"Hốt hoảng" số tiền người Việt chi cho thuốc lá trong năm 2022
© Ảnh : Bùi Cương Quyết - TTXVNHội thảo “Thực trạng, thách thức và giải pháp tiêu dùng thuốc lá tại Việt Nam”
© Ảnh : Bùi Cương Quyết - TTXVN
Đăng ký
HÀ NỘI (Sputnik) - Tại hội thảo thông tin về thực trạng, thách thức và giải pháp trong phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam, diễn ra ngày 23/11, ông Hồ Hồng Hải - phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông - cho biết Việt Nam không phải là nước phát triển nhưng tỉ lệ người hút thuốc lá đứng thứ 15 thế giới.
Ước tính số người đang hút thuốc lá tại Việt Nam khoảng 15,4 triệu người, trong đó có 14,8 triệu người là nam và 603.000 người là nữ. Đáng lưu ý khi thời gian gần đây tỷ lệ thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử đang ngày càng gia tăng một cách đáng báo động.
Người Việt chi 49.000 tỷ đồng để mua thuốc lá
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Đại diện Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) cho hay gánh nặng về kinh tế do sử dụng thuốc lá tại Việt Nam khá nhiều, mỗi năm người Việt chi 49.000 tỷ đồng để mua thuốc lá (ước tính từ tổng tiêu thụ năm 2020).
Mỗi năm Việt Nam có trên 40.000 ca tử vong vì các bệnh do thuốc lá gây ra. Con số này sẽ tăng lên 70.000 ca/năm vào năm 2030 nếu Việt Nam không phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả. Số người tử vong do thuốc lá gây ra gấp gần 4 lần số ca tử vong vì tai nạn giao thông đường bộ mỗi năm.
Cũng theo bà Hương, tỉ lệ người trưởng thành hút thuốc lá tại Việt Nam có xu hướng giảm nhưng tỉ lệ ở nữ giới lại có xu hướng tăng.
Bên cạnh đó, tỉ lệ người hút thuốc lá mới cũng là con số vô cùng đáng lo ngại dù chưa phải cao nhưng tăng nhanh trong giới trẻ. Theo đó, tỉ lệ hút thuốc lá mới vào năm 2020 đã tăng 18 lần so với năm 2015 (từ 0,2% lên 3,6%), trong đó nam giới tăng 14 lần, nữ giới tăng 10 lần.
Mối lo ngại về thuốc lá thế hệ mới
Bên cạnh thuốc lá truyền thống, các chuyên gia cũng nhận định thuốc lá thế hệ mới đang là nguy cơ trực tiếp gây ảnh hưởng đến giới trẻ. Bà Trần Thị Trang - phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế - cho biết thuốc lá mới (thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng) được đưa vào Việt Nam chủ yếu qua đường nhập lậu, xách tay…
Các sản phẩm đang được quảng cáo khá phổ biến trên mạng xã hội, người tiêu dùng có thể dễ dàng mua bất hợp pháp các sản phẩm thuốc lá mới trên Internet, các trang mạng xã hội.
"Tuy nhiên, hiện Luật phòng chống tác hại của thuốc lá chưa có quy định điều chỉnh đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, mới có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thuốc lá điếu do Bộ Y tế ban hành. Bộ Y tế đề nghị cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá mới", bà Trang nhấn mạnh.
Tại hội thảo, bác sỹ Nguyễn Tuấn Lâm - chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam bày tỏ mối lo ngại về thuốc lá thế hệ mới đang thu hút giới trẻ và có thể làm ảnh hưởng đến tương lai của cả một thế hệ nếu không có những biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Bác sỹ Nguyễn Tuấn Lâm phân tích thuốc lá thế hệ mới chứa nhiều chất độc giống như thuốc lá truyền thống:
“Gần đây có thông tin đưa ra con số thuốc lá điện tử giảm hại 95% chỉ là do một nhóm các chuyên gia tự phong đưa ra, mà không có bằng chứng đáng tin cậy nào. WHO trong tuyên bố ngày 27/7/2020 nêu rõ việc giảm phơi nhiễm một số hóa chất trong khói thuốc lá nung nóng (HTPs) so với thuốc lá không đồng nghĩa giảm nguy cơ sức khỏe với con người. Mặt khác, một số chất độc trong khói HTPs còn cao hơn so với trong khói thuốc thông thường và còn có một số hóa chất mới không có trong khói thuốc thông thường."
Bàn về một số vấn đề pháp lý liên quan đến thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam, bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) nhấn mạnh hiện nay Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá chưa có quy định điều chỉnh đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Việc cho phép thí điểm lưu hành thuốc lá mới có những tác động tiêu cực, đặc biệt là tăng chi phí quản lý và tổ chức thực hiện. Khi đó, Nhà nước cần phải đầu tư nhân lực, năng lực quản lý, giải quyết các vấn đề xã hội phát sinh do thuốc lá mới, đặc biệt là hành vi, lối sống tệ nạn của giới trẻ, từ đó gây tăng chi phí quản lý nhà nước, nhân lực đáp ứng yêu cầu quản lý.
“Về kinh tế, việc cho phép nhập khẩu thuốc lá mới không chống thất thu thuế cho ngân sách Nhà nước mà ngược lại nhà nước sẽ bị giảm nguồn thu thuế do sản lượng thuốc lá tiêu thụ trong nước bị kiểm soát, khống chế sản lượng tiêu thụ, mức thu thuế trong tổng cho phép. Việt Nam hiện không sản xuất thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nên việc cho phép nhập khẩu các sản phẩm này chỉ có các các sản phẩm nhập khẩu của doanh nghiệp thuốc lá nước ngoài.” Bà Trang chỉ rõ.
Do đó, nguồn thu không tăng mà còn tăng chi ngân sách đối với an sinh xã hội, giải quyết gánh nặng bệnh tật, tử vong do thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Các chi phí mà Nhà nước và người dân phải gánh chịu khi cho phép lưu hành, sử dụng các sản phẩm độc hại này bao gồm sức khỏe người dân đặc biệt là thanh thiếu niên - thế hệ tương lai của đất nước, kinh tế, xã hội và môi trường là vấn đề lớn mà ngay cả các nước đang cho sử dụng sản phẩm này cũng chưa thể tính toán hết được.
Vì vậy, theo bà Trang, định hướng đề xuất chính sách của Bộ Y tế là nhất quán quan điểm bảo vệ sức khỏe người dân trên các lợi ích kinh tế, dựa trên căn cứ khoa học, điều kiện thực tiễn của Việt Nam là không thí điểm các sản phẩm có hại cho sức khỏe. Bộ Y tế đề nghị cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá mới vì các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đều là các sản phẩm có hại cho sức khỏe.