Không bất ngờ khi Việt Nam vào top 7 ‘kỳ quan kinh tế thế giới’
© Ảnh : Nguyễn Vũ Thành Đạt - TTXVNViệt Nam thu hút gần 16,8 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài trong 8 tháng năm 2022
© Ảnh : Nguyễn Vũ Thành Đạt - TTXVN
Đăng ký
Không bất ngờ khi Việt Nam là một trong số 7 ‘kỳ quan kinh tế’ thế giới trỗi dậy mạnh mẽ bất chấp bức tranh quốc tế toàn cảnh đầy ảm đạm, theo nhà kinh tế Ruchir Sharma, Chủ tịch Rockerfeller International, nguyên chiến lược gia tại Công ty quản lý Quỹ đầu tư Morgan Stanley.
Theo Ruchir Sharma, Việt Nam là cái tên ít gây gạc nhiên nhất trong số 7 ‘kỳ quan kinh tế thế giới’. Khi căng thẳng địa chính trị gia tăng với Trung Quốc, các doanh nghiệp phương Tây hạn chế bớt rủi ro bằng cách áp dụng chiến lược “Trung Quốc +1”, thì điểm đến hàng đầu mà họ nhắm tới chính là Việt Nam.
7 kỳ quan kinh tế trong một thế giới đầy ảm đạm, khó khăn
Trong thời kỳ kinh tế ảm đạm như hiện nay, khi hầu hết các chuyên gia đều đưa ra dự báo tiêu cực ở các nước thì vẫn có một số nền kinh tế ghi nhận những diễn biến khả quan, trái ngược với bức tranh bi quan ảm đạm toàn cảnh.
Trong bài phân tích của mình, chuyên gia Ruchir Sharma, Chủ tịch Rockerfeller International, đồng thời là cựu chiến lược gia tại Công ty quản lý Quỹ đầu tư Morgan Stanley đã liệt kê 7 quốc gia nổi bật trong một thế giới đang có xu hướng suy thoái và lạm phát cao hơn gồm Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ả Rập Xê Út và Nhật Bản.
“7 kỳ quan kinh tế gồm những quốc gia có chung những đặc điểm như: tăng trưởng kinh tế tương đối mạnh, tình hình lạm phát vừa phải hoặc thị trường chứng khoán ổn định so với các nước khác”, ông Ruchir Sharma lưu ý.
Trùng hợp thay, hầu hết trong số những nước này đều đã vượt qua những thành kiến sâu sắc về triển vọng được cho là mờ mịt của một số quốc gia, nền văn hóa và hệ thống nhất định để vươn lên mạnh mẽ.
Việt Nam là cái tên ít gây ngạc nhiên nhất
Trong bài phân tích trên Financial Times ngày 26 tháng 9, ông Ruchir Sharma, tác giả từng xuất bản cuốn sách "Quốc gia thăng trầm", lý giải đường cong lên xuống của nền kinh tế thế giới từ cuối thập niên 1990 đến đầu những năm 2000 đã dành những lời khen hết sức đáng chú ý cho Việt Nam.
“Cái tên ít ngạc nhiên nhất trong danh sách này chính là Việt Nam. Khi căng thẳng địa chính trị gia tăng với Trung Quốc, các doanh nghiệp phương Tây đã cố gắng giảm bớt rủi ro bằng cách áp dụng chiến lược “Trung Quốc +1”, và điểm đến mà họ có thể tìm thấy nguồn cung ứng phụ đầu tiên là Việt Nam”, ông Sharma khẳng định.
Bằng cách đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng, Việt Nam đang tăng trưởng gần 7%, tốc độ được xem là nhanh nhất trên thế giới.
Với các nền kinh tế còn lại trong danh sách, tác giả Ruchir Sharma cũng đưa ra những phân tích và nhận định về các yếu tố giúp mỗi nước tránh khỏi suy thoái kinh tế toàn cầu.
“PIGS”
Đất nước tiếp theo trong danh sách là Indonesia. Với nguồn tài nguyên phong phú, nước này đang được hưởng lợi từ sự bùng nổ giá hàng hóa toàn cầu. Với thị trường nội địa 276 triệu dân, họ cũng không phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu.
Indonesia có mức nợ thấp bất thường so với các nền kinh tế đang phát triển khác và một đồng tiền ổn định trong bối cảnh hầu hết các loại tiền tệ đang giảm giá mạnh so với đồng đô la Mỹ.
Kết quả là, sự kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng 5% với lạm phát dưới 5%, đã khiến Indonesia trở thành tấm gương sáng về kinh tế trong thế giới Hồi giáo.
Kế tiếp là Ấn Độ, một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Các nhà hoạch định chính sách đã thực hiện một cuộc cải cách vừa đủ để thu hút các nhà đầu tư, những người lo ngại trước những diễn biến khó khăn ở Trung Quốc. Việc đầu tư vào dịch vụ kỹ thuật số và sản xuất đang mang lại hiệu quả và thị trường nội địa rộng lớn, giúp Ấn Độ tránh khỏi suy thoái kinh tế toàn cầu.
Một số quốc gia thuộc nhóm “PIGS”, những nước cốt lõi trong cuộc khủng hoảng nợ khu vực đồng euro một thập kỷ trước, hiện đang được hồi sinh. Hy Lạp và Bồ Đào Nha đã cắt giảm hơn một nửa thâm hụt của chính phủ và ít bị ảnh hưởng hơn so với hầu hết các nước châu Âu trước cú sốc về cung cấp khí đốt từ Nga.
Hy Lạp đang nhận được sự thúc đẩy từ sự hồi sinh trong đầu tư nước ngoài cũng như trong mảng du lịch. Có ít hơn 10% các khoản vay ngân hàng không hoạt động, giảm so với 50% trong thời kỳ khủng hoảng. Với việc lạm phát giảm nhanh, Hy Lạp đang là một trong những nước phục hồi tốt nhất của khu vực.
Bồ Đào Nha cũng trong kịch bản tương tự. Đầu tư một cách khôn ngoan các quỹ hỗ trợ từ EU và cải cách hệ thống lương hưu, cùng với việc cấp “thị thực vàng” đã thu hút làn sóng những người giàu mới. Có lẽ không phải ngẫu nhiên, thị trường chứng khoán hoạt động tốt nhất ở các nước phát triển trong năm nay là Lisbon.
Saudi Arabia đang dẫn đầu một phong trào giữa các quốc gia vùng Vịnh nhằm đa dạng hóa các lĩnh vực ngoài dầu mỏ. Những chính sách cải cách, bao gồm nới lỏng các hạn chế đối với phụ nữ, công nhân, khách du lịch và cuộc sống về đêm, đã giúp đẩy mức tăng trưởng dự kiến lên gần 6% trong 2 năm tới.
Saudi Arabia cũng đầu tư vào cơ sở hạ tầng, bao gồm 10 thành phố thông minh, hứa hẹn một phiên bản tương lai nói không với ô tô của cuộc sống đô thị. Mặc dù bị chỉ trích gay gắt vì đàn áp chính trị và có một số khoảng cách đối với quyền công dân, vương quốc này cũng đang mở rộng các quyền tự do kinh tế và quốc gia dầu khí này đi đầu trong phát triển đô thị xanh.
Nhật Bản - quốc gia hiếm hoi
Cũng trong phân tích của mình, ông Sharma cho rằng, đất nước đáng ngạc nhiên nhất trong danh sách chính là Nhật Bản, nơi tốc độ tăng trưởng thực sự đang tăng lên. Sau khi bị ảnh hưởng bởi giảm phát trong nhiều năm, Nhật Bản cũng là quốc gia hiếm hoi thu được lợi nhuận khi lạm phát quay trở lại - hiện chỉ ở mức hơn 2%.
Văn hóa doanh nghiệp được cho là yếu kém của Nhật đã và đang làm tăng tỷ suất lợi nhuận.
Chi phí lao động ở Nhật Bản hiện thấp hơn ở Trung Quốc. Đồng yên giá rẻ đang thúc đẩy xuất khẩu và có thể vực dậy sức tiêu dùng trên thị trường, trong khi việc mở cửa trở lại muộn do các hạn chế của dịch bệnh càng thu hút du khách.
Tất nhiên, bất kỳ nền kinh tế nào trong số này đều có thể đảo chiều tăng trưởng, xuất phát từ sự thay đổi trong lãnh đạo, chính sách phát triển, thói tự mãn hay những bất ổn địa, chính trị trên toàn cầu.
Mặc dù vậy, cả 7 kỳ quan kinh tế thế giới này đều nằm trong số các thị trường chứng khoán hoạt động tốt nhất trong năm nay.
“Giữa những lo lắng có cơ sở về triển vọng toàn cầu, những thế lực mới đang dần trỗi dậy”, Ruchir Sharma bình luận.