Mỹ o ép Việt Nam, DOC điều tra cả túi giấy
© Ảnh : Brando Makes Branding on Unsplash Túi giấy
Đăng ký
Mỹ điều tra cả mặt hàng túi giấy của Việt Nam. Theo Bộ Công Thương, sản phẩm túi mua hàng bằng giấy của Việt Nam vừa bị Bộ Thương mại Mỹ (DOC) khởi xướng điều tra chống bán phá giá, với biên độ bán phá giá cáo buộc từ 27,64% đến 92,34%.
Đặc biệt, do Mỹ coi Việt Nam là nước có nền kinh tế phi thị trường, nên DOC sẽ sử dụng các giá trị thay thế của nước thứ ba để tính toán biên độ phá giá cho Việt Nam, trong trường hợp này là Indonesia.
Túi giấy Việt Nam bị Mỹ điều tra
Túi giấy nhập khẩu từ Việt Nam bị yêu cầu điều tra chống bán phá giá tại Mỹ.
Theo thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương ngày 23/6, Hoa Kỳ khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm túi mua hàng bằng giấy nhập khẩu từ Việt Nam.
Cụ thể, trên cơ sở đơn đề nghị điều tra ngày 31/5/2023 của ngành sản xuất nội địa Mỹ, ngày 21/6/2023 Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá với sản phẩm túi mua hàng bằng giấy nhập khẩu từ Việt Nam.
Đáng chú ý, Mỹ không chỉ o ép và phàn nàn về túi giấy Việt Nam. Cùng bị khởi xướng điều tra trong vụ việc mới này của DOC còn có sản phẩm của Campuchia, Trung Quốc, Colombia, Ấn Độ, Malaysia, Bồ Đào Nha, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo DOC, riêng Trung Quốc và Ấn Độ bị phía Mỹ điều tra thêm chống trợ cấp.
Thông tin tới doanh nghiệp, Cục Phòng vệ thương mại cho biết, nguyên đơn trong vụ việc này là Liên minh vì Thương mại Công bằng đối với Túi mua hàng (Mỹ).
Hàng hóa bị điều tra là túi mua hàng bằng giấy có các mã HS 4819.30.0040 và 4819.40.0040.
Thời kỳ điều tra chống bán phá giá (POI) cho Việt Nam từ 1/10/2022 đến 31/3/2023.
Theo thông báo khởi xướng của DOC, biên độ phá giá mà nguyên đơn cáo buộc cho Việt Nam từ 27,64% đến 92,34% (giảm so với cáo buộc ban đầu từ 63,67% đến 128,81%).
Doanh nghiệp túi giấy Việt Nam cần lưu ý gì?
Cục Phòng vệ Thương mại cho biết, DOC đã ban hành bản câu hỏi Lượng và Giá trị cho các doanh nghiệp Việt Nam (gồm 14 doanh nghiệp bị nêu tên trong đơn đề nghị điều tra).
Về quy trình điều tra của DOC, Bộ Công Thương lưu ý, thời hạn để các doanh nghiệp trả lời bản câu hỏi Q&V của DOC là trước 5 giờ chiều (Giờ miền Đông của Mỹ) ngày 5/7/2023.
Trường hợp cần thiết, doanh nghiệp có thể gửi thư xin gia hạn và giải trình lý do trực tiếp tới DOC.
Thông tin chi tiết về quy định đối với việc trả lời bản câu hỏi Q&V Cục Phòng vệ đề nghị các doanh nghiệp đọc kỹ thông báo của DOC.
Thông thường, trên cơ sở thông tin trả lời kết hợp với số liệu của Hải quan Mỹ, DOC sẽ lựa chọn bị đơn bắt buộc của vụ việc (thông thường từ 2-3 công ty). Dự kiến, DOC sẽ lựa chọn bị đơn bắt buộc trong vòng 20 ngày kể từ ngày công bố thông báo khởi xướng điều tra.
Các bị đơn này sẽ tiếp tục tham gia trả lời các bản câu hỏi tiếp theo trong vụ việc và được hưởng mức thuế riêng.
Các công ty không được lựa chọn làm bị đơn bắt buộc có thể đăng ký xin được hưởng mức thuế suất riêng rẽ.
Mỹ chưa coi Việt Nam là nền kinh tế thị trường
Thời hạn để nộp đơn xin được hưởng thuế suất riêng rẽ là 30 ngày kể từ ngày khởi xướng vụ việc. Trong trường hợp không được chấp chận hưởng thuế suất riêng rẽ, các công ty này sẽ chịu mức thuế suất khác do DOC xác định.
“Do Mỹ coi Việt Nam là nước có nền kinh tế phi thị trường, nên DOC sẽ sử dụng các giá trị thay thế của nước thứ ba để tính toán biên độ phá giá cho Việt Nam”, - Bộ Công Thương lưu ý.
Cục Phòng vệ cho biết, trong vụ việc này, nguyên đơn phía Mỹ đề nghị sử dụng Indonesia là nước thay thế, vì cho rằng Indonesia có mức độ phát triển kinh tế tương đồng với Việt Nam và có số lượng đáng kể các nhà sản xuất sản phẩm túi giấy.
Các bên có thời hạn bình luận về nước thay thế trong vòng 30 ngày trước khi DOC ban hành kết luận sơ bộ của vụ việc. Dự kiến, DOC sẽ ban hành kết luận sơ bộ trong vòng 140 ngày kể từ ngày khởi xướng điều tra vụ việc (có thể gia hạn).
“Để đảm bảo quyền lợi chính đáng của mình, doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu sản phẩm liên quan cần theo dõi chặt chẽ diễn biến tiếp theo của vụ việc, chủ động xác định chiến lược kháng kiện phù hợp với doanh nghiệp, đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu”, - Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Doanh nghiệp nên hợp tác đầy đủ với DOC trong suốt quá trình diễn ra vụ việc.
“Bất kỳ hành động thể hiện sự bất hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ có thể dẫn tới việc Cơ quan điều tra Mỹ sử dụng các chứng cứ sẵn có bất lợi hoặc áp dụng mức thuế chống bán phá giá cao nhất cho doanh nghiệp”, - Cục Phòng vệ nhấn mạnh.
Bộ Công Thương cũng đề nghị doanh nghiệp liên quan chủ động đăng ký tài khoản IA ACCESS tại cổng thông tin điện tử của DOC (https://access.trade.gov/login.aspx) nhằm cập nhật thông tin và nộp các văn bản, tài liệu liên quan tới cơ quan điều tra Hoa Kỳ.
Đồng thời, đọc kỹ hướng dẫn của DOC để trả lời và nộp bản trả lời câu hỏi Q&V theo đúng định dạng và thời hạn quy định (hoặc xin gia hạn nếu cần thiết và phải được DOC đồng ý).
“Các doanh nghiệp đã trả lời bản câu hỏi Q&V này nhưng không được lựa chọn làm bị đơn bắt buộc có thể nộp đơn xin hưởng thuế suất riêng rẽ (separate rate). Trong các vụ việc trước đây DOC điều tra, nếu doanh nghiệp không trả lời bản câu hỏi Q&V thì không được DOC xem xét hưởng thuế suất riêng rẽ”, - Bộ Công Thương nhắc lại.
Cục Phòng vệ cũng lưu ý doanh nghiệp thường xuyên phối hợp, cập nhật thông tin cho Cục Phòng vệ thương mại để nhận được sự hỗ trợ kịp thời.
Đề nghị Mỹ công bằng với Việt Nam
Như Sputnik đề cập, mặc dù kim ngạch thương mại với Mỹ của Việt Nam đạt tới 100 tỷ USD, đây là “mỏ vàng” xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt nhưng cũng đồng thời là thị trường khởi xướng các vụ điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với hàng Việt Nam.
Khi quy mô xuất khẩu ngày càng lớn, các biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa Việt Nam sẽ không ngừng gia tăng. Do đó, Bộ Công Thương cùng các chuyên gia đều khuyến nghị, doanh nghiệp cần theo dõi những biến động của từng ngành hàng xuất khẩu, lưu trữ hồ sơ, dữ liệu đầy đủ để chủ động ứng phó.
Phát biểu tại buổi tiếp Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken hồi tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh hai bên cần tiếp tục nỗ lực thúc đẩy trao đổi thương mại hài hòa, bền vững.
Thủ tướng đề nghị Mỹ hạn chế các biện pháp áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp và các biện pháp không cần thiết khác đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là hàng nông sản, đồ gỗ, điều tác động trực tiếp đến việc làm và sinh kế của người dân.