Công trình dịch “Đại Việt sử ký toàn thư”: kỳ công của nhà khoa học Nga
20:19 20.03.2023 (Đã cập nhật: 20:50 20.03.2023)
© ẢnhCông trình dịch “Đại Việt sử ký toàn thư”: kỳ công của nhà khoa học Nga
© Ảnh
Đăng ký
Nếu không có lịch sử thì sẽ không có hiện tại. Ý tưởng này đã nhiều lần được nêu ra tại buổi lễ ra mắt trọn bộ 8 tập “Đại Việt sử ký toàn thư” dịch từ tiếng Hán ra tiếng Nga được tổ chức tại Viện Trung Quốc và các quốc gia châu Á đương đại thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga.
Đây là một dự án quy mô lớn kể về lịch sử Việt Nam từ thời các vua Hùng đến cuối thế kỷ 17.
Nhóm biên dịch tác phẩm lịch sử này bao gồm các nhà Việt Nam học đã thực hiện công việc dịch trong gần 30 năm. Tập đầu tiên của trọn bộ 8 tập đã được xuất bản vào năm 2002 và tập cuối cùng vào tháng 12 năm 2022. Các học giả dịch, bình luận và xuất bản trọn bộ 8 tập “Đại Việt sử ký toàn thư” trên hơn sáu nghìn trang, trong đó chỉ một nghìn rưỡi là bản dịch trực tiếp của chính biên niên sử, phần còn lại là chú thích, phụ lục, mục lục họ tên, chức vụ và nhan đề, lời nói đầu.
Nếu không có nghiên cứu cơ bản thì không thể nghiên cứu về thế giới đương đại
Phát biểu tại buổi lễ, Tiến sĩ Kirill Babaev, Giám đốc Viện Trung Quốc và châu Á đương đại, Viện Hàn lâm khoa học Nga, nói:
“Đây là một công trình đồ sộ, một trong những công trình quan trọng nhất trong những năm gần đây của ngành Đông phương học của Nga. Dự án này cũng rất quan trọng đối với quan hệ Nga-Việt, bởi nó là bằng chứng về sự quan tâm sâu sắc của các nhà khoa học Nga đối với Việt Nam, và thể hiện trình độ cao nhất của trường phái Việt Nam học của Nga”.
Và ông Alexander Lukin, Giám đốc Khoa học của Viện Trung Quốc và châu Á đương đại, lưu ý:
“Ngành Đông phương học - môn học cung cấp các kiến thức thực tiễn -mà Viện của chúng tôi đang tham gia không thể tồn tại nếu không có các nghiên cứu cơ bản, bởi vì ở phương Đông, truyền thống và hiện đại gắn bó chặt chẽ với nhau. Không thể thực hiện các nghiên cứu hiện đại đủ sâu và đầy đủ nếu không tham khảo lịch sử và văn hóa của các quốc gia mà chúng ta đang nghiên cứu”.
Quên mình vì mọi người
Bà Irina Popova, Giám đốc Viện Bản thảo Phương Đông St. Petersburg, gọi công trình khoa học của các học giả Nga dịch 8 tập bộ quốc sử Việt Nam là một thành tựu vĩ đại và đặt nó ngang hàng với bản dịch đầy đủ của Sử Ký Tư Mã Thiên mà nhà Hán học lỗi lạc của Liên Xô Rudolf Vyatkin đã thực hiện.
Bản dịch “Đại Việt sử ký toàn thư” sang tiếng Nga được xuất bản trong loạt sách nổi tiếng thế giới "Di tích văn học phương Đông" của nhà xuất bản "Nauka". Đến nay trong loạt sách này được xuật bản từ năm 1965 có 163 bản dịch các tác phẩm trong kho tàng văn học của các quốc gia khác nhau. Giờ đây, Ban Biên tập Văn học Phương Đông, cơ sở xuất bản loạt sách này, là một bộ phận của Viện Trung Quốc và các quốc gia châu Á đương đại. Người phụ trách biên tập Svetlana Anikeeva cho biết những chi tiết về việc xuất bản “Đại Việt sử ký toàn thư” bằng tiếng Nga:
“Bản dịch quốc sử Việt Nam có chất lượng được đánh giá là cao nhất, có tính đến tất cả những thành tựu của trường phái Nga dịch các tác phẩm trong kho tàng văn học cổ điển phương Đông. Điều đáng chú ý là một lượng lớn tài liệu bổ sung - biên niên sử Trung Quốc và Việt Nam về các thời kỳ đã được mô tả, dịch và đưa vào bộ sách này. Với công việc quên mình như vậy, các nhà Việt Nam học của Nga không chỉ hoàn thành nhiệm vụ văn hóa quan trọng là đưa tác phẩm này vào lưu thông khoa học, mà còn thực hiện một công trình nghiên cứu khổng lồ, bởi vì những người làm việc với nguồn tư liệu phải nghiên cứu sâu về nó”, - bà Anikeeva nói.
“Nhân vật chính” của buổi lễ là Tiến sĩ khoa học lịch sử Andrei Fedorin làm chủ nhiệm dự án. Ông đã tham gia vào việc chuẩn bị tất cả tám tập của bộ “Đại Việt sử ký toàn thư”. Nhưng, nếu trong hai tập đầu tiên, các dịch giả chính là hai chuyên gia Hán văn Kirill Leonov và Andrei Nikitin, và Andrei Fedorin đã viết những lời tựa mở rộng và đã hoàn thành xuất sắc việc thiết kế bản thảo, thì trong tập thứ ba, ông thực hiện một nửa bản dịch, và trong năm tập tiếp theo, một mình ông làm tất cả các công việc dịch chính văn và phụ lục, chú thích, biên soạn mục lục và viết lời tựa. Đây là công việc mà ông làm thêm ngoài giờ, vì ông đã làm việc trong ngành ngoại giao 12 năm, và sau đó trong thời gian 20 năm, ông đứng đầu Viện Nghiên cứu Thực tiễn Phương Đông, nơi ông đã đào tạo những nhà Việt Nam học và viết nhiều công trình khoa học về Việt Nam.
Tiến sĩ Vladimir Mazyrin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN, đánh giá cao công trình dịch của ông Fedorin:
“Kết hợp giữa vai trò lãnh đạo một cơ sở giáo dục lớn và việc biên dịch biên niên lịch sử hết sức quan trọng là một kỳ tích vĩ đại của nhà khoa học”.
Công việc biên dịch tác phẩm lịch sử
“Vào năm 1996, giáo viên của chúng tôi, nhà sử học kiệt xuất Dega Deopik đã đề xuất sáng kiến dịch trọn bộ “Đại Việt sử ký toàn thư” ra tiếng Nga, - ông Andrei Fedorin nói. - Tất cả chúng tôi, những học trò của ông, những người nghiên cứu về lịch sử cổ đại và trung đại của Việt Nam đều phải biết Hán Việt. Vào thời điểm đó, bản in xưa nhất của bộ Đại Việt sử ký toàn thư đã được phát hiện ở Việt Nam, và chúng tôi đã có được nó, cũng như một khoản tài trợ của Quỹ Khoa học Nhân văn Nga cho việc dịch và xuất bản tập đầu tiên từ. Tập đầu tiên được xuất bản vào năm 2002 và tập thứ hai - chỉ tám năm sau. Điều này được giải thích là do các dịch giả của tập thứ hai đặt nhiệm vụ tìm ra nguồn gốc của mọi chữ tượng hình của phần đó, nói về thời kỳ "phụ thuộc phương bắc" của Việt Nam. Các dịch giả có thể mất hơn một ngày để dịch một dòng. Họ đã thực hiện khối công việc rất lớn, nghiên cứu một số lượng lớn các biên niên sử Trung Quốc, mà cuốn lâu đời nhất có niên đại từ thế kỷ 11. Vào thời điểm đó, tôi đã nghiên cứu lịch sử ra đời "Đại Việt sử ký toàn thư", nghiên cứu các bản khắc gỗ khác nhau và phát hiện ra rằng, bản khắc gỗ hoàn chỉnh đầu tiên của biên niên sử được viết sớm hơn nhiều so với người ta vẫn tin. Tôi đã viết một chuyên khảo về chủ đề này, làm cơ sở cho luận án tiến sĩ của tôi, sau đó văn bản này, ở dạng rút gọn, trở thành lời tựa cho tập thứ hai”.
Sau khi rời khỏi lĩnh vực giáo dục vào năm 2019, ông Andrei Fedorin được mời đến Viện Trung Quốc và các quốc gia châu Á đương đại thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga, nơi ông đã dịch và xuất bản ba tập cuối trong ba năm. Nhưng ông không có ý định chia tay với biên niên sử Việt Nam. Nhà nghiên cứu Andrei Fedorin đang nghiên cứu lịch sử Việt Nam giai đoạn từ 1697 đến 1729, mà nhiều biên niên sử đã bị nhà Nguyễn phá hủy. Nhà khoa học phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là khôi phục lại các sự kiện từ các nguồn khác, dịch và bình luận về văn bản.
Công việc được thực hiện bởi Andrei Fedorin và các đồng nghiệp của ông có nhu cầu lớn. Tất cả những nhà Việt Nam học thuộc các thế hệ khác nhau phát biểu tại buổi lễ giới thiệu công trình khoa học này đều nhấn mạnh điều này.
“Công trình của ông Andrei Fedorin dịch "Đại Việt sử ký toàn thư" ra tiếng Nga có bổ sung khối lượng khổng lồ các bình luận và phụ lục cung cấp cho chúng tôi thông tin toàn diện về từng thời kỳ. Trong hoạt động nghiên cứu và giảng dạy của mình, tôi sử dụng tất cả các tập này. Bây giờ các bạn sinh viên có thể viết bài tiểu luận về lịch sử Việt Nam từ con rồng và cháu tiên đến thời Hậu Lê, được hỗ trợ bởi nhiều văn bản do ông Andrei Fedorin và các cộng sự của ông dịch”, - PGS-TS Maxim Syunnerberg tại Học viện Á - Phi, Đại học Tổng hợp Quốc gia Matxcơva, cho biết.
Tất cả những người có mặt nhiệt tình ủng hộ đề xuất của Giáo sư Vladimir Kolotov, Trưởng tổ bộ môn Lịch sử các nước Viễn Đông tại Đại học Tổng hợp Quốc gia St. Petersburg, đề cử công trình xuất sắc này của các nhà Việt Nam học của Nga - công trình đầu tiên và duy nhất dịch trọn bộ biên niên sử chính của Việt Nam sang tiếng nước ngoài - cho Giải thưởng Nhà nước của LB Nga.