Ngân hàng Nhà nước bị o ép vào cuộc chiến không cân sức giữa USD và Đồng Việt Nam
© Depositphotos.com / WollertzĐồng Việt Nam và đô la Mỹ
© Depositphotos.com / Wollertz
Đăng ký
Khi ‘chiến trận’ tỷ giá còn căng thẳng, đồng bạc xanh mạnh lên, VND suy giảm, thị trường ngoại hối quốc tế biến động mạnh, nguồn vốn trong nước khó khăn, thanh khoản yếu, gây ra nhiều sức ép cho cả Ngân hàng Nhà nước - nhà điều hành, lẫn doanh nghiệp Việt Nam.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà khẳng định, việc lãi suất điều hành tăng hai lần, mỗi lần 1% là “hợp lý”, qua đó, giúp Việt Nam kiểm soát lạm phát và ổn định nguồn vốn cho hệ thống ngân hàng, hỗ trợ ổn định tỷ giá.
NHNN cân nhắc kỹ lưỡng, nâng lãi suất là hợp lý
Mới đây, thông tin trước báo chí về việc điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thời gian qua, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết trong bối cảnh hầu hết các nước đều tăng lãi suất, thị trường ngoại hối quốc tế biến động mạnh, việc điều hành lãi suất, tỷ giá đã được Ngân hàng Nhà nước “cân nhắc kỹ lưỡng”.
Theo ông Hà, trong 9 tháng đầu năm 2022, NHNN đã cố gắng giữ nguyên lãi suất điều hành để ổn định mặt bằng lãi suất.
“Tuy nhiên, cuối tháng 9/2022, NHNN đã quyết định tăng lãi suất điều hành”, - Phó Thống đốc nói.
Theo ông Phạm Thanh Hà, quyết định của nhà điều hành dựa trên 4 yếu tố. Thứ nhất, xu hướng đẩy nhanh thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất nhanh và mạnh của các ngân hàng trung ương trên thế giới để đối phó với lạm phát cao.
Thứ hai, lạm phát chung trong nước vẫn được kiểm soát tốt, nhưng lạm phát cơ bản - chỉ báo quan trọng trong điều hành chính sách tiền tệ đã tăng so với cùng kỳ từ mức 0,66% tháng 1 lên 3,82% vào tháng 9 và tiếp tục có xu hướng tăng trong tháng 10 và 11, hiện ở mức 4,81%.
Thứ ba, đồng USD tăng giá mạnh gây áp lực mất giá lên hầu hết các đồng tiền trên thế giới. Trong nước, tỷ giá và thị trường ngoại tệ chịu áp lực từ đầu năm, đặc biệt trong hai tuần cuối tháng 10.
“Để giữ cho VND không bị mất giá quá lớn, gây bất ổn vĩ mô, NHNN đã tăng lãi suất để duy trì sức hấp dẫn của VND, hỗ trợ ổn định tỷ giá”, - ông Phạm Thanh Hà lý giải.
Thứ tư, theo ông Hà, ngay từ đầu năm, để đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã tăng cường cho vay. Tín dụng tăng nhanh trong khi huy động vốn tăng chậm đã khiến hệ thống ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản. Việc tăng lãi suất giúp tổ chức tín dụng thu hút thêm nguồn vốn, từ đó có thể đáp ứng nhu cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp.
“NHNN cho rằng mức tăng hai lần, mỗi lần 1% như các bước điều chỉnh trước đây, đưa lãi suất về tương đương giai đoạn trước dịch là phù hợp với xu hướng của toàn cầu”, - theo Phó Thống đốc.
Đại diện NHNN dẫn chứng, các ngân hàng trung ương lớn như Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất 6 lần trong năm 2022 với tổng mức tăng là 3,75%, đưa lãi suất về mức gấp đôi so với trước dịch.
Như vậy, lãi suất tăng là hợp lý để kiểm soát lạm phát và ổn định nguồn vốn cho hệ thống ngân hàng, hỗ trợ ổn định tỷ giá.
“Trong thời gian tới, NHNN tiếp tục theo dõi diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ”, - Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà nhấn mạnh.
Cuộc chiến không cân sức
Các chuyên gia cho biết, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành tỷ giá khá tốt, nhờ vậy VND nằm trong nhóm đồng tiền giảm giá thấp nhất so với USD. Tuy nhiên, áp lực thời gian tới là rất lớn khi lộ trình tăng lãi suất của Fed chưa dừng lại, cộng thêm dư địa tăng lãi suất trong nước đã đến ngưỡng.
Thời gian qua, bất chấp Ngân hàng Nhà nước nới biên độ giao dịch tỷ giá từ +/-3% lên +/-5% và tăng lãi suất điều hành, tỷ giá vẫn liên tục được giao dịch ở mức kịch trần suốt đầu tháng 11/2022, buộc NHNN phải nhiều lần tăng tỷ giá trung tâm.
Về vấn đề này, TS. Trương Văn Phước, nguyên Quyền chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia cho rằng các nước đều đưa ra phòng tuyến tỷ giá, vì một khi nội tệ mất giá, lạm phát sẽ tràn vào. Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng giữ được phòng tuyến này. Vietnam Finance dẫn ý kiến của ông Phước cho hay, nhiều quốc gia, khu vực, đồng nội tệ mất giá tới 30-40%, buộc phải nâng cao lãi suất để vừa để chống lạm phát, vừa để đồng nội tệ không bị mất giá quá sâu so với USD.
Dù vậy, theo chuyên gia, do lạm phát tăng nhanh và thế giới bất ổn, dòng vốn đầu tư toàn cầu lại có xu hướng trú ẩn vào USD - đồng tiền có tỷ lệ dự trữ cao nhất thế giới - khiến USD quá mạnh, đồng nội tệ các quốc gia khác đều không thể địch nổi dù có tăng lãi suất.
“Nói cách khác, đây là cuộc chiến không cân sức giữa USD và các đồng tiền khác trên thế giới. Lý do là dù Mỹ và các nước đều phải đối mặt với tình trạng lạm phát cao, nhưng nền kinh tế Mỹ vẫn vững mạnh, các cân đối vẫn tốt, chưa kể dòng vốn đầu tư toàn cầu cũng đang đổ xô vào USD”, - TS. Trương Văn Phước lý giải.
Thế o ép
Như đã thông tin, từ cuối tháng 9/2022 tới nay, NHNN đã hai lần tăng lãi suất điều hành. Lãi suất huy động kỳ hạn dài trên thị trường xấp xỉ 10% trong khi lạm phát năm nay nhiều khả năng dưới 4%. Như vậy người gửi tiền vẫn hưởng lãi suất thực dương.
Nếu so sánh với USD đang có mức lãi suất thực âm 5% (lãi suất ở Mỹ là 4% trong khi lạm phát tại Mỹ là 9%) thì chênh lệch lãi suất giữa tiền đồng và USD lên tới 11%. Tuy vậy, dư địa tăng lãi suất để hỗ trợ tỷ giá không còn nhiều. Mức lãi suất hiện nay đã bắt đầu quá sức đối với doanh nghiệp.
Theo GS.TS Trần Ngọc Thơ, với mức lãi suất đang ở mức quá cao, tăng thêm một chút nữa thôi, “sẽ giết chết tăng trưởng”.
Từ đầu năm đến nay, để ghìm cương tỷ giá, NHNN đã phải sử dụng tổng hòa rất nhiều giải pháp như sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối, tăng lãi suất, chuyển phương thức giao dịch ngoại tệ từ bán kỳ hạn 3 tháng sang phương thức bán giao ngay.
Theo số liệu của NHNN, từ đầu năm đến nay, các nước trên thế giới đã giảm 1.000 tỷ USD dự trữ ngoại hối ngoại tệ nhằm giữ đồng tiền khỏi mất giá. Trong khi đó, quỹ dự trữ ngoại hối của Việt Nam ước cũng giảm hơn 20 tỷ USD. Với nguồn dự trữ ngoại hối có hạn cộng với sức ép của thị trường toàn cầu, việc NHNN tăng tỷ giá là khó tránh.
TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, lại cho rằng trong bối cảnh áp lực lên tỷ giá, lạm phát rất lớn như hiện nay, các giải pháp của NHNN thời gian qua là nhằm giảm áp lực cho thị trường, tìm điểm cân bằng mới thích hợp hơn cho tỷ giá và góp phần cho chính sách tiền tệ linh hoạt và chủ động hơn.
NHNN tìm điểm cân bằng
Tỷ giá tăng mạnh kéo theo mặt bằng lãi suất liên tục đi lên đang ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng phục hồi của doanh nghiệp. Báo cáo tài chính quý III/2022 cho thấy, hàng loạt doanh nghiệp ghi nhận lỗ hàng nghìn tỷ đồng do biến động tỷ giá.
TS. Võ Trí Thành cho rằng, VND mất giá quá nhiều sẽ chuyển một phần vào chỉ số giá, đẩy lạm phát và lãi suất đi lên. Với xuất khẩu, nếu tỷ giá không đủ linh hoạt, cũng rất khó cạnh tranh.
“Hơn nữa, xuất khẩu của Việt Nam dựa rất lớn vào nhập khẩu, nên nếu VND mất giá nhiều, thì xuất khẩu cũng chưa chắc được lợi. Chưa kể nợ quốc gia sẽ tăng mạnh khi tỷ giá điều chỉnh”, - ông Thành lưu ý.
Thế nhưng, mức độ nới biên độ tỷ giá như hiện nay, theo TS. Thành, đã nằm trong tính toán tác động với nhiều chiều cạnh (lạm phát, lãi suất, xuất khẩu, nhập khẩu, lợi ích người gửi tiền đồng, USD…).
“Cách của NHNN là linh hoạt hơn, tìm điểm cân bằng mới với tất cả các chiều cạnh của nền kinh tế để giảm các tác động tiêu cực, trong chừng mực vẫn giữ được ổn định vĩ mô tương đối, hỗ trợ xuất khẩu, mà không tác động quá tiêu cực tới nhập khẩu, lạm phát”, - TS. Võ Trí Thành nêu quan điểm.
Tình hình trong nước, khi thanh khoản hệ thống có dấu hiệu căng thẳng từ cuối tháng 9/2022, room tín dụng cạn kiệt, thị trường trái phiếu đóng băng, doanh nghiệp buộc phải rút tiền ra khỏi ngân hàng để trang trải chi phí và mua lại trái phiếu trước hạn khiến huy động tiền gửi ngân hàng 9 tháng chỉ tăng 4,04% trong khi tín dụng tăng gần 11%.
Đáng chú ý, báo cáo tài chính quý III/2022 của các ngân hàng cho thấy, hàng chục ngân hàng đã ghi nhận chỉ số LDR (cho vay/huy động) tăng cao, cho thấy thanh khoản căng thẳng.
PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, chỉ số cung tiền (M2) giảm mạnh những tháng gần đây cho thấy, dòng tiền lưu thông trên thị trường đang bị chậm lại.
“Để gỡ khó cho thanh khoản, khai thông dòng vốn, cần phải lấy lại niềm tin cho thị trường, đặc biệt là thị trường chứng khoán, bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp”, - ông Thịnh nhấn mạnh.
Về tỷ giá, theo chuyên gia, nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất, giải pháp bán ngoại tệ từ quỹ dự trữ ngoại hối ra thị trường sẽ như ‘muối bỏ bể’. Trong khi đó, việc tăng lãi suất mạnh thêm nữa để ghìm cương tỷ giá vẫn có thể sẽ diễn ra song sẽ không thể quá nhanh, nếu không nền kinh tế sẽ đi vào suy thoái.
“Hơn bao giờ hết, có lẽ vào thời khắc này, nền kinh tế đang rất cần sự hỗ trợ nhiều hơn từ các khoản đầu tư công và sự phối hợp hiệu quả hơn nữa giữa tài khoá và tiền tệ để hoá giải bài toán tỷ giá đang trong tâm bão”, - GS.TS Trần Ngọc Thơ khuyến nghị.
Theo TS. Trương Văn Phước, để giúp doanh nghiệp, cần chóng triển khai gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng; khẩn cấp khơi thông thị trường vốn sau khi chấn chỉnh như trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán.
Chuyên gia lưu ý ở Việt Nam, dù nỗ lực chống lạm phát, nhưng cũng cần phải duy trì lãi suất và tỷ giá phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, xung đột và các sự kiện biến động từ thị trường thế giới.