Nỗi đau da cam: Thế giới cần thấy hậu quả tội ác của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam
© Nguyễn Thị Hương GiangHạ viện Bỉ tổ chức phiên điều trần thông qua dự thảo Nghị quyết ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam
© Nguyễn Thị Hương Giang
Đăng ký
Hạ viện Bỉ vừa tổ chức phiên điều trần nhằm thông qua dự thảo Nghị quyết ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.
Các đại biểu khẳng định, ảnh hưởng của chất độc hóa học đối với môi trường và con người không phải là vấn đề riêng của Việt Nam mà là vấn đề trên toàn thế giới.
Phiên điều trần nhằm kêu gọi sự ủng hộ về tài chính của Chính phủ Bỉ đối với các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam, đồng thời thúc đẩy Hạ viện Bỉ thông qua nghị quyết.
Hạ viện Bỉ điều trần dự thảo Nghị quyết ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam
Phiên điều trần của Hạ viện Bỉ nhằm thông qua dự thảo Nghị quyết ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam do bà Els Van Hoof, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, chủ tọa với sự tham dự của nhiều nghị sĩ.
Theo TTXVN, tham gia phiên điều trần có Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ Nguyễn Văn Thảo, Chủ tịch Hội Hữu nghị Bỉ - Việt Nam Pierre Gréga, Giám đốc điều hành Công ty Công nghệ Haemers - Jan Haemers, nhà văn Pháp André Bouny - Chủ tịch Ủy ban Quốc tế ủng hộ nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam.
Mỹ đã dùng chất độc nhất mà con người biết được từ trước đến nay khi tham chiến tại Việt Nam. Cụ thể, trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, từ năm 1961 đến năm 1971, Quân đội Mỹ đã rải hơn 80 triệu lít chất diệt cỏ, phần lớn là dioxin xuống 1/4 diện tích đất tự nhiên ở miền Nam Việt Nam.
Lượng chất độc dioxin này đã hủy diệt đất đai, môi trường sinh thái và để lại di chứng nặng nề, dai dẳng tới sức khỏe, đời sống con người.
Thống kê cho thấy, khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc da cam, trong đó hơn 3 triệu người được ghi nhận là nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Chưa kể, các di chứng khủng khiếp của nỗi đau da cam di truyền qua nhiều thế hệ người Việt.
Không chỉ có hàng trăm nghìn người đã thiệt mạng, chất độc dioxin còn làm cho con cháu nạn nhân, thậm chí đến thế hệ thứ 4, thứ 5, sinh ra sau chiến tranh hàng chục năm vẫn đang phải vật lộn với các di chứng, bệnh tật hiểm nghèo như liệt, mù lòa, câm điếc, thiểu năng trí tuệ, tâm thần, ung thư, dị dạng, sống đời sống thực vật. Đó là tội ác khủng khiếp của Quân đội Mỹ ở Việt Nam.
Phát biểu của Đại sứ Việt Nam tại Hạ viện Bỉ
Tại phiên điều trần, các đại biểu đã trao đổi với các nghị sĩ là những người đề xuất dự thảo Nghị quyết ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, cũng như các chuyên gia trong lĩnh vực này.
Từ đó để hiểu rõ hơn về dự thảo Nghị quyết, kêu gọi sự ủng hộ về tài chính của Chính phủ Bỉ đối với các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam, đồng thời thúc đẩy Hạ viện Bỉ thông qua nghị quyết.
Phát biểu tại phiên điều trần, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo cho biết ngay sau khi kết thúc chiến tranh, Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã đặt ưu tiên hàng đầu cho công cuộc khắc phục hậu quả.
© TTXVN - Nguyễn Thị Hương GiangHạ viện Bỉ tổ chức phiên điều trần thông qua dự thảo Nghị quyết ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam
Hạ viện Bỉ tổ chức phiên điều trần thông qua dự thảo Nghị quyết ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam
© TTXVN - Nguyễn Thị Hương Giang
Theo Đại sứ Thảo, nhiều chính sách được ban hành để hỗ trợ các nạn nhân chiến tranh, bao gồm các nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Họ được hỗ trợ trực tiếp, điều trị, hưởng chế độ bảo hiểm y tế và các chế độ, chính sách ưu đãi, được nhận trợ cấp, tạo việc làm, ổn định sinh kế dài lâu.
Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chương trình/kế hoạch hành động quốc gia để hỗ trợ các nạn nhân, trong đó có Kế hoạch Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin và thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom, mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam.
Cùng với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, tổ chức quần chúng, doanh nghiệp cũng tích cực triển khai các hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh và hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) được thành lập từ trung ương đến địa phương đã tích cực triển khai nhiều chương trình hỗ trợ nạn nhân như xây dựng các trung tâm nuôi dưỡng, chữa trị, xây nhà tình nghĩa, trợ cấp học bổng, việc làm, cho vay vốn sản xuất…
Đại sứ Nguyễn Văn Thảo nhấn mạnh, ngay sau khi bình thường hóa quan hệ, Chính phủ hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ đã hợp tác chặt chẽ để khắc phục hậu quả chiến tranh, bao gồm hợp tác xử lý dioxin và hỗ trợ người khuyết tật.
Trong đó, về xử lý dioxin, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tiến hành các dự án tại Đà Nẵng và Biên Hòa với tổng vốn viện trợ không hoàn lại gần 300 triệu USD nhằm làm sạch và cô lập an toàn đất.
Đại sứ cho hay, hiện hai bên đang tiếp tục điều chỉnh thỏa thuận viện trợ không hoàn lại giai đoạn tới, dự kiến tăng thêm gần 120 triệu USD.
Về hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Đại sứ Thảo nhấn mạnh, sau nhiều nỗ lực đấu tranh, vận động của Chính phủ và nhân dân Việt Nam, đến nay Chính phủ Mỹ mới đồng ý hỗ trợ người khuyết tật tại 8 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề của chất độc da cam/dioxin với dự án trị giá 65 triệu USD cho giai đoạn 2021-2026.
"Tuy nhiên, việc giải quyết vấn đề chất độc da cam/dioxin còn phức tạp, khó khăn, lâu dài, cần sự chung tay giúp sức của cộng đồng quốc tế", - Đại sứ Việt Nam nêu rõ.
Đại sứ Nguyễn Văn Thảo đánh giá cao Chính phủ và nhân dân Bỉ đã hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong khắc phục hậu quả chiến tranh và xây dựng đất nước thời gian qua bằng nhiều chương trình, dự án hợp tác hiệu quả.
"Đây không phải là vấn đề riêng của Việt Nam mà là vấn đề trên toàn thế giới"
Ông Pierre Gréga, Chủ tịch Hội Hữu nghị Bỉ - Việt Nam, người vừa có chuyến thăm Việt Nam hồi đầu tháng 3/2023, cho biết hiện còn nhiều trẻ em Việt Nam, thậm chí trẻ sơ sinh sống tại các vùng bị nhiễm chất độc, sinh ra không lành lặn.
Ông nhấn mạnh về tầm quan trọng của dự thảo nghị quyết và mong muốn văn bản này được thông qua để giới khoa học tiếp tục phân tích ảnh hưởng của chất độc hóa học đối với môi trường và con người.
"Đây không phải là vấn đề riêng của Việt Nam mà là vấn đề trên toàn thế giới", - ông Gréga nói thẳng.
Phát biểu tại phiên điều trần, nhà văn người Pháp André Bouny, nhà hoạt động xã hội tích cực vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, đã thông tin về những hậu quả của chất độc hóa học mà các nạn nhân Việt Nam đang phải chịu đựng đến nay.
Được biết, ông Bouny cũng là người đồng hành với bà Trần Tố Nga, một nạn nhân chất độc da cam/dioxin, trong hành trình khởi kiện 26 tập đoàn công nghiệp của Mỹ đã sản xuất chất độc và đem đến thử nghiệm trong chiến tranh ở Việt Nam, gây ra những hậu quả kinh hoàng.
Ông Jan Haemers, Giám đốc điều hành Công ty Công nghệ Haemers, cho biết kể từ năm 2022, công ty Haemers của ông đã làm việc với Bộ Quốc phòng Việt Nam trong việc làm sạch đất nhiễm độc tại một số điểm nóng với sự hỗ trợ của Chính phủ Bỉ.
Kết quả kiểm tra của Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên & Môi trường Việt Nam cho thấy đất sau khi được xử lý không còn nhiễm dioxin nữa và sử dụng được trong nông nghiệp. Việc xử lý cũng không gây rác thải ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Thế giới cần biết nhiều hơn về nỗi đau da cam của Việt Nam
Tại phiên điều trần, nghị sĩ André Flahaut, một trong 5 nghị sĩ Bỉ đề xuất dự thảo Nghị quyết ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, cho biết ông thường xuyên có các chuyến công tác tới Việt Nam.
Ông đã tới Việt Nam từ khi lệnh cấm vận của Chính phủ Mỹ chưa được dỡ bỏ, đã tới thăm Làng Hòa Bình, được tận mắt chứng kiến cuộc sống khó khăn của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Ông đã cùng một số nghị sĩ Bỉ đưa ra một dự thảo nghị quyết nhằm kêu gọi Quốc hội Bỉ cũng như Quốc hội Mỹ có chương trình hành động hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, thực hiện việc thải độc đất nhiễm dioxin để trả lại môi trường trong sạch cho người dân Việt Nam.
Nghị sĩ Bỉ hy vọng nghị quyết sẽ được thông qua trong năm nay, nhân dịp 50 thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Bỉ - Việt Nam.
Tại phiên điều trần, bà Els Van Hoof, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Bỉ nêu quan điểm rằng, cần phải thông tin rộng rãi hơn nữa về chất độc da cam/dioxin không chỉ ở Bỉ mà ở cả cấp độ châu Âu để giới chức được biết nhằm tăng cường các nghiên cứu, phân tích tác động của chất độc dioxin đối với môi trường, sức khỏe con người để kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là là các công ty công nghệ, để làm sạch đất nhiễm độc ở Việt Nam.
Theo bà Els Van Hoof, dự thảo Nghị quyết sẽ được đưa ra thảo luận tại phiên họp của Ủy ban này vào cuối tháng 7 đầu tháng 8 tới để sau đó trình Hạ viện tại phiên họp toàn thể đầu tháng 10.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Bỉ cho biết, nếu Nghị quyết được thông qua, Quốc hội Bỉ sẽ là cơ quan lập pháp đầu tiên ở châu Âu ủng hộ vấn đề này.