Kỷ vật “vượt thời gian” của Chủ tịch Hồ Chí Minh
© Sputnik / Ha Linh Dép cao su Việt Nam
© Sputnik / Ha Linh
Đăng ký
HÀ NỘI (Sputnik) - Đôi dép cao su đã gắn bó với Bác Hồ, với những chiến sĩ trong suốt chiều dài đấu tranh khốc liệt của dân tộc. Vượt dòng thời gian, trong thời bình dép cao su vẫn là một biểu tượng cho sự kiên cường, ý chí bền bỉ, sáng tạo của thế hệ trẻ người Việt Nam.
Biểu tượng lịch sử
Đôi dép cao su ra đời vào chiến dịch Việt Bắc Thu – Đông năm 1947, được chế tạo từ một chiếc lốp ô tô quân sự của thực dân Pháp, thu được từ cuộc phục kích của bộ đội Việt Minh tại Việt Bắc. Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ, kinh tế gặp khó khăn, cuộc sống vật chất thiếu thốn nên dép cao su được sử dụng rộng rãi từ cán bộ, bộ đội đến nhân dân.
Đi giày vừa nặng vừa gặp nhiều phiền toái, nhất là khi hành quân. Bởi vậy chiến sĩ thường sử dụng dép lốp (dép cao su) khi hành quân, đánh trận. Trời nắng dép nhẹ, dễ di chuyển, trời mưa đường sình lầy thì chỉ cần ít nước rửa bớt bùn là có thể đi tiếp. Trải qua thời gian, dép cao su được coi như chứng nhân của lịch sử, mang linh hồn, cốt cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Từ những bước chân đầu tiên trên con đường tìm ánh sáng độc lập, đôi dép cao su đã gắn bó với Bác Hồ như một người bạn, người cộng sự thân thiết. Đôi dép cao su nâng bước chân Người bôn ba suốt 20 năm đi tìm đường cứu nước và còn được gọi với cái tên thân thương: Đôi dép Bác Hồ.
Đôi dép cao su với hơi thở thời đại mới
Mỗi đôi dép cao su chứa đựng một câu chuyện lịch sử dân tộc. Mỗi kỷ vật Người để lại, đều được thế hệ đi sau nâng niu, gìn giữ và phát huy sáng tạo phù hợp với thời đại mới. Ở đó không chỉ có tình yêu, lòng ngưỡng mộ vị Cha già dân tộc, mà với mỗi người dân Việt Nam, kỷ vật đó là con người Hồ Chí Minh, nhân cách Hồ Chí Minh.
Tại sự kiện “Huyền thoại bước chân”, Sputnik đã có dịp trò chuyện với anh Nguyễn Tiến Cường, người thổi hơi thở đương đại vào đôi dép lịch sử, giúp huyền thoại dép cao su ấy vươn tầm quốc tế.
© Sputnik / Ha Linh Anh Nguyễn Tiến Cường - Người sáng lập và điều hành thương hiệu Vua Dép Lốp
Anh Nguyễn Tiến Cường - Người sáng lập và điều hành thương hiệu Vua Dép Lốp
© Sputnik / Ha Linh
“Tôi thấy được giá trị của đôi dép này. Có lẽ với người khác là đôi dép lốp thông thường, nhưng đối với tôi là một di sản của Việt Nam và thế giới. Bởi đôi dép gắn với cả dân tộc, sức ảnh hưởng của đôi dép chưa nơi nào trên thế giới có. Tôi nhận thấy rằng, đôi dép lịch sử này phải được bán ở một vị trí đặc biệt”, anh Nguyễn Tiến Cường người sáng lập và điều hành thương hiệu Vua Dép Lốp bày tỏ.
Người cha vợ truyền cảm hứng đôi dép cao su cho chủ thương hiệu “Vua dép lốp” không ai khác chính là nghệ nhân Phạm Quang Xuân - người được chọn làm đôi dép cao su Bác Hồ lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh trong suốt mấy chục năm qua.
Kế thừa tinh thần kiên cường, không ngại khó ngại khổ của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như chính linh hồn của đôi dép, ý chí không lùi bước sau những thất bại ban đầu đã giúp anh Cường tìm ra được hướng đi cho sản phẩm dép lốp huyền thoại một thời.
© Sputnik / Ha Linh Dép cao su Việt Nam
Dép cao su Việt Nam
© Sputnik / Ha Linh
Bên cạnh những mẫu dép truyền thống mang giá trị lịch sử như: mẫu dép Bác Hồ; mẫu dép Bác Giáp; mẫu dép Khe Sanh; mẫu dép Giải phóng quân, anh Cường còn phát triển dòng sản phẩm mang giá trị đương đại, cạnh tranh với dép da, dép nhựa, dép xốp.
“Cái khó của chúng tôi là cải tạo vật liệu, chứ cắt từ lốp thông thường sẽ không thể đi xa được, đặc biệt không thể xuất sang các thị trường đòi hỏi cao như Nhật và một số nước khác. Nhưng cuối cùng chúng tôi cũng vượt qua được “hàng rào” đó. Chúng tôi sẽ không dừng lại và đưa đôi dép lịch sử song hành cùng thời đại”, anh Cường chia sẻ.
© Sputnik / Ha Linh Nghệ nhân Nguyễn Văn Trường làm dép lốp Bác Hồ
Nghệ nhân Nguyễn Văn Trường làm dép lốp Bác Hồ
© Sputnik / Ha Linh
Yếu tố tạo nên hồn cốt của nghề truyền thống làm dép lốp, đó là dép phải được làm ra từ lốp xe và phải được làm thủ công. Để làm ra một đôi dép cao su, nghệ nhân hay thợ làm dép sẽ phải thực hiện năm công đoạn: quay lốp thành tấm cao su, khoanh đế dép, khoét đế dép, đục lỗ xâu quai, rút quai dép. Làm dép lốp tưởng đơn giản nhưng để đạt đủ yếu tố bền, thẩm mỹ, tạo cảm giác thoải mái cho người mang đòi hỏi kỹ thuật không đơn giản.
Sau 9 năm hình thành và phát triển, công ty hiện đã có chỗ đứng trên thị trường Canada, Nhật, Đài Loan, Trung Quốc, Pháp. Tại Việt Nam, hàng chục ngàn sản phẩm được bán cho du khách đến từ 70 quốc gia trên khắp thế giới.
Dép 1975, dép 1945, dép 1968, những đôi dép cao su gắn với những mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc dần dần sẽ đi vào tiềm thức của du khách bạn bè 5 châu và cả thế hệ mai sau.
© Sputnik / Ha Linh Người sáng lập và điều hành thương hiệu Vua Dép Lốp, anh Nguyễn Tiến Cường giới thiệu các sản phẩm dép cao su
Người sáng lập và điều hành thương hiệu Vua Dép Lốp, anh Nguyễn Tiến Cường giới thiệu các sản phẩm dép cao su
© Sputnik / Ha Linh
Cho tới ngày nay, dép lốp không chỉ mang giá trị văn hóa - lịch sử, mà còn lan tỏa những câu chuyện về ý chí kiên cường, sức mạnh đoàn kết của những người con đất Việt.