Chuyên gia: Mỹ muốn biến Bắc Cực thành khu vực xung đột với Nga và Trung Quốc
09:18 18.10.2022 (Đã cập nhật: 14:07 18.10.2022)
CC BY-SA 3.0 / Timo Palo / Teadlased jäälQuang cảnh băng ở Bắc Cực nhìn từ tàu phá băng Xue Long của Trung Quốc
CC BY-SA 3.0 / Timo Palo / Teadlased jääl
Đăng ký
Phương Tây đang sử dụng cuộc khủng hoảng Ukraina như một cái cớ để loại Nga khỏi hợp tác đa phương, bao gồm cả ở vùng Bắc Cực. Chuyên gia Wang Yiwei, giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Renmin (Trung Quốc), nói với Sputnik.
Chuyên gia Wang Yiwei cho rằng, Mỹ muốn chính trị hóa vùng Bắc Cực, biến nó thành khu vực xung đột với Nga và Trung Quốc. Trước đó, tại Hội nghị Vòng tròn Bắc Cực, Đô đốc Rob Bauer, Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO, đã đấu khẩu với Đại sứ Trung Quốc tại Iceland He Rulong liên quan tới vấn đề Ukraina.
Theo Đô đốc Rob Bauer, Trung Quốc "không chia sẻ các giá trị của NATO và đang phá hoại trật tự quốc tế dựa trên luật lệ".
“Thưa ông Đô đốc, với tất cả sự tôn trọng, bài phát biểu và tuyên bố của ông chứa đầy sự kiêu ngạo”, - đại sứ He Rulong đáp trả.
Sau đó Rob Bauer hỏi tại sao Trung Quốc vẫn chưa lên án chiến dịch đặc biệt của Nga ở Ukraina. Về phần mình, Đại sứ Trung Quốc kêu gọi phương Tây “hiểu nguyên nhân sâu xa” của cuộc khủng hoảng Ukraina.
Xung đột Nga-Ukraina có nguyên nhân lịch sử
Trả lời phỏng vấn của Sputnik, chuyên gia Wang Yiwei, giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Renmin của Trung Quốc, lưu ý rằng, cuộc xung đột Nga-Ukraina có những nguyên nhân lịch sử phức tạp, và sẽ không khôn ngoan nếu loại Nga khỏi sự hợp tác với các cơ chế đa phương. Ngoài ra, diễn đàn Vòng tròn Bắc Cực không phải là nơi đáng để so sánh các giá trị và hệ tư tưởng của những quốc gia hoàn toàn khác nhau.
“Phương Tây đang sử dụng cuộc xung đột Ukraina để cản trở hợp tác quốc tế, bao gồm cả ở vùng Bắc Cực. Cuộc xung đột Nga-Ukraina có những nguyên nhân lịch sử phức tạp. Những nỗ lực lợi dụng tình hình để loại Nga khỏi các cơ chế đa phương không chỉ là thiếu khôn ngoan mà còn phản ánh rõ ý đồ chiến lược đằng sau những nỗ lực này. Ngoài ra, NATO cáo buộc Trung Quốc "không chia sẻ các giá trị của NATO và phá hoại trật tự quốc tế dựa trên luật lệ". Nhưng, ở đây họ nhầm lẫn các khái niệm. Hiện tại, Nga là thành viên đầy đủ của Hội đồng Bắc Cực, và Trung Quốc là quốc gia quan sát viên tại Hội đồng Bắc Cực. Trong khuôn khổ cơ chế Hội đồng Bắc Cực, tất cả các bên đều chia sẻ cùng một ý tưởng. Hệ thống chính trị và hệ tư tưởng của chúng tôi khác với các nước khác, nhưng, đây không phải là lý do để so sánh nó với các giá trị của một cơ chế đa phương quốc tế như Hội đồng Bắc Cực, cố tình gây hiểu lầm cho công chúng và gây tranh cãi”, - chuyên gia Wang Yiwei lưu ý.
Sau đó, trong một nỗ lực nhằm hòa giải mọi chuyện, Đại sứ Trung Quốc đã đăng các bức ảnh về hội nghị lên Twitter, trong đó có một bức ảnh chụp ông và Đô đốc Bauer bắt tay nhau. Và ông He Rulong thậm chí còn viết trên Twitter rằng, đây là cách diễn đàn Vòng tròn Bắc Cực nên hoạt động - tạo cơ hội bày tỏ các quan điểm khác nhau. Nhiều người dùng bình luận ủng hộ đại sứ Trung Quốc vì sự dũng cảm của ông.
Chủ đề về Nga lại được đề cập đến trực tiếp tại cuộc họp của Hội đồng Vòng tròn Bắc Cực, khi ông Gao Feng, Đại diện đặc biệt của Trung Quốc về các vấn đề Bắc Cực, tuyên bố rằng, Trung Quốc sẽ không ủng hộ việc loại Nga khỏi Hội đồng Bắc Cực, đặc biệt là Nga đã đảm nhận chức vụ chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bắc Cực cho đến năm 2023.
"Không có thủ tục rút một thành viên nào đó khỏi Hội đồng", - đại diện của Trung Quốc nói.
Chuyên gia Wang Yiwei nói với Sputnik rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục lên án các nỗ lực chính trị hóa hoặc quân sự hóa Bắc Cực.
“Trung Quốc muốn phát triển sự hợp tác cùng có lợi trong các vấn đề quốc tế. Sự nóng lên toàn cầu, việc khai thác các tuyến vận tải mới, sự phát triển của một số dự án khoa học và tài nguyên chiến lược, sự phát triển của Bắc Cực đang thu hút nhiều sự quan tâm. Sau khi NATO mời Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên của liên minh, vai trò, tiếng nói của NATO về vấn đề này đã tăng lên đáng kể. NATO không chỉ làm mọi thứ để vị thế của Nga - thành viên lớn nhất của Hội đồng Bắc Cực - bị “lung lay”, mà còn cố gắng hạn chế một phần ảnh hưởng của Trung Quốc, với hy vọng biến Bắc Cực thành khu vực xung đột với Trung Quốc và Nga, dần dần chính trị hóa và thậm chí quân sự hóa khu vực này. Đây là điều mà Trung Quốc cực lực phản đối”, - chuyên gia nói.
Đây không phải là lần đầu tiên phương Tây viện đến đủ loại chỉ trích trong nỗ lực hất cẳng Nga khỏi Bắc Cực. Ví dụ, tạp chí The Hill của Mỹ đã viết rằng “Nga đang tích cực chiếm lĩnh Bắc Cực và mở rộng việc khai thác tài nguyên thiên nhiên từ đáy Bắc Băng Dương một cách quá mức”. Trước đó, tờ Times đã đăng một bài viết trích dẫn báo cáo của công ty tư vấn Civitas, cho rằng, Nga có thể tận dụng băng tan để kích hoạt tuyến đường biển phía Bắc, và cũng đang gia tăng khai thác các nguồn tài nguyên ở Bắc Cực, chẳng hạn như khí đốt và kim loại đất hiếm, cũng như đẩy mạnh các hoạt động quân sự tại đây nhằm biến nó thành “chiến trường” trong tương lai.
Nga đang thực hiện những dự án nào ở Bắc Cực?
Hiện nay, tại vùng Bắc Cực, Nga triển khai hơn 460 dự án liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng công nghiệp, giao thông và dịch vụ công cộng. Theo một báo cáo gần đây của Yury Trutnev, người đứng đầu Ủy ban Nhà nước về Phát triển Bắc Cực, khối lượng đầu tư của nhà nước vào các dự án này vượt quá 1,3 nghìn tỷ rúp và việc thực hiện chúng sẽ tạo ra hơn 30.000 việc làm.
Đối với Nga vùng Bắc Cực là một khu vực chiến lược quan trọng. Tổng diện tích phần đất liền ở vùng Bắc Cực của Nga là khoảng 5 triệu km vuông, khu vực này có hơn 2,5 triệu người sinh sống - xấp xỉ 40% dân số của toàn bộ Bắc Cực. Khoảng 1/4 trữ lượng dầu trong nước và hơn 70% khí đốt tập trung ở phần Bắc Cực của Nga.
Nga cũng lên kế hoạch phát triển chương trình số hóa cho vùng Bắc Cực bằng cách cung cấp dịch vụ liên lạc vệ tinh cho các khu định cư và trang trại ở xa, để bảo tồn ngôn ngữ của các dân tộc bản địa, bao gồm hỗ trợ giáo dục bằng ngôn ngữ bản địa.
Ngoài ra, Nga còn có ý định phát triển du lịch ở vùng Bắc Cực. Do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, du lịch Bắc Cực không dễ tổ chức, nhưng có tiềm năng lớn.