Việt Nam được chọn làm cứ điểm sản xuất chip mới

© Depositphotos.com / DragonImagesVi mạch điện tử
Vi mạch điện tử - Sputnik Việt Nam, 1920, 02.06.2023
Đăng ký
Không chỉ được các ‘ông lớn’ ngành chip Mỹ, Đức ưa thích, Việt Nam đang nổi lên như một thị trường lớn cho các nhà sản xuất bán dẫn Hàn Quốc.
Báo cáo của BOK nhấn mạnh, sự hồi phục của nền kinh tế Việt Nam là một yếu tố tạo nên lợi thế cạnh tranh và thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), chưa kể, quốc gia Đông Nam Á này còn có lợi thế nguồn nhân lực kỹ thuật trẻ, chất lượng với chi phí tương đối thấp.

Hàn Quốc chọn Việt Nam làm cứ điểm sản xuất chip

Korea Times dẫn báo cáo của Bank of Korea (BOK) công bố ngày 29/5 vừa qua khẳng định, Việt Nam đang nổi lên như một thị trường lớn cho các nhà sản xuất bán dẫn Hàn Quốc.
Như đã biết, Hàn Quốc, nổi tiếng là một trong những quốc gia có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển hàng đầu thế giới, tuy nhiên, hiện tại, các doanh nghiệp đang theo dõi sát tình hình và cố gắng hạn chế những tác động tiêu cực mà thương chiến Mỹ - Trung gây ra.
Theo báo cáo mới công bố của BOK, trong bối cảnh ngành công nghiệp bán dẫn được xem là một thị trường bùng nổ mạnh mẽ trong thời gian qua, đặc biệt là thời kỳ đại dịch với doanh số bán hàng và giá cổ phiếu của các doanh nghiệp trong ngành đạt mức đỉnh, vị thế của những quốc gia mới nổi như Việt Nam ngày càng được chú ý.
Tuy vậy, sự bùng nổ này đang có xu hướng chững lại khi các nhà sản xuất chip đang đối mặt với vấn đề hàng tồn kho ngày càng tăng trong khi nhu cầu càng thu hẹp. Cùng với đó là những hạn chế mới của Mỹ đối với xuất khẩu chip sang Trung Quốc có khả năng làm trầm trọng thêm tình trạng này.
“Vượt qua tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, cuộc xung đột Nga – Ukraina và lạm phát, GDP năm 2022 của Việt Nam tăng 8,02% so với năm trước đó và đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022”, BOK nhắc lại.
Lắp ráp chip. - Sputnik Việt Nam, 1920, 30.05.2023
Doanh nghiệp hàng đầu về vi mạch của Mỹ giúp TP.HCM phát triển công nghiệp bán dẫn
Đáng chú ý, Việt Nam cũng tạo ra thặng dư thương mại lớn nhất cho Hàn Quốc. Tính đến năm 2022, Trung Quốc chiếm 55% lượng xuất khẩu chất bán dẫn của Hàn Quốc, theo sau là Việt Nam ở mức 12%, Đài Loan (Trung Quốc) và Mỹ lần lượt là 9% và 7%.
Korea Times dẫn số liệu Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cùng Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc cho thấy, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Hàn Quốc năm 2022, tạo ra thặng dư thương mại lớn nhất cho quốc gia này. Con số thặng dư năm 2022 được đưa ra là 34,26 tỷ USD, cao gấp 3 lần năm 2012, thời điểm trước khi hai nước ký hiệp định thương mại tự do 3 năm.
“Việt Nam là nơi đặt cơ sở sản xuất của các nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn trên thế giới. Chất bán dẫn của doanh nghiệp Hàn Quốc được sử dụng làm hàng hoá trung gian tại Việt Nam để sản xuất hàng hoá công nghệ thông tin thành phẩm”, BOK nhấn mạnh.
Hơn nữa, với lợi thế nguồn nhân lực kỹ thuật trẻ, chất lượng với chi phí tương đối thấp, Việt Nam đã thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài xây dựng các cơ sở sản xuất tại quốc gia Đông Nam Á này. Báo cáo dẫn minh chứng, Samsung Electronics của Hàn Quốc đã chuyển cơ sở sản xuất điện thoại thông minh và máy tính sang Việt Nam từ năm 2018.
Hay như Apple cũng đã chuyển các bộ phận của dây chuyền sản xuất iPad từ Trung Quốc sang Việt Nam vào tháng 6/2022. Google cũng đang xem xét việc chuyển địa điểm lắp ráp sang Việt Nam.
“Việt Nam sẽ là nguồn cầu quan trọng cho các nhà sản xuất chip của Hàn Quốc khi nước này vươn lên thành cơ sở sản xuất quốc tế cho các thiết bị công nghệ thông tin. Việc sản xuất chip tại Việt Nam sẽ dành cho xuất khẩu và phục vụ cho việc sản xuất các hàng hoá công nghệ thông tin của Hàn Quốc tại nước này”, báo cáo nhận định.

Ảnh hưởng của thương chiến Mỹ-Trung

Giới chuyên gia nhận định, sự biến động của thị trường bán dẫn đã khiến nhiều công ty Hàn Quốc phải chứng kiến doanh thu và lợi nhuận hoạt động sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Điển hình, nhà sản xuất chip nhớ Samsung Electronics là một trong những công ty chịu ảnh hưởng lớn nhất do nhu cầu chip suy yếu khiến hàng tồn ngày càng tăng cao kéo theo giá chip nhớ của hãng liên tục suy giảm.
Thống kê cho thấy, doanh thu của Samsung Electronics trong 3 tháng đầu năm 2023 đạt 47,6 tỷ USD và lợi nhuận từ hoạt động của công ty chỉ dừng lại ở mức 478,5 triệu USD, thấp hơn so với mức 10,5 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.
Nhân viên làm việc tại nhà máy ở Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 24.05.2023
Để Việt Nam "cắm cờ" thành công trên bản đồ sản xuất chip bán dẫn
Mức lợi nhuận này được xem là thấp nhất kể từ quý 1/2009 của doanh nghiệp. Do đó, nhiều công ty bán dẫn Hàn Quốc như Samsung Electronics và SK Hynix đang nỗ lực đa dạng hoá thị trường xuất khẩu như một cách để thoát khỏi cuộc khủng hoảng bán dẫn này. Họ bắt đầu chú ý đến những thị trường tiềm năng khác như Việt Nam chẳng hạn.
Bank of Korea cũng lưu ý, thị trường chất bán dẫn của Hàn Quốc sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng đáng kể bởi mối quan hệ thương mại căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, do sự phụ thuộc nhiều vào các thị trường này.
BOK dự đoán rằng sự gia tăng tiêu thụ điện thoại thông minh của Trung Quốc và sự phục hồi trong các khoản đầu tư vào trung tâm dữ liệu của Mỹ sẽ quyết định thị phần của các nhà sản xuất chất bán dẫn Hàn Quốc.

“Xét đến mức độ biến động cao hơn của thị trường chất bán dẫn Hàn Quốc, cần phải giảm bớt sự biến động của thị trường bằng cách tăng cường khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực chip không phải bộ nhớ và đa dạng hóa các nguồn nhu cầu”, báo cáo lưu ý.

Ngoài ra, BOK cho rằng, các phản ứng chiến lược là điều cần thiết để giảm thiểu tác động tiêu cực do ảnh hưởng từ mối quan hệ thương mại căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, hai quốc gia chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nhu cầu chất bán dẫn nội địa.

Khó rời bỏ Trung Quốc

Ngành chip Hàn Quốc dù cố gắng cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc khi thị trường đầy biến động, nhưng xu hướng chuyển dịch sản xuất khỏi Trung Quốc không đồng nghĩa với việc rời bỏ thị trường tỷ dân này.
Ông Choo Kyungho, Phó Thủ tướng Hàn Quốc phụ trách vấn đề kinh tế khẳng định gần đây rằng:
“Chúng tôi chưa bao giờ tuyên bố quyết định tách khỏi thị trường Trung Quốc và cũng không có ý định làm như vậy. Sự tăng cường quan hệ với Mỹ không có nghĩa là từ bỏ thị trường Trung Quốc”.
Thực tế, hiện cả Samsung và SK Hynix vẫn được giới chức Mỹ miễn trừ lệnh cấm xuất khẩu thiết bị sản xuất chất bán dẫn tiên tiến sang Trung Quốc cho tới cuối tháng 10.
Tuy nhiên, sau tháng 10, nếu các giải pháp không được đưa ra, cả Samsung và SK Hynix sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, khi hoạt động của các nhà máy của họ tại Trung Quốc sẽ bị hạn chế.
Theo báo Pháp luật TP.HCM dẫn lời ông Đỗ Văn Sử, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), việc chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc cũng không phải mới diễn ra cách đây 2-3 năm mà hơn 15 năm nay rồi, bắt đầu từ nhà đầu tư Nhật và rồi Hàn Quốc.
Hàn Quốc và Mỹ hoàn thành giai đoạn đầu cuộc tập trận lớn nhất lịch sử - Sputnik Việt Nam, 1920, 25.05.2023
Hàn Quốc và Mỹ hoàn thành giai đoạn đầu cuộc tập trận lớn nhất lịch sử
“Tuy nhiên dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc không có nghĩa là nhà đầu tư nước ngoài rời bỏ, ngược lại, còn tăng dòng vốn đầu tư vào thị trường này”, ông Sử lưu ý.
Theo đại diện Cục Đầu tư nước ngoài, các số liệu thống kê cho thấy, từ năm 2018, trong 5 năm qua, bình quân mỗi năm dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc tăng thêm 10 tỷ USD. Năm 2022, dòng vốn FDI vào Trung Quốc đạt đỉnh là 172 tỷ USD, trong khi năm 2018 là 110 tỷ USD.
Các nhà đầu tư châu Âu cũng tăng vốn bình quân vào Trung Quốc là 90%/năm. Điều này cho thấy sức hấp dẫn của thị trường Trung Quốc là rất lớn và nhà đầu tư không từ bỏ được.

“Trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ- Trung, dịch bệnh làm đứt gãy chuỗi cung đã giúp Việt Nam và các nước Đông Nam Á được hưởng lợi từ dịch chuyển này”, ông Sử nhấn mạnh.

Qua khảo sát và tư vấn quốc tế thì đến khoảng 64% nhà đầu tư khi dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc đã lựa chọn khu vực Đông Nam Á và quá nửa trong số đó cân nhắc lựa chọn Việt Nam. Bởi vì Việt Nam có lợi thế lớn về trung tâm logistics, và kết nối được hoạt động sản xuất với Trung Quốc.
“Chúng ta thấy, dịch chuyển của Trung Quốc qua Việt Nam là có, nhưng không có nghĩa là nhà đầu tư rời bỏ Trung Quốc mà chủ yếu cân bằng lợi ích của họ”, chuyên gia thẳng thắn.

Tín hiệu vui khác cho Việt Nam

Hiện tại, Việt Nam đứng thứ 9 trên toàn cầu ở lĩnh vực xuất khẩu hàng điện tử. Với thế mạnh sẵn có này, nhiều chuyên gia khẳng định, Việt Nam có cơ hội trở thành trung tâm sản xuất chip của thế giới, đặc biệt trong bối cảnh nhiều tập đoàn công nghệ lớn như Intel hay Samsung đều tuyên bố kế hoạch đẩy mạnh sản xuất linh kiện bán dẫn ở Việt Nam.
Các báo cáo và hầu hết ý kiến từ chuyên gia đều nhận định, điểm mấu chốt là Việt Nam cần đàm phán với các quốc gia mạnh về chip như Mỹ, Đức, Hàn Quốc hay Nhật Bản để đạt được những thoả thuận hợp tác hỗ trợ chuyển giao công nghệ.
Từ đó, tiến tới việc tự chủ hoàn toàn các công đoạn quan trọng trong quy trình sản xuất bán dẫn, mở sang một trang mới cho nền công nghệ hỗ trợ của Việt Nam.
Mới đây, ngày 31/5, Infineon Technologies AG - doanh nghiệp Đức chuyên về các giải pháp bán dẫn cho hệ thống điện và IoT, đã công bố việc mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam và thành lập trung tâm phát triển chip điện tử tại Hà Nội.
 Chip Micron - Sputnik Việt Nam, 1920, 22.05.2023
Đòn trả thù - Trung Quốc từ chối mua chip từ gã khổng lồ công nghệ Mỹ
Ông C.S. Chua, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Infineon Technologies Châu Á - Thái Bình Dương cho biết, với dân số gần 100 triệu người và cơ cấu dân số trẻ, Việt Nam đang phát triển thành một thị trường trọng điểm và trở thành điểm đến ưu tiên của các tập đoàn đa quốc gia trong việc tìm kiếm nhân tài kỹ thuật.
“Việt Nam nổi lên như một nhân tố quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu của ngành điện tử với các khoản đầu tư kỷ lục vào ngành sản xuất trong những năm gần đây”, ông C.S. Chua tuyên bố.
Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc Infineon Technologies AG lập trung tâm phát triển chip điện tử tại Việt Nam là tín hiệu đáng mừng.
“Trong bối cảnh nhiều khó khăn, các tập đoàn đang sắp xếp lại chuỗi sản xuất, mở ra cơ hội cho nhiều quốc gia bao gồm cả Việt Nam. Nhận thức được xu hướng dịch chuyển này, chúng tôi đã có sự chuẩn bị để đón làn sóng đầu tư”, ông Hoàng khẳng định.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала