Việt Nam: Thủ tướng phát lệnh khởi công đồng loạt 3 dự án trọng điểm quốc gia
© TTXVN - Dương Văn GiangThủ tướng Phạm Minh Chính dự khởi công các dự án đường bộ trọng điểm quốc gia khu vực phía Nam
© TTXVN - Dương Văn Giang
Đăng ký
Lễ khởi công 3 dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 được kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính TP.HCM với các điểm cầu tại tỉnh Đắk Lắk và Bà Rịa-Vũng Tàu hôm nay 18/6.
Thủ tướng yếu cầu bố trí vốn đầy đủ và mặt bằng thi công, bảo đảm chất lượng, tiến độ, không được đội vốn bất hợp lý, không chia nhỏ gói thầu; phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lãng phí ở tất cả các khâu.
Việt Nam vẫn thiếu cao tốc
Giới thiệu tổng quan các dự án từ điểm cầu chính TP.HCM, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết đến nay, ngành GTVT đã đưa vào khai thác sử dụng khoảng 1.729 km đường bộ cao tốc.
Tuy nhiên, vùng động lực kinh tế Đông Nam bộ mới chỉ có 147 km đường cao tốc, vùng tiềm năng Tây nguyên cũng mới chỉ có 19 km đường cao tốc.
Việt Nam đặt mục tiêu sẽ có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc. Do đó, theo Thứ trưởng GTVT Lê Anh Tuấn, các dự án hôm nay đồng loạt triển khai có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội, hình thành tuyến đường vành đai, các trục cao tốc ngang và dọc, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế, các cảng biển, cảng hàng không, đặc biệt là cảng Long Thành, tạo dư địa, tạo động lực và không gian phát triển cho vùng kinh tế trọng điểm phía nam cũng như vùng Tây Nguyên.
Trong đó, dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài hơn 76 km đi qua 4 địa phương TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Dự án được phân chia làm 8 dự án thành phần, mỗi tỉnh, thành phố thực hiện 2 dự án gồm giải phóng mặt bằng và xây lắp. Theo kế hoạch, Dự án đường Vành đai 3 TPHCM sẽ cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.
Đường Vành đai 3 ở giai đoạn hoàn chỉnh sẽ được đầu tư quy mô 8 làn xe cao tốc, cấp đường ô tô cao tốc 100 km/h; đường song hành hai bên (đường đô thị 2 - 3 làn xe), cấp đường ô tô đô thị 60 km/h. Giai đoạn phân kỳ, Dự án được đầu tư quy mô 4 làn xe cao tốc, đường song hành hai bên (đường đô thị 2 - 3 làn xe), đầu tư không liên tục. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là 75.378 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và ngân sách các địa phương.
Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài khoảng 117,5 km, tổng mức đầu tư gần 22.000 tỷ đồng. Dự án được chia làm 3 dự án thành phần, do tỉnh Khánh Hòa, Bộ GTVT và tỉnh Đắk Lắk làm cơ quan chủ quản. Theo kế hoạch, dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 sẽ cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.
Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 có tổng chiều dài gần 54 km. Giai đoạn 1, Dự án được đầu tư quy mô 4 - 6 làn xe theo từng đoạn tuyến, vận tốc thiết kế 100 km/h. Giai đoạn hoàn thiện, tuyến cao tốc sẽ được mở rộng bảo đảm quy mô 6-8 làn xe. Tổng mức đầu tư chung dự án là 17.837 tỷ đồng.
Dự án được chia thành 3 dự án thành phần do tỉnh Đồng Nai, Bộ GTVT và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm cơ quan chủ quản. Theo lộ trình đề ra, Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 sẽ cơ bản hoàn thành năm 2025 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2026.
TP.HCM cam kết mạnh mẽ với Thủ tướng và nhân dân
Ba dự án này nằm trong chuỗi các dự án trọng điểm ngành giao thông được khởi công trong tháng 6/2023. Như Sputnik đã thông tin, Dự án Châu Đốc- Cần Thơ - Sóc Trăng vừa khởi công ngày 17/6.
Theo Chính phủ, dự kiến ngày 25/6, Việt Nam sẽ tiếp tục khởi công Dự án đường vành đai 4 - Vùng Hà Nội với chiều dài hơn 112 km, tổng mức đầu tư hơn 85.000 tỷ đồng, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu (nối Đồng Tháp – Tiền Giang) với chiều dài 27 km, tổng mức đầu tư gần 6.000 tỷ đồng, kết nối 2 tuyến cao tốc huyết mạch của vùng ĐBSCL.
Phát biểu tại lễ khởi công, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, Vành đai 3 TP.HCM là con đường của ý Đảng, lòng dân, con đường kết nối, con đường phát triển. Trong thời gian sắp tới, TP.HCM sẽ tiếp tục tập trung để hoàn tất giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh thi công để công trình được hoàn thành đúng kế hoạch.
"Đại diện lãnh đạo các địa phương trong vùng dự án Vành đai 3, chúng tôi xin cam kết với Thủ tướng Chính phủ, các vị lãnh đạo cùng bà con nhân dân là sẽ phối hợp với các bộ ngành trung ương, các cơ quan có liên quan để theo dõi sát sao, thúc đẩy thường xuyên để công trình đường Vành đai 3 TPHCM thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2025 và hoàn thành trong năm 2026", - Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi nêu rõ.
Việt Nam có thể hoàn thành mục tiêu 3.000 km cao tốc vào năm 2025
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đây là 3 dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông, được chủ trương của Bộ Chính trị, sự phê chuẩn của Quốc hội, sự đồng hành của các địa phương và sự ủng hộ của nhân dân.
Thủ tướng nhắc lại, trong giai đoạn 2000 - 2021, cả nước mới đầu tư đưa vào khai thác 1.163 km đường bộ cao tốc. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc. Như vậy, giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, chúng ta cần phải triển khai đầu tư, xây dựng gấp gần 4 lần số km đường bộ cao tốc đã xây dựng trong hơn 20 năm trước. Trong đó, đến 2025, cần đạt được ít nhất 3.000 km cao tốc và giai đoạn 2026 - 2030 phấn đấu có thêm 2.000 km nữa.
Theo lãnh đạo Chính phủ, từ đầu nhiệm kỳ (2021) đến nay, cả nước đã khánh thành và đưa vào khai thác thêm 566 km đường cao tốc, nâng tổng số đường cao tốc đang khai thác của cả nước lên 1.729 km. Các dự án đang thi công với tổng chiều dài 350 km gồm: 5 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020 dài 229 km; dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ 23 km; dự án Bến Lức - Long Thành 58 km; dự án Tuyên Quang - Phú Thọ 40 km.
Các dự án khởi công từ đầu năm 2023 có tổng chiều dài 1.406 km, gồm: 12 dự án thành phần thuộc đường cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025 dài 729 km; cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang 104 km; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng 188 km; Vành đai 3 TP.HCM 76 km; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu 53,7 km; cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột 117 km; Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội trên 112 km; cao tốc Cao Lãnh - An Hữu 27 km.
Như vậy, cùng với 1.729 km đã đưa vào khai thác và tổng chiều dài đường cao tốc của các dự án đang thi công, đã khởi công đến hết tháng 6/2023 là 1.756 km.
"Nếu quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt thì cơ bản chúng ta có thể hoàn thành mục tiêu cả nước có trên 3.000 km vào năm 2025", - Thủ tướng tin tưởng.
Một số dự án phấn đấu sẽ khởi công từ nay đến năm 2024 có tổng chiều dài khoảng 284 km, gồm: Cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu 65 km; cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh 93 km; cao tốc Dầu Giây - Tân Phú 60 km; cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc 66 km và nhiều dự án đường bộ cao tốc đang được Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục trình cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư (Hữu Nghị - Chi Lăng, Mộc Châu - Sơn La, TP.HCM- Mộc Bài; TP.HCM- Chơn Thành, Chơn Thành - Gia Nghĩa, Bảo Lộc - Liên Khương…). Đây là tiền đề để thực hiện thành công mục tiêu 5.000 km cao tốc vào năm 2030.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, trong nhiệm kỳ này, sẽ huy động khoảng 500.000 tỷ đồng cho các dự án hạ tầng giao thông. Theo Thủ tướng, điều đặc biệt của 3 dự án khởi công hôm nay là các dự án đều được áp dụng cơ chế đặc thù riêng. Bên cạnh đó, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư cho người dân của các dự án này là rất khó khăn, phức tạp, nhạy cảm ở các đô thị lớn như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu...
Thủ tướng biểu dương TPHCM, trong thời gian rất ngắn đã bàn giao mặt bằng để thi công đạt tới 87% (356 ha/410 ha). Đây là cột mốc, là kinh nghiệm quý để triển khai các dự án khác.
"Kết quả này càng minh chứng cho tính đúng đắn của chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, lần đầu tiên giao cho địa phương quản lý một dự án quy mô rất lớn, phức tạp, liên vùng nhưng với quyết tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền và sự chung sức, đồng lòng, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp, dự án đã đạt được thành công bước đầu, rất đáng khích lệ và trân trọng", - người đứng đầu Chính phủ vui mừng nói.
Ông cũng thừa nhận, các cấp, các ngành và các địa phương có dự án đi qua đã phải thực hiện một khối lượng công việc rất lớn từ triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, lập thiết kế kỹ thuật và dự toán, lựa chọn nhà thầu, giải phóng mặt bằng. Trong thời gian rất ngắn khoảng 1 năm so với mức trung bình 2 năm so với cách triển khai thông thường, Bộ GTVT cùng các bộ, ngành, các địa phương, các đơn vị liên quan… đã nỗ lực để khởi công đồng loạt 3 dự án với mục tiêu cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2026.
"Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi các dự án đi qua các khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ với số km đường cao tốc hiện nay còn thấp so với các khu vực khác", - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng biểu dương sự cố gắng nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của các địa phương, các bộ ngành, cơ quan, chính quyền và nhân dân 7 tỉnh, thành phố có dự án đi qua (TP.HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa -Vũng Tàu, Khánh Hòa, Đắk Lắk) đã nỗ lực trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo mọi điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện dự án.
Những yêu cầu quan trọng của Thủ tướng
Nhấn mạnh đây mới chỉ là bước đầu, công việc sắp tới còn rất lớn và nhiều thách thức, Thủ tướng cho biết, phải tiếp tục giải phóng mặt bằng các vị trí còn lại trong đó có nhiều vị trí tập trung đông dân cư, dễ phát sinh các khiếu nại.
Cùng với đó là chuẩn bị khối lượng vật liệu xây dựng, bãi đổ thải rất lớn đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các địa phương trong cấp phép khai thác; thi công khối lượng công trình rất lớn trong khoảng thời gian không dài và chịu ảnh hưởng của các điều kiện thời tiết.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, GTVT, Tài nguyên và Môi trường, các tỉnh, thành phố được giao làm cơ quan chủ quản dự án tập trung quyết liệt chỉ đạo, phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, thi công một cách khoa học, kịp thời, hiệu quả và tổ chức giao thông an toàn, thông suốt, giữ gìn vệ sinh môi trường.
"Đồng thời phải huy động nhân lực, thiết bị máy móc hiện đại để thi công, tuân thủ tuyệt đối những yêu cầu kỹ thuật, quy định của pháp luật liên quan và không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực", - Thủ tướng nêu rõ.
Rút kinh nghiệm từ triển khai các dự án cao tốc giai đoạn trước cần đề cao trách nhiệm chủ đầu tư, nhất là người đứng đầu cần bám sát dự án, quyết liệt trong điều hành, quản lý chất lượng, tiến độ, vốn đầu tư. Đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát phải tăng cường, nâng cao trách nhiệm, thường xuyên kiểm tra, giám sát trên tinh thần vô tư, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Các tỉnh đảm bảo bàn giao 100% diện tích mặt bằng trong quý III/2023, chậm nhất là 31/12/2023. Đặc biệt quan tâm đến công tác tái định cư, hỗ trợ ổn định sản xuất để người dân có nơi ở mới, có công việc mới, có điều kiện mới và sinh kế mới ít nhất phải bằng và tốt hơn nơi cũ. Ông kêu gọi người dân có đất phải thu hồi phục vụ dự án tiếp tục ủng hộ chủ trương lớn của Nhà nước, tạo điều kiện cho các đơn vị, địa phương thi công dự án.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu đối với tất cả các dự án phải đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân, doanh nghiệp, kịp thời khen thưởng khi làm tốt và xử lý nghiêm minh, kịp thời sai phạm.