn mở rộng đầu tư, sau Mỹ.
“Kỳ vọng vào Việt Nam hiện nay rất cao. Đó là các công ty FDI đang mong muốn theo dõi diễn biến chính sách của Việt Nam. Chúng tôi thấy rằng những biến đổi rất mạnh trong chuỗi cung ứng cho thấy cần sự đa dạng hóa về mặt mạng lưới”, Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội nêu rõ.
Báo cáo với Thủ tướng về các vướng mắc của doanh nghiệp Nhật ở Việt Nam, ông Nakajima Takeo đề cập những tồn tại khó khăn trong đầu tư của doanh nghiệp tại Việt Nam như vấn đề đấu thầu, thiếu lao động, bất ổn về năng lượng, chuyển đổi số hay logistics...
“Bẻ lái” chính sách thu hút FDI: Chú trọng dự án chất lượng cao
Trao đổi tại Hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, với chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu, Việt Nam ưu tiên thu hút vốn vào các dự án công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, có sức lan toả.
Kết quả khảo sát nhanh do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thực hiện trong tháng 9/2022, cho thấy những thông tin tích cực về hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
“Trên 90% doanh nghiệp đạt hiệu quả kinh doanh và tình hình tài chính ở mức trung bình và cao. Phần lớn các doanh nghiệp đều bày tỏ sự lạc quan, tin tưởng đối với Việt Nam và cam kết tiếp tục mở rộng đầu tư, kinh doanh lâu dài; trong đó khoảng 66% doanh nghiệp dự kiến mở rộng đầu tư trong năm 2023”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Bên cạnh đó, có 76% doanh nghiệp đánh giá hiệu quả của các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh của Chính phủ (như về miễn, giảm thuế, phí, bình ổn giá, giấy phép lao động, chính sách xuất nhập khẩu, chính sách hỗ trợ người lao động, hỗ trợ tiêm vaccine COVID-19…) ở mức trung bình và cao. Trong đó, các chính sách được đánh giá hiệu quả nhất là: miễn, giảm thuế VAT; chính sách về bình ổn giá xăng dầu, cải thiện thủ tục cấp giấy phép lao động và thông quan, chính sách xuất nhập khẩu và hỗ trợ người lao động.
Đồng tình với những vấn đề mà đại diện doanh nghiệp Nhật Bản nêu lên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận vẫn còn những thách thức về lao động, cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính... ảnh hưởng tới thu hút vốn ngoại của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Thời gian tới, để đón nhận và khai thác hiệu quả dòng vốn ngoại, Bộ trưởng Dũng lưu ý, các bộ, ngành, địa phương phải chủ động tiếp cận, nắm bắt khó khăn và vào cuộc cùng doanh nghiệp để xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính...
Theo Bộ trưởng, các chính sách đưa ra cần hỗ trợ doanh nghiệp như kết nối đối tác mới, mở rộng thị trường để khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng; đa dạng hóa đối tác và giảm chi phí đầu vào. Về dài hạn, Bộ trưởng Dũng cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính. Các chính sách mới ban hành phải đảm bảo mục tiêu vừa tháo gỡ khó khăn, vừa không tạo thêm những rào cản mới.
Cùng đó, doanh nghiệp trong nước phải tăng năng lực nội tại, phát triển công nghiệp hỗ trợ theo hướng tập trung một số ngành cụ thể... để kết nối với doanh nghiệp nước ngoài. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng giá trị sản xuất nội địa của Việt Nam.
Thủ tướng: “Bên thua, bên thắng thì không phải là hợp tác”
Phát biểu kết luận, nhấn mạnh mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài cân đối, hợp lý trên cơ sở đặc trưng của các địa phương, vùng miền, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương rà soát toàn diện các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để giải quyết dứt điểm, cải thiện môi trường kinh doanh, rút gọn thủ tục hành chính...
Ông nêu rõ, phải nghiên cứu, đề xuất xây dựng các trung tâm logistics có quy mô lớn, trang thiết bị hiện đại, ứng dụng kỹ thuật số nhằm đáp ứng nhu cầu cao của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh... Về phần các hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư, Thủ tướng đề nghị họ giữ vững niềm tin, hợp tác cùng có lợi, tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam, tiếp tục giúp Việt Nam phát triển lĩnh vực công nghệ cao, giá trị bền vững.
Để hỗ trợ doanh nghiệp FDI, Thủ tướng lưu ý, các Hiệp hội kịp thời cung cấp và báo cáo các vướng mắc, khó khăn của các hội viên trong quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam; đồng thời kiến nghị, đề xuất các chính sách, pháp luật phù hợp.
“Nếu làm việc với nhau mà "bên thua, bên thắng" thì không phải là hợp tác. Vì thế, chúng ta phải ngồi lại, lắng nghe, trao đổi với nhau để hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro”, Thủ tướng thẳng thắn.
Người đứng đầu Chính phủ nhắc lại, Việt Nam tạo mọi điều kiện để có môi trường thuận lợi, an toàn, minh bạch cho các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam "với tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường.
“Không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”, Thủ tướng Phạm Minh Chính kiên quyết.