Nguyên nhân nào dẫn đến đêm lũ lịch sử ở Đà Nẵng?
© AFP 2023 / Nhac NguyenNgười đàn ông đi xe trên đường phố ngập lụt sau khi cơn bão Noru đi qua tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, Việt Nam
© AFP 2023 / Nhac Nguyen
Đăng ký
Theo chuyên gia, có 5 nguyên nhân chính dẫn đến đêm lũ lịch sử mới đây tại Đà Nẵng và khu vực miền Trung.
Dự báo trong thời gian tới, các diễn biến về bão trên Biển Đông trong những ngày tới sẽ còn rất phức tạp.
4 người thiệt mạng
Trận mưa từ 13h hôm qua đến sáng nay đã làm bốn người chết, hơn 200.000 hộ dân bị mất điện, hiện mới khôi phục được khoảng 1/3.
Sáng 15/10, ông Phan Văn Dũng, Phó giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng, đã báo cáo Thành ủy Đà Nẵng về đợt mưa lớn và ngập lụt vừa xảy ra ở Đà Nẵng đêm qua đến sáng nay.
Trước mắt, đã ghi nhận 4 nạn nhân thiệt mạng, gồm: một sinh viên quê Quảng Bình bị đuối nước tại đường Mẹ Suốt; người đàn ông 58 tuổi chết đuối khi đi đánh cá; một phụ nữ ở đường Trưng Nữ Vương đuối nước tại nhà và một cán bộ công an phường Thọ Quang gặp tai nạn giao thông, tử vong trên đường đi cấp cứu.
Trước đó, hoàn lưu bão Sơn Ca đã gây ra trận mưa đặc biệt lớn ở Đà Nẵng. Ước tính, lượng mưa từ 19h ngày 13/10 đến 6h sáng 15/10 tại Sơn Trà 775 mm; Thanh Khê 610 mm; Hải Châu 520 mm; Ngũ Hành Sơn 450. Cá biệt trạm Suối Đá chỉ từ 7h đến 22h hôm qua đã 720 mm. Tất cả 6 quận và huyện Hòa Vang đều bị ngập, trong đó ngập sâu nhất là các quận Liên Chiểu, Thanh Khê, Sơn Trà, Cẩm Lệ, khoảng 0,5-1,5 m.
© AFP 2023 / Nhac NguyenMưa như trút trong một cơn bão ở Đà Nẵng, Việt Nam
Mưa như trút trong một cơn bão ở Đà Nẵng, Việt Nam
© AFP 2023 / Nhac Nguyen
Tại quận Cẩm Lệ, toàn bộ 6 phường đều bị ngập từ 0,6 đến 1,5 m, có nơi sâu nhất lên đến 2 m. Ban chỉ huy quân sự quận đã điều động xe đặc chủng, xe múc chuyên dụng hỗ trợ các phường tiếp cận nơi ngập sâu, sơ tán 100 hộ dân tới nơi an toàn. Cơ quan chức năng cũng kịp thời cứu hộ cho 8 người dân đi đường bị nước cuốn.
Trong khi đó, quận Thanh Khê phải đưa thuyền thúng, thuyền phao vào khu trũng thấp Khe Cạn để hỗ trợ đưa người dân ra ngoài vì nơi này bị ngập hoàn toàn. Một số tuyến đường lên bán đảo Sơn Trà bị sạt lở nặng, du khách được hướng dẫn đến chùa Linh Ứng để trú ẩn.
Đến sáng nay, trời đã ngừng mưa, nước bắt đầu rút dần trên các tuyến đường từ trung tâm đến ngoại ô, nhưng nhiều nơi vẫn ngập gần 1 m. Tại hẻm 96 Điện Biên Phủ và khu dân cư đường Hà Huy Tập (đoạn từ Điện Biên Phủ về Huỳnh Ngọc Huệ), người dân chỉ có thể lội nước để di chuyển.
Trên địa bàn Đà Nẵng đã ghi nhận 2.524 trạm biến áp bị mất điện, gây ảnh hưởng tới hơn 200.000 hộ dân.
Trận mưa lũ đã làm hàng trăm ôtô, xe máy hư hỏng vì ngập nước, nằm la liệt trên đường chờ đưa đi sửa. Các thiệt hại vẫn đang được thống kê.
Dự báo hôm nay và ngày mai, Đà Nẵng sẽ tiếp tục mưa 80-150 mm, có nơi trên 220 mm. Sông Vu Gia và các sông trên địa bàn sẽ có một đợt lũ với đỉnh ở mức báo động 3, mức cao nhất. Địa phương đối diện nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp ven sông và khu đô thị.
5 nguyên nhân chính
Theo ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng dự báo thời tiết Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, số liệu quan trắc đo được lượng mưa từ 19h ngày 13/10 tới 7h sáng 15/10 tại Quảng Trị phổ biến 100-300mm, Thừa Thiên Huế 250-550mm, Đà Nẵng phổ biến 550-600mm, Quảng Nam phổ biến 100-400mm.
Riêng tại Đà Nẵng, lượng mưa tập trung chủ yếu từ 1h ngày 14/10 đến 1h ngày 15/10; một số nơi có mưa rất lớn như tại trạm Đà Nẵng - 697.6mm, Suối Đá - 775.2mm.
Ông Nguyễn Văn Hưởng cho biết, có 5 nguyên nhân chính khiến các địa bàn tại Đà Nẵng bị ngập sâu.
Đầu tiên là do tác động hình thế mưa điển hình ở miền Trung, tổ hợp đa thiên tai bao gồm: áp thấp nhiệt đới, không khí lạnh, dải hội tụ nhiệt đới và gió đông.
Thứ hai, địa hình chắn gió ở miền Trung rất dễ gây mưa lớn khi có ảnh hưởng của không khí lạnh.
Thứ ba, cơn mưa diễn ra trong thời gian ngắn với cường suất lớn. Ước tính, lượng mưa trong 6 tiếng đồng hồ lên đến trên 500mm, một con số rất lớn.
Thứ tư, triều cường tại khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên, trong đó có TP. Đà Nẵng ở mức cao trong tối và đêm 14/10 đã làm chậm quá trình thoát lũ.
Cuối cùng, thời điểm tháng 10 và tháng 11 là giai đoạn miền Trung có mưa lớn nhất trong năm.
“Năm nay cơ quan khí tượng thuỷ văn đã dự báo có ảnh hưởng của hiện tượng La Nina, không khí lạnh hoạt động sớm nên mưa lũ khả năng sẽ lớn hơn năm bình thường. Đối với đợt mưa này, cơ quan khí tượng thuỷ văn cũng đã có cảnh báo rất sớm với lượng mưa phổ biển 200-500 mm, cục bộ cơ nơi trên 800mm ở Trung Bộ”, - ông Hưởng cho biết.
Dự đoán từ nay đến hết ngày mai, ở khu vực từ phía Nam Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to và giông. Riêng khu vực từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế có mưa to.
Cụ thể, khu vực phía Nam Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế lượng mưa 70-150mm, có nơi trên 200mm. Đà Nẵng đến Quảng Ngãi lượng mưa 50-100mm, có nơi trên 120mm. Từ ngày 17/10 trở đi, mưa tại các tỉnh miền Trung giảm nhanh.
© AFP 2023 / Nhac NguyenMưa như trút trong một cơn bão ở Đà Nẵng, Việt Nam
Mưa như trút trong một cơn bão ở Đà Nẵng, Việt Nam
© AFP 2023 / Nhac Nguyen
Bên cạnh đó, bộ phận áp cao lục địa ở phía nam Trung Quốc đang dần dịch chuyển xuống phía nam. Dự báo từ ngày 16/10, bộ phận không khí lạnh này có thể ảnh hưởng tới các tỉnh Bắc Bộ, duy trì thời tiết nắng khô tại khu vực này.
Không khí lạnh nhiều khả năng sẽ tương tác với cơn bão số 6 sắp tới. Do vậy, các diễn biến về bão trên Biển Đông trong những ngày tới sẽ rất phức tạp.