Việt Nam cần khoảng 270.000 tỷ đồng để xây kho dự trữ xăng dầu khí đốt
© TTXVN - Nguyễn Văn ĐiệpPhó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia
© TTXVN - Nguyễn Văn Điệp
Đăng ký
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là quy hoạch chuyên ngành hết sức quan trọng và cần thiết, là xương sống của nền kinh tế Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, đơn vị tư vấn lập Quy hoạch ước tính tổng vốn đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu khí đốt đến năm 2030 khoảng 270.000 tỷ đồng.
Cần 270.000 tỷ đồng đầu tư hệ thống kho dự trữ xăng dầu, khí đốt
Sáng 30/3 đã diễn ra cuộc họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch).
Mở đầu cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, thời gian qua, tình hình cung ứng xăng dầu có nhiều biến động, khó khăn, bất ổn, có thể gây ảnh hưởng lập tức đến thị trường trong nước.
Do đó, quy hoạch lần này đòi hỏi độ chính xác lớn, tính khả thi cao, sát với nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra của thực tiễn và dự báo dài hạn, bảo đảm sự chủ động, ổn định về nguồn cung năng lượng cho nền kinh tế Việt Nam.
Ông Hà đề nghị Bộ Công Thương, đơn vị tư vấn lập Quy hoạch, các chuyên gia, thành viên Hội đồng xem lại việc quy hoạch hạ tầng cung ứng xăng dầu khí đốt của Việt Nam giai đoạn trước, tìm nguyên nhân các vấn đề chưa thực hiện được, nhất là việc bất ổn nguồn cung.
Tiếp đó, cần xem tính khả thi của Quy hoạch về mặt kỹ thuật, công nghệ, nhu cầu thị trường trong nước hiện nay và dự báo trong tương lai, tác động của Quy hoạch tới các quy hoạch về đất đai, môi trường, giao thông vận tải, cơ chế, chính sách để thực hiện Quy hoạch, trong đó Nhà nước đóng vai trò chủ đạo ở khâu nào, phương án huy động xã hội hoá, có tính toán đến các cơ sở lọc hoá dầu trong nước, để bảo đảm chủ động chuỗi cung ứng. Phó Thủ tướng cũng lưu ý đến trách nhiệm cụ thể của từng bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp khi thực hiện Quy hoạch.
Sẽ cần 270.000 tỷ đồng cho kho dự trữ quốc gia
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, hệ thống kho dự trữ xăng dầu được phân bố trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, hiện Việt Nam chưa có hệ thống kho riêng cho dự trữ quốc gia.
"Tổng mức dự trữ xăng dầu mới ở mức khiêm tốn khoảng 65 ngày nhập ròng", - ông Diên nói và lưu ý, một số cơ sở vật chất được thiết kế theo các tiêu chuẩn cũ đã không đáp ứng được các tiêu chuẩn hiện tại, cần cải tạo, sửa chữa nhiều để đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tế và bảo đảm an toàn cho quá trình vận hành.
Ngoài ra, sức chứa của hệ thống kho khí hóa lỏng (LPG) còn hạn chế. Hiện cả nước chỉ có 10 kho có dung tích từ 10.000 m3 trở lên và chưa có kho khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) được đưa vào hoạt động. Trong khi đó, việc xây dựng mới các tuyến ống dẫn khí từ kho khí LNG đến các hộ tiêu thụ cũng gặp nhiều khó khăn do khi quy hoạch các khu công nghiệp chưa dành hành lang cho tuyến ống dẫn khí đốt.
© TTXVN - Nguyễn Văn ĐiệpPhó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia
© TTXVN - Nguyễn Văn Điệp
Theo Tư lệnh ngành Công Thương, quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu đảm bảo sức chứa dự trữ dầu thô và sản phẩm xăng dầu cả nước đạt 75-80 ngày nhập ròng, tiến tới đạt 90 ngày nhập ròng, đáp ứng tiêu chí của Tổ chức Năng lượng quốc tế; đảm bảo sức chứa dự trữ khí đốt tối thiểu đáp ứng 15 ngày tiêu thụ.
Hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt được định hướng phát triển trên cơ sở tận dụng năng lực kết nối giao thông vận tải, ưu tiên tại các khu vực đã được quy hoạch cảng biển quy mô lớn, những khu vực thuận lợi về giao thông thủy, giao thông bộ; khai thác mọi nguồn lực trong nước và khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư hệ thống hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu khí đốt.
Đồng thời, kho dự trữ xăng dầu khí đốt cũng cần đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật hiện đại và phù hợp với yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.
Về tổng vốn đầu tư, Bộ trưởng Công Thương cho biết, đơn vị tư vấn lập Quy hoạch ước tính tổng vốn đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu khí đốt đến năm 2030 khoảng 270.000 tỷ đồng. Nguồn vốn được huy động chủ yếu từ nguồn vốn ngoài ngân sách, vốn của doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác. Còn nguồn vốn ngân sách Nhà nước ưu tiên cho việc nâng mức dự trữ quốc gia cho mặt hàng xăng dầu.
Ý kiến chuyên gia
Lãnh đạo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí quốc gia, Tập đoàn Điện lực Việt Nam bày tỏ, Quy hoạch được thông qua sẽ là cơ sở pháp lý để các doanh nghiệp mở rộng, hiện đại hoá hệ thống kho dự trữ xăng dầu hiện nay.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định cho rằng, cần lưu ý đến "tính động", "tính mở" trong Quy hoạch vì liên quan đến sự thay đổi về công nghệ dự trữ, các loại nhiên liệu sử dụng trong tương lai, cũng như xu hướng chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng tái tạo ngày càng mạnh mẽ.
Phát biểu tại cuộc họp, TS. Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết, Quy hoạch chịu tác động rất lớn biến động thị trường quốc tế, khả năng cung ứng và nhu cầu thị trường, cũng như chỉ đạo của chính phủ liên quan đến vấn đề cơ sở hạ tầng, chuyển đổi năng lượng, môi trường.
Do đó, quá trình thực hiện Quy hoạch cần tiếp tục có sự điều chỉnh phù hợp, tránh quy hoạch cứng khi cơ cấu năng lượng sẽ có sự thay đổi trong thời gian tới.
TS. Nguyễn Anh Đức, Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam, TS. Trịnh Thanh Thuỷ, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương cho rằng, quá trình thực hiện Quy hoạch cần phải tính toán đến các cam kết của Việt Nam về giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0, chuyển đổi năng lượng công bằng, ứng phó biến đổi khí hậu – tức tính bền vững của Quy hoạch.
"Xương sống và huyết mạch" của nền kinh tế
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng, sự cần thiết của Quy hoạch trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
"Quy hoạch là xương sống bảo đảm lưu thông năng lượng, "huyết mạch" cho nền kinh tế", - ông nói.
Đồng thời, Quy hoạch phải bám sát hoạt động cung ứng, điều phối, diễn biến của thị trường từ nhà máy sản xuất đến cơ sở bán hàng, không để xảy ra tình trạng thiếu-thừa cục bộ, tăng-giảm khối lượng dự trữ hợp lý; kết nối với các trung tâm năng lượng tái tạo khác trên thế giới. Cùng với đó, Quy hoạch cần xác định, phân định rõ cấp độ trong hệ thống cung ứng, dự trữ xăng dầu, khí đốt (tư nhân, doanh nghiệp, quốc gia) để có cơ chế vận hành tương ứng với các tình huống biến động trên thị trường xăng dầu.
"Không thể phụ thuộc hoàn toàn vào Nhà nước hay khoán trắng cho doanh nghiệp", - theo quan điểm của Phó Thủ tướng.
Đại diện Chính phủ lưu ý, hệ thống kho dự trữ tư nhân, doanh nghiệp phục vụ mục đích kinh doanh, thương mại hay dự trữ quốc gia phục vụ cho tình huống khẩn cấp phải được xác định rõ ràng về cơ chế quản lý, điều hành, điều phối bảo đảm đồng bộ, thống nhất; hài hoà lợi ích doanh nghiệp, Nhà nước, địa phương, người dân.
Bộ Công Thương được yêu cầu triển khai các bước lập Quy hoạch hết sức kịp thời, bài bản, khoa học. Đơn vị tư vấn lập Quy hoạch nghiên cứu, rà soát, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của các uỷ viên phản biện, thành viên Hội đồng, tiếp tục hoàn thiện dự thảo Quy hoạch.