Đưa Việt Nam vào vị trí tối ưu trong cục diện quốc tế mới với chính sách ‘4 không’
19:44 02.08.2023 (Đã cập nhật: 20:49 02.08.2023)
© Ảnh : Báo điện tử Chính phủ/Nhat BacThủ tướng Việt Nam Phạm Minh Trinh
© Ảnh : Báo điện tử Chính phủ/Nhat Bac
Đăng ký
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, đây là lúc mà Việt Nam cần tranh thủ hiệu quả các quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện để đưa được đất nước vào vị trí tối ưu trong cục diện quốc tế mới, huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển đất nước.
Việt Nam kiên định thực hiện chính sách quốc phòng "4 không", đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá.
Vị thế chưa từng có
Ngày 2/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW về hội nhập quốc tế (gọi tắt là Nghị quyết 22).
Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, thực tiễn triển khai Nghị quyết 22 trong 10 năm qua đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần đưa đất nước đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, như đánh giá của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng:
“Chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Nghị quyết 22 mang lại chuyển biến lớn về nhận thức cũng như chuyển biến lớn về hành động, từ hội nhập kinh tế quốc tế là chủ yếu sang hội nhập quốc tế chủ động, toàn diện, sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực. Từ đó dẫn đến những kết quả rất rõ nét trong nâng cao vị thế, tiềm lực đất nước, mở rộng quan hệ quốc tế.
Đến nay, Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 200 nước. Từ năm 2013 đến nay, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với 7 nước lên đối tác chiến lược hoặc đối tác chiến lược toàn diện và 7 nước lên đối tác toàn diện, góp phần tạo ra mạng lưới đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với 33 nước, trong đó có tất cả các nước lớn.
Việt Nam đã chính thức tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình, ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) với sự tham gia của khoảng 60 nền kinh tế.
Năm 2022, tổng trị giá xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 730 tỷ USD. Thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2019 - 2022, năm 2022 đạt 431 tỷ USD...
Còn nhiều cơ hội
Tuy nhiên, ngoài các thành tựu to lớn, việc triển khai nghị quyết vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như vai trò của Nhà nước trong khuyến khích và tạo môi trường thuận lợi cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia hội nhập có lúc chưa thực sự hiệu quả. Việc triển khai các thỏa thuận, cam kết quốc tế còn hạn chế.
Mức độ vươn ra thế giới, tỷ lệ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp Việt Nam còn khiêm tốn. Dù sức mạnh tổng hợp quốc gia tăng lên nhưng nhiều chỉ số, thứ bậc về năng lực cạnh tranh quốc gia, chất lượng tăng trưởng của Việt Nam so với các nước ASEAN không có nhiều thay đổi sau 10 năm.
Chất lượng nguồn nhân lực, mức độ kết nối giữa các khu vực kinh tế FDI và quốc nội. Liên kết giữa các vùng, miền trong nước chưa đạt như kỳ vọng.
“Chúng ta còn nhiều tiềm năng, dư địa, cơ hội về hợp tác quốc tế để tiếp tục tranh thủ, phát huy”, - Thủ tướng khẳng định.
Để Việt Nam đủ khả năng thích ứng trước mọi biến động từ bên ngoài
Nêu bài học kinh nghiệm trong triển khai hội nhập sắp tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, phải coi hội nhập quốc tế thực sự là vấn đề chiến lược, là sự nghiệp của toàn dân và của cả hệ thống chính trị.
Nỗ lực tạo các điều kiện thuận lợi hơn nữa cả về cơ chế, chính sách và nguồn lực để phát huy vai trò trung tâm của người dân và doanh nghiệp. Lãnh đạo Chính phủ đánh giá:
“Hội nhập quốc tế vừa là cơ hội, vừa có thách thức, là việc khó, nhạy cảm nhưng không thể không làm”.
Để làm được, cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, hiệu quả; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó, ông nhấn mạnh, nội lực là cơ bản, quyết định, lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá.
Phải coi hội nhập quốc tế chính là một động lực quan trọng để đổi mới và phát triển. Gắn kết chặt chẽ quá trình hội nhập quốc tế với việc nâng cao năng lực tự chủ, sức cạnh tranh, sức chống chịu và khả năng thích ứng của Việt Nam trước mọi biến động từ bên ngoài.
Phải nắm chắc tình hình, bối cảnh quốc tế và nhu cầu phát triển ở trong nước; bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Thủ tướng lưu ý, triển khai công tác hội nhập phải hết sức nhanh nhạy, chủ động, kịp thời, với tư duy dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, quyết liệt hành động trên tinh thần đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, đồng thời "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ"; "dĩ bất biến ứng vạn biến"...
Cần vận dụng sáng tạo 3 trụ cột trong xây dựng và bảo vệ đất nước (xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa).
Chính sách quốc phòng "4 không"
Theo lãnh đạo Chính phủ, Việt Nam tiếp tục thực hiện, cụ thể hóa đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy, thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
“Thực hiện chính sách quốc phòng "4 không" (không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế); đưa hội nhập thực sự trở thành một động lực mạnh mẽ giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững”, - người đứng đầu Chính phủ nêu lại.
Theo Thủ tướng, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, Việt Nam đã mở rộng về lượng, tham gia nhiều tầng nấc hội nhập khác nhau cả song phương và đa phương.
“Đây là thời điểm để chúng ta duy trì, củng cố các thành tựu đã đạt được và tạo ra được các bước phát triển mới về chất, tranh thủ hiệu quả các xu thế mới về cách mạng công nghiệp lần thứ 4, về chuyển dịch, tái sắp xếp các chuỗi cung ứng, các mạng lưới FTA mà Việt Nam đã tham gia, các quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện để đưa được đất nước vào vị trí tối ưu trong cục diện quốc tế mới và tranh thủ tối đa các nguồn lực cho phát triển đất nước”, - lãnh đạo Chính phủ bày tỏ.
Cùng với đó, cần triển khai hiệu quả, nghiêm túc, đầy đủ các thỏa thuận và cam kết quốc tế, cả song phương và đa phương trên tinh thần "đã nói là phải làm, đã cam kết là phải thực hiện, đã thực hiện là phải có kết quả, cân đo đong đếm được".