Thổ Nhĩ Kỳ có thể từ chối F-16 của Mỹ để xem xét mua chiến đấu cơ của Nga
© Ảnh : Public domain/U.S. Air Force/Staff Sgt. John RavenF-16 Fighting Falcon
Đăng ký
MOSKVA (Sputnik) - Thổ Nhĩ Kỳ có thể từ bỏ việc mua F-16 của Mỹ và xem xét các phương án khác thay thế, trong đó có máy bay chiến đấu của Nga, ông Chagri Erhan, ủy viên Hội đồng An ninh và Chính sách đối ngoại trực thuộc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn với kênh NTV của Thổ Nhĩ Kỳ rằng Mỹ không thể bán máy bay chiến đấu F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ nếu không có sự chấp thuận của quốc hội nước này. Ông lưu ý, để giải quyết vấn đề này cần giải tỏa mối lo ngại của các nhà lập pháp.
"Tôi cho rằng sau trận động đất, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ từ chối yêu cầu mua F-16, vì chi phí nếu mua là 20 tỷ USD", - ông Erhan giải thích.
Theo người đối thoại của hãng tin, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã phạm sai lầm trong việc đề nghị Washington bán cho họ máy bay chiến đấu khi mà quốc hội Mỹ vẫn từ chối cung cấp với "một số lý do", đồng thời theo quan điểm của họ, những máy bay đó "đã lỗi thời và không có tính cạnh tranh so với các máy bay khác".
"Thổ Nhĩ Kỳ nên ngay lập tức thay đổi suy nghĩ về F-16. Ví dụ đã có phương án F-35 được đưa ra thảo luận. Thổ Nhĩ Kỳ cũng từng kỳ vọng về chương trình này. Bây giờ còn có những lựa chọn khác, ví dụ như máy bay Trung Quốc, loại đã bán cho Pakistan, máy bay Nga và cả tiêm kích Eurofighter", - ông Erhan nói.
Mỹ trước đó chính thức thông báo với Thổ Nhĩ Kỳ rằng nước này bị loại khỏi chương trình cung cấp máy bay chiến đấu F-35 tối tân do việc Ankara mua hệ thống phòng không S-400 của Nga. Washington đã hủy bỏ bản ghi nhớ ký với Thổ Nhĩ Kỳ về F-35, trong khi đã ký kết với bảy đối tác còn lại trong dự án: Anh, Ý, Hà Lan, Úc, Đan Mạch, Canada và Na Uy. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sau đó thông báo về đề xuất của Mỹ liên quan đến loại máy bay chiến đấu khác, nhưng không phải thế hệ thứ năm mà là thế hệ thứ tư là F-16. Vấn đề này còn cần sự chấp thuận của quốc hội - Bộ Ngoại giao Mỹ đang vận động hành lang cho vấn đề này, thuyết phục các nghị sĩ rằng thỏa thuận đó "phù hợp với lợi ích của Washington".