Liệu Việt Nam có thể trở thành “cứ điểm” sản xuất chip toàn cầu?
© Depositphotos.com / DragonImagesNgười đàn ông châu Á cầm một con chip điện tử
© Depositphotos.com / DragonImages
Đăng ký
Với những chính sách và hành lang pháp lý lớn đã được ban hành, Việt Nam đang thu hút nhiều tập đoàn hàng đầu về chip trên thế giới đến đầu tư, sản xuất.
Tuy vậy, Việt Nam mới chỉ tham gia ở mảng lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói, vốn có tỉ lệ lợi nhuận thấp nhất trong lĩnh vực chip.
Trong tương lai, Việt Nam cần nỗ lực thúc đẩy ngành công nghiệp thiết kế và tiến tới sản xuất linh kiện bán dẫn cao cấp.
Nhiều ông lớn sản xuất chip đến Việt Nam
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi tiếp ông Lee Jae Yong, Chủ tịch Tập đoàn Samsung, sang Việt Nam dự lễ khánh thành Trung tâm nghiên cứu và phát triển Samsung.
Lãnh đạo Chính phủ mong muốn Tập đoàn Samsung sẽ đầu tư sản xuất chip tại Việt Nam vào năm 2023.
“Mong muốn tập đoàn khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sớm sản xuất thử các sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn, phấn đấu đạt mục tiêu sản xuất đại trà từ tháng 7 tại Nhà máy Samsung Thái Nguyên”, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị.
Trên thực tế, ông lớn Hàn Quốc đang thử nghiệm sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn và dự định sản xuất hàng loạt tại nhà máy Samsung Việt Nam ở Thái Nguyên trong thời gian tới. Đây là bước đi tiếp theo sau khi Samsung rót thêm gần 1 tỉ USD cho nhà máy này hồi đầu năm 2022.
Sản xuất chip là mảng kinh doanh thứ ba của Samsung tại Việt Nam, nơi tập đoàn này sản xuất hơn một nửa sản lượng điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử gia dụng bán ra trên toàn cầu. Tổng số vốn đầu tư của Samsung tại Việt Nam hiện đã lên tới 20 tỉ USD.
Tuy vậy, Samsung không phải là ông lớn duy nhất muốn sản xuất chip ở Việt Nam. Hồi tháng 9, ông Kim Jung In - Giám đốc điều hành Sein I&D Việt Nam đã nói với Chủ tịch Hà Nội Trần Sĩ Thanh về việc xây dựng một nhà máy sản xuất chip tại Hà Nội. Theo ông Kim, Hà Nội là điểm đến đầu tư vì thành phố đã có quy hoạch năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 là khu đô thị thông minh.
Ông Jan Nicholas, Giám đốc điều hành mảng chip Deloitte, cho rằng Việt Nam đang nổi lên là một trong những “cứ điểm” cho các nhà sản xuất chip toàn cầu. Hàng tỉ USD đã được đầu tư để thành lập các trung tâm nghiên cứu và giáo dục nhằm thu hút các nhà sản xuất chip lớn.
“Đơn cử Samsung, nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, đã cam kết đầu tư thêm 3,3 tỉ USD vào quốc gia Đông Nam Á này trong năm nay. Tập đoàn Hàn Quốc đặt mục tiêu sản xuất linh kiện chip vào tháng 7”, ông Jan Nicholas dẫn chứng.
Thời gian qua, Intel Việt Nam đã duy trì hoạt động ổn định giúp bù đắp thiếu hụt nguồn cung, đồng thời đạt hiệu quả kinh doanh tốt. Các nhà sản xuất chip khác như Qualcomm, Texas Instruments, SK Hynix, NXP Semiconductors… cũng đã xây dựng các trung tâm nghiên cứu và nhà máy tại Việt Nam.
Mục tiêu lớn hơn
Các chuyên gia cho rằng, những động thái trên cho thấy sức hấp dẫn của Việt Nam với các tập đoàn lớn trên thế giới trong sản xuất chip.
Thạc sĩ Nguyễn Lê Huy (Trường ĐH RMIT Việt Nam) thông tin với báo Pháp Luật TP.HCM cho biết, doanh số toàn ngành chip bán dẫn toàn cầu dự kiến đạt khoảng 600 tỉ USD vào năm 2022 và là ngành công nghiệp ngàn tỉ USD vào năm 2030. Với những chính sách và hành lang pháp lý lớn đã được ban hành, Việt Nam đang hấp dẫn các tập đoàn hàng đầu về chip trên thế giới.
Hiện đã có 3 khu công nghệ (KCN) cao quốc gia gồm KCN cao Hòa Lạc, KCN cao Đà Nẵng và KCN cao TP.HCM đã được Chính phủ thành lập, nhằm ưu tiên và thúc đẩy đầu tư phát triển các sản phẩm liên quan đến chip.
Ông Filippo Bortoletti, Giám đốc cấp cao bộ phận kinh doanh quốc tế Công ty Tư vấn đầu tư đa quốc gia Dezan Shira & Associates, cho rằng, việc Samsung chọn Việt Nam để bắt đầu sản xuất chip đã cho thấy tiềm năng của Việt Nam như một trung tâm sản xuất mới nổi.
Samsung sẽ mang đến cho Việt Nam nhiều lợi ích trong những năm tới, từ thu hút các doanh nghiệp nội và ngoại tham gia vào chuỗi cung ứng của họ cho đến thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhờ đó, Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh tốt so với các địa điểm đầu tư tiềm năng khác.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải đối diện với thách thức trong lĩnh vực chip. Theo đó, Chính phủ cần đảm bảo cơ sở hạ tầng để có thể tiếp nhận nhiều tập đoàn hơn nữa; hợp lý hóa và đơn giản hóa thủ tục hành chính; tăng tính minh bạch và tiếp tục cập nhật khung pháp lý để đảm bảo cạnh tranh công bằng.
Việt Nam cũng cần ưu tiên cải thiện hệ thống giáo dục, nâng cao trình độ chuyên môn của nguồn nhân lực trong lĩnh vực chip để nắm bắt công nghệ và vươn lên trong chuỗi cung ứng. Hiện tại, Việt Nam mới chỉ tham gia ở mảng lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói (ATP), vốn có tỉ lệ lợi nhuận thấp nhất trong lĩnh vực chip so với mảng thiết kế và sản xuất chip.
Cần nhớ, mục tiêu chính của việc tham gia thị trường đầy cạnh tranh này sẽ là việc thúc đẩy ngành công nghiệp thiết kế và tiến tới sản xuất linh kiện bán dẫn cao cấp.
“Nếu thành công trong công nghiệp chip, Việt Nam sẽ đặt chân vào được chuỗi cung ứng của các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao như thiết bị truyền thông, máy tính, thiết bị y tế hay thiết bị quân sự. Bên cạnh đó, tính lan truyền và thúc đẩy các nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực chip có thể đem đến lợi thế cạnh tranh cho nền kinh tế vốn phụ thuộc quá nhiều vào thâm dụng lao động”, - ông Filippo Bortoletti cho biết.