Vì sao Vingroup mạnh về bất động sản nhưng VinFast lại dám thách thức Tesla?
Đăng ký
Vì sao Vingroup không có nền tảng trong sản xuất, kinh nghiệm chủ yếu chỉ ở lĩnh vực dịch vụ và bất động sản, mà vẫn dám chuyển sang sản xuất ô tô?
Theo CEO VinFast Lê Thị Thu Thuỷ: “Gốc rễ của Vingroup vẫn là sản xuất”. Hãng xe Việt đang đi đường vòng để bắt kịp đối thủ, thậm chí là thách thức cả Tesla trên chính đất Mỹ.
Lãnh đạo VinFast cũng lý giải về lý do VinFast ngưng sản xuất ô tô chạy xăng, chỉ tập trung vào xe điện, lỗi phần mềm xe VinFast cũng như quyết định chinh phục thị trường Mỹ, EU đầy khó khăn.
Tham vọng của VinFast
Sau 5 năm thành lập (từ 2017), VinFast chuyển hướng hoàn toàn sang sản xuất xe điện. Năm 2022, hãng bắt đầu xuất khẩu sang thị trường Mỹ, lên kế hoạch xây dựng nhà máy ở Bắc Carolina và theo đuổi IPO.
Nói về lý do VinFast chuyển sang sản xuất ô tô điện, CEO Lê Thị Thu Thuỷ cho biết:
“Để sản xuất xe điện, cách học nhanh nhất là đi đường vòng bằng cách học từ những người giỏi nhất trong ngành ô tô, như BMW hay General Motors”.
VinFast đã trở nên nổi tiếng hơn với những tham vọng to lớn này, nhưng đồng thời cũng phải nhận về nhiều câu hỏi: VinFast đến từ đâu? Tại sao một công ty non trẻ đã dám thách thức Tesla ngay trên chính quê nhà của họ?
Không chỉ có sự hậu thuẫn từ công ty mẹ là tập đoàn Vingroup, VinFast còn phù hợp với truyền thống thử nghiệm các dự án kinh doanh mới của tập đoàn, từ điện thoại thông minh tới thương mại điện tử.
“Tuy nhiên, làm xe điện hoàn toàn là một thách thức không hề nhỏ”, - bà Thuỷ thừa nhận.
CEO VinFast Lê Thị Thu Thuỷ: “Gốc rễ của Vingroup vẫn là sản xuất”
Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Rest of World, CEO Lê Thị Thu Thủy đã giải thích lý do VinFast xuất khẩu xe điện sang Mỹ, những phản hồi từ khách hàng mà công ty nhận được và “con đường vòng” mà VinFast đang đi để bắt kịp đối thủ.
Trả lời cho câu hỏi, vì sao Vingroup không có nền tảng trong sản xuất, kinh nghiệm chủ yếu chỉ ở lĩnh vực dịch vụ và bất động sản, mà vẫn dám chuyển sang sản xuất ô tô, bà Thuỷ khẳng định: “gốc rễ của Vingroup vẫn là sản xuất”.
“Khi chúng tôi sản xuất mỳ ăn liền ở Ukraina, đó là sản xuất hàng loạt. Tất nhiên, sản phẩm đó khác so với bây giờ. Nhưng có những điểm chung về việc thiết lập một nhà máy, dây chuyền sản xuất và hiệu quả”, - bà nói.
Lãnh đạo VinFast nhấn mạnh, chế tạo ô tô phức tạp hơn rất nhiều. Ngay từ đầu, VinFast đã tuyển dụng những nhân tài hàng đầu với ít nhất 20–30 năm kinh nghiệm trong ngành ô tô, những người đã chứng kiến và trải qua nhiều mẫu ô tô, xe đốt trong và cả xe điện.
“Hiện tại, VinFast có khoảng 36 nhân viên quốc tịch khác nhau và hàng trăm người nước ngoài đang làm việc ở các vị trí khác nhau, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất”, - bà Thuỷ cho biết.
Chinh phục thị trường Mỹ
Theo bà, mục tiêu ngay từ đầu của VinFast đã là sản xuất ô tô điện và vươn ra toàn cầu. Tuy nhiên, để sản xuất xe điện, cần đi đường vòng bằng cách học từ những người giỏi nhất trong ngành ô tô, như BMW hay General Motors.
“Chúng tôi đã học cách thiết lập và phát triển ô tô, cách thiết lập một nhà máy và những tiêu chuẩn chất lượng cần thiết. Sau khi chúng tôi sản xuất được ô tô chạy bằng xăng và bắt đầu bán ra thị trường Việt Nam, trong vòng chưa đầy hai năm, ba mẫu xe của VinFast đã trở thành ô tô bán chạy nhất ở các phân khúc thị trường tương ứng”, - Bizlive dẫn lời bà Thuỷ nói.
Dù vậy, VinFast vẫn trung thành với mục tiêu ban đầu của mình. Theo bà, không thể nói “Tôi sản xuất xe điện nhưng tôi vẫn bán xe chạy xăng”, nghĩa là một đằng nói vì môi trường nhưng vẫn quan tâm đến lợi nhuận nên lại đi bán xe chạy xăng.
Lý giải vì sao công ty lại nhắm đến thị trường Mỹ và châu Âu, mặc dù chỉ là một công ty khởi nghiệp non trẻ, bà Thuỷ cho rằng, VinFast từ ban đầu đã xác định trở thành công ty toàn cầu.
Thị trường Mỹ và châu Âu rất khắt khe và có nhiều khách hàng rất khó tính. Trên cơ sở này, VinFast sẽ nỗ lực phát triển những sản phẩm thực sự tốt. Nếu chinh phục được khách hàng Mỹ, châu Âu thì các thị trường khác không còn là vấn đề lớn.
Hiện tại, VinFast chưa có sự hiện diện thương hiệu ở Mỹ. Vì thế, hãng tập trung vào mục tiêu khách hàng bằng cách trực tiếp tiếp cận họ. Công ty phải cho người tiêu dùng có điều kiện chạy thử xe và thuyết phục từng người một.
“Dần dần, chúng tôi sẽ thu thập phản hồi từ người tiêu dùng để tạo ra một sản phẩm tốt hơn. Theo thời gian, danh tiếng và thương hiệu sẽ lan rộng. Đây là con đường mà VinFast đã chọn. Có lẽ nó sẽ khó khăn hơn một chút. Nhưng theo cách này, chúng tôi tiếp xúc trực tiếp với người tiêu dùng, vì vậy chúng tôi có thể nhận được phản hồi của họ”, - CEO VinFast chia sẻ.
Theo bà, lô hàng 999 chiếc xe VF 8 City Edition được xuất khẩu sang Mỹ vào tháng 12 đã được xác định là xe để tiếp thị. Chiếc xe này bị hạn chế phạm vi lái so với những chiếc xe phiên bản tiêu chuẩn, sẽ được giao cho khách hàng sau này. Nguyên nhân là vì loại pin của chúng khác.
Tuy nhiên, VinFast vẫn muốn cho người tiêu dùng trực tiếp sử dụng thử, để có thể nhận được phản hồi từ họ. Về phía khách hàng, họ có thể chạy thử và sau đó đổi lấy xe khác.
VinFast lên tiếng về ‘lỗi’ xe
Tại Việt Nam, những người lái xe VF 8 cho biết họ thích động cơ của xe. Dù vậy, cũng như các nhà sản xuất xe điện khác, có một số vấn đề về pin và phần mềm. Có những bất cập không xuất hiện trong quá trình kiểm thử phần mềm.
“Thường thì nó phải được đưa đến tay người tiêu dùng, trong những trường hợp cụ thể, sau đó một số lỗi sẽ đột ngột xuất hiện. Điều quan trọng là xe rất an toàn, cảm giác lái chính xác. Chiếc xe đã trải qua tất cả các bài kiểm tra an toàn — đó là cách nó có thể được nhập khẩu vào thị trường Mỹ”, - bà Thuỷ cho biết.
Mọi phần mềm đều cần được kiểm tra sau khi triển khai, và nếu có lỗi, chúng cần được sửa và cập nhật. Điều này vẫn đang xảy ra hàng ngày. Với VinFast, cứ vài tuần lại có một phiên bản phần mềm mới cho khách hàng.
Theo thời gian, các lỗi phần mềm sẽ dần được khắc phục, và khách hàng sẽ không còn gặp phải các lỗi này nữa. Có thể mất vài tháng, nhưng không quá lâu.
“Với chính sách bảo hành 10 năm và dịch vụ của chúng tôi, không chỉ tại trung tâm bảo hành mà cả các dịch vụ trực tuyến, như cập nhật phần mềm, tôi nghĩ khách hàng có thể hoàn toàn yên tâm”, - CEO VinFast khẳng định.
Với những trường hợp được ghi nhận là lỗi phần mềm tại Việt Nam, VinFast cũng đã chủ động đưa ra hướng khắc phục cho khách hàng. Hầu hết khách hàng đều hài lòng với các sản phẩm sau khi các vấn đề được giải quyết.
“Trên thực tế, gần đây chúng tôi đã tập trung nhiều hơn vào phần mềm cho thị trường Mỹ. Nhiều lỗi đã được giải quyết trong phiên bản bán ra tại Mỹ. Và những điều chỉnh này sẽ sớm được cập nhật tại Việt Nam”, - bà Thuỷ nói thêm.
Theo bà, môi trường VinFast thay đổi liên tục và đây cũng là một nét văn hóa của Vingroup. Phải thay đổi ngay những gì không phù hợp, “thay vì cứ ngồi đó chờ nó chết”. Điều quan trọng là khả năng thay đổi và thích ứng để tăng trưởng tốt hơn.
Đối với mục tiêu bán 750.000 xe điện mỗi năm vào năm 2026, bà Thuỷ cho biết, hãng sẽ cố gắng hết sức để vượt qua con số đó.
“Rất nhiều người đang chuyển từ ô tô chạy bằng xăng sang xe điện. Thị trường là rất lớn. Tất nhiên, mục tiêu này rất khó. Mọi người đều biết điều này. Nhưng nếu vượt qua được thì thành quả sẽ rất ngọt ngào. Tôi hy vọng chúng tôi sẽ đạt được nhiều hơn thế”, - vị nữ CEO tin tưởng.