Thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế nhận hối lộ 253 lần, còn ai chưa lộ mặt?

© Ảnh : TTXVN - Phạm Trung KiênBị cáo Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trướng Bộ Y tế khai báo trước toà.
Bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trướng Bộ Y tế khai báo trước toà. - Sputnik Việt Nam, 1920, 11.07.2023
Đăng ký
Phạm Trung Kiên là thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế, bị cáo buộc 253 lần nhận hối lộ với số tiền trên 42 tỷ đồng. Kiên thậm chí còn quát thẳng vào mặt chủ doanh nghiệp ngay tại phòng họp của Bộ Y tế, hét giá 150 triệu đồng/chuyến bay.
Đối với đại án chuyến bay giải cứu, dự kiến, cơ quan tố tụng tiếp tục làm rõ về hành vi nhận tiền của nhiều cán bộ, lãnh đạo sai phạm liên quan đến quân đội, đến Nguyễn Quang Linh - cựu Trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ và một số người khác được nhận tiền bồi dưỡng ở Bộ Ngoại giao khi tổ chức các chuyến bay về nước.

Quát thẳng đòi tiền ngay ở phòng họp Bộ Y tế

Sau gần 1 ngày công bố cáo trạng dài 102 trang truy tố 54 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu”, cuối giờ chiều nay (11/7), phiên tòa chuyển sang phần thẩm vấn.
Để đảm bảo tính khách quan, Chủ tọa phiên tòa Vũ Quang Huy yêu cầu cách ly 3 bị cáo, là Nguyễn Thị Hương Lan - cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao; Trần Minh Tuấn - Giám đốc Công ty Xây dựng Thái Hòa và Hoàng Văn Hưng - cựu trưởng phòng Cơ quan ANĐT Bộ Công an.
Được hỏi về lý do đưa hối lộ, bị cáo Đào Minh Dương (Chủ tịch Công ty Vijasun) khai, bị cáo này bị 2 người ép đưa tiền là Vũ Anh Tuấn (cựu cán bộ Công an) và Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế).
Chủ tịch Công ty Vijasun Đào Minh Dương khai, bị cáo nộp hồ sơ cho 4 Bộ và nộp tại Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao.
Lúc xin cấp phép, ban đầu bị cáo không đưa tiền và bị gây khó khăn. Bị cáo Dương khẳng định Vijasun bị từ chối cấp phép rất nhiều lần.
Bà Hương Lan - cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao - gây khó dễ, ép phải đưa tiền.
“Ban đầu bị cáo nhất quyết không đưa tiền thì bị đưa vào tình thế khó khăn cùng cực”, bị cáo Dương khẳng định.
© TTXVN - Bùi Lâm KhánhLực lượng chức năng dẫn giải các bị cáo tới phiên toà xét xử.
Lực lượng chức năng dẫn giải các bị cáo tới phiên toà xét xử. - Sputnik Việt Nam, 1920, 11.07.2023
Lực lượng chức năng dẫn giải các bị cáo tới phiên toà xét xử.
Sau khi bị gây khó khăn, bị cáo có đến gặp Phạm Trung Kiên, khi đó là Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế.
Ông Kiên yêu cầu muốn tổ chức chuyến bay thì phải nộp 150 triệu đồng mỗi chuyến, không có thì không được phê duyệt.
“Kiên quát, bảo các anh làm ăn phải nộp mỗi người mấy triệu. Tôi biết các anh đưa tiền cho anh Tuấn thì cũng phải đưa cho tôi 150 triệu một chuyến. Đưa cho tôi cũng được hoặc đưa cho anh Tuấn cũng được”, cựu Chủ tịch Vijasun kể lại bị cựu Thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế quát thẳng tại phòng họp của Bộ này.
Bị cáo Tuấn khi ấy cũng đòi 150 triệu đồng/chuyến bay. Theo Dương, bị cáo Vũ Anh Tuấn (cựu công an) nói:
“Em không cần tiền của các anh nhưng các anh không đưa để em đưa sếp thì chuyến bay không được duyệt”.
Theo lời khai của đại diện doanh nghiệp, bị cáo Kiên và Tuấn yêu cầu đưa hơn 3 tỷ đồng cho 17 chuyến bay mà doanh nghiệp của Dương được cấp phép, nhưng bị cáo này đã phải tìm cách “trốn tránh”, chỉ đưa cho Kiên 1,1 tỷ đồng, và đưa cho Tuấn 1,6 tỷ đồng.

Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế nhận hối lộ 253 lần

Như đã biết, trong vụ án chuyến bay giải cứu này, trong số các bị cáo bị cáo buộc nhận hối lộ, Phạm Trung Kiên, chỉ là thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế nhưng đã nhận hối lộ 253 lần. Đây cũng là bị cáo nhận hối lộ nhiều nhất, lên tới 42,6 tỷ đồng.
Kết luận của cơ quan điều tra xác định, Phạm Trung Kiên có nhiệm vụ tiếp nhận, trình Thứ trưởng duyệt, ký văn bản trả lời liên quan đến việc cho ý kiến xét duyệt các chuyến bay theo đề nghị của Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Khi thực hiện nhiệm vụ, Phạm Trung Kiên yêu cầu đại diện các doanh nghiệp, cá nhân chi tiền từ 50-200 triệu đồng cho mỗi chuyến bay hoặc từ 500 nghìn đồng đến 2 triệu đồng mỗi hành khách. Đối với khách lẻ, chi phí này là từ 7-15 triệu đồng/người.
Trong đó, tháng 7/2021, Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky, đến liên hệ và được Kiên đồng ý giúp trình ký duyệt cấp phép các chuyến bay.
Phạm Trung Kiên yêu cầu Hằng phải chi 150 triệu đồng cho mỗi chuyến bay. Tháng 9/2021, khi gặp Lê Hồng Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Bluesky, Phạm Trung Kiên cũng yêu cầu Sơn phải chi 150 triệu đồng mỗi chuyến bay, theo báo Pháp luật TP.HCM. Sau đó, bị cáo đã nhận tiền bảy lần, tổng số tiền 6 tỷ đồng của Nguyễn Thị Thanh Hằng, Lê Hồng Sơn để trình ký cấp phép 40 chuyến bay.
© TTXVN - Phạm Trung KiênCác bị cáo tại phiên toà trong ngày đầu tiên xét xử.
Các bị cáo tại phiên toà trong ngày đầu tiên xét xử. - Sputnik Việt Nam, 1920, 11.07.2023
Các bị cáo tại phiên toà trong ngày đầu tiên xét xử.
Công ty Vijasun của Đào Minh Dương cũng đến liên hệ và nhờ bị cáo Kiên giúp giải quyết việc cấp phép chuyến bay.
Như đã đề cập, Kiên yêu cầu Đào Minh Dương (Giám đốc công ty) chi 150 triệu đồng mỗi chuyến bay. Dương thỏa thuận xin bớt và được Kiên đồng ý giảm còn 100 triệu đồng mỗi chuyến bay. Sau đó, bị cáo đã nhận hối lộ ba lần tổng cộng 1,1 tỷ đồng.
Vào tháng 9/2020, Vũ Hồng Quang, cán bộ Cục Hàng không Việt Nam liên hệ, nhờ Kiên giúp trình ký cho các khách lẻ được về nước thì bị cáo đồng ý và tiếp tục yêu cầu phải chi tiền từ 7-15 triệu đồng mỗi khách.
Từ tháng 9/2020 đến tháng 5/2021, Phạm Trung Kiên đã nhận hối lộ qua chuyển khoản của Vũ Hồng Quang 114 lần tổng cộng 7,4 tỷ đồng. Kiên còn khai được nhận chuyển khoản 62 lần của đại diện doanh nghiệp với số tiền 7,3 tỷ đồng để trình ký cho khách lẻ về nước. Khi nhận tiền, bị cáo thường nhận tại trụ sở cơ quan, hoặc chuyển khoản. Một số lần, bị cáo nhờ mẹ vợ là bà Nguyễn Bích Ngọc nhận hộ.
CQĐT xác định quá trình giải quyết cấp phép các chuyến bay, từ tháng 2/2021 đến tháng 12/2021, Phạm Trung Kiên đã nhận hối lộ của 18 cá nhân đại diện doanh nghiệp và một số khách lẻ. Sau khi vụ án được khởi tố, bị cáo Kiên đã chuyển khoản trả lại cho các cá nhân đại diện các doanh nghiệp 12,2 tỷ đồng.
Cơ quan công tố nêu rõ, thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế có tình tiết tăng nặng là phạm tội nhiều lần, lợi dụng hoàn cảnh dịch bệnh để phạm tội và truy tố bị cáo tội nhận hối lộ với khung hình phạt cao nhất là tử hình.

Cựu lãnh đạo Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao làm khó chủ doanh nghiệp

Kể rõ hơn về việc xin thực hiện nhiều chuyến bay giải cứu nhưng do không đưa tiền nên bị “làm khó”, mỗi lần nộp hồ sơ tại Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao.
“Bị cáo từng bị cán bộ của Cục Lãnh sự và Bộ GTVT gây khó khăn, không duyệt chuyến bay. Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan còn gây khó khăn, bảo đưa tiền nhưng bị cáo không đưa nên sát một ngày mới cấp phép, khó khăn cùng cực”, lãnh đạo doanh nghiệp nêu rõ.
Bị cáo phân tích, khi thực hiện các chuyến bay, phải thế chấp 30% tiền thuê tàu bay trước cả tháng, rồi phải nộp đủ tiền trước 1 tuần khi được cấp phép và mỗi lần thuê máy bay từ 6 – 9 tỷ đồng.
Cán bộ, công chức, viên chức mong sớm cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Trung ương - Sputnik Việt Nam, 1920, 10.07.2023
Gần 4 vạn công chức Việt Nam bỏ việc
“Cục Lãnh sự gây khó khăn. Công dân ở nước ngoài muốn về phải trả tiền nhà, xin nghỉ việc, gửi đồ đạc mà cứ mai bay nay mới biết mình được về”, Dương khai tại toà.
Chủ tịch Công ty Vijasun Đào Minh Dương cũng khai về bị cáo khác nhận hối lộ của mình là Vũ Ngọc Minh - cựu Đại sứ tại Angola.
Theo đó tại Angola không có các hãng hàng không nên muốn được hạ cánh đón người, phải có đại diện ngoại giao cấp bay.
“Tôi nhờ và Minh (cựu Đại sứ tại Angola) đồng ý hỗ trợ với 3 điều kiện, gồm phải cho danh sách người về; Minh duyệt họ mới được về và mỗi người về phải nộp cho Minh 3 triệu đồng”, bị cáo Dương khai và cho biết thêm là đã đưa cho vị cựu đại sứ này gần 900 triệu đồng.
Trong quá trình điều tra, Đào Minh Dương và gia đình nộp 600 triệu đồng khắc phục hậu quả.

Hối lộ chỉ để cảm ơn

Bị cáo Nguyễn Thị Dung Hạnh (Giám đốc Công ty G19 Việt Nam) khai, doanh nghiệp này có tổ chức “chuyến bay giải cứu”.
Bị cáo liên hệ với Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế và Cục Xuất nhập cảnh Bộ Công an. Ở Bộ Ngoại giao có gặp bị cáo Đỗ Hoàng Tùng; Bộ Y tế gặp bị cáo Kiên; còn ở Cục Xuất nhập cảnh thì gặp bị cáo Tuấn. Ngoài ra còn gặp Lưu Tuấn Dũng trong tình huống khác, không trao đổi công việc.
Bị cáo Dung Hạnh cho biết, bản thân bị cáo này không bị gây khó dễ trong việc xin cấp phép các chuyến bay.
“Người bên Bộ Ngoại giao không có ai yêu cầu và từ chối quà bị cáo đưa, vì thế bị cáo liên lạc Hương Lan, Hoàng Tùng để mong đưa quà cảm ơn tới mọi người nhưng đều từ chối” – bị cáo Hạnh nói.
Theo Giám đốc Công ty G19 Việt Nam, do rất muốn gửi quà cảm ơn đến những người đã hỗ trợ cấp phép tổ chức các “chuyến bay giải cứu” nên bị cáo Hạnh sau đó phải nhờ một người chuyển giúp. Và người này rất khó tính nên bị cáo gói kín tiền và bên trên có vật phẩm khác để đưa đến một số cá nhân.
Theo đó, người được bị cáo Hạnh gửi tiền cảm ơn là bị cáo Đỗ Hoàng Tùng, Lê Tuấn Anh, Lưu Tuấn Dũng (2 lần), mỗi lần 300 triệu. Bị cáo Hạnh cũng đưa cho Kiên 1,2 tỷ đồng cùng với mục đích cảm ơn.

“Bị cáo tham khảo thông tin bên ngoài, các công ty từng làm nói khi được cấp phép nên có quà cảm ơn cho mọi người”, bà Hạnh bày tỏ.

Khi được hỏi về nhận thức của bản thân khi thực hiện hành vi đưa hối lộ, nữ giám đốc doanh nghiệp cho rằng, thời điểm đó đơn giản chỉ nghĩ làm ăn được nên cảm ơn. Mãi về sau được Cơ quan điều tra giải thích thì bị cáo này mới hiểu đó là hành vi đưa hối lộ.
Đại tá Đinh Văn Nơi - Sputnik Việt Nam, 1920, 10.07.2023
Thiếu tướng Đinh Văn Nơi được trao Huân chương Chiến công hạng Nhất

Còn ai chưa lộ mặt?

Ngày 11/7, thông tin trên báo Công an nhân dân cho hay, vụ án chưa dừng lại ở đây, bởi còn nhiều người và nhiều tình tiết có dấu hiệu sai phạm liên quan “chuyến bay giải cứu” chưa được làm rõ.
Đáng chú ý, đối với bị cáo Nguyễn Quang Linh (cựu Trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ), bị cáo Linh được xác định có hành vi nhận hối lộ hơn 4,2 tỷ đồng. Quá trình điều tra, bị cáo Linh khai, đã đưa một phần số tiền này cho người khác. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ lời khai này ở giai đoạn hai của vụ án.
Đối với bị cáo Nguyễn Thanh Hải (cựu Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế, Văn phòng Chính phủ) cùng cấp dưới là bị cáo Nguyễn Tiến Thân được cơ quan tố tụng xác định, đã nhận hối lộ hơn 3,4 tỷ đồng và 10.000 USD. Bị cáo Nguyễn Tiến Thân chủ động khai đã nhận tiền của một số doanh nghiệp khác và sự việc này cũng đang được tiếp tục được điều tra ở giai đoạn hai của vụ án.
Đối với Bộ Ngoại giao, ngoài các bị cáo đang hầu tòa, cơ quan điều tra xác định, còn một số người khác được nhận “tiền bồi dưỡng” khi tổ chức các chuyến bay đưa người về nước trong dịch COVID-19 nên cũng sẽ được tiếp tục làm rõ.
Ở tỉnh Hải Dương, bị cáo Bùi Huy Hoàng (cựu chuyên viên Bộ Y tế) khai, từng đưa 650 triệu đồng cho bà Lê Thị Phượng, Phó trưởng Phòng thuộc UBND tỉnh Hải Dương.
Cơ quan tố tụng cho biết, chưa có đủ căn cứ xác định bà Lê Thị Phượng có nhận tiền hay không nên tiếp tục điều tra, làm rõ.
Một người khác bị xác định có hành vi môi giới hối lộ trong vụ án này, nhưng đang bỏ trốn là Trần Thị Hà Liên (lao động tự do). Bà Liên được xác định giúp đưa tiền cho bị cáo Vũ Sỹ Cường (cựu cán bộ tham mưu Cục Quản lý Xuất nhập cảnh). Hành vi này sẽ được làm rõ khi bà Liên đầu thú hoặc bị bắt.
Trước đó, các hành vi liên quan đến những cá nhân thuộc Quân đội đã được Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an chuyển hồ sơ sang Bộ Quốc phòng để xử lý theo thẩm quyền.
Được biết, liên quan đến các chuyến bay giải cứu, Bộ Quốc phòng có trách nhiệm bố trí cơ sở cách ly y tế đối với những công dân cách ly tại cơ sở quân đội; đồng thời tiếp nhận, đề xuất, xem xét, cho ý kiến phê duyệt kế hoạch tổ chức các chuyến bay giải cứu theo đề xuất của Bộ Ngoại giao.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала