Vì sao Mỹ thua Việt Nam và chủ nghĩa tư bản không phải là vấn đề ở quốc gia Cộng sản?
© AFP 2023 / Hoang Dinh HamQuốc kỳ Việt Nam trong tay người thợ tại một xưởng sản xuất ở Hà Nội
© AFP 2023 / Hoang Dinh Ham
Đăng ký
Việt Nam - một quốc gia theo đường lối xã hội chủ nghĩa, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, nhưng lại dạy cho chính những nước tư bản - các cường quốc hàng đầu thế giới – bài học về cách vực dậy đất nước thành công hậu chiến tranh và nghèo đói.
Việt Nam ngày nay là một trong những quốc gia phát triển năng động nhất, trở thành hình mẫu cho nhiều nước khác. Sự thật, họ đã đánh bại Mỹ - siêu cường quân sự vĩ đại nhất trong lịch sử và còn tạo nên nhiều kỳ tích hơn thế nữa.
“Chủ nghĩa tư bản không phải là vấn đề ở Việt Nam”
“Việt Nam - câu chuyện thành công nhìn từ chủ nghĩa tư bản” được tờ báo Thế giới (die Welt) đăng tải hôm 9/11 trước thềm chuyến thăm của Thủ tướng Olaf Scholz đến Hà Nội ngày 13 và 14/11 tới đây.
Trong đánh giá của nhà sử học, nhà xã hội học Rainer Zitelmann, Việt Nam là một điển hình thành công của một đất nước theo chủ nghĩa xã hội với định hướng kinh tế thị trường - một dân tộc sẵn mở lòng với những cựu thù, một quốc gia Cộng sản với đường lối đúng đắn, sáng suốt, luôn sẵn sàng đón nhận những điều tốt điều hay của chủ nghĩa tư bản để viết lên câu chuyện thành công của mình.
Năm 1993, có khoảng 80% người Việt Nam sống trong cảnh nghèo đói, đến năm 2020 tỷ lệ này chỉ còn 5%. Thành công này là nhờ sự ra đời của sở hữu tư nhân và cải cách thị trường. Như vậy, chính Việt Nam đã chứng minh: chủ nghĩa tư bản không phải là vấn đề, mà là giải pháp.
Làm thế nào để chống lại đói nghèo một cách hiệu quả? Nhiều người tin tưởng vào viện trợ phát triển, nhưng không có thay đổi cơ bản nào xảy ra ở châu Phi trong 50 năm qua.
Trong khi đó, điều đã hoạt động rất hiệu quả ở các quốc gia khác là sự ra đời của nền kinh tế thị trường và sở hữu tư nhân.
Năm 1981, trước khi có những cải cách của Đặng Tiểu Bình, 88% người dân Trung Quốc sống trong cảnh nghèo đói cùng cực. Nhờ cải cách thị trường, tỷ lệ này hiện chỉ còn dưới 1%.
Một ví dụ ít được biết đến nhưng đặc biệt thành công là Việt Nam. Về mặt chính thức, Việt Nam có thể được coi là quốc gia hình mẫu phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
“Việt Nam là một ví dụ điển hình về những gì mà việc áp dụng sở hữu tư nhân và các cải cách theo hướng ủng hộ thị trường có thể đạt được”, nhà nghiên cứu Rainer Zitelmann nhấn mạnh.
Với tổng sản phẩm quốc dân trên mỗi người dân là 98 đô la, Việt Nam là nước nghèo nhất thế giới vào năm 1990, sau Somalia (130 đô la) và Sierra Leone (163). Thế nhưng, hãy nhìn những gì họ làm được ngày nay.
Việt Nam là một trong những quốc gia năng động nhất thế giới
Có nhiều điều để nói về Việt Nam hơn là chỉ gói gọn trong khuôn khổ một bài báo.
Trong thời kỳ của nền kinh tế kế hoạch xã hội chủ nghĩa, mùa màng thất bát đều dẫn đến nạn đói. Việt Nam phụ thuộc vào sự hỗ trợ của Chương trình Lương thực Thế giới và phụ thuộc vào sự hỗ trợ tài chính từ Liên Xô và các nước Khối Đông Âu khác.
Năm 1993, 80% người Việt Nam sống trong cảnh nghèo đói, đến năm 2006 tỷ lệ này giảm xuống còn 50% và năm 2020 chỉ còn 5%. Trên thực tế, Việt Nam đã xóa bỏ được tình trạng nghèo cùng cực.
“Ngày nay, Việt Nam là một trong những quốc gia năng động nhất trên thế giới, có nhiều cơ hội cho những người làm việc chăm chỉ và doanh nhân. Tổng sản phẩm quốc nội đã tăng gấp 6 lần kể từ khi bắt đầu cải cách”, báo Đức nhấn mạnh.
Từ một đất nước trước đây không thể sản xuất đủ gạo để cung cấp cho người dân, Việt Nam ngày nay đã phát triển thành một trong những cường quốc xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới - và một nhà xuất khẩu điện tử lớn của toàn cầu hiện tại.
Chiến tranh Việt Nam đã tàn phá đất nước. Có khoảng 14 đến 15 triệu tấn bom và chất nổ trút xuống Việt Nam - gấp 10 lần số lượng bom đã ném xuống Đức trong Thế chiến thứ hai.
“Đánh bại người Mỹ khiến dân tộc Việt Nam đầy lòng tự tôn nay lại càng tự hào hơn. Họ đã đánh bại siêu cường quân sự vĩ đại nhất trong lịch sử - Hoa Kỳ”, Rainer Zitelmann khẳng định.
Mở cửa thị trường: Đổi mới thành công
Quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam xứng đáng là một biên niên sử. Liên tục học hỏi, sửa chữa những điểm còn tồn tại, cầu thị, để tiến bộ hơn.
Theo báo Đức, trong những năm 1977-1978, quá trình tập thể hóa nông nghiệp và quốc hữu hóa gần 30.000 doanh nghiệp tư nhân nhỏ ở TP.HCM bắt đầu. Kết quả là một cuộc khủng hoảng trầm trọng kéo dài đến đầu những năm 1980. Người Việt Nam nhận ra có những thời điểm bế tắc, thôi thúc quá trình cải cách, thay đổi đột phá toàn diện.
Đại hội Đảng lần thứ VI vào tháng 12 năm 1986 đã thông qua đường lối cơ bản được gọi là "Đổi mới", là cơ sở cho tất cả những thay đổi tích cực đã diễn ra ở Việt Nam kể từ đó đến nay. Việt Nam đã viết nên câu chuyện thần kỳ của riêng mình.
Về cơ bản, những cải cách được quyết định tại Đại hội Đảng và được tăng cường trong những năm sau đó là về việc tăng cường nền kinh tế thị trường và giảm bớt vai trò toàn quyền của nhà nước. Điều này không có nghĩa là người ta đột ngột muốn chuyển từ nền kinh tế kế hoạch nhà nước sang nền kinh tế thị trường tự do. Việt Nam đã làm rất bài bản, kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn, phù hợp với điều kiện của đất nước mình.
Trước đó, theo học thuyết xã hội chủ nghĩa, mọi thứ đều được đặt cược vào kinh tế nhà nước. Giờ đây, chủ trương chính thức là nhà nước, hợp tác xã và tư nhân phải cùng tồn tại song song và bình đẳng. Quyền sở hữu tư nhân đối với tư liệu sản xuất không còn bị cản trở, và Việt Nam sẵn sàng mở cửa cho các nước tư bản khác đổ vào đầu tư, phát triển lành mạnh đất nước.
Các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp bị giải thể một cách hiệu quả, người nông dân phần lớn được tự do lập kế hoạch sản xuất, thu mua và tiếp thị sản phẩm của họ. Năm 1987, một luật đầu tư được thông qua đã đưa ra một tín hiệu rõ ràng: Việt Nam muốn mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Việt Nam cho phép đầu tư 100% vốn nước ngoài và Việt Nam đảm bảo rằng vốn và tài sản của nhà đầu tư nước ngoài được an toàn, nghĩa là sẽ không bị trưng dụng, tịch thu hoặc quốc hữu hóa. Đây là tư duy cởi mở, tân tiến, góp phần tạo nên câu chuyện thành công của đất nước này.
‘Ở Việt Nam, người giàu không phải là vật tế thần, mà là hình mẫu’
Việc “hình ảnh người Mỹ ở Việt Nam rất tích cực, bất chấp chiến tranh khủng khiếp” cho thấy sự bao dung và tinh thần cởi mở của dân tộc Việt Nam.
Trong khi phương Tây vẫn đi tìm câu trả lời cho câu hỏi vì sao Mỹ thua Việt Nam - vì dân tộc Việt Nam anh hùng và bất khả chiến bại hay vì Hoa Kỳ đã thất bại do chính sai lầm của họ khi bắt đầu cuộc chiến tranh vô nghĩa, phi lý, thì người Việt đã bắt đầu cuộc sống mới, phục hồi và xây dựng đất nước mạnh mẽ hơn từ đổ nát chiến tranh. Họ không bị cuốn sâu vào vòng xoáy hận thù.
Gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, từ những ‘cựu thù’, sẵn sàng thành bạn, đối tác đáng tin cậy, trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng vì lợi ích chung của nhau.
Theo báo Đức, bất bình đẳng gia tăng không phải là một vấn đề đối với người Việt Nam, mà là một dấu hiệu của sự công bằng hơn. Một bài luận của các nhà khoa học xã hội Việt Nam Nguyễn Trọng Chuẩn, Nguyễn Minh Luân và Lê Hữu Tăng về chủ đề bất bình đẳng trong dân cư nông thôn nêu rõ:
“Những hộ gia đình có cơ hội tốt, kinh nghiệm tốt hơn, có năng lực làm việc, và lực lượng lao động lành nghề trở nên giàu có hơn. Như vậy, sự phân cực không đại diện cho sự bất công, mà chính là sự công bằng: những người làm việc chăm chỉ và giỏi sẽ kiếm được nhiều hơn, trong khi những người lười biếng và làm việc kém hiệu quả và kém hiệu quả kiếm được ít hơn”.
Viện Ipsos MORI gần đây đã xem xét thái độ của người dân ở 11 quốc gia đối với việc theo đuổi sự giàu có. Khi được hỏi tầm quan trọng của việc làm giàu đối với họ, trung bình 28% ở các nước châu Âu và Hoa Kỳ trả lời rằng điều đó quan trọng hoặc rất quan trọng đối với họ. Ở Trung Quốc là 50% và ở Việt Nam là 76%.
“Hình ảnh người giàu ở Việt Nam tốt hơn nhiều so với các nước châu Âu, và sự đố kỵ trong xã hội cũng thấp hơn nhiều. Ở Việt Nam, người giàu không phải là vật tế thần, mà là hình mẫu. Ví dụ điển hình của Việt Nam chứng minh một cách ấn tượng rằng: Chủ nghĩa tư bản không phải là vấn đề, mà là giải pháp để đưa đất nước phát triển hùng mạnh”, nhà nghiên cứu Rainer Zitelmann đặc biệt ấn tượng với những gì mà đất nước đã làm được.