Không cứu nổi đồng Euro, người Việt tại châu Âu bất an trước thềm năm mới
10:23 10.11.2022 (Đã cập nhật: 12:21 10.11.2022)
© Sputnik / Taras IvanovCây thông Noel
© Sputnik / Taras Ivanov
Đăng ký
HÀ NỘI (Sputnik) – Lần đầu tiên sau gần hai thập kỷ, đồng Euro và USD có tỉ giá gần tương đương. Việc mất giá nghiêm trọng đã tác động tiêu cực đến bộ phận không nhỏ người châu Á tại đây, trong đó có cộng đồng người Việt, đặc biệt khi Giáng sinh và năm mới đang cận kề.
Khủng hoảng chưa từng có
Châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất kể từ những năm 1930. Kể từ đầu năm, đồng đô la Mỹ đã mạnh lên 18% và đạt mức cao nhất trong hai thập kỷ vào tháng 9 năm 2022. Các quốc gia giàu có của châu Âu cũng phải chịu tác động lớn từ sự tăng giá của đồng đô la Mỹ.
Tại châu Âu, lần đầu tiên trong 20 năm, 1 Euro có giá trị thấp hơn 1 đô la Mỹ và đồng bảng Anh cũng đã giảm 18% so với năm ngoái. Tính đến ngày 8/11, 1 Euro đổi được 0,996 USD, 1 bảng Anh đổi được 1,1534 USD.
Có hai yếu tố chính dẫn đến việc đồng Euro mất giá so với USD. Thứ nhất, để đối phó với các thay đổi kinh tế mang đến cho người dân Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất khiến USD tăng giá. Thứ hai, sự sụt giá tiền tệ còn do sự kết hợp bất thường của bất ổn chính trị, dịch bệnh,... đã khiến nguồn cung cấp lương thực và năng lượng đến nhiều quốc gia ở châu Âu bị trì trệ, lạm phát tăng cao.
Mặc dù, đến nay đồng tiền chung khối Liên minh châu Âu (EU) đã tăng nhẹ, song việc mất giá nghiêm trọng đã tác động tiêu cực đến bộ phận không nhỏ người châu Á tại đây, trong đó có cộng đồng người Việt khi một mùa Giáng sinh nữa lại đến.
Châu Âu bất ổn... trước thềm năm mới
Là nghiên cứu sinh ngành xã hội học tại thành phố Norwich (Anh) nên thường xuyên phải di chuyển bằng phương tiện công cộng, việc các phương tiện giao thông công cộng liên tục gián đoạn là một trong những điều mà Nguyễn Thu Hương cảm nhận rõ nhất khi xảy ra lạm phát và khủng hoảng kinh tế.
“Tại đây tàu hay bị hủy hoặc hoãn chuyến. Bởi nhân viên ngành giao thông đình công, đòi tăng lương trong bối cảnh lạm phát, giá cả leo thang mà mức lương của họ thì thấp. Hai sự kiện biểu tình gần đây nhất là "Don’t Pay UK" nhằm phản đối tăng giá năng lượng và "Enough is enough" hướng tới 5 mục tiêu: tăng lương, giảm giá năng lượng, giảm nghèo đói, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho tất cả mọi người và tăng thuế người giàu và tập đoàn lớn”.
Nói thêm về các cuộc biểu tình, Hương cho biết, không chỉ thành phố Norwich mà nhiều thành phố khác tại Anh cũng biểu tình liên miên từ Black lives matter đến thời điểm Covid. Theo quan sát, một bộ phận đáng kể người dân không hài lòng với chính phủ từ thời Thủ tướng Boris Johnson nên lại tổ chức biểu tình liên quan đến vấn đề nhà ở, mức lương, bất bình đẳng giữa nhóm giàu có và tầng lớp lao động. Lạm phát tăng tỷ lệ thuận với số cuộc biểu tình.
© Ảnh : Screenshot of Facebook*Người dân Anh biểu tình tại Norwich trong bối cảnh lạm phát
Người dân Anh biểu tình tại Norwich trong bối cảnh lạm phát
© Ảnh : Screenshot of Facebook*
Không chỉ riêng Anh, làn sóng biểu tình diễn ra tại nhiều nước châu Âu như Pháp, Đức,... Trong khi những rắc rối trên tiếp tục gây khó khăn cho người dân châu Âu nói chung và cộng đồng người châu Á tại đây nói riêng thì hàng triệu người tị nạn từ châu Phi và Trung Đông có thể sẽ bắt đầu đổ về các biên giới châu Âu.
Vấn đề lương thực, nhiên liệu và nhập cư cũng sẽ khiến các chính phủ châu Âu đối mặt với tình trạng bất ổn gia tăng. Người dân có thể rơi vào bất ổn trong nhiều tháng tới, đặc biệt thời điểm Giáng sinh đang cận kề.
Tại Pháp, trong tháng 10 lạm phát đã có mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1985. Trong khi mọi chi phí đều tăng, duy chỉ có lương là không tăng. Chị Nguyễn Phương Thảo, người Pháp gốc Việt hiện đang sinh sống tại Bourg-la-Reine (Pháp) liên tục chứng kiến các cuộc biểu tình của người dân tại đây. Dù các cuộc biểu tình phản đối việc tăng giá liên tiếp diễn ra, song tình hình kinh tế-xã hội vẫn không cải thiện. Biện pháp duy nhất lúc này của gia đình chị Thảo cũng như nhiều người dân Pháp là thắt chặt chi tiêu.
“Thay vì đi ra ngoài ăn thì chúng tôi lựa chọn ăn ở nhà để tiết kiệm chi phí, thay vì đi dã ngoại xa thì chúng tôi lựa chọn địa điểm gần nơi mình sinh sống để tiết kiệm tiền xăng. Thực phẩm có mức tăng gần 12%. Trong đó, bánh mì tăng khoảng 10%, dầu ăn thì khan hiếm. Sức mua cho các hạng mục Giáng sinh và năm mới cũng giảm 13%”.
Đức vốn là đầu tàu kinh tế châu Âu. Thế nhưng, cơn sóng lạm phát ập đến cũng khiến người dân loay hoay. Tỷ lệ lạm phát của Đức cao hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ năm 1960 trong khi GDP của nước này đang và được dự báo sẽ tiếp tục giảm. Trao đổi với Sputnik, chị Nguyễn Thu Hà - người Đức gốc Việt hiện đang làm việc tại công ty Savion Seife, Hersbruck (Đức) nói:
“Xét từ góc độ kinh doanh, là công ty bán các mặt hàng hữu cơ, số lượng đơn sản phẩm bán ra sụt giảm rõ rệt. Trong những năm qua, thị trường hữu cơ tại Đức tăng trưởng liên tục, song không mấy ai lường trước được tình hình lại xoay chuyển quá nhanh theo hướng này. Do lạm phát tăng, người tiêu dùng giảm mua sản phẩm hữu cơ của công ty, quay về với sản phẩm giá rẻ”.
Xét từ góc độ là người tiêu dùng, chị Hà cũng dẫn chứng, nếu như trước đây gia đình chị mua 50 Euro được đầy xe, thì nay phải mất đến 150 Euro. Hiện có một chuỗi siêu thị lớn, có khoảng 17.000 công nhân trên toàn nước Đức vừa thông báo phá sản do sức mua của các hộ gia đình giảm sút và lạm phát tăng kỷ lục cùng khủng hoảng năng lượng. Thậm chí, cơ quan quản lý mạng lưới liên bang Đức cảnh báo người dân rằng, giá năng lượng mà các hộ gia đình phải chi trả có thể sẽ tăng gấp 3 vào năm sau.
Nói với Sputnik, chị Hà cho biết, Chính phủ Đức đã có biện pháp can thiệp hỗ trợ hóa đơn chi trả cho người dân để kiềm chế mức lạm phát. Mới đây nhất, từ tháng 6 đến tháng 8, Đức đã phát hành loại vé 9 Euro đi được toàn liên bang, nhằm tiết kiệm chi phí đi lại. Song vẫn chưa nhận được thông tin gì về việc sẽ tăng lương cơ bản để hỗ trợ người dân
Trong khi lương không tăng và việc làm khan hiếm, thắt chặt chi tiêu và thay đổi thói quen chi tiêu sẽ là giải pháp chung của người dân châu Âu. Giáng Sinh năm nay được dự báo sẽ là một kỳ mua sắm ảm đạm.
“Năm nay có lẽ nhiều nhà hàng sẽ không còn ngỗng tây trên bàn trong dịp lễ Giáng sinh. Bởi suất ăn cho món này có thể tăng gấp đôi từ 20 Euro lên 43 Euro. Kể từ khi lạm phát, gia đình chúng tôi cũng cắt giảm nhiều đồ ăn hữu cơ để thắt chặt chi tiêu”, chị Hà chia sẻ với Sputnik.
Vào thời điểm sắp kết thúc năm 2022, bức tranh về “Triển vọng kinh tế khu vực châu Âu” được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo sẽ trở nên u ám hơn bao giờ hết, khi tốc độ tăng trưởng ngày một chậm lại và lạm phát tiếp tục gia tăng.
Chắc hẳn, không chỉ cộng đồng người Việt tại châu Âu mà chính người dân và các nhà lãnh đạo châu Âu đã và đang cảm nhận rõ sự “buốt giá” trong mùa Giáng sinh này.
Trong khi, Mỹ cần một châu Âu mạnh về kinh tế, đoàn kết về xã hội; thì tình hình thực tế hiện nay cho thấy, các chính sách trừng phạt Nga của EU đang tự bắn vào “lá phổi” của mình, khiến nền kinh tế của lục địa già này hụt hơi.
Và khi đồng Euro sụt giảm so với đồng USD khiến tài chính thâm hụt trên khắp châu Âu gia tăng, việc phương Tây có sẵn sàng chia sẻ gánh nặng quân sự với Mỹ hay không tiếp tục được đặt dấu hỏi.
* Meta (mạng xã hội Facebook và Instagram) bị cấm hoạt động ở Nga vì là tổ chức cực đoan.