Ai chống lưng để trợ lý ông Phạm Bình Minh, thư ký ông Đỗ Xuân Tuyên lộng hành?
© Sputnik / Kirill Kallinikov
/ Đăng ký
Trong vụ án “chuyến bay giải cứu”, trợ lý của nguyên Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh Nguyễn Quang Linh đã nhận hối lộ hơn 4,2 tỷ đồng, thư ký của Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhận hơn 42,6 tỷ đồng.
Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng nhận xét, từ vụ án này cũng là một dạng "ăn không từ cái gì của dân" khi họ đã trục lợi, nhận hối lộ cả trăm tỷ đồng trên sự đau khổ, nỗi sợ hãi, thậm chí sự tuyệt vọng của người dân.
Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ đặt vấn đề, tại sao thư ký, trợ lý lại có thể lộng hành đến vậy?
Vụ án “chuyến bay giải cứu” ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam
Như Sputnik đã thông tin, hôm 4/4, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra và đề nghị truy tố 54 bị can và truy nã 1 bị can trong vụ án đưa hối lộ, môi giới hối lộ, nhận hối lộ tại Bộ Ngoại giao, thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố.
Bộ Công an đánh giá, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 bùng phát; được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm; liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị chức năng trong cả trong và ngoài nước.
Vụ án gây xôn xao vì các bị can đã lợi dụng tình hình dịch COVID-19, vì mục đích lợi nhuận, vụ lợi cá nhân, bất chấp các quy định của pháp luật, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân; ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; làm giảm sút lòng tin của nhân dân.
Quá trình cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đang thụ lý điều tra vụ án “chuyến bay giải cứu”, các bị can là chủ các doanh nghiệp lại tiếp tục móc nối, tiếp xúc với người có thẩm quyền tiến hành tố tụng để đưa hối hộ nhằm "chạy án," để bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Hành vi này của các bị can đã gây ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan Nhà nước nói chung, cơ quan tiến hành tố tụng nói riêng, đồng thời gây thiệt hại về tài sản cho các cá nhân liên quan nên cần phải đưa ra truy tố, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Trước hàng trăm chuyến bay “giải cứu công dân” đều là những cuộc gặp “ngã giá, ăn tiền” triệu đô tưởng chỉ có trên phim truyền hình. Từ tháng 4/2020 đến tháng 1/2022, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao đã tập hợp, đề xuất lãnh đạo Chính phủ phê duyệt tổ chức thực hiện 772 chuyến bay đưa công dân từ nước ngoài về nước (400 chuyến bay giải cứu, 372 chuyến bay combo). Kết luận của cơ quan điều tra cho thấy, tổng cộng 21 cán bộ đã nhận hối lộ với số tiền 177,3 tỷ đồng.
Thư ký lại nhận hối lộ nhiều nhất
Đứng đầu danh sách, nhận hối lộ với số tiền cao nhất là bị can Phạm Trung Kiên (SN 1981, thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên) với số tiền bị cáo buộc là 42,6 tỷ đồng.
Với vai trò là thư ký, giúp việc cho ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế, bị can Phạm Trung Kiên đã lợi dụng nhiệm vụ được giao, yêu cầu doanh nghiệp phải chung chi tiền, tùy từng thời điểm mới chấp thuận chuyến bay theo đề nghị của Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ hoặc Bộ Y tế ký văn bản chấp thuận cho khách lẻ được về nước.
Theo kết luận điều tra, Kiên đã có hơn 180 lần nhận hối lộ, với tổng số tiền lên đến 42,6 tỷ đồng. Kiên đã nhận tiền từ 19 doanh nghiệp, cá nhân. Trong đó, bị can Nguyễn Thị Thanh Hằng (Phó Tổng giám đốc Công ty Bluesky) đã đưa cho Kiên 6 tỷ đồng để được cấp phép chuyến bay, bị can Hoàng Diệu Mơ đã đưa cho Kiên hơn 5 tỷ đồng để được cấp phép chuyến bay do Công ty An Bình tổ chức...
Cựu Phó trưởng phòng Tham mưu Cục Quản lý xuất nhập cảnh Vũ Anh Tuấn bị cáo buộc nhận hơn 27 tỷ đồng. Kết luận điều tra nêu, bị can Vũ Anh Tuấn đã thống nhất với ông Phạm Trung Kiên chủ động liên hệ với các doanh nghiệp, yêu cầu doanh nghiệp phải chung chi tiền, tùy từng thời điểm thì mới đồng ý đề xuất cho doanh nghiệp được thực hiện chuyến bay.
Bà Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) bị cáo buộc nhận hối lộ hơn 25 tỷ đồng. Theo điều tra, tất cả các kế hoạch dự kiến lựa chọn doanh nghiệp tham gia tổ chức chuyến bay combo do Phòng bảo hộ công dân dự thảo đều phải xin ý kiến chỉ đạo của bị can Nguyễn Thị Hương Lan, trước khi ký, trình lãnh đạo Bộ Ngoại giao phê duyệt.
Bà Lan bị cáo buộc đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp và chỉ tiếp xúc với các doanh nghiệp lớn, thân quen, hoặc doanh nghiệp có mối quan hệ với lãnh đạo các cấp. Có 8 đại diện doanh nghiệp đã hối lộ bà Lan hơn 25 tỷ để thúc đẩy việc được tham gia tổ chức các chuyến bay giải cứu combo.
Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao - Tô Anh Dũng bị cáo buộc nhận 21,5 tỷ đồng tiền hối lộ. Với vai trò là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, quá trình thực hiện công vụ, ông Dũng đã chỉ đạo cấp dưới đưa doanh nghiệp thân quen, liên hệ nhờ vào danh sách kế hoạch thực hiện chuyến bay combo.
Quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã thu giữ 146 lượng vàng (5.475 gram, tương đương gần 5,5kg); 670.000USD; 2 thẻ ngân hàng. Các bị can trong vụ án cũng nộp lại hàng chục tỷ đồng và hàng trăm nghìn USD hưởng lợi bất chính. Trong đó, gia đình cựu Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn nộp lại 460.000 USD; cựu Thứ trưởng Ngoại giao - Tô Anh Dũng đã nộp 2 tỷ đồng tiền hưởng lợi bất chính. Gia đình cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội - Chử Xuân Dũng cũng nộp lại 50.000 USD và 600 triệu đồng tiền hưởng lợi bất chính...
Liên quan đến bị can Nguyễn Quang Linh (SN 1974, cựu trợ lý Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ), kết luận điều tra xác định từ tháng 01-2021 đến tháng 10-2021, Linh có nhiệm vụ tham mưu, đề xuất, trình Phó Thủ tướng Thường trực phê duyệt "chuyến bay giải cứu" cho các cơ quan, tổ chức. Biết vai trò của Linh, một số cá nhân đại diện doanh nghiệp đã tìm cách tiếp cận, móc nối, đặt vấn đề để được xem xét, giải quyết các thủ tục liên quan đến cấp phép chuyến bay theo thẩm quyền. Quá trình giúp doanh nghiệp tổ chức các "chuyến bay giải cứu", Linh đã nhận hối lộ 4 lần, với tổng số tiền là 180 nghìn USD (tương đương 10.000 USD/chuyến bay). Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an xác định Nguyễn Quang Linh đã nhận hối lộ gần 4,3 tỷ đồng của 2 đại điện doanh nghiệp.
Theo kết luận điều tra, trong vụ án này, vấn đề chi phí doanh nghiệp của mỗi người dân đã không được kiểm soát chặt chẽ, dẫn đến các doanh nghiệp tự ý đặt ra giá cao để thu lợi nhuận và có nhiều lần đưa hối lộ cho các cá nhân có thẩm quyền xét duyệt, cấp phép các chuyến bay.
“Vì vậy, đề nghị Chính phủ và các bộ ngành liên quan quan tâm, chỉ đạo khắc phục trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ có tính chất tương tự sau này”, kết luận điều tra nhấn mạnh.
Tại sao thư ký, trợ lý lại lộng hành đến vậy?
Nhận xét, đánh giá về vụ án, Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, nguyên ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, đặt vấn đề, vì sao thư ký, trợ lý (những người giúp việc, hỗ trợ công việc “cánh tay phải” của lãnh đạo cấp cao - PV) lại có thể lộng hành đến thế.
Ông Bộ cho biết, theo dõi vụ án "chuyến bay giải cứu" có thể thấy vì lòng tham, cơ chế kiếm tiền dễ dàng nên các nhóm lợi ích đã câu kết với nhau, bỏ đi cả danh dự, liêm sỉ để trục lợi trên nỗi đau, khó khăn của người dân, đất nước.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ nêu quan điểm với Tuổi Trẻ, những hành vi phạm tội trong vụ án này đều có tình tiết tăng nặng cần phải áp dụng là lợi dụng tình trạng dịch bệnh để trục lợi. Do đó thời gian tới khi đưa ra truy tố, xét xử cần áp dụng nghiêm túc các quy định của pháp luật để quyết định hình phạt thật nặng.
“Thậm chí cần xử lý theo quan điểm "mất một người nhưng cảnh tỉnh cả xã hội", còn nếu không thì nhiều người vẫn chưa biết sợ, vẫn tham nhũng, trục lợi”, ông Bộ nêu quan điểm.
Đối với hành vi tham nhũng, nhận hối lộ và các hành vi vi phạm trong vụ án này, khi đưa ra truy tố, xét xử càng không nên đánh giá họ là người có nhân thân tốt để xem là tình tiết giảm nhẹ.
“Ở vụ án này có người là thư ký của thứ trưởng hơn 180 lần nhận hối lộ 42,6 tỷ đồng hay có người là trợ lý của phó thủ tướng cũng nhận hối lộ hơn 4 tỉ đồng. Vấn đề đặt ra ở đây tại sao thư ký, trợ lý lại có thể "lộng hành" đến như vậy để nhận hối lộ lớn như thế? Ai là người kiểm soát, giám sát họ?”, Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ thẳng thắn.
“Ăn không từ cái gì của dân”: Phải xử thật nghiêm
Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Ban Dân nguyện của Quốc hội, vấn đề cốt tử vẫn là cán bộ.
Ông nói: “Từ vụ án này cũng là một dạng "ăn không từ cái gì của dân" khi họ đã trục lợi, nhận hối lộ cả trăm tỉ đồng trên sự đau khổ, nỗi sợ hãi, thậm chí sự tuyệt vọng của người dân rơi vào hoàn cảnh đại dịch. Những hành vi đó rất độc ác. Do đó thời gian tới cần phải xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm”.
ĐBQH Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục lưu ý, vụ "chuyến bay giải cứu" cho thấy vi phạm không phải chỉ ở một nơi, đơn vị mà từ các bộ, cơ quan trung ương đến địa phương và có sự móc nối cả trong khu vực công lẫn tư.
Điều này cũng đặt ra vấn đề tại sao một việc tiêu cực lại có thể thống nhất, phối hợp với nhau nhanh như vậy ở các cơ quan khác nhau? Đây là do vấn đề lợi ích quá lớn, quá dễ. Đây cũng chính là kẽ hở trong công tác quản lý và những người có trách nhiệm cần suy nghĩ về điều này để có hướng xử lý, bịt kẽ hở này.
Theo vị ĐBQH, sự lợi dụng, trục lợi trong bối cảnh như vậy là không thể chấp nhận được và cùng với pháp luật xử lý nghiêm thì về mặt đạo đức con người cũng phải kịch liệt lên án, phê phán. Họ đã làm méo mó, mất đi chủ trương đúng đắn, nhân văn của Đảng, Nhà nước, gây ảnh hưởng tiêu cực, mất niềm tin trong xã hội.
“Điều này rất đáng tiếc và là bài học đắt giá trong công tác quản lý nhà nước cũng như việc lựa chọn, sử dụng, quản lý cán bộ thời gian qua. Cần nhìn nhận một cách thẳng thắn, cụ thể để có giải pháp khắc phục trong thời gian tới”, ông Hạ bày tỏ.
Ông Nhưỡng nhấn mạnh, đối với phòng, chống tội phạm, tham nhũng thì không phải để xảy ra những vụ như thế này rồi mới bắt, xử lý mà điều quan trọng cần đi tìm nguyên nhân. Từ đó đề ra các giải pháp, biện pháp để người ta không thể, không dám làm sai.
“Trong vụ án này cũng như nhiều vụ án khác cho thấy vấn đề cốt tử vẫn là cán bộ. Công tác cán bộ, quản lý, bố trí, sắp xếp, giám sát cán bộ vẫn là mấu chốt. Nếu không làm tốt được vấn đề này thì mọi việc chỉ là vá víu”, ông Nhưỡng nhấn mạnh.
Để hạn chế vụ án "chuyến bay giải cứu" hay thành lập các "tập đoàn lợi ích nhóm" thì phải thanh lọc đội ngũ cán bộ, sắp xếp lại các cán bộ quản lý làm công việc ở khu vực dễ tham nhũng.
Phải rà soát, thanh tra, kiểm tra chính các cơ quan có trách nhiệm phòng, chống tham nhũng bởi có câu chuyện móc nối, bao che.