Mỏ cạn kiệt dầu, nhân tài dứt áo ra đi và những ‘sự thật buồn’ về dầu khí Việt Nam
19:42 18.09.2022 (Đã cập nhật: 19:43 18.09.2022)
© Ảnh : Hữu Khoa Giàn khoan dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam
© Ảnh : Hữu Khoa
Đăng ký
Ngành dầu khí Việt Nam đang loay hoay tìm cơ chế cho những mũi khoan bạc tỷ khi các mỏ dầu khí lớn cạn kiệt, hàng chục nhân tài dứt áo ra đi và khó ký thêm nhiều hợp đồng dầu khí mới.
Trăn trở về tương lai ngành dầu khí Việt Nam cũng như Luật Dầu khí (sửa đổi), chuyên gia cho biết, hiện nay, dầu khí không còn hấp dẫn như ngày xưa, phần vì thể chế, một phần vì tiềm năng dầu khí của Việt Nam chỉ còn ở mức vừa phải.
“Chiếc áo quá chật”
Tại TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), “thủ phủ” ngành dầu khí Việt Nam, đại diện Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petrovietnam/PVN) vừa tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề "Luật Dầu khí sửa đổi phục vụ cho mục tiêu phát triển".
Theo PVN, cuộc toạ đàm nhằm thông tin tới các cơ quan báo chí về kết quả hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí gắn với hoạt động xây dựng pháp luật nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi dự kiến sẽ được trình ra Quốc hội thông qua vào tháng 10/2022 này.
Phát biểu tại buổi toạ đàm, ông Phan Minh Quốc Bình - Phó Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) cho biết, ngành dầu khí của Việt Nam đến nay đã “phát triển hoàn chỉnh”, đồng bộ, từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, tồn trữ đến kinh doanh và chế biến ra các cái sản phẩm có giá trị cao.
“Chuỗi giá trị công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh như vậy không phải nước nào cũng có”, - ông Dũng nhắc lại và tái khẳng định, ngành Dầu khí đã thực hiện được sứ mệnh của mình trong đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh kinh tế, an ninh lương thực cho đất nước, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia trên biển.
Theo ông Trần Quang Dũng, Trưởng Ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, hiện nay thông qua sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, đặc biệt với Luật Dầu khí được ban hành từ 6 tháng 7 năm 1993 đến nay đã phát huy tối đa tác dụng, hiệu quả, đóng góp quan trọng cho việc hình thành ngành Công nghiệp Dầu khí của Việt Nam. Tuy nhiên, qua ba lần sửa đổi đến hiện tại với nhiều yếu tố mới phát sinh. Đặc biệt là cùng với sự lớn mạnh của mình thì “chiếc áo” mà ngành dầu khí khoác đang mặc đã trở nên chật chội, kìm hãm sự phát triển của ngành dầu khí Việt Nam.
“Luật hiện hành không giúp cho hoạt động dầu khí có hiệu quả. Qua 3 lần sửa đổi, đến nay Luật Dầu khí đã giảm tác dụng, khiến ngành đối diện với nhiều khó khăn, thách thức khi chiếc áo cho ngành đã trở nên quá chật chội”, - ông Dũng bày tỏ.
Do đó, vừa qua Đảng và Nhà nước thấy cần thiết phải điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung Luật Dầu khí để đảm bảo cho sự phát triển của ngành dầu khí cũng như tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc ngành đang gặp phải. Luật Dầu khí sửa đổi là phục vụ mục tiêu phát triển.
“Cho đến thời điểm hiện nay, dự án Luật này về cơ bản đã đáp ứng rất nhiều nội dung, hoàn thiện dự thảo Luật nhằm tạo ra những cơ chế, điều kiện phát triển mới cho ngành dầu khí”, - ông Dũng nói và nhấn mạnh, sau nhiều lần hoàn thiện, gần về đích, dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) đã tốt hơn rất nhiều.
Chia sẻ tại cuộc toạ đàm, ông Trần Quang Dũng cho hay, ngành dầu khí Việt Nam hiện đang phải đối diện với những khó khăn, thách thức rất lớn do chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số và những biến động bất định của thị trường, của nền kinh tế thế giới nói riêng và những bất ổn bất định trong đời sống xã hội nói chung.
“Điều đó đòi hỏi PVN phải thường xuyên ứng phó và muốn ứng phó hiệu quả, đòi hỏi ngành phải có sự quản trị một cách phù hợp để vượt qua”, - ông Dũng nêu rõ.
Ông Dũng nhấn mạnh, hai năm qua, bằng chiến lược quản trị biến động của mình, ngành dầu khí đã chủ động vượt qua khó khăn một cách hết sức ngoạn mục, với kết quả kinh doanh tiếp tục đạt hiệu quả cao. Thế mạnh của ngành dầu khí sẽ tiếp tục đưa vào để phục vụ cho quá trình chuyển đổi xanh, chuyển chuyển dịch năng lượng, chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Mỏ cạn kiệt
Theo ông Phan Minh Quốc Bình, Phó Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) lưu ý tại buổi toạ đàm, tiềm năng dầu khí của Việt Nam ngày càng hạn chế, công tác tìm kiếm thăm dò, gia tăng trữ lượng dầu khí hàng năm không đảm bảo bù cho sản lượng dầu khí khai thác.
“Trong khi đó, hầu hết các mỏ dầu khí khai thác ở trong nước đã bước vào giai đoạn suy giảm sản lượng và dần cạn kiệt (Bạch Hổ, Lan Tây, Lan Đỏ,…)”, - ông Bình nói và cho rằng, Luật Dầu khí sửa đổi đáp ứng nhiều điều kiện quan trọng với mục tiêu tạo cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp phát triển, đóng góp sự phát triển của đất nước.
Chuyên gia cũng nhấn mạnh hiện nay nhiều nước trên thế giới và trong khu vực đang có những cơ chế, chính sách tạo sự thu hút đầu tư hiệu quả.
Ông Hoàng Ngọc Trung, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP), cũng thẳng thắn bày tỏ rằng “dầu khí không còn hấp dẫn như ngày xưa”, một phần vì thể chế, một phần vì tiềm năng dầu khí của đất nước chỉ còn ở mức vừa phải. Theo ông Trung, khó khăn đầu tiên trong tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, theo ông Trung, là quy mô đầu tư đang giảm dần.
Riêng với PVEP, 5 năm trở lại đây quy mô đầu tư chỉ còn 15% so với 5 năm trước đó. Cụ thể giai đoạn 2011-2015, PVEP ký 27 dự án dầu khí nhưng 5 năm sau cộng thêm 8 tháng đầu 2022, PVEP mới ký được 2 dự án, ông Trung cho biết. Ký hợp đồng mới khó, không đạt, số lượng dự án đang hoạt động cũng giảm rất nhiều, giảm nhanh bởi khi trữ lượng thăm dò không đạt kỳ vọng, người ta sẽ bỏ.
“Điều đó cho thấy thu hút đầu tư mới không dễ, mà dự án cũ đang triển khai cũng khó”, - ông Trung nói.
Lo lắng về việc thiếu cơ chế rủi ro, ông Trung nêu quan điểm rằng, với một doanh nghiệp làm dự án thì “7 thành công, 3 thất bại” là bình thường. Tuy nhiên, với cơ chế hiện nay, sẽ rất khó.
“7 thành công được khen còn 3 thất bại mang ra xử lý, như vậy thì ai dám làm, trong khi thực tế làm 3 dự án mà 2 cái thành công đã mang lại lợi nhuận rất lớn rồi”, - đại diện PVEP Hoàng Ngọc Trung trăn trở.
Bàn đến nguyên lý "đầu tư phải có hiệu quả kinh tế", lãnh đạo PVEP so sánh trong khi tiềm năng dầu khí của Việt Nam không còn như trước, ưu đãi của Việt Nam so với các nước trong khu vực cũng chỉ ở mức vừa phải. Nếu so với Malaysia, sản lượng khai thác của họ cao gấp Việt Nam 4-5 lần.
“Nếu không có tiềm năng thì có khuyến khích giời cũng không ăn thua”, - Phó Tổng Giám đốc PVEP thẳng thắn cho rằng phải hài hòa giữa tiềm năng và ưu đãi về chính sách.
Đại diện PVEP cho rằng nếu có ưu đãi mới được quy định trong Luật Dầu khí sửa đổi, các dự án cũ sẽ sớm tiếp tục được khai thác. Tất nhiên vẫn có rủi ro, nhưng có thể tăng thêm trữ lượng khai thác khoảng 70-80 triệu thùng, đem về doanh thu khoảng 1,5 tỷ USD cho Nhà nước. Ông Trung cũng kỳ vọng với những dự án sắp kết thúc sẽ có cơ chế cho tận thu khai thác tài nguyên, vì nếu không có thì không khai thác được.
Sau các phân tích, PVEP kiến nghị cho phép Thủ tướng quyết định mức miễn giảm thuế ưu đãi cao hơn so với dự thảo hiện nay với các lô, mỏ cần áp dụng cơ chế chính sách đặc biệt. Cơ chế này nhằm hiện thực hóa hoạt động khai thác tận thu, tránh lãng phí tài nguyên đất nước. Ngoài ra, cần đa dạng hóa hình thức hợp đồng dầu khí, không chỉ giới hạn ở hình thức truyền thống mà cho phép áp dụng thêm các hình thức khác theo nguyên tắc đôi bên cùng có lợi, cho cả Chính phủ và nhà đầu tư.
Đồng thời, PVEP cũng kiến nghị cần cơ chế khuyến khích nhà thầu của hợp đồng dầu khí hiện có đầu tư bổ sung để gia tăng trữ lượng, nâng cao hệ số thu hồi và khai thác tận thu.
“Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) có nhiều điều khoản liên quan thuế, thu hồi chi phí cải thiện hơn so với luật hiện hành. Chúng tôi có niềm tin những dự án đang làm có thể tiến hành được, các dự án tận thu cũng có cơ sở triển khai, và hy vọng rằng làn sóng đầu tư mới sẽ thu hút được các dự án đầu tư mới”, - ông Hoàng Ngọc Trung nêu.
Đối với việc được đại diện PVEP đề cập, ông Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, phản ánh có những hợp đồng dầu khí đã trình 5 năm rồi mà vẫn chưa ký được, do cách hành xử của các cơ quan có liên quan. Vì thế, khi ban hành Luật Dầu khí mới, theo ông Thập, cần sớm có hướng dẫn thực hiện, khắc phục được tình trạng này.
Hàng chục nhân tài dầu khí dứt áo ra đi
Bàn về vấn đề nhân sự tại toạ đàm, ông Hoàng Ngọc Trung, Phó Tổng Giám đốc PVEP chia sẻ một vấn đề đáng quan tâm. Đó là tực tế từ đầu năm đến nay, PVEP đã mất mấy chục người có chuyên môn cao sang đơn vị tư nhân, bởi họ có chế độ đãi ngộ tốt hơn, trong khi một doanh nghiệp Nhà nước như PVEP phải tuân thủ về chế độ ưu đãi, đãi ngộ theo Nhà nước, có những thứ không thể vượt qua được.
Theo ông Trung ở PVEP còn cái khó là người thực sự muốn giữ thì họ ra đi và không giữ được, còn người chúng tôi không muốn giữ thì họ không đi.
“Chúng tôi cũng không có cách nào cho người ta đi”, - ông Trung trăn trở và nhấn mạnh cần hài hòa giữa đào tạo và giữ chân nhân tài để phục vụ trong các doanh nghiệp Nhà nước.
Bàn về chính sách khuyến khích đầu tư, thăm dò dầu khí, Phó Tổng Giám đốc PVEP cho biết, đầu tư dầu khí là đầu tư mạo hiểm, đầu tư rủi ro, các đơn vị sẵn sàng đầu tư một khoản với hy vọng “tìm được một cái rất lớn”, nhưng việc đó giờ thực sự khó hơn nhiều so với 10-20 năm trước.
Theo ông Hoàng Ngọc Trung, bây giờ, nếu hy vọng phát hiện có tính chất lớn hơn chỉ có ở những vùng nước sâu, vùng xa - nơi công tác tìm kiếm thăm dò chưa được triển khai nhiều.
“Nhưng ở đó lại kèm theo rất nhiều thứ, như chi phí đầu tư rất đắt”, - ông Trung dẫn chứng cách đây vài năm, một đơn vị đã phải chi cả trăm triệu USD cho việc khoan thăm dò một giếng dầu và lưu ý, điều này cho thấy chi phí rất lớn, việc chi cả trăm triệu USD cho một giếng khoan là có.
Vietsovpetro muốn đầu tư năng lượng tái tạo ngoài khơi của Việt Nam
Nhận định việc còn thiếu cơ sở pháp lý cho các hình thức vận hành, điều hành Lô dầu khí tận thu, mỏ nhỏ, mỏ cận biên, ông Lê Đắc Hoá - Giám đốc dự án Lô 01, 02 (Tổng Công ty Thăm dò - Khai thác Dầu khí) cho rằng, thực tế đặt ra yêu cầu bổ sung các quy định để đa dạng hóa hình thức hợp đồng dầu khí theo nguyên tắc đôi bên cùng có lợi cho Nhà nước và nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, theo ông Hoá, 5 năm qua, có những thời điểm giá dầu thế giới xuống thấp kỷ lục (Q2-2020) gây khó khăn rất lớn cho ngành công nghiệp khai thác dầu khí. Ông Hoá bày tỏ rằng, trong giai đoạn thế giới rất nhiều biến động như hiện nay và những thập kỷ tới cùng với xu hướng chuyển dịch nguồn năng lượng từ hóa thạch sang “xanh” đang ngày càng hiện rõ, luật cũng cần cân nhắc đến các cơ chế, nguyên tắc, biện pháp khuyến khích các nhà đầu tư, nhất là ở những thời điểm giá dầu sụt giảm, để đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên cùng vượt qua khó khăn, nhằm tới mục tiêu khai thác kịp thời và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên dầu khí.
Ông Trần Hồ Bắc (Phó tổng giám đốc Tổng công ty CP Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam - PTSC) trình bày quan điểm cá nhân, cho rằng dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi đề cập đến các “ưu đãi đầu tư”, song thực tế, những quy định đó chưa đến mức được gọi là ưu đãi, chỉ nên gọi là chính sách khuyến khích đầu tư. Xét về ưu đãi về thuế và chính sách khác, nếu so với các nước còn khắt khe hơn nhiều, trong khi hiệu quả đầu tư của Việt Nam chưa bằng quốc tế.
“Các nước có hợp đồng chia sẻ rủi ro, Nhà nước sẵn sàng chia sẻ rủi ro, nhưng ở ta, nhà thầu chịu 100% rủi ro”, - ông Bắc cho biết.
Ông Trần Hồ Bắc đề xuất cần quy định tỷ trọng nội địa hóa trong hợp đồng dầu khí, khi dự thảo sửa đổi chỉ nêu chung chung là “ưu tiên sử dụng dịch vụ trong nước”, vì nếu quy định không có định lượng cụ thể sẽ rất khó thực hiện.
Tại toạ đàm, Liên doanh Dầu khí Việt – Nga Vietsovpetro kiến nghị Quốc hội xem xét phê chuẩn Luật Dầu khí sửa đổi, trong đó tập trung vào các giải pháp thu hút đầu tư và xác định vai trò vị trí của Petrovietnam theo nguyên tắc tăng cường phân cấp phân quyền, cải thiện thủ tục hành chính trong hoạt động dầu khí.
Đáng chú ý, Vietsovpetro cũng kiến nghị các cấp thẩm quyền của Việt Nam tạo điều kiện cho Vietsovpetro được mở rộng hoạt động dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam và xem xét cho phép Vietsovpetro tham gia đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng tái tạo ngoài khơi.