Việt Nam có kho báu lớn thứ hai thế giới
© Ảnh : Public domainĐất hiếm
© Ảnh : Public domain
Đăng ký
Kho báu lớn thứ hai thế giới mà Việt Nam đang sử hữu được xem là “vũ khí chiến lược” làm gia tăng cạnh tranh sức mạnh quốc gia của các cường quốc công nghiệp hàng đầu hành tinh, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc.
Việt Nam có nguồn đất hiếm lớn thứ 2 thế giới và loại khoáng sản đặc biệt quan trọng của ngành công nghiệp sản xuất hiện đại này ngày càng thu hút giới đầu tư. Hàn Quốc đã tính đến kế hoạch chọn Việt Nam là đối tác khai thác đất hiếm.
Đến nay, Hàn Quốc và Việt Nam đã có thỏa thuận, biên bản ghi nhớ thành lập trung tâm chuỗi cung ứng Việt Nam - Hàn Quốc về đất hiếm và khoáng sản cốt lõi.
Nâng kim ngạch thương mại Việt – Hàn lên 150 tỷ USD
Như Sputnik đã thông tin, trên nền tảng quan hệ đặc biệt giữa Hà Nội và Seoul, thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc liên tục phát triển mạnh mẽ nhờ cơ cấu xuất nhập khẩu của hai nước bổ sung cho nhau và không có sự cạnh tranh trực tiếp.
Sau hơn 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc, quan hệ hai nước ngày càng phát triển tốt đẹp và đạt một dấu mốc mới bằng việc nhất trí nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện từ tháng 12 năm 2022.
Hiện nay, Hàn Quốc là nhà đầu tư trực tiếp số 1 tại Việt Nam với vốn đăng ký đầu tư đạt trên 80 tỷ USD. Về thương mại, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam-Hàn Quốc trong năm 2022 đạt khoảng 87 tỷ USD, tăng khoảng 11% so với mức 78,1 tỷ USD năm 2021. Năm 2023, hai Bên phấn đấu hoàn thành mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD và hướng tới mục tiêu 150 tỷ USD vào năm 2030.
Hôm 21/7, Korea Times dẫn thông tin từ hãng thông tấn Yonhap cho biết Hàn Quốc, Việt Nam tập trung nguồn lực nhằm nỗ lực tăng gấp đôi kim ngạch thương mại song phương vào năm 2030.
“Hàn Quốc và Việt Nam sẽ thành lập các cơ quan chuyên trách thúc đẩy xúc tiến thương mại hướng đến mục tiêu tăng gấp đôi kim ngạch trao đổi song phương lên 150 tỷ USD vào năm 2030”, - Bộ Công nghiệp Hàn Quốc nêu rõ trong thông cáo phát đi hôm thứ Sáu.
Theo truyền thông Hàn, Bộ Công nghiệp, thương mại và tài nguyên Hàn Quốc ngày 21/7 đã tổ chức hội nghị thảo luận về các biện pháp thực hiện nội dung biên bản ghi nhớ (MOU) về việc nâng kim ngạch thương mại Hàn-Việt lên 150 tỷ USD cho tới năm 2030. Sự kiện cũng ghi nhận sự tham dự của các quan chức thương mại từ Đại sứ quán Việt Nam tại Seoul.
Biên bản ghi nhớ trên đã được Bộ Công nghiệp ký kết với Bộ Công Thương của Việt Nam vào ngày 23/6 vừa qua tại Hà Nội, dưới sự tham dự của lãnh đạo thượng đỉnh hai nước, nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Yoon Suk Yeol đến Hà Nội.
Tháng trước, trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Yoon Suk Yeol, hai nước ký một biên bản ghi nhớ (MOU) để thành lập nhóm chuyên trách "Hàn Quốc+ tại Việt Nam" đối với chính quyền Seoul và nhóm "Việt Nam+ tại Hàn Quốc" do chính phủ Việt Nam triển khai, sẽ chịu trách nhiệm trao đổi thông tin về tình hình thương mại và công nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu và tìm kiếm cơ hội kinh doanh mạnh mẽ hơn.
Theo Đài KBS, với cơ chế đặc biệt này, mỗi bên lập ra một cơ cấu hỗ trợ cấp Vụ trưởng trở lên, trực thuộc Ủy ban Công nghiệp Hàn-Việt cấp Bộ trưởng, thiết lập mục tiêu mở rộng quy mô thương mại lên 150 tỷ USD cho tới năm 2030, đồng thời tiến hành kiểm tra và hỗ trợ quá trình thực hiện.
Kho báu đất hiếm lớn thứ hai thế giới
Các quan chức hai nước cũng thảo luận về cách hỗ trợ thực hiện hơn 100 biên bản MOU đã ký vào tháng trước giữa các tổ chức chính phủ và doanh nghiệp, công ty tư nhân sau hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Yoon Suk Yeol và Chủ tịch Việt Nam Võ Văn Thưởng ở Hà Nội.
Đài KBS nhấn mạnh, cuộc họp đầu tiên cùng ngày có sự tham dự của Vụ trưởng Hợp tác thương mại Bộ Công nghiệp Kim Jong-cheol (vai trò Chủ tịch), Tùy viên Thương mại thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, đại diện Cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA), Phòng Thương mại và công nghiệp Hàn Quốc (KORCHAM) và Hiệp hội thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA).
Các bên kỳ vọng biên bản ghi nhớ giữa hai nước nếu được triển khai thành công sẽ đóng góp vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc.
Về phía Chính phủ Việt Nam dự kiến cũng sẽ tiến hành tổ chức cuộc họp tương tự với sự tham gia của Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi Bộ Công Thương (đóng vai trò Chủ tịch), Tùy viên Thương mại Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, đại diện Văn phòng KOTRA, KORCHAM và KITA tại Việt Nam, dự kiến hỗ trợ cho doanh nghiệp Hàn Quốc xúc tiến đầu tư, làm ăn lâu dài tại Việt Nam.
"Hàn Quốc và Việt Nam sẽ tổ chức một họp cấp Bộ trưởng vào cuối năm nay để tăng cường đối thoại, tìm biện pháp thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ song phương và hợp tác thương mại-đầu tư”, - Bộ Công nghiệp Hàn Quốc nhấn mạnh.
Bộ Công nghiệp, thương mại và tài nguyên Hàn Quốc nêu bật việc Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ ba của Hàn Quốc vào năm 2022 và hai bên có nhiều cơ hội hợp tác hơn nữa trong các ngành rộng lớn hơn, đặc biệt là hợp tác trong lĩnh vực khoáng sản vì Việt Nam là quốc gia giàu đất hiếm thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc.
“Việt Nam hiện có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai trên thế giới”, - Bộ Công nghiệp Hàn Quốc cho biết.
Vũ khí chiến lược
Như đã biết, đất hiếm là một loại khoáng sản đặc biệt, gồm 17 loại vật chất có từ tính và tính điện hoá đặc thù.
Liên minh Quốc tế về Hóa học cơ bản và Hóa học ứng dụng (UIPAC) cho hay, đất hiếm là một nhóm hợp chất gồm 17 nguyên tố hóa học. Các hợp chất đất hiếm được ví như “vũ khí của thế kỷ”, “vitamin của công nghiệp hiện đại”, “muối của cuộc sống”, đặc biệt trong cuộc cách mạng công nghệ cao 4.0.
Nguyên tố đất hiếm có vai trò rất quan trọng và là vật liệu chiến lược đối với sự phát triển của các ngành kỹ thuật mũi nhọn, công nghệ cao như hàng không vũ trụ, vũ khí quân sự, hạt nhân, điện, điện tử, quang học, laser, vật liệu siêu dẫn, chất phát quang, năng lượng mới.
Đất hiếm có thể được dùng để sản xuất các chất xúc tác, nam châm, hợp kim, bột mài, gốm, chất phát quang, chế tạo các máy điện thoại di động, ổ đĩa cứng máy tính… vì chính vai trò đặc biệt quan trọng của đất hiếm mà loại khoáng sản này bỗng trở thành thứ vũ khí chiến lược làm gia tăng tính cạnh tranh của các cường quốc công nghiệp hàng đầu hàng tinh.
Hiện nay, trên 25% công nghệ mới phải dựa vào đất hiếm, đặc biệt là sản xuất các con chíp điện tử. Do đó, khai thác, dự trữ và sử dụng đất hiếm đang là một “lá bài” chiến lược mà quốc gia nào dẫn đầu sẽ chiếm được ưu thế lớn trong cạnh tranh gia tăng sức mạnh quốc gia, theo Nikkei.
Trước đó, như Sputnik đã đề cập, theo số liệu của Cục Khảo sát địa chất Mỹ, trữ lượng và tài nguyên đất hiếm ở Việt Nam đạt khoảng 22 triệu tấn, đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc.
Năm quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới là Trung Quốc (44 triệu tấn), Việt Nam (22 triệu tấn), Brazil (21 triệu tấn), Nga (21 triệu tấn), Ấn Độ (6,9 triệu tấn).
Trong nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay, đất hiếm tại Việt Nam phân bố chủ yếu ở vùng Tây Bắc với những mỏ đất hiếm như Đông Pao, Nam Nậm Xe, Bắc Nậm Xe, Yên Phú đã được thăm dò và xác định giá trị kinh tế.
Cơ quan địa chất cũng lưu ý, khu vực Tây Bắc tồn tại rất phong phú các đá magma kiềm, á kiềm giàu các nguyên tố đất hiếm, đây là các điều kiện thuận lợi để hình thành các mỏ đất hiếm.
Ngoài ra, các mỏ đất hiếm gốc tập trung ở Lai Châu, Lào Cai hay Yên Bái. Mỏ đất hiếm kiểu quặng gốc ở Đông Pao, xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu có trữ lượng lớn nhất cả nước, có thể khai thác theo quy mô công nghiệp.
Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Phú Thọ, Thanh Hóa, Lào Cai điều tra, xác minh tình trạng khai thác, mua bán trái phép đất hiếm với số lượng lớn.
“Đây là hoạt động có tính chất phức tạp, giá trị khối lượng khoáng sản lớn. Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các tỉnh khẩn trương chỉ đạo lực lượng chức năng điều tra, xác minh thông tin, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm”, - Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên lưu ý.