Tên lửa SAM-2 Liên Xô viện trợ cho Việt Nam hạ gục B-52 Mỹ: Giải mã bí ẩn
© Ảnh : Public domainMáy bay ném bom B-52 đang thực hiện ném bom trải thảm trong chiến tranh Việt Nam
© Ảnh : Public domain
Đăng ký
Chuyên gia quân sự giải mã sự thật tên lửa SAM-2 do Liên Xô viện trợ cho Việt Nam có cần nối thêm tầng để bắn hạ B-52 của Mỹ hay không?
Tổ hợp tên lửa S-75 Dvina hay theo tên định danh NATO là SAM-2 là vũ khí chủ lực của Bộ đội Tên lửa Việt Nam sử dụng để bắn hạ các 'pháo đài bay' B-52 của Mỹ.
Tuy nhiên, có một câu chuyện giai thoại mà một số cơ quan báo chí truyền thông, hay thậm chí một vị Bộ trưởng đã nghỉ hưu khi về nói chuyện ở một địa phương mới đây cho rằng, ‘Việt Nam nối thêm tầng tên lửa SAM-2 để bắn B.52’.
Sự thật Việt Nam nối tầng tên lửa SAM-2 để bắn hạ B-52 của Mỹ
Theo lời “người trong cuộc” - Trung tướng Phan Thu, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Trinh sát nhiễu, một trong những cán bộ có vai trò rất quan trọng góp phần làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không 1972” khẳng định với báo điện tử VTC News, SAM-2 được nối tầng hoàn toàn là “thông tin thất thiệt”.
“Đây là một thông tin thất thiệt, đã được cải chính nhiều lần trong nhiều năm, nhưng đáng tiếc, nó vẫn xuất hiện trên Internet”, ông nói.
Ở đây, cần hiểu, nối thêm một tầng nữa nghĩa là thay đổi trọng tâm của tên lửa, từ đó dẫn đến phải thay đổi vị trí, hình dạng các cánh nâng, cánh dẫn hướng, cánh phá ổn định,… phải thiết kế lại hệ thống điểm hoả tầng, cắt tầng,…
Theo Trung tướng Phan Thu, tên lửa SAM-2 có tầm bắn cao 25 km trong khi B-52 chỉ bay ném bom hiệu quả ở độ cao 10 km, mà ném bom cao nhất cũng chỉ đến 17 km, “thì việc gì SAM-2 phải nối tầng”.
Trong nhiều cuộc hội thảo khoa học về chiến thắng B-52, Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu - nguyên Phó Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân, đã cải chính thông tin không đúng này, nhưng nó vẫn tồn tại.
Tướng Thu cho biết: Thấy sự việc lạ, ông đã đi tìm hiểu nguồn cơn thì sự thể là sau chiến thắng B-52, có một nhà báo đến phỏng vấn một nhà khoa học và đặt câu hỏi: Có phải ông đã cải tiến nối tầng cho tên lửa SAM-2 để tên lửa SAM-2 bắn rơi B-52? Nhà khoa học im lặng không nói gì, thế là nhà báo tưởng đúng như vậy nên đã loan truyền thông tin này.
Thực tế, nhà khoa học chỉ góp ý kiến với một số cán bộ của Viện Kỹ thuật quân sự về việc nối tầng cho pháo hỏa tiễn DKB để đối phó với các máy bay AC-119 và AC-130 khi chúng vào quấy nhiễu công tác vận chuyển của ta trên đường mòn Hồ Chí Minh.
“Tôi đề nghị, từ nay chúng ta hãy khép lại thông tin về nối tầng SAM-2 để đánh B-52. Việc nối tầng vừa không phải nhu cầu của SAM-2, vừa nằm ngoài điều kiện và khả năng của nước ta lúc bấy giờ”, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Trinh sát nhiễu bày tỏ.
Vì sao không cần nối thêm tầng cho SAM-2?
Đại tá Đào Đoàn Thế Hùng, nguyên Phó Chánh thanh tra Bộ Quốc phòng cũng đã có thông tin với kênh Truyền hình Quốc hội để làm rõ về sự thật này.
Theo Đại tá Hùng, thông tin cho rằng tên lửa SAM-2 bắn cháy được B-52 ở độ cao 10km-11km vì được cải tiến nối tầng là không đúng.
“Thực tế là không phải như vậy, bản thân tên lửa (SAM-2) đã dài đến 8-9m rồi. Thêm nữa, SAM-2 có hai tầng. Tầng thứ nhất là tầng đẩy của tên lửa rời khỏi bệ phóng. Tầng thứ hai tiếp tục đưa tên lửa hướng đến mục tiêu”, Đại tá Hùng nói.
Nguyên Phó Chánh thanh tra Bộ Quốc phòng nhắc lại, khả năng của tên lửa SAM-2 bắn được tới cả độ cao là trên 30 cây số (30km). Ông dẫn chứng, SAM-2 ở Nga bắn được cả máy bay U-2 Mỹ (tức Lockheed U-2, tên hiệu "Dragon Lady", là một máy bay trinh sát một động cơ, bay ở độ cao rất lớn, do Không quân Hoa Kỳ và trước đó là Cục Tình báo Trung ương sử dụng – PV) ở độ cao tận 40km. Trong khi đó ở Việt Nam, bắn nhiều máy bay trinh sát cao không ở độ cao 18-20km, nhiều chiếc đã bị bắn rơi.
“Vậy nên, việc SAM-2 bắn hạ B-52 ở độ cao 10km, tức mới chỉ một nửa, thậm chí chưa được một nửa, khả năng tấn công tầm cao của SAM-2. Do đó, việc nói ta cải tiến, nối tầng tên lửa SAM-2 là hoàn toàn không đúng”, Đại tá Đào Đoàn Thế Hùng khẳng định.
Đại tá Nguyễn Đình Kiên, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND), nguyên sĩ quan điều khiển, Tiểu đoàn 57, Trung đoàn Tên lửa 261, Sư đoàn Phòng không 361 bảo vệ Hà Nội trong 12 ngày đêm lịch sử chia sẻ trên báo Nhân dân cũng nêu rõ, không hề có chuyện Việt Nam nối dài tầm bắn tên lửa SAM-2.
“Với tư cách là sĩ quan điều khiển tên lửa, trực tiếp đánh và bắn rơi B-52 tại chỗ, tôi khẳng định, bộ khí tài SAM II do Liên Xô (trước đây) trang bị, huấn luyện đủ khả năng bắn B-52 ở độ cao tới 27 km và xa tới 34km”, Đại tá Kiên nói.
Việt Nam đánh B-52 thế nào?
Theo Đại tá Kiên, từ năm 1965-1966, chuyên gia Liên Xô đã có mặt tới tận tiểu đoàn; từ 1967-1968 họ mới rút về trung đoàn, ba năm từ 1965 đến 1968 giúp Việt Nam sử dụng tên lửa SAM-2 đã cho Liên Xô nhiều kinh nghiệm.
Phía Mỹ, từ năm 1966 triển khai gây nhiễu tạp làm tên lửa mất điều khiển. Trong quân đội Mỹ, không quân và không quân chiến lược B-52 sử dụng cùng kiểu nhiễu này. Còn không quân của hải quân thì sử dụng nhiễu xung. Ngoài ra Mỹ còn gây nhiễu tiêu cực- là dùng dải kim loại có độ rộng phù hợp bước sóng của các loại radar, tên lửa và ngòi nổ vô tuyến của đạn để gây nhiễu.
Năm 1968, chuyên gia Liên Xô có một đợt cải tiến chín vấn đề, gồm: chống nhiễu tạp, nâng cao xác suất nổ của đầu đạn tên lửa, tăng số mảnh đầu đạn từ 9.000 lên 12.000 mảnh; tăng độ nhạy ngòi nổ vô tuyến đầu đạn tên lửa,… Cải tiến của Liên Xô rất quan trọng, nên sau năm 1968, chúng ta đủ sức chống lại nhiễu tạp B-52.
Còn về khí tài tên lửa, về nguyên tắc, tuyệt đối không được động chạm tới mạch điện, càng không được thay đổi tính năng chiến đấu. Bộ đội tên lửa có những sáng tạo như: "đánh 3 điểm, giãn cách 6 giây, ngòi nổ 11 giây chậm"; "đón nửa góc, ngòi nổ vô tuyến khi phát hiện được tín hiệu mục tiêu trên nền nhiễu", và kết hợp hai phương pháp này rất hiệu quả.
Đại tá Kiên cho hay, giờ vẫn có thông tin việc cải tiến radar K860 giúp bắn rơi nhiều B-52. K860 là thiết bị bổ trợ giúp phát hiện mục tiêu, thông báo cho kíp chiến đấu, đài điều khiển chọn thời cơ phóng đạn. Khu vực Hà Nội lúc đó có 13 tiểu đoàn tên lửa, nhưng chỉ trang bị hai bộ K860 cho Tiểu đoàn 57 Trung đoàn 261 và Tiểu đoàn 79 Trung đoàn 257. Tiểu đoàn 57 bắn rơi bốn chiếc. Tiểu đoàn 79 bắn rơi một chiếc.
“Số lượng đó cho thấy phạm vi không rộng. Việc bắn rơi B-52 phụ thuộc nhiều yếu tố như: chọn dải nhiễu, bám sát mục tiêu, chớp thời cơ phóng đạn, chọn phương pháp điều khiển, thời cơ mở ngòi nổ vô tuyến… liên quan vai trò kíp trắc thủ, sĩ quan điều khiển, tiểu đoàn trưởng chỉ huy… K860 có tác dụng, nhưng không quyết định”, ông nhấn mạnh.
Về cách đánh B-52, Trung tướng Phan Thu, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Trinh sát nhiễu thông tin, Mỹ vẫn duy trì một cách đánh cố hữu là sử dụng nhiễu mạnh cả trong và ngoài đội hình, sử dụng nhiễu máy bay tiêm kích hộ vệ, sử dụng nhiều máy bay cường kích khống chế các sân bay, các trận địa tên lửa, sử dụng nhiều tên lửa chống radar.
B-52 muốn ném bom chính xác, đặc biệt là phải bay bằng độ cao và tốc độ ổn định. Cách đánh này của Mỹ có những điểm mạnh nhưng cùng bộc lộ những điểm yếu của B-52.
“Để phá vỡ cách đánh của địch, chúng ta sử dụng MiG-21 bay vòng ngoài, uy hiếp máy bay gây nhiễu ngoài đội hình không tiếp cận được mục tiêu đánh phá, làm nhiễu giảm nhẹ đi, giúp cho tên lửa bắt được B-52, chờ thời cơ bám sát B-52 để tiêu diệt”, tướng Thu tiết lộ.
Ở các trận địa phòng không, tên lửa SAM-2 sử dụng một cách đánh hữu hiệu, phát sóng gần, chọn cự ly phát sóng thích hợp để có thể bắt được B-52, bắn bằng phương pháp bắn đón. Nếu không bắt được B-52 thì đánh bằng phương pháp ba điểm, bám sát vào dải nhiễu B-52 hoặc bám sát theo phần tử của radar K8-60 (đối với 2 tiểu đoàn của 261 và 257), thành thạo cách chuyển phương pháp bắn khi còn đủ điều kiện và bắt được B-52.
“Với cách đánh thông minh và sáng tạo như vậy, tên lửa SAM-2 đã phát huy được hiệu quả bắn và nâng cao khả năng chống được Shrike (tên lửa chống radar của Mỹ) vừa tiêu diệt địch vừa bảo vệ mình”, tướng Thu nêu rõ và cho biết thêm rằng, chính tinh thần của cách đối phó trên hình thành nên cẩm nang Cách đánh B-52 là “bảo bối” đánh của B-52.