Cuộc khủng hoảng khí hậu tác động gián tiếp đến sức khỏe cộng đồng - đặc biệt là ở Đông Nam Á
© Sputnik / Pavel Lvov
/ Đăng ký
Sự nóng lên toàn cầu gây hại cho hành tinh chúng ta cũng như cho sức khỏe con người. Trang GovInsider đăng bài viết giải thích lý do tại sao Đông Nam Á đặc biệt dễ bị tổn thương bởi các rủi ro nghiêm trọng khi nắng nóng xảy ra, và đưa ra những khuyến nghị cho khu vực này để giải quyết vấn đề này.
Trong khi khủng hoảng khí hậu đang leo thang, các rủi ro khí hậu sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ dân số trên hành tinh chúng ta theo nhiều cách vượt ra ngoài các ngành nghề cụ thể. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến đổi khí hậu có thể gây ra khoảng 250.000 ca tử vong mỗi năm do suy dinh dưỡng, sốt rét, tiêu chảy cũng như do con người không thể thích nghi với nhiệt độ cao trong các đợt nắng nóng. Theo WHO, đến năm 2030, các quốc gia sẽ tiêu tốn từ 2 tỷ đến 4 tỷ USD mỗi năm để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu tới sức khỏe.
Vào năm 2020, Viện nghiên cứu McKinsey đã cảnh báo châu Á là nơi chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.
Đông Nam Á đặc biệt dễ bị tổn thương
Theo báo cáo Chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu, trong số 25 nền kinh tế trên thế giới chịu nhiều rủi ro nhất do biến đổi khí hậu, 1/4 là ở Đông Nam Á. Trong mười năm qua, Philippines, Việt Nam và Myanmar đã trải qua số lượng hiện tượng thời tiết khắc nghiệt nhiều hơn tất cả mười quốc gia bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu cộng lại. Theo ông Steve Firstbrook, Giám đốc thương mại và đầu tư của Phòng Thương mại Anh tại Singapore, điều này khiến GDP của ba quốc gia này giảm 1,7%.
Ông Firstbrook nói:
“Chúng tôi biết rằng, nếu chúng tôi không giải quyết những vấn đề này ở Đông Nam Á, chúng tôi sẽ không thành công trên phạm vi toàn cầu”.
Theo LHQ, khi mức độ tiếp xúc với rủi ro khí hậu tăng 1%, thì hệ số Gini chỉ ra mức bất bình đẳng của phân phối thu nhập tăng gần một phần tư.
Ông Firstbrook nói tiếp:
"Chúng tôi biết rằng, những người nghèo nhất trong xã hội sẽ gánh hậu quả nặng nề nhất do biến đổi khí hậu”.
Ô nhiễm không khí mỗi năm dẫn đến khoảng 450.000 ca tử vong sớm ở Đông Nam Á, và đến năm 2040 con số này sẽ vượt quá 650.000 người.
Nắng nóng kéo theo nhiều hệ lụy đáng ngại
Nắng nóng gây hại không chỉ cho hành tinh chúng ta mà còn cho sức khỏe con người. Trong một nghiên cứu gần đây, Tiến sĩ Joel Aik, Phó giáo sư tại trường đại học Y Duke-NUS, đã tìm thấy mối liên quan giữa tần số rối loạn nhịp tim với nhiệt độ của môi trường ở vùng khí hậu nhiệt đới.
“Chúng tôi cũng tìm thấy một số bằng chứng cho thấy rằng, những người từ 65 tuổi trở lên là nhóm đặc biệt có nguy cơ rất cao, điều đó có ý nghĩa quan trọng đối với dân số ngày càng già đi, ví dụ như ở Singapore và nhiều thành phố phát triển khác. Ngày càng nhiều người sẽ phải đối mặt với rủi ro do biến đổi khí hậu, nhiệt độ không khí cao làm gia tăng bệnh tim mạch và hô hấp”, - ông Joel Aik nói.
Joel Aik, người trước đây đã tư vấn cho WHO về các bệnh do véc tơ truyền, cho biết rằng, do sự nóng lên toàn cầu, chúng ta có thể chứng kiến sự gia tăng tỷ lệ mắc các căn bệnh lan truyền từ muỗi, bệnh truyền qua thực phẩm, rối loạn tâm thần nhập viện cấp cứu và thậm chí số vụ tự tử.
“Hầu hết các nghiên cứu liên quan đến khí hậu và sức khỏe con người đã được thực hiện ở các quốc gia trong khu vực ôn đới và các thành phố phát triển trên thế giới. Nói chung, các nghiên cứu này không bao gồm Đông Nam Á. Vì vậy, trong khi chúng tôi biết những tác động của biến đổi khí hậu là gì, chúng tôi chưa biết chính xác nó sẽ tác động như thế nào đến sức khỏe cộng đồng ở khu vực đó”, - ông Joel Aik nói.
Tiến sĩ Joel Aik nói, nhiều quốc gia Đông Nam Á không có đủ nguồn lực để chống chịu với biến đổi khí hậu. Là một khu vực đang phát triển tích cực, Đông Nam Á đã nhận được số tiền tài trợ cho các dự án giảm thiểu hậu quả biến đổi khí hậu (28,37 tỷ USD) nhiều gần gấp ba lần so với các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu (10,42 tỷ USD), theo dữ liếu của Viện ISEAS-Yusof Ishak vào đầu năm nay.
Chính bởi vậy ông Aik nhấn mạnh rằng, cần phải thực hiện các nghiên cứu cụ thể cho từng khu vực để giúp ước tính chi phí kinh tế của việc thúc đẩy chăm sóc sức khỏe như một biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo ông, để đảm bảo rằng các nguồn lực được sử dụng đầy đủ trong hiện tại và không bị xây dựng trước thời hạn, cần phải xác định quy mô và sớm đưa ra quyết định về biến đổi khí hậu.
Hy vọng cho khu vực
Mặc dù Đông Nam Á là một khu vực dễ bị tổn thương, nhưng, khu vực này cũng có "tiềm năng đáng kể", ông Firstbrook nhấn mạnh.
Một báo cáo gần đây của Reckitt nhấn mạnh nhiều cơ hội có thể nắm bắt được bằng cách bảo vệ hệ sinh thái và hiểu rõ hơn về động lực của con người. Đây là sự ổn định kinh tế, giảm nguy cơ đại dịch, an ninh lương thực và nhiều vấn đề toàn cầu khác.
Một tương lai xanh không chỉ tốt hơn cho sức khỏe cộng đồng mà còn công bằng hơn về mặt kinh tế và xã hội. Ví dụ, một nghiên cứu của Mckinsey phát hiện ra rằng, đầu tư vào năng lượng tái tạo tạo ra việc làm nhiều gấp gần ba lần so với số tiền chi cho nhiên liệu hóa thạch, tức là tạo ra một sự chuyển đổi rất thực tế. Cơ quan Năng lượng Quốc tế cũng báo cáo rằng, phụ nữ chiếm tới 32% nhân viên trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, so với chỉ 22% phụ nữ trong lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch, nơi phổ biến hiện tượng “trần kính” vô hình.
“Đây chỉ là đỉnh của tảng băng trôi”
"Đến lúc phải thực hiện các giải pháp, mọi người rất hay quên. Sóng nhiệt là kẻ giết người thầm lặng, nhưng, không hiểu tại sao chúng ta hay quên về điều đó", - Giáo sư Jason Lee, chuyên gia thuộc Trường Dược Yong Loo Lin, Đại học Quốc gia Singapore, cho biết.
Ông Jason Lee là thành viên ban chỉ đạo của Mạng lưới thông tin toàn cầu về sức khỏe con người trong đợt nắng nóng.
"Biến đổi khí hậu không phải là một vấn đề cấp bách. Chúng ta cần phải xây dựng khung năng lực trong nhiều năm", - ông Lee nói và nhấn mạnh rằng, những tác động đến sức khỏe liên quan đến biến đổi khí hậu mà chúng ta đang thấy hiện nay chỉ là đỉnh của tảng băng trôi (đây chỉ là một phần nhỏ của vấn đề).