Đã đến lúc TP.HCM nên bỏ tổ dân phố?
© Depositphotos.com / Vietnam_imagesThành phố Hồ Chí Minh
© Depositphotos.com / Vietnam_images
Đăng ký
Trong thời đại 4.0, việc duy trì 2 cấp dưới phường xã là tổ dân phố, tổ nhân dân liệu có còn phù hợp?
Khi nhà nhà đều có internet, người người đều dùng smartphone, mọi thông tin tuyên truyền cũng dễ dàng tra cứu, việc vận hành 2 cấp dưới phường xã là lãng phí cả về kinh phí lẫn nhân lực.
Bỏ tổ dân phố để tinh gọn bộ máy
Hiện nay, TP.HCM đang duy trì mô hình 2 cấp khác với quy định của Trung ương và những địa phương khác. Theo đó, dưới cấp phường (thị trấn) còn có cấp khu phố, dưới khu phố là tổ dân phố; dưới xã là ấp, dưới ấp là tổ nhân dân.
Tại buổi họp báo chiều 1/12, ông Nguyễn Duy Tân, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM cho biết, phương án bỏ tổ dân phố - tổ nhân dân là phù hợp với chủ trương của Trung ương nhằm tinh gọn bộ máy.
Đại diện Sở Nội vụ cho biết, mô hình dưới phường – xã tại TP.HCM đã tồn tại từ năm 1985. Sau 37 năm, mô hình này đã làm tốt các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, nhất là công tác phòng chống dịch, công tác bầu cử.
Tuy nhiên, mô hình tổ dân phố, tổ nhân dân của TP.HCM hiện đã không còn phù hợp với quy định của T.Ư.
TP.HCM có 27.377 tổ chức dưới phường, gồm 2.008 khu phố - ấp và 25.369 tổ dân phố - tổ nhân dân với tổng nhân sự gần 64.300 người. Với mô hình hiện tại, khi dân số tăng, số lượng nhân sự sẽ không ngừng tăng lên.
Sở Nội vụ TP.HCM ước tính, nếu bỏ tổ dân phố và tổ nhân dân, sẽ cắt giảm gần 40.000 cán bộ, tiết kiệm khoảng 45 tỷ đồng mỗi năm.
Người dân TP.HCM hiện đang hết sức quan tâm đến việc, mô hình hai cấp dưới phường xã đã tồn tại gần 40 năm nay, nếu bỏ đi một cấp thì liệu có ảnh hưởng tới các chương trình tuyên truyền của chính quyền hay không.
Có còn cần thiết trong thời đại 4.0?
Xoay quanh vấn đề này, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Thị Thanh Lam (Đoàn Bến Tre) - Ủy viên Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, cho rằng, việc thực hiện các mô hình tự quản tại địa phương tuân thủ quy định của Trung ương.
"Thực tế thì tổ dân phố hay tổ nhân dân không phải là một đơn vị hành chính theo luật, mà là tự quản nhưng phải thực hiện theo luật pháp, với mục đích là truyền tải thông tin tuyên truyền các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các cấp chính quyền đến với người dân. Ở chiều ngược lại, người dân cũng sẽ có nơi để trao đổi khi cần trợ giúp hỏi về thông tin hay thủ tục một số vấn đề cần thiết, mặc dù không nhiều”, - bà Lam nói báo Dân trí.
Theo bà, việc duy trì hai cấp dưới phường xã nhiều năm nay đã phát huy được tính hiệu quả. Tuy vậy, trong thời đại 4.0, điều này có lẽ cũng không còn cần thiết, chỉ cần giữ lại một cấp là phù hợp.
Hiện nay, công nghệ số đã rất phát triển, các gia đình đều có internet, mỗi người thường dùng smartphone với các ứng dụng trao đổi thông tin dễ dàng.
“Vì vậy, việc tuyên truyền các chính sách của Đảng, Nhà nước, các chương trình vận động người dân tham gia các sự kiện tại địa phương cũng rất thuận lợi, không còn giống như trước kia là phải đi tới từng nhà để thông báo nữa”, - bà Lam nhận định.
Theo bà, chính quyền TP.HCM cần mạnh dạn triển khai ngay các bước để xác định rõ vai trò tự quản của tổ dân phố - tổ nhân dân, từ đó có phương thức giải quyết phù hợp.
Việc xóa bỏ tổ dân phố - tổ nhân dân phù hợp với tinh thần tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết số 18 năm 2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Trước đề nghị của Sở Nội vụ TP.HCM, nhiều người bất ngờ vì số người hoạt động không chuyên trách ở 2 cấp này lên tới 50 nghìn và khi rút gọn đầu mối thì chỉ còn gần 26 nghìn.
Với lượng người quá lớn như vậy, người dân đặt câu hỏi, rằng liệu việc duy trì tới hai cấp dưới phường, xã nhiều năm qua có giúp được gì cho người dân hay không? Hay chỉ mang tính hình thức là chủ yếu, thậm chí còn bị lãng phí, bởi theo tính toán, khi rút gọn thì mỗi năm tiết kiệm khoảng 45 tỷ đồng.
Cần có phương pháp quản lý hiện đại hơn
TS. Nguyễn Ngọc Bảo - nguyên Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (ĐBQH Khóa XIII) thì cho rằng, tổ dân phố - tổ nhân dân đã phát huy được vai trò trong mấy chục năm qua.
Tuy vậy, trong thời đại công nghệ hiện nay, cần nâng cấp những phương thức và cách thức quản lý hiện đại hơn, giảm bớt phụ thuộc vào sức người.
Theo ông, ở thời điểm này, việc duy trì tới hai cấp dưới phường xã như ở TP.HCM là không cần thiết, quá nhiều tầng nấc, nặng về hình thức và gây lãng phí.
“Thứ nhất, khi giảm từ hơn 27 nghìn tổ chức xuống còn hơn 5 nghìn tổ chức thì kinh phí đã giảm được 45 tỷ đồng. Bên cạnh đó thì điều quan trọng hơn là hàng nghìn người đang tham gia phần việc ở tổ dân phố - tổ nhân dân sẽ dành sức lực cho các công việc khác, tăng thêm sự đóng góp phát triển kinh tế xã hội tại địa phương, đó cũng là phát huy hiệu quả nguồn lực và tránh lãng phí”, - ông Bảo đánh giá.
Theo ông, chính quyền TP.HCM sẽ phải cân nhắc, nghiên cứu hết sức thận trọng vấn đề này, bởi đây là địa phương có dân số tăng nhanh, tốc độ phát triển cao, đời sống xã hội liên tục thay đổi.
Dù vậy, vẫn phải tư duy theo hướng quản lý hiện đại để đạt được hiệu quả tốt nhất, đúng với mục tiêu mà Nghị quyết 18-NQ/TW và Nghị quyết 19-NQ/TW là giảm đầu mối, giảm thủ tục hành chính, giảm chi cho bộ máy hệ thống chính trị. Cùng với đó, tăng tính khoa học tổ chức, hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
“Bây giờ các cấp chính quyền phường xã đều có phòng một cửa giải quyết các công việc cho người dân nhanh chóng, thậm chí người dân có thể trao đổi và đăng ký qua mạng với chính quyền và thực hiện theo số thứ tự, khác hoàn toàn trước kia. Mọi thông tin tuyên truyền cũng dễ dàng tra cứu, do đó cứ duy trì mãi hai cấp dưới phường xã là lãng phí lớn cả về kinh phí và nhân lực”, - ông Bảo phân tích.
Khi triển khai một chương trình mới, lẽ dĩ nhiên sẽ xuất hiện nhiều khó khăn, thử thách, nhưng nếu cứ lo sợ thì bộ máy luôn cồng kềnh và lãng phí.
“Chúng ta biết rằng ngay với các bộ ngành trung ương, đã có một thời gian do nhu cầu phát triển đã phình ra nhiều cục, tổng cục, nhưng sau đó đều đã phải sắp xếp lại để phát huy tốt hơn vai trò của các tổ chức, đồng thời chống lãng phí ngân sách nhà nước”, - TS. Nguyễn Ngọc Bảo nhận định.