Trước khi đưa ra đấu giá tại Pháp, Việt Nam còn cơ hội đưa báu vật triều Nguyễn hồi hương?
© Ảnh : DROUOT.comẤn vàng của triều đình Việt Nam khắc hình một con rồng
© Ảnh : DROUOT.com
Đăng ký
HÀ NỘI (Sputnik) – Chiếc ấn vàng Hoàng đế chi bảo - bảo vật quốc gia của Việt Nam sẽ được đấu giá tại Pháp vào ngày 31/10. Liệu Việt Nam có cơ hội tham gia đấu giá để hồi hương cổ vật hay không? Hay Chính Phủ Việt Nam có biện pháp đưa kim ấn Hoàng đế chi bảo về nước?
“Chảy máu” di sản
Như Sputnik trước đó đã đưa tin, vụ việc chiếc kim ấn triều Nguyễn làm bằng vàng, đúc vào năm 1823, truyền từ đời vua Minh Mạng đến đời vua Bảo Đại, nặng 10,78kg được Millon đưa ra đấu giá tại Pháp vào ngày 31/10/2022 với mức giá khởi điểm lên đến 3 triệu Euro (khoảng 72,2 tỷ đồng) đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Đây là một trong số tài sản được vị Hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn là Bảo Đại di chúc để lại cho vợ là bà Monique Baudot (người Pháp). Bà Monique Baudot qua đời năm 2021, các tài sản trên thuộc về những người thừa kế và được mang ra bán đấu giá.
Trao đổi với Sputnik, PGS. TS. Đặng Văn Bài, Nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Quốc gia cho hay, vì nhiều nguyên nhân, không ít cổ vật có giá trị của Việt Nam đã bị thất lạc ra nước ngoài bằng nhiều con đường khác nhau.
“Đây là hiện tượng văn hóa trên toàn nhân loại, chứ không riêng gì Việt Nam. Vì họ đều muốn chiếm dụng những bảo vật này. Việc xuất lậu chỗ nào cũng có. Nhiều bức tranh quý tại bảo tàng Louvre (Pháp) còn bị mất đi. Hơn nữa, vào giai đoạn đó, Việt Nam đang trong giai đoạn bộn bề, có rất nhiều việc lớn hơn việc đó mà đất nước phải lo: từ Hiệp định Genève được tổng tuyển cử sau 2 năm đến tái thiết thủy lợi,.... Bởi vậy, đây là giai đoạn bị thất thoát nhiều bảo vật nhất. Tương tự, tại Nhật Bản sau chiến tranh thế chiến thứ hai, Nhật Bản còn bị thất thoát rất nhiều kiếm Nhật cổ giá trị”.
Cổ vật hồi hương bằng cách nào?
Liên quan đến vụ việc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã có công văn đề nghị Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp kịp thời làm việc trực tiếp với hãng đấu giá Millon để xác minh rõ thông tin liên quan đến việc đấu giá hai cổ vật nêu trên như thông báo của Hãng (gồm các thông tin về chủ sở hữu, tính hợp pháp của 2 cổ vật, giá dự kiến bán, khả năng đàm phán mua trực tiếp không qua đấu giá…).
Việc này cho thấy một động thái tốt đối với các cổ vật, di sản văn hóa Việt Nam. Song có thể thấy rõ, Việt Nam vẫn trong thế bị động, khi cổ vật đã lên sàn đấu giá, trong nước mới nắm được thông tin.
Chia sẻ với Sputnik về khả năng đưa báu vật quốc gia hồi hương, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Quốc gia Đặng Văn Bài thẳng thắn thừa nhận rằng, rất khó để đưa bảo vật về Việt Nam mà không thông qua đấu giá, mà phần khó sẽ nhiều hơn. Bởi lẽ, bảo vật này hiện đang thuộc quyền sở hữu tư nhân. Trong khi, các nước rất tôn trọng quyền sở hữu cá nhân.
“Có lẽ chỉ có thể xuất phát từ tình hữu nghị Việt – Pháp. Đây là phương án tối ưu nhất. Thứ nhất, về pháp lý, Việt Nam không có cơ sở gì để lấy lại bảo vật. Thứ hai, dựa vào tình hữu nghị quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, các doanh nghiệp Việt Nam có thể đưa bảo vật hồi hương không thông qua đấu giá, nhưng có thể thương lượng để mua dưới hoặc bằng mức giá họ đưa ra”, PGS. TS. Đặng Văn Bài nêu giải pháp.
Chiếc kim ấn đang bán đấu giá nếu được đưa về Việt Nam sẽ làm phong phú cho kho bảo vật của đất nước và càng đáng quý. Tuy nhiên, mức giá đưa ra quá cao, hàng chục tỷ đồng sẽ là một trở ngại.
Tiết lộ với Sputnik, một chuyên viên định giá từ Paris (giấu tên) cho hay, nguyên tắc của cuộc đấu giá như sau: người sở hữu món đồ đó đưa cho “nhà đấu giá” để bán. Nhà đấu giá đưa món đồ lên bán đấu giá (tại Drouot hoặc nơi khác) với mức định giá thường thấp. Do đó, cách thông thường và phổ biến để có được một đối tượng là tham gia vào một cuộc đấu giá.
Tuy nhiên, có một ngoại lệ, nhà đấu giá có thể được yêu cầu, nếu họ đồng ý không đưa lô ra đấu giá và bán nó một cách riêng trước khi bán.
“Để làm được điều này, phải liên hệ với giám đốc nhà đấu giá và đưa ra lời đề nghị mua lô với giá vượt quá mức ước tính. Sau đó, giám đốc liên hệ với người bán, đồng ý hoặc không. Trong trường hợp này, phí mà người mua phải trả (khoảng 30%) giống với phí đã trả trong cuộc đấu giá. Trong trường hợp này, nếu nhà nước Việt Nam muốn mua bảo vật trước thời điểm dự kiến bán ở Millon, thì không nên để lộ ra ngoài mà nên thông qua trung gian của một người ở giữa đã quen với kiểu thương lượng này”, chuyên viên định giá này nhấn mạnh.
Việt Nam cần một chính sách tổng thể ngay thời điểm này
Được biết, Ngoài Ấn vàng (Hoàng đế chi bảo) đúc năm 1823 triều Minh Mạng (1820-1841), bát vàng triều Khải Định (1917-1925) cũng sẽ đưa ra đấu giá 329 cổ vật vào ngày 31/10 sắp tới tại Pháp. Đây không phải lần đầu tiên cổ vật thất lạc của Việt Nam được rao bán trên thế giới.
Đơn cử, mũ quan triều Nguyễn, áo Nhật Bình, xe kéo tay và long sàng của vua Thành Thái… cũng đã được đưa ra đấu giá ở Pháp, Tây Ban Nha. Đáng chú ý, cổ vật Mũ quan triều Nguyễn kèm hộp đã từng được một doanh nghiệp Việt Nam mua đấu giá 600.000 Euro (gần 16 tỷ đồng) và đã được trao tặng cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Hoạt động hồi hương cổ vật của Việt Nam bắt đầu lan tỏa đến các bảo tàng và nhà sưu tập tư nhân trong những năm gần đây.
Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Quốc gia Đặng Văn Bài cũng cho biết, trước đây đã có những trường hợp người Việt Nam tham gia mua cổ vật rồi chuyển về. Có trường hợp người Việt Nam sở hữu bảo vật ở nước ngoài, sau đó hiến tặng hoặc giao qua con đường Đại sứ vận động để đưa về nước.
Việc xây dựng chiến lược quốc gia nhằm đưa trở lại những di sản văn hóa vật thể về Tổ quốc là vấn đề cấp bách. Việc này không chỉ có ý nghĩa trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, mà còn khẳng định chủ quyền quốc gia, niềm tự hào dân tộc.
“Theo tôi, Việt Nam nên có chương trình của Nhà nước, điều tra xem có những cổ vật, báu vật gì ở nước nào, để có chính sách chung giải quyết vấn đề đó. Thu hồi từng trường hợp như thế này sẽ không có tính chiến lược. Tuy nhiên, thực tế hiện Việt Nam vẫn chưa phát triển đến độ có đủ lực để phát triển chính sách tổng thể này. Nhưng tôi nghĩ, thời điểm này bắt đầu là hợp lý”.
Sau Ngày Toàn quốc kháng chiến (tháng 12/1946), hai cổ vật đã rơi vào tay người Pháp và đến ngày 8/3/1952, người Pháp tổ chức lễ trao lại ấn kiếm cho cựu hoàng Bảo Đại, rồi được đưa sang Pháp vào năm 1953.
Trước khi qua đời (năm 1997), Bảo Đại đã di chúc để lại toàn bộ tài sản ở Pháp (trong đó có kim ấn “Hoàng đế chi bảo”) cho vợ là bà Monique Baudot, người Pháp. Bà Monique Baudot qua đời năm 2021, các tài sản trên thuộc về những người thừa kế và được mang ra bán đấu giá.
Hiện ở Việt Nam có khoảng 100 chiếc ấn của triều Nguyễn còn lưu trữ. Ấn được làm từ nhiều chất liệu như ngọc, bạc, vàng. So với ấn của các triều đại khác (thời Trần, thời Lê, thời Mạc, thời Tây Sơn…) thì ấn triều Nguyễn trong nước còn nhiều hơn cả.