Hàn Quốc có sẵn sàng đánh đổi vũ khí hạt nhân của mình để lấy sự đảm bảo của Mỹ?
05:37 28.04.2023 (Đã cập nhật: 14:53 28.04.2023)
© AP Photo / Charlie RiedelTên lửa đạn đạo liên lục địa Minuteman III của Hoa Kỳ
© AP Photo / Charlie Riedel
Đăng ký
Chuyến thăm cấp nhà nước tới Hoa Kỳ của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã kết thúc. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiếp và hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc tại Nhà Trắng. Hai bên đã ra tuyên bố Washington với nội dung củng cố răn đe mở rộng liên quan tới vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Chuyến thăm của ông Yoon Suk-yeol diễn ra trong bối cảnh Hàn Quốc lo ngại nghiêm trọng về tiềm năng tên lửa hạt nhân của Triều Tiên đang phát triển nhanh chóng. Do đó tuyên bố chung ghi lại sự sẵn sàng của Hoa Kỳ huy động toàn bộ khả năng quân sự của mình, bao gồm cả năng lực hạt nhân, để bảo vệ đồng minh Hàn Quốc trước các mối đe dọa gia tăng từ Triều Tiên.
Tổng thống Biden tái khẳng định rằng, cuộc tấn công hạt nhân của Triều Tiên nhằm vào Hàn Quốc sẽ có phản ứng nhanh chóng và áp đảo bằng mọi phương tiện. Đồng thời, Hoa Kỳ sẽ không triển khai vũ khí hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, nhưng các tàu ngầm hạt nhân của Mỹ sẽ ghé thăm các cảng của Hàn Quốc theo định kỳ. Hai nước Liên minh Mỹ - Hàn cũng thành lập Nhóm Tham Vấn Hạt Nhân (NCG) để thảo luận chi tiết về "răn đe mở rộng", thường xuyên chia sẻ thông tin, lên kế hoạch tập trận chung và xác định cách ứng phó với mối đe dọa hạt nhân.
Chuyến thăm được áp dụng mức độ nghi lễ nhà nước cao nhất
Chính quyền Biden đã áp dụng mức độ nghi lễ nhà nước cao nhất dành cho chuyến thăm này không chỉ vì hai nước kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ đồng minh, - chuyên gia Alexander Vorontsov, Chủ nhiệm Ban Triều Tiên và Mông Cổ Viện Nghiên cứu phương Đông (Viện Hàn lâm Khoa học Nga), cho biết trong cuộc phỏng vấn với Sputnik.
“Trong bối cảnh Triều Tiên đạt được những thành công rõ ràng trong chương trình tên lửa hạt nhân, Hàn Quốc ngày càng lo ngại về an ninh quốc gia. Chính bởi vậy ở Hàn Quốc đang phát triển các phong trào ủng hộ việc Seoul theo đuổi độc lập chương trình vũ khí hạt nhân. Trước đây dư luận trong nước cũng đã nghiêng về hướng này, và gần đây số người ủng hộ phát triển vũ khí hạt nhân độc lập đã tăng lên. Vào tháng 1 năm nay, ông Yoon Suk-yeol lần đầu tiên tuyên bố công khai rằng Hàn Quốc đang xem xét việc chế tạo vũ khí hạt nhân của riêng mình như một lựa chọn. Nhưng, chính quyền Hàn Quốc đã rất lo lắng vì không có phản ứng rõ ràng từ Hoa Kỳ. Câu hỏi đặt ra là: hoặc tạo ra vũ khí hạt nhân của riêng họ hoặc thuyết phục Hoa Kỳ tái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Hàn Quốc."
"Vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ đã từng được triển khai ở Hàn Quốc, nhưng Washington đã rút vũ khí này dưới thời Bush Sr. Nhưng, cả hai phương án này đều không phù hợp với Mỹ. Bởi vì việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên có thể gây ra phản ứng dây chuyền ở Nhật Bản, Đài Loan, v.v. Do đó, Hoa Kỳ muốn để ông Yoon Suk-yeol tái khẳng định cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân. Và điều quan trọng là cam kết này đã được đưa vào Tuyên bố chung”, - chuyên gia Alexander Vorontsov nhận xét.
Theo ông, việc tăng cường hợp tác trong chiến lược răn đe mở rộng của Mỹ, sự hiện diện thường xuyên của vũ khí chiến lược Mỹ trên Bán đảo Triều Tiên cũng như các quyết định chung trong trường hợp có mối đe dọa hạt nhân có thể được coi là sự bù đắp cho việc Hàn Quốc sẽ không tạo ra vũ khí hạt nhân của riêng mình. Mặc dù "những con diều hâu" của Hàn Quốc sẽ không hài lòng với việc các kế hoạch hạt nhân của họ bị bác bỏ.
Đồng thời, Vorontsov tỏ ra nghi ngờ về đoạn cuối của bản tuyên bố chung, trong đó nói rằng "cả hai tổng thống đều có ý định theo đuổi đối thoại và ngoại giao với CHDCND Triều Tiên mà không cần điều kiện tiên quyết như một phương tiện để hướng tới mục tiêu chung là phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên”.
“Hai vị tổng thống đều nói rằng, họ sẵn sàng đàm phán mà không cần điều kiện tiên quyết, nhưng, một điều kiện tiên quyết đã được đưa vào công thức này - đây là phi hạt nhân hóa. Không phải cắt giảm, không phải học thuyết hạt nhân của Bắc Triều Tiên, mà là giải trừ vũ khí hạt nhân hoàn toàn. Nhưng, điều này là không thể chấp nhận được đối với Bình Nhưỡng, vì vậy không thể có cuộc đàm phán nào với CHDCND Triều Tiên”, - chuyên gia Nga lưu ý.
Trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Hàn Quốc, Tổng thống Biden bày tỏ hài lòng với các công việc chung, bao gồm cả thông qua hợp tác ba bên với Nhật Bản. Hai bên cũng nhất trí mở rộng trao đổi sinh viên, cũng như tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh kinh tế, vũ trụ, khoa học lượng tử, không gian mạng và các dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn, công nghệ pin và xe điện.