Thứ tưởng bỏ đi lại đem về tỷ đô cho Việt Nam
23:06 18.04.2023 (Đã cập nhật: 23:10 18.04.2023)
© Ảnh : TTXVN - Nguyễn Vũ Thành ĐạtCán cân thương mại hàng hóa quý I năm 2023 ước tính xuất siêu trên 4,07 tỷ USD.
© Ảnh : TTXVN - Nguyễn Vũ Thành Đạt
Đăng ký
Thống kê cho thấy, trong quý 1/2023, xuất khẩu gỗ của Việt Nam tăng trưởng âm 28% nhưng các sản phẩm phụ như dăm gỗ và viên nén gỗ lại tăng trên 30%.
Năm 2022, dăm gỗ xuất khẩu đạt giá trị đến gần 2,8 tỷ USD, tăng gần 61% so với năm 2021. Riêng viên nén gỗ đạt 818 triệu USD, tăng gần 81% so với năm 2021.
Xuất khẩu dăm gỗ và viên nén gỗ Việt Nam tăng mạnh
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, trong quý 1/2023 đến nay doanh thu đạt 3,1 tỷ USD, giảm 28%.
Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,88 tỷ USD, giảm 28,3%; lâm sản ngoài gỗ đạt 224 triệu USD, giảm 28,2%. Dự kiến năm 2023, giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam chỉ đạt tương đương năm 2022.
© Ảnh : TTXVN - Vũ Hữu SinhNhà máy chế biến gỗ của Công ty CP Woodsland Tuyên Quang có công suất thiết kế 150.000 m3/năm.
Nhà máy chế biến gỗ của Công ty CP Woodsland Tuyên Quang có công suất thiết kế 150.000 m3/năm.
© Ảnh : TTXVN - Vũ Hữu Sinh
Đáng chú ý, cũng như năm 2022, trong khi xuất khẩu các sản phẩm chính gặp khó khăn thì các phụ phẩm vẫn tăng trưởng tốt, đặc biệt là dăm gỗ và viên nén gỗ.
Cụ thể, theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, mặt hàng dăm gỗ năm 2022 xuất khẩu đạt giá trị đến gần 2,8 tỷ USD, tăng gần 61% so với năm 2021.
Trong 3 tháng đầu năm 2023 đạt gần 600 triệu USD, tăng trên 30% so với cùng kỳ 2022. Các nước nhập khẩu nhiều nhất mặt hàng này của Việt Nam là Trung Quốc và Nhật Bản.
Trong đó, tăng trưởng đột phá nhất chính là viên nén gỗ, năm 2022 đạt 818 triệu USD, tăng gần 81% so với năm 2021.
Thị trường tiêu thụ chính của viên nén gỗ Việt Nam là Hàn Quốc và Nhật Bản cùng với một phần nhỏ xuất sang EU.
Thống kê cho thấy, trong 3 tháng đầu năm nay, mặt hàng này đạt kim ngạch 212 triệu USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, xuất khẩu dăm gỗ và viên nén gỗ thuận lợi vì xu hướng ở một số nước chuyển sang nguyên liệu này khi nguồn cung xăng dầu căng thẳng, đặc biệt trong năm 2022.
Hàng tồn kho nhiều
Tuy nhiên, tình hình chung của cả ngành vẫn tiếp tục khó khăn do kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát cao tại một số quốc gia phát triển nên chính phủ các nước đã ban hành nhiều chính sách thắt chặt tiền tệ, dẫn đến người tiêu dùng đã thắt chặt chi tiêu.
Báo cáo cho thấy, sức mua trên toàn cầu giảm mạnh khiến kinh tế thế giới đối mặt với những khó khăn, thách thức, dẫn đến số các đơn hàng của ngành gỗ giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022.
“Đây là thực tế rất khó khăn đối với ngành gỗ. Hiện tại, những doanh nghiệp có đơn hàng thì chủ yếu là những đơn hàng nhỏ và chỉ nhận được các đơn hàng tới tháng 6/2023”, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam lưu ý.
Thông thường đến thời điểm này các doanh nghiệp đã có đơn hàng đồ gỗ ngoài trời (outdoor) và đang chuẩn bị nguyên liệu đến tháng 5, tháng 6 hàng phải làm xong, đến tháng 11 và tháng 12 xuất đi châu Âu để vào mùa hè nhà nhập khẩu bán ra, nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn chưa có đơn hàng. Thực trạng này là do các nhà nhập khẩu tồn kho còn nhiều, chỉ mặt hàng nào tồn kho xuống thấp khách đặt mới và doanh nghiệp mới có được đơn hàng.
Trong cơ cấu thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, đặc biệt là nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ sang Mỹ giảm rất mạnh, do chỉ số nhu cầu nhà ở của Mỹ trong tháng 2/2023 đã giảm 48,1% so với cùng kỳ năm trước, kéo theo nhu cầu nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường này giảm mạnh.
Đặc biệt, Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam tại thị trường Mỹ đối với mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ. Do đó, việc Trung Quốc mở cửa nền kinh tế trở lại cũng gây khó khăn cho các doanh nghiệp gỗ trong năm 2023.
© Ảnh : TTXVN - Vũ Hữu SinhSản phẩm đồ gỗ nội, ngoại thất của Công ty được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Canada, Châu Âu, Nga, Nhật Bản.
Sản phẩm đồ gỗ nội, ngoại thất của Công ty được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Canada, Châu Âu, Nga, Nhật Bản.
© Ảnh : TTXVN - Vũ Hữu Sinh
Trong khi đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu chủ lực đối với ngành gỗ Việt Nam, vì vậy xuất khẩu sang thị trường này giảm mạnh sẽ tác động trực tiếp tới kết quả xuất khẩu chung. Do đó, khả năng tăng trưởng xuất khẩu của ngành gỗ dự báo sẽ kém khả quan trong nửa đầu năm 2023.
Ngoài ra, quy định mới đối với gỗ nếu trồng trên đất phá rừng sau năm 2020 sẽ không được nhập khẩu vào EU theo một thỏa thuận mới đây, cũng sẽ là yếu tố cản trở đà tăng trưởng của ngành gỗ.
Bên cạnh đó, do khó khăn nên các nước tăng cường các hàng rào kỹ thuật, phòng vệ thương mại nên ngành gỗ đối mặt với các vụ kiện về ván dán và các vụ điều tra về mặt hàng tủ bếp và bàn trang điểm đối với thị trường Mỹ.
Cạnh đó, còn một số khó khăn trong quá trình thực thi các cơ chế, chính sách trong nước như: chính sách thuế, bảo hiểm xã hội và tín dụng cho doanh nghiệp.
Kỳ vọng khởi sắc
Trong nửa cuối năm 2023, kỳ vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tích cực hơn khi các nền kinh tế được cải thiện, du lịch tăng cao khiến nhu cầu thay thế các sản phẩm nội thất tại nhà hàng khách sạn gia tăng; hoạt động xây dựng khởi sắc, kéo nhu cầu về đồ nội thất tăng...
Dù vậy, nhiều doanh nghiệp không đặt mục tiêu lợi nhuận mà chỉ cần có đơn hàng để giữ lao động và đủ chi phí trang trải cho hoạt động của nhà máy
Mục tiêu của doanh nghiệp trong nửa đầu năm 2023 là hoà vốn, và hy vọng đến quý III, quý IV thị trường sẽ tốt lên, doanh nghiệp vẫn có sẵn lực lượng để sản xuất.
Để duy trì hoạt động trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, nhiều công ty đã chủ động rà soát lại các chi phí để cắt giảm tối đa; đồng thời tìm những thị trường ngách, đơn hàng nhỏ để duy trì hoạt động, giữ chân công nhân chờ thị trường phục hồi.
Hiệp hội khuyến nghị cần có chính sách cho doanh nghiệp ngành chế biến gỗ và lâm sản giãn nợ đến hạn từ 6 - 12 tháng; có gói tín dụng đặc thù từ Ngân hàng chính sách xã hội để doanh nghiệp trả lương cho công nhân trong năm 2023.