Việt Nam sẽ yêu cầu TikTok cung cấp ‘vũ khí lợi hại’ nhất của nền tảng video ngắn này

© Depositphotos.com / ChinaImages TikTok
TikTok - Sputnik Việt Nam, 1920, 12.05.2023
Đăng ký
Cùng với việc thanh tra toàn diện TikTok, Việt Nam sẽ yêu cầu TikTok cung cấp thuật toán gợi ý nội dung – vốn được coi là ‘vũ khí lợi hại nhất’ của nền tảng mạng xã hội video ngắn này.
Bộ Thông tin và Truyền thông đang tăng cường hoạt động khóa tài khoản, hội nhóm, trang, kênh có nội dung vi phạm, cũng như thí điểm giám sát, kiểm tra các nền tảng chưa có văn phòng tại Việt Nam, đặc biệt là chặn các kênh Youtube phản động không cho truy cập từ lãnh thổ Việt Nam.

Việt Nam quản lý hiệu quả các nền tảng xuyên biên giới

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng vừa báo cáo kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 75/2022 của Quốc hội về hoạt động chất vấn liên quan đến lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Bộ TT&TT cho biết đang khẩn trương hoàn thiện pháp luật về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, đặc biệt là sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, tên miền, nội dung giải trí trên không gian mạng.
Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý hiệu quả các nền tảng xuyên biên giới, nhất là mạng xã hội.
“Tích cực phối hợp thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động quảng cáo cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam”, - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Lãnh đạo Bộ TT&TT nêu rõ, Việt Nam sẽ có chính sách đẩy mạnh phát triển mạng xã hội trong nước, xây dựng văn hóa mạng lành mạnh, định danh người sử dụng.
Leka, mạng xã hội đầu tiên dành cho Gen Z Việt  - Sputnik Việt Nam, 1920, 05.05.2023
Leka, mạng xã hội đầu tiên cho Gen Z, có thể ‘soán ngôi’ TikTok?
“Rà soát, thanh tra, kiểm tra, tăng cường hoạt động hậu kiểm, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp đăng tải tin giả, thông tin xấu độc trên mạng. Trong năm 2023, Bộ tập trung giải quyết cơ bản và chấn chỉnh tình trạng “báo hóa” tạp chí, trang thông tin điện tử tổng hợp”, - người đứng đầu Bộ TT&TT cho biết.
Cùng với đó, Bộ TT&TT đã yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, Google (Youtube), TikTok... ngăn chặn, gỡ bỏ hàng chục nghìn nội dung vi phạm, gỡ bỏ các hội, nhóm (group) có nội dung không lành mạnh, độc hại với trẻ em, gỡ bỏ 11 tài khoản giả mạo các cá nhân, tổ chức, ngăn chặn các kênh Youtube phản động không cho truy cập từ lãnh thổ Việt Nam.

Việt Nam sẽ yêu cầu TikTok cung cấp thuật toán gợi ý nội dung

Trong báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Việt Nam cũng nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về các giải pháp quản lý thuật toán của mạng xã hội xuyên biên giới, đặc biệt là TikTok.
Qua đó, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đề xuất giải pháp triển khai tại Việt Nam như siết chặt quản lý, yêu cầu cung cấp các thuật toán gợi ý nội dung cho Chính phủ để giám sát việc thu thập dữ liệu.
Việt Nam đặc biệt hướng đến mục tiêu chống gây nghiện, điều hướng thông tin đến người dùng – vốn là thứ ‘vũ khí’ đặc biệt quan trọng trong thuật toán mà TikTok sử dụng.
Giới phân tích của Bloomberg từng gọi TikTok- nền tảng video ngắn của Bytedance là một loại siêu vũ khí có thể tác động tới hành vi của con người, gây ra sự phân tâm hàng loạt. TikTok làm được điều này nhờ vào thuật toán lợi hại – gợi ý nội dung cho chính người dùng.
Cần lưu ý rằng, nếu như Facebook hay Twitter sử dụng thuật toán đề xuất như là một tính năng nâng cao, thì TikTok lại phát triển thuật toán gợi ý nội dung For You làm sản phẩm cốt lõi – để từ đó theo dõi thói quen sử dụng nền tảng, định hướng người dùng.
Một số hình ảnh từ chiến dịch #VaccineSo của TikTok hướng dẫn người dùng cách nhận biết các tính năng an toàn - Sputnik Việt Nam, 1920, 05.05.2023
Kiểm tra toàn diện TikTok Việt Nam từ ngày 15/5
“Nghiện TikTok” khiến người dùng liên tục sử dụng ứng dụng khi các nội dung sẽ hiển thị không ngừng, thu hút và thông qua thuật toán điều chỉnh để đảm bảo người xem không rời ứng dụng."
“Khi đã nhận được tín hiệu về sự thu hút, thuật toán sẽ hiển thị nội dung thôi miên đó lặp đi lặp lại và củng cố dấu ấn trong não người dùng. Do đó, không ít trào lưu gây hại, sai lệch nhưng vẫn lan truyền, khó bị dập tắt trên TikTok”, - Bloomberg phân tích.

TikTok sẵn sàng lắng nghe Chính phủ Việt Nam

Như Sputnik đã đưa tin, từ ngày 15/5, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chủ trì đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam.
Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình, cho biết Bộ Thông tin - Truyền thông sẽ thanh tra TikTok kéo dài đến hết tháng. Từ năm 2019, TikTok có sự phát triển rất mạnh ở thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, việc phát triển mạnh không đi đôi với trách nhiệm để giữ gìn, quản lý nền tảng lành mạnh, an toàn với người dùng.
“Trước đây, nền tảng TikTok chủ yếu thuần túy giải trí, nhưng từ năm 2022 trở lại đây bắt đầu nhiều nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật nghiêm trọng về chính trị, cùng với đó là các nội dung độc hại, rất ảnh hưởng đến trẻ em phát triển mạnh mẽ, tạo thành trào lưu”, - vị lãnh đạo lý giải.
Có 6 sai phạm lớn của TikTok đã được cơ quan quản lý Việt Nam ghi nhận như không có biện pháp kiểm soát hiệu quả những nội dung vi phạm liên quan đến chính trị, chống phá Đảng, Nhà nước, tin giả, nội dung nhảm nhí, độc hại, thậm chí là gây nguy hiểm với trẻ em.
Đáng chú ý, TikTok cũng sử dụng thuật toán phân phối nội dung tự động để tạo xu hướng nhằm phát tán những nội dung giật tít, câu view, bất chấp đó là nội dung độc hại, phản cảm, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng và giới trẻ, cho phép người dùng xem và tặng quà, tặng tiền cho idol, dẫn đến tình trạng nhiều idol TikTok có xu hướng sản xuất những nội dung nhảm nhí, thiếu văn hóa để nhắm vào sự hiếu kỳ của người xem, thậm chí còn tạo "trend" để thu lời từ những nội dung này.
TikTok - Sputnik Việt Nam, 1920, 05.04.2023
Thanh tra TikTok: Cơ hội để TikTok lắng nghe góp ý từ Chính phủ Việt Nam
Thêm nữa, TikTok không có biện pháp kiểm soát hiệu quả để ngăn chặn hoạt động kinh doanh, buôn bán, quảng cáo hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc.
“Các sai phạm của TikTok để lại hệ lụy nghiêm trọng như tạo môi trường thuận lợi cho tin giả phát tán, gây thiệt hại về kinh tế và bất ổn cho xã hội, khuyến khích giới trẻ bắt chước, học theo những trào lưu xấu, phản cảm, làm lệch lạc nhận thức, lối sống của giới trẻ, làm băng hoại giá trị văn hóa của dân tộc, khuyến khích, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh bất hợp pháp”, - ông Lê Quang Tự Do khẳng định.
Đáp lại kế hoạch kiểm tra toàn diện của Bộ Thông tin và Truyền thông, đại diện TikTok Việt Nam cho biết, họ “rất trông chờ đón tiếp đoàn công tác liên ngành” này.
“Đây sẽ là cơ hội để TikTok lắng nghe góp ý từ Chính phủ và có thể hoạt động tốt hơn trong tương lai”, - đại diện TikTok Việt Nam chia sẻ.
Việt Nam mới đây cũng gây chú ý khi đề xuất sẽ định danh người dùng mạng xã hội. Cụ thể, tại phiên giải trình do Ủy ban Tư pháp tổ chức ngày 8/5, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết thời gian tới, vướng mắc khi quản lý, chế tài nền tảng xuyên biên giới sẽ được giải quyết bằng khuôn khổ pháp lý.
Đồng thời, Nghị định của Chính phủ thay thế nghị định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng sẽ được ban hành trong năm nay, yêu cầu chủ tài khoản mạng xã hội thực hiện định danh, dù sử dụng nền tảng của nước ngoài như Facebook, TikTok, YouTube tại Việt Nam.

Bộ TT&TT hạn chế tối đa sim rác

Tại báo cáo, Bộ trưởng Bộ TT&TT cũng cho biết, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giải quyết tình trạng sử dụng SIM rác, Bộ đã ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan, doanh nghiệp viễn thông di động triển khai cơ sở dữ liệu (CSDL) tập trung thuê bao của doanh nghiệp viễn thông với CSDL quốc gia về dân cư để xác thực dữ liệu người dùng.
Bộ TT&TT cũng đề nghị các doanh nghiệp viễn thông di động triển khai các biện pháp rà soát, chuẩn hóa lại thông tin thuê bao đối với các thuê bao có thông tin không trùng khớp sau đối soát với CSDL quốc gia về dân cư, có thông tin không đúng quy định.
Ngoài ra, Bộ TT&TT đã cùng các cơ quan báo chí, các nhà mạng triển khai các biện pháp tuyên truyền, phổ biến cho người dân về việc phòng, chống, xử lý SIM có thông tin không đúng quy định; đề nghị người dân phối hợp với các doanh nghiệp để chuẩn hóa, chính xác thông tin thuê bao, chung tay xử lý vấn đề SIM có thông tin không đúng quy định.
Bộ TT&TT cũng chỉ đạo đơn vị chuyên môn tổ chức giám sát, tiếp nhận các phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác để từ đó có những cảnh báo kịp thời tới người dùng các phương thức, thủ đoạn của những kẻ phát tán tin nhắn rác, cuộc gọi rác thông qua Cổng thông tin điện tử chongthurac.vn.
“Bộ TT&TT đang phối hợp với Bộ Công an hỗ trợ một số doanh nghiệp viễn thông triển khai kết nối theo quy định”, - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin.
TikTok  - Sputnik Việt Nam, 1920, 04.04.2023
Việt Nam có động thái siết chặt quản lý TikTok
Hiện tại, các doanh nghiệp viễn thông di động đang chủ động phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an để triển khai hoàn thiện việc kết nối, đối soát.
Bộ trưởng TT&TT cũng nêu rõ sẽ xử lý triệt để SIM không chính chủ; tiếp tục chủ động có các giải pháp hiệu quả nhằm hạn chế tối đa tình trạng tin nhắn “rác”, cuộc gọi “rác”. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về các rủi ro khi sử dụng SIM “rác”, phát tán tin nhắn “rác”, cuộc gọi “rác.
“Với các tin nhắn, cuộc gọi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, các đơn vị của Bộ TT&TT sẽ tiếp tục phối hợp các cơ quan chức năng của Bộ Công an để xử lý”, - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала