Việt Nam đang làm gì để hồi hương kim ấn?
15:26 03.11.2022 (Đã cập nhật: 17:20 03.11.2022)
© Ảnh : TTXVN - Vũ Minh ĐứcNgười phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trả lời câu hỏi của phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước và quốc tế.
© Ảnh : TTXVN - Vũ Minh Đức
Đăng ký
HÀ NỘI (Sputnik) - Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nêu quan điểm của mình về việc Hãng đấu giá Millon của Pháp hoãn đấu giá Kim ấn chi bảo và kế hoạch hồi hương chiếc ấn này tại họp báo thường kỳ diễn ra vào chiều 03/11 tại Hà Nội.
Bà Lê Thị Thu Hằng, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, đã thông tin về vấn đề này như sau:
“Trong những ngày qua thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Ngoại giao và ĐSQ Việt Nam tại Pháp, Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO đã phối hợp chặt chẽ với Bộ VHTT&DL và các bộ ngành liên quan trao đổi với Bộ Ngoại giao Pháp, ĐSQ Pháp tại Việt Nam, lãnh đạo tổ chức UNESCO và công ty tổ chức đấu giá xác minh thông tin, tạm dừng cuộc đấu giá. Ngày 31/10 vừa qua, ĐSQ Việt Nam tại Pháp đã thông tin cho biết phiên đấu giá được rời lại tới ngày 10/11/2022. Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao Việt Nam, ĐSQ Việt Nam tại Pháp, Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ Bộ VHTT&DL dự đoán các khả năng, triển khai các biện pháp cần thiết để có thể đưa cổ vật về nước”.
Trước đó, như Sputnik đã thông tin, ông Nguyễn Phước Bửu Nam, chủ tịch Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc (con cháu vua nhà Nguyễn), cho biết hội đồng cũng vừa có thư gửi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề nghị can thiệp hủy cuộc đấu giá chiếc ấn vàng "Hoàng đế chi bảo".
"Chúng tôi rất ngạc nhiên khi bảo vật của Việt Nam được rao bán như những thỏi vàng một cách rất thông thường. Chúng tôi băn khoăn về tính pháp lý việc vị hoàng đế cuối cùng của Việt Nam, vua Bảo Đại, "được cho là" đã chuyển nhượng quyền thừa kế các đồ vật đó, trong khi chiếc ấn của vua Minh Mạng cũng như chiếc bát bằng vàng nói trên, đều là những vật quốc bảo. Chúng tôi tự hỏi: với quyền hạn nào, Đức vua Bảo Đại có thể tự cho mình quyền chuyển nhượng cho dù nhà đấu giá Millon có trình ra giấy thừa kế đến từ bất cứ công chứng viên nào đi nữa. Nước Việt Nam, với tư cách là một quốc gia thành viên, đã ký Công ước UNESCO vào năm 1970 nhằm tăng cường cuộc chiến chống buôn bán các hiện vật văn hóa từ năm 2005. Liệu việc đấu giá bảo vật của quốc gia Việt Nam có xem xét đầy đủ và thận trọng các khía cạnh pháp lý, dựa vào Công ước UNESCO 1970 nói trên hay không?"
Công tác bảo hộ công dân trong thảm kịch Itaewon
Cũng tại họp báo, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng cập nhật thêm về công tác bảo hộ công dân trong thảm kịch Itaewon, Hàn Quốc vừa qua. Bà Lê Thị Thu Hằng, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, cho biết:
“Theo thông tin từ ĐSQ Việt Nam tại Hàn Quốc, tới chiều 2/11 thi hài của nạn nhân thiệt mạng trong vụ việc này đã được đưa về Việt Nam. Chúng tôi gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến gia đình nạn nhân. Hiện nay ĐSQ Việt Nam tại Hàn Quốc vẫn theo dõi sát tình hình, giữ liên lạc thường xuyên với các cơ quan chức năng và đầu mối cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc, sẵn sàng triển khai các biện pháp bảo vệ công dân cần thiết trong trường hợp phát hiện thêm có nạn nhân là công dân Việt Nam”.