Việt Nam không bị phương Tây trừng phạt như Nga, cuộc họp khẩn của UBCKNN là gì?

© AFP 2023 / Hoang Dinh NamMàn hình báo giá cổ phiếu tại sàn giao dịch Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) Hà Nội
Màn hình báo giá cổ phiếu tại sàn giao dịch Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) Hà Nội - Sputnik Việt Nam, 1920, 17.11.2022
Đăng ký
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa triệu tập cuộc họp khẩn với lãnh đạo Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX), Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), Hà Nội (HNX), Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD)…
Động thái nhà chức trách Việt Nam phải họp khẩn được cho là nỗ lực cứu thị trường chứng khoán giảm mạnh nhất thế giới, vượt qua cả thị trường chứng khoán Nga. Có nhà đầu tư tỏ ra khó hiểu, vì sao kinh tế tăng trưởng tốt, Việt Nam cũng không bị phương Tây trừng phạt như Nga, sao chứng khoán vẫn đỏ lửa?

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước họp khẩn

Ngày 16/11, nhiều cơ quan truyền thông, tạp chí kinh tế của Việt Nam đưa tin về cuộc họp khẩn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Theo báo Nhà đầu tư, sáng 16/11, Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) đã ban hành văn bản hỏa tốc số 143 về việc sẽ tổ chức cuộc họp khẩn trong buổi chiều cùng ngày.
Mục đích họp được nêu là nhằm để bàn tình hình thị trường chứng khoán trong thời gian qua với sự tham gia của ban lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đại diện các lãnh đạo Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX), Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), Hà Nội (HNX), Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD)…
Cuộc họp khẩn được triệu tập trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến những kịch bản vượt ngoài các dự báo trước đó, đỏ lửa, ảm đạm và nhiều biến động. Chưa kể, theo Bloomberg, thị trường chứng khoán Việt Nam đã lập kỷ lục “đứng đầu” mọi bảng xếp hạng như “giảm mạnh nhất ngày”, “giảm mạnh nhất tuần”, “giảm mạnh nhất tháng”, “giảm mạnh nhất quý” hay thậm chí là “giảm mạnh nhất sau nửa đầu năm”… thậm chí vượt qua cả “kỷ lục buồn” của thị trường chứng khoán Nga.
Trái với kỳ vọng của các công ty chứng khoán, nhà đầu tư, VN-Index liên tục “trượt dài để tìm về vùng đáy mới” trước áp lực giải chấp chéo danh mục diễn ra liên tục, như cách miêu tả của báo Nhà đầu tư. Diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đang dị biệt vì phần lớn các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, hay kể cả Hong Kong cũng đang lấy lại đà hội phục tốt hơn thời gian gần đây.
Điển hình như trong phiên ngày 16/11, dù VN-Index chốt phiên ở mốc 942,9 điểm, song tính từ đầu tháng 11 đến nay, chỉ số này đã mất 12% và gần 40% nếu tính từ đầu năm 2022.
Đồng thời, với nhịp giảm mạnh này, vốn hoá thị trường đã "bốc hơi" hơn 463.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 19,6 tỷ USD. Tính chung cả 3 sàn, chứng khoán Việt Nam đã để mất hơn nửa triệu tỷ đồng vốn hóa chỉ sau nửa tháng.
Theo dữ liệu từ Bloomberg, P/E trailing của VN-Index hiện chỉ còn 9,4x, thấp hơn thời điểm đáy Covid vào cuối tháng 3/2020 và tương đương với vùng đáy trong giai đoạn khủng hoảng 2011-2012. Ngoài ra, diễn biến giải chấp (margin call) cũng đang rất phức tạp.
“Áp lực margin call rất mạnh buộc nhà đầu tư phải bán tháo và sự hoảng loạn lan rộng ra toàn thị trường, bất chấp cổ phiếu đó tốt hay xấu. Thời điểm hiện tại, tâm lý thị trường đang rất yếu trong khi thiếu đi các thông tin hỗ trợ”, ông Phùng Trung Kiên, nhà sáng lập Vietnam Holdings Inc. nói với Bloomberg.
Cần lưu ý rằng, mặc dù P/E là một dữ liệu có thể tham khảo để tham gia thị trường, bên cạnh đó P/B của nhiều doanh nghiệp cũng đã về đến mức thấp chưa từng có nhưng việc tham gia vào thị trường thời điểm này cũng quá rủi ro đối với nhà đầu tư.
Thiên nga đen - Sputnik Việt Nam, 1920, 10.11.2022
Sự kiện ‘thiên nga đen’ và tâm lý đám đông kéo chứng khoán Việt Nam suy giảm kỷ lục

Vì sao chứng khoán Việt Nam biến động mạnh?

Có nhà đầu tư đã đặt câu hỏi, vì sao các báo cáo kinh tế của Việt Nam tính đến thời điểm này đều rất tốt, dự báo triển vọng tăng trưởng cao, tình hình kinh tế - xã hội vẫn lạc quan, thậm chí, trong khi Nga bị các nước phương Tây trừng phạt nhưng Việt Nam thì không, vậy vì sao chứng khoán vẫn đầy biến động, chưa kể các kênh tín dụng, trái phiếu khác.
Công bố thông tin chính thức hôm 11/11, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có những lý giải sơ bộ điều gì đã xảy ra với thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo cơ quan này, các biến động trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cả trong nước lẫn quốc tế.
Về khách quan, UBCKNN cho rằng, động thái thắt chặt chính sách tiền tệ trên thế giới đang làm dấy lên lo ngại về rủi ro “suy thoái – lạm phát” ở một số quốc gia.
Các tổ chức quốc tế tiếp tục điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022 và 2023: IMF (10/2022) hạ mức dự báo xuống còn 3,2% cho năm 2022 và 2,7% cho năm 2023, trong khi Ngân hàng thế giới (9/2022) ước tính tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ giảm xuống còn 0,5% trong năm 2023.
Ngoài ra, tình hình địa chính trị thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường trong năm 2022. Xung đột Nga – Ukraina, căng thẳng giữa các nước lớn và chiến lược Zeo-Covid của Trung Quốc tiếp tục tiếp diễn đã làm trầm trọng tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu; giá cả lương thực, năng lượng theo đó tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí của các doanh nghiệp và gia tăng áp lực lạm phát.
“Trong bối cảnh đó, thị trường chứng khoán trên thế giới cũng trải qua nhiều biến động”, theo Ủy ban Chứng khoán nhà nước với dẫn chứng chỉ số chứng khoán toàn cầu MSCI ACWI đã giảm 21,98%; chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 12,3%, chỉ số DAX của Đức giảm 16,63%, chỉ số KOSPI của Hàn Quốc giảm 23,82%, chỉ số Shang Hai của Trung Quốc giảm 19,89%, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 36,48%, chỉ số S&P500 của Mỹ giảm 18,15% so với cuối năm 2021 tính đến 31/10/2022.
Trong nước, theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, dòng tiền trên thị trường chịu tác động của các thay đổi về mặt bằng lãi suất. Cùng với động thái của Fed, NHNN cũng 2 lần điều chỉnh tăng lãi suất điều hành, đồng thời, mặt bằng lãi suất tiền gửi ở các ngân hàng thương mại cũng tăng lên, thu hút dòng tiền quay trở lại hệ thống ngân hàng, qua đó, giảm sự hấp dẫn của kênh đầu tư chứng khoán trong ngắn hạn.
Ủy ban cũng nhận định, dòng vốn đầu tư trên thị trường chứng khoán có sự dịch chuyển trở lại các hoạt động kinh doanh sản xuất. Việc thị trường chứng khoán đã tăng trưởng mạnh trong năm 2021 đến Quý I/2022 nên khi xuất hiện các yếu tố tác động không thuận, nhà đầu tư sẽ có tâm lý chốt lời nhằm bảo vệ thành quả, tạo nên áp lực bán trên thị trường.
“Việc điều tra, khởi tố một số doanh nghiệp bất động sản lớn trong thời gian vừa qua liên quan đến các sai phạm trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng tác động đến tâm lý chung trên thị trường chứng khoán, tạo tâm lý thận trọng trong đầu tư, tác động đến dòng tiền trên thị trường”, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thừa nhận.
Theo đánh giá của cơ quan này, thị trường chứng khoán Việt Nam biến động mạnh thời gian qua xuất phát từ tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước những bất ổn và triển vọng kém tích cực về tình hình kinh tế- chính trị thế giới, có sự đồng pha với các diễn biến trên thị trường chứng khoán toàn cầu.

VN-Index đang hồi phục dần

Phiên ngày 17/11 ghi nhận những diễn biến tích cực hơn khi sắc xanh được duy trì từ đầu đến cuối phiên với hàng trăm mã đồng loạt tăng và VN-Index tăng hơn 26 điểm phiên đáo hạn phái sinh.
Đáng chú ý, những cái tên “nặng ký” nhất thị trường như VIC (Vingroup), VHM (Vinhomes), VCB (Vietcombank), MSN (Masan), HPG (Hòa Phát), VNM (Vinamilk), VRE (Vincom Retail), GAS (PetroVietnam Gas), GVR (Cao su Việt Nam)… đều ghi nhận dòng tiền đổ vào bên mua, giúp đẩy thanh khoản và đà tăng của thị trường.
Nhiều cổ phiếu khác cũng nỗ lực ngược dòng nhưng chưa thoát khỏi đà giảm như KDC (Kido), VHC (Vĩnh Hoàn), LGC ( Đầu tư Cầu đường CII)…
Dù thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận đà hồi phục trong hai ngày 16/11 và 17/11, tuy nhiên, nhóm bất động sản vẫn nằm sàn. Trong đó, hai doanh nghiệp lớn như Novaland (NVL) và Phát Đạt (PDR) vẫn bị giảm giá cổ phiếu. Trong khi đó, sắc tím bao phủ ngành BĐS, các mã LHG, TCH, IDJ, DXG đều diễn biến thiếu khởi sắc.
Lên tiếng lý giải về việc giá cổ phiếu Novaland liên tiếp giảm sàn trong thời gian gần đây, ông Nguyễn Đức Dũng, người được ủy quyền công bố thông tin của Địa ốc No Va cho rằng, yếu tố tâm lý quyết định nhiều vấn đề.
“Giá cổ phiếu NVL giảm trong thời gian gần đây do yếu tố tâm lý trên thị trường chứng khoán và bị tác động bởi nhiều điều kiện kinh tế vĩ mô”, ông Dũng giải trình với Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM về việc cổ phiếu Novaland liên tục nằm sàn.
Trong phiên giao dịch hôm nay, ngoài năng lượng, hầu hết các ngành khác đều có mức tăng trưởng dương, trong đó nguyên vật liệu tăng cao nhất (+5,2%), tài chính, hàng hóa tiêu dùng, công nghệ thông tin cũng đều tăng +3%.
Cũng trong phiên hôm nay, khối ngoại giải ngân tới gần 1.769 tỷ đồng trên sàn HoSE phiên chiều, chiếm trên 38% giao dịch. Mức mua ròng cả phiên sàn TP.HCM là trên 1.501,6 tỷ đồng. Tính chung toàn sàn, nhà đầu tư ngoại vẫn kiên trì mua ròng 9 phiên liên tiếp với giá trị gần 9.800 tỷ đồng bất chấp thị trường còn nhiều biến động.
Chốt phiên giao dịch ngày 17/11, VN-Index về lại mốc trên 969,26 điểm, tăng 26,36 điểm (+2,8%). Trong đó, sàn Hà Nội tăng 4,41 điểm (+2,4%) đạt 187,86 điểm, UPCoM-Index tăng 1,21 điểm (+3,27%), đạt 971,04 điểm.
Người đàn ông kiểm tra dữ liệu thị trường chứng khoán - Sputnik Việt Nam, 1920, 21.06.2022
Ngưỡng 1.155 điểm liệu có phải là đáy của VN-Index?
Thời gian tới, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế - chính trị, động thái chính sách của các nước trên thế giới, đánh giá tác động, ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam để kịp thời có các giải pháp phù hợp.
Điều này nhằm bảo đảm thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển ổn định, minh bạch.
Cùng với đó, Ủy ban cũng sẽ tiếp tục tăng cường công tác thông tin tuyên truyền nhằm ổn định tâm lý của nhà đầu tư, tăng cường lòng tin của các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала