Xảy ra rút tiền hàng loạt ở ngân hàng SCB chưa từng có trong lịch sử, Thống đốc nói
© Depositphotos.com / TKKurikawaNgân hàng Nhà nước Việt Nam.
© Depositphotos.com / TKKurikawa
Đăng ký
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng nêu lại sự cố xảy ra rút tiền hàng loạt tại ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và bài học quan trọng nhất là phải đảm bảo an toàn hệ thống.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, tình trạng rút tiền hàng loạt tại SCB là hiện tượng chưa từng có trong lịch sử, nguy cơ lan truyền tới hệ thống ngân hàng rất lớn. NHNN đã phải ưu tiên vừa ổn định thị trường ngoại hối, vừa phải đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng cũng như chi trả người dân.
Không thể để đồng Việt Nam mất giá quá mạnh
Sáng nay 1/6, phát biểu tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội của Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã giải trình một loạt vấn đề liên quan đến điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, lãi suất và tỷ giá của Việt Nam.
Nhìn nhận lại cả quá trình điều hành lãi suất, tín dụng, chính sách tiền tệ năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, bối cảnh hiện tại rất khó khăn và đầy thách thức.
Nữ Thống đốc chia sẻ mọi nhiệm vụ đều khó, nên mục tiêu ưu tiên của ngân hàng là kiên định giữ ổn định vĩ mô, chính sách tiền tệ và theo dõi sát tình hình.
“Chính sách tiền tệ được giao khá nhiều nhiệm vụ, khó đạt cùng lúc. Ngân hàng Nhà nước kiên định đạt mục tiêu giữ đại cục vĩ mô tiền tệ, theo dõi sát diễn biến tình hình để ứng phó linh hoạt trong từng thời kỳ”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng giãi bày.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phát biểu, với điều hành lãi suất, nhu cầu giảm lãi suất là mong muốn của doanh nghiệp khi vay vốn. Quốc hội và Chính phủ cũng rất quan tâm chỉ đạo, NHNN cũng mong muốn.
“Nhưng điều hành lãi suất cần xem xét trong tổng thể vĩ mô ổn định, đặc biệt là đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh
Trình bày về việc mặt bằng lãi suất năm 2022 tăng cao, theo bà Hồng có 2 lý do chính. Thứ nhất, lãi suất quốc tế tăng nhanh và mạnh, trong nước lạm phát năm 2022 tăng 3,5% (cao hơn 1,84% năm 2021).
Đặc biệt nửa cuối 2022 lạm phát có xu hướng tăng nhanh từng tháng, vì thế điều hành không thể chủ quan với lạm phát.
Bên cạnh đó, áp lực mất giá đồng Việt Nam rất lớn trong 2022, khi các nước thắt chặt chính sách tiền tệ, đồng USD mất giá cũng mạnh.
“Thời điểm tháng 10 đồng Việt Nam mất giá 9 - 10%, nếu không có giải pháp linh hoạt và đồng bộ thì cuối năm đồng Việt Nam không chỉ mất giá có 3,2%”, bà Hồng nêu.
Theo người đứng đầu NHNN, vào thời điểm đó điều hành thị trường rất khó khăn, Thủ tướng phải cập nhật hàng ngày theo báo cáo của Thống đốc.
“Nếu để đồng Việt Nam mất giá trên 10% thì doanh nghiệp vô cùng khó khăn”, Thống đốc lưu ý.
Vụ SCB là ‘sự kiện chưa từng có trong lịch sử’
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhắc lại, doanh nghiệp thâm hụt hàng năm rất lớn, chưa kể sản xuất trong nước phụ thuộc nhập khẩu nguyên vật liệu nước ngoài, tỷ giá tăng thì chi phí đầu vào tăng cao, chắc chắn lạm phát sẽ tăng cao. Doanh nghiệp cũng vay lượng vốn nước ngoài, nghĩa vụ trả nợ sẽ tăng lên.
Người đứng đầu NHNN cũng cho rằng, khi ổn định tỷ giá trở lại, những tháng đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã quyết liệt điều hành lãi suất mặt bằng với 3 lần giảm bình quân 0,9% bình quân so với 2021.
“Với điều hành tín dụng, đại biểu Quốc hội nêu sự kiện rút tiền hàng loạt tại ngân hàng SCB. Đây là sự kiện chưa từng có trong lịch sử, nguy cơ lan rộng ra hệ thống ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước đã quyết định tập trung ưu tiền vừa đảm bảo an toàn ngoại hối, an toàn tổ chức tín dụng và vừa chi trả cho người dân”, bà Hồng nêu.
Bà Hồng nhấn mạnh, việc ưu tiên đảm bảo an toàn hệ thống an toàn trong bối cảnh đó là đúng đắn.
Theo người đứng đầu NHNN, đây cũng chính là lý do không thể điều chỉnh room tín dụng vào tháng 10 năm ngoái.
Sau khi thanh khoản ổn định, Ngân hàng Nhà nước mới điều chỉnh lại tín dụng. Tuy nhiên, bà Hồng cũng cho biết, những diễn biến đổ vỡ ngân hàng tại Mỹ vừa qua cho thấy ưu tiên đảm bảo an ninh hệ thống ngân hàng là rất quan trọng.
“Những giải pháp, liều lượng chính sách và thời điểm đưa ra chính sách đã được NHNN cân nhắc kỹ lưỡng đảm bảo an toàn hệ thống, tạo môi trường kinh doanh, an toàn cho người dân và doanh nghiệp”, Thống đốc nói.
“Dư địa room tín dụng thỏa mái”
Phản hồi lại ý kiến của đại biểu về việc doanh nghiệp khó tiếp cận với vay vốn tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng về cơ bản chính sách cho vay vẫn giữ nguyên. Nhưng năm 2022 tăng trưởng tín dụng là 14,6%, 5 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng khoảng 3%.
“Không thể do chính sách vì chính sách không có gì thay đổi. Dư địa room tín dụng thỏa mái, thanh khoản hệ thống dư thừa. Không có lý do gì các ngân hàng huy động tiền gửi mà không cho doanh nghiệp vay", bà Hồng nêu câu hỏi.
Nêu lý do khó tiếp cận, theo bà Hồng là do một số nhóm doanh nghiệp “không có đầu ra, không có đơn hàng”, vì thế cần tháo gỡ đầu ra cho doanh nghiệp, có giải pháp cải thiện điều kiện vay vốn cũng như bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trong khi đó, liên quan đến tín dụng cho bất động sản, Thống đốc cho biết, tăng trưởng tín dụng vào bất động sản thường cao hơn tăng trưởng chung của nền kinh tế.
“Trong đó, 70% khó khăn của bất động sản là pháp lý, phải tập trung gỡ vướng”, bà Hồng nói Ngân hàng điều hành duy trì thanh khoản dồi dào, giữ nguyên nhóm nợ, cơ cấu nhóm nợ, giảm thủ tục hành chính, cho vay trên cơ sở phương án khả thi, không nhất thiết phải có tài sản đảm bảo để cải thiện tiếp cận tín dụng.
Đối với tiến trình triển khai gói hỗ trợ 2%, Thống đốc Hồng cho biết kết quả vẫn thấp do tâm lý e ngại của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khó đánh giá khả năng phục hồi. Do đó, Chính phủ đồng ý chuyển nguồn này sang giảm thuế VAT.
Gói 120.000 tỷ đồng là gói tín dụng do 4 ngân hàng thương mại tự nguyên tham gia thực hiện xây dựng nhà ở xã hội, người thu nhập thấp đến năm 2030. Nguồn vốn do ngân hàng huy động và lãi suất giảm so với thị trường là từ 1,2 - 2%. Để triển khai thống nhất, Bộ Xây dựng đã có hướng dẫn về vấn đề này.
Đối với việc tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, Thống đốc Hồng khẳng định đây là “việc tồn đọng rất khó xử lý”, bà mong đại biểu thấu hiểu chia sẻ tái cơ cấu trong điều kiện bình thường rất khó, trong điều kiện này còn khó khăn hơn.
“Thủ tướng rất quyết liệt chỉ đạo. Hiện các ngân hàng yếu kém đã trình xin chủ trương. Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện các bước trước khi phê duyệt đề án chi tiết theo đúng chủ trương của cấp có thẩm quyền và theo đúng quy định của pháp luật”, người đứng đầu NHNN cho hay.