Ở top thấp nhất, Việt Nam như "võ sĩ hạng nặng thi đấu hạng nhẹ"
© Depositphotos.com / Petrovich99 Thị trường chứng khoán
© Depositphotos.com / Petrovich99
Đăng ký
Xếp hạng thị trường Chứng khoán Việt Nam đang ở top thấp nhất là thị trường Cận biên (Frontier Market). Tuy nhiên, theo chuyên gia, Chứng khoán Việt Nam như một võ sĩ hạng nặng thi đấu ở hạng nhẹ.
Theo BSC, Việt Nam về cơ bản đã đáp ứng được phần lớn các tiêu chí của FTSE (7/9 tiêu chí) đối với xếp hạng thị trường mới nổi sơ cấp (Secondary Emerging), tuy nhiên đối với tiêu chí nâng hạng của MSCI mới đáp ứng 8/17 tiêu chí. Vì sao chưa thể nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam?
"Đang ở top thấp nhất"
Nâng hạng thị trường chứng khoán được hiểu là việc tăng vị trí xếp hạng thị trường chứng khoán của một quốc gia.
Thị trường chứng khoán (TTCK) được xếp hạng càng cao thì khả năng thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài sẽ càng lớn.
Thị trường được nâng hạng cần phải đáp ứng những tiêu chí xếp hạng cũng như thông qua các bước xét duyệt và đánh giá kỹ càng của tổ chức xếp hạng.
Hiện nay, trên thế giới có 3 tổ chức lớn về xếp hạng thị trường bao gồm MSCI (Morgan Stanley Capital International), S&P Dow Jones (Standard & Poor’s), FTSE Russell (Financial Times Stock Exchange).
Các tổ chức này đánh giá xếp hạng thị trường định kỳ hàng năm và phân loại các TTCK theo 3 cấp độ gồm:
- Thị trường phát triển (Developed Market): Đây là thị trường hấp dẫn nhất cho các nhà đầu tư, bởi nó có đủ các điều kiện để phát triển thị trường và nền kinh tế, khả năng tiếp cận với dòng vốn đầu tư nước ngoài cao, quy mô và tính thanh khoản tốt.
- Thị trường mới nổi (Emerging Market): xếp hạng cao hơn so với thị trường cận biên. Ở đoạn thị trường này, nhà đầu tư có cơ hội tiếp cận lớn hơn với nguồn vốn nước ngoài, tính thanh khoản có sự cải tiến, mở rộng quy mô vốn hoá.
- Thị trường cận biên (Frontier Market): Đây là thị trường chứng khoán có chỉ số MSCI thấp nhất, đặc điểm của đoạn thị trường này là đang trong giai đoạn phát triển và mới tiếp cận với nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Xếp hạng Thị trường Chứng khoán Việt Nam đang ở top thấp nhất là Thị trường Cận biên (Frontier Market).
Theo VCSC, với những mục tiêu phát triển dài hạn trong tương lai của mình, Việt Nam có nhiều lý do để mong muốn hoàn thiện nâng hạng thị trường chứng khoán, trong đó có tính đến việc tăng cường thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam, tạo động lực để thị trường Việt Nam thay đổi và phát triển.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam đã được đưa ra trong cuộc họp triển khai nhiệm vụ của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ngày 30/5/2022,đó là nhanh chóng nâng hạng Việt Nam lên Thị trường Mới nổi.
Việt Nam cũng đang nỗ lực hành động để được nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Cuối tháng 9/2022, như Sputnik đã đưa tin, thị trường chứng khoán Việt nam đang được xếp hạng trong danh sách theo dõi lên thị trường mới nổi thứ cấp theo tổ chức FTSE. VCSC cho rằng, dù chưa chính thức, song thời gian chính thức trở thành thị trường mới nổi không còn xa.
Vì sao thị trường chứng khoán Việt Nam "trượt" nâng hạng?
Tại báo cáo thị trường tuần 17/4-21/4, Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) thảo luận vấn đề "Việt Nam và câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán".
Thực tế, như Sputnik đã thông tin, trong dự thảo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, Bộ Tài chính đã đề ra mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi trước năm 2025.
Trong khi đó, Ngân hàng thế giới (World Bank) và tổ chức FTSE Russell đã làm việc, hỗ trợ Việt Nam trong quá trình nâng hạng và gần nhất vào tháng 5/2022, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã ký văn bản hợp tác với Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE) về việc hỗ trợ nâng hạng.
Căn cứ vào các báo cáo đánh giá gần nhất của MSCI và FTSE, Việt Nam còn thiếu nhiều tiêu chí và cần phải cải thiện để sớm được nâng hạng thị trường.
Trong đó có việc thành lập trung tâm thanh toán bù trừ trung tâm (CCP) – điểm mấu chốt khi cả FTSE và MSCI đều coi đây là nút thắt trong việc nâng hạng thị trường.
Việt Nam cũng cần nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, hoàn thiện cơ chế chính sách. Quốc gia Đông Nam Á này cũng cần giải quyết vấn đề liên quan đến tỷ lệ sở hữu nước ngoài, đồng thời, tăng cường các hoạt động bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư và tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra giám sát.
"Nhìn chung Việt Nam về cơ bản đã đáp ứng được phần lớn các tiêu chí của FTSE (7/9 tiêu chí) đối với xếp hạng thị trường mới nổi sơ cấp (Secondary Emerging)", - nhóm phân tích của BSC lưu ý.
Tuy nhiên đối với tiêu chí nâng hạng của MSCI, Việt Nam mới đáp ứng 8/17 tiêu chí – tiêu chuẩn xếp hạng của MSCI khắt khe và không linh hoạt bằng việc phân loại của FTSE Russell.
Ngoài ra, một số các tiêu chí như mức độ tự do trên thị trường ngoại hối, cho vay chứng khoán và bán khống là những vấn đề cần thời gian để cải thiện, nhưng đây chưa phải là các yếu tố bắt buộc cần có để được nâng hạng.
Bên cạnh đó, việc chuẩn bị đưa hệ thống giao dịch mới (KRX) vận hành trong 2023 sẽ là một điểm đáng lưu ý đối với 2 tổ chức xếp hạng cho các kỳ đánh giá còn lại trong năm.
Việt Nam hưởng lợi lớn nếu được nâng hạng thị trường
Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cho rằng, trong trường hợp Việt Nam được các tổ chức FTSE, MSCI nâng hạng lên thị trường mới nổi, thị trường chứng khoán nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung sẽ có thể được hưởng lợi ở nhiều khía cạnh.
Điển hình như việc nâng tầm thị trường chứng khoán Việt Nam, doanh nghiệp có nhiều cơ hội tiếp cận với các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng, tăng cường tính hấp dẫn của thị trường...
"Đặc biệt, dòng vốn đầu tư nước ngoài thông qua các quỹ mở, quỹ ETF – tham chiếu theo các bộ chỉ số của MSCI và FTSE được kỳ vọng sẽ “đổ” vào thị trường chứng khoán Việt Nam với quy mô lớn", - BSC cho biết.
Dữ liệu nghiên cứu từ Bloomberg cho thấy, tính đến hết 31/03/2023, đã có 470 quỹ với tổng quy mô 890 tỷ USD bao gồm 155 Quỹ ETF (quy mô 338 tỷ USD) và 315 quỹ mở (quy mô 552 tỷ USD) đang đầu tư vào thị trường chứng khoán mới nổi theo xếp hạng của MSCI và FTSE, trong đó tỷ trọng các quỹ tham chiếu theo MSCI (88%) nhiều hơn so với FTSE (12%).
Riêng theo ước tính của BSC, trong trường hợp MSCI và FTSE nâng hạng Việt Nam lên thị trường chứng khoán mới nổi, sẽ có khoảng 3,5-4 tỷ USD mua mới các cổ phiếu Việt Nam.
"Ước tính dựa trên giả định tỷ trọng các cổ phiếu Việt Nam được mua mới ở mức bình quân khoảng 0,7% - tương đương với tỷ trọng của các cổ phiếu thị trường Philippines (được FTSE xếp hạng thị trường chứng khoán mới nổi sơ cấp) trong các danh mục đầu tư các quỹ hiện tại", - BSC cho hay.
Tuy vậy, do Việt Nam hiện vẫn chưa có trong danh sách nâng hạng của MSCI và đã trong danh sách theo dõi của FTSE nên ở kịch bản gần nhất, khi được FTSE chính thức nâng hạng lên thị trường chứng khoán mới nổi sơ cấp, thị trường dự kiến sẽ đón nhận khoảng 1,5 tỷ USD từ các quỹ đầu tư mở/ETF tham chiếu theo bộ chỉ tiêu của FTSE – tương đương với quy mô thị trường Philippines hiện tại.
Bộ Tài chính giữ quan điểm khá thận trọng khi cho rằng, mặc dù nhiều ý kiến chuyên gia đều bày tỏ sự tin tưởng vào việc thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được nâng hạng, nhưng phải nhấn mạnh rằng, việc nâng hạng thị trường không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan quản lý bất kỳ thị trường chứng khoán nào trên thế giới.
"Bởi vì việc đánh giá, phân loại và xếp hạng thị trường của các tổ chức xếp hạng như MSCI, hay FTSE đều phải tuân theo các nguyên tắc, quy trình và tiêu chí đánh giá của các tổ chức này", - Bộ Tài chính cho biết trước đó.
Có chuyên gia từng đánh giá, thị trường chứng khoán Việt Nam như một võ sĩ hạng nặng thi đấu ở hạng nhẹ, quy mô của hạng nhẹ hiện đang ở khoảng 95 tỷ USD.
Tuy nhiên, khi đã được nâng hạng lên thị trường mới nổi, Việt Nam sẽ có thể đón nhận tới hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ USD đổ vào thị trường vốn.